Cổ sử Trung Hoa cho biết sau khi Hạ Khải mất con là Thái Khang lên nối ngôi. Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự. Hậu Nghệ thường đi theo phục vụ Thái Khang. Thấy Thái Khang bỏ bê triều chính, Hậu Nghệ nảy sinh ý định giành ngôi.
Một hôm Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc. Hậu Nghệ bí mật tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó mang quân ra chặn bờ sông, phong toả lối về của Thái Khang. Thái Khang bị buộc phải lưu lạc đến hết đời.
Thần thoại Trung Hoa thì kể Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Một hôm, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời. Ngọc Hoàng thấy các con trai của ông đã chết bèn trừng phạt Hậu Nghệ bằng cách đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới.
Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Khi ông đi vắng, Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và, vô tình Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh. Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi đến Mặt Trăng.
Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. “Bất tử” không phải là do dân gian tôn sùng mà thành như cách giải thích ngày nay. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ đã phải vượt muôn ngàn gian khổ mới đến gặp và xin được thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu về.
Khi so sánh câu chuyện của hai vị thần bất tử Hằng Nga – Hậu Nghệ với với các vị thần bất tử nước Nam thì chợt nhận ra đây cũng là chính chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Rõ nhất là liên hệ về ngôn ngữ: Hậu – Chậu – Chử. Liên hệ này tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.
Còn có từ Chư hầu, chỉ rõ mối liên hệ Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép).
Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố thiết Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.
Hậu Nghệ là người đã làm gián đoạn nhà Hạ, đuổi Hạ Thái Khang lưu lạc nơi đất Lạc. 40 năm sau nhà Hạ phải tới Thiếu Khang mới lại trung hưng. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử cũng kể về vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, thể hiện một cuộc đụng độ đã xảy ra. Việc Chử Đồng Tử lấy Tiên Dung con gái vua Hùng mà không được vua cha đồng ý là chỉ việc Chử Đồng Tử – Hậu Nghệ đã chiếm ngôi của Thái Khang.
Như đã từng xác định, Chử Đồng Tử là vị Tứ bất tử xếp hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh nhưng trước Đổng Thiên Vương. Nghĩa là Chử Đồng Tử ở vào quãng sau Đại Vũ nhà Hạ tới trước thời Chu của Lão Tử. Hậu Nghệ cũng là nhân vật lịch sử ở đúng thời kỳ này. Phép thần trượng lạp (gậy nón) của Chử Đồng Tử cho thấy đây là một nhân vật ở thời kỳ rất sớm trong lịch sử vì gậy nón là hình ảnh của Âm Dương, tức là khi quan niệm Dịch học vẫn còn khá đơn giản.
Hậu Nghệ đi tìm thuốc trường sinh gặp Tây Vương Mẫu cho thuốc tiên. Hậu Nghệ nghĩa là vị Hầu ở xứ Nghệ, cũng là nơi tu hành của Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử đi vào đất Quỳnh Lâm (Nghệ An) gặp lão Phật Quang và được gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.
Hằng Nga uống thuốc và bất ngờ bay lên tận cung trăng. Còn vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì một đêm cũng bay về trời ở đầm Nhất Dạ. Thì ra chị Hằng ở cung trăng lại chính là công chúa Tiên Dung.
Câu đối ở đền thờ Chử Đồng Tử tại Đa Hòa, (Khoái Châu, Hưng Yên) mô tả:
化境是何年自然為洲一夜成澤
奇緑曠千古人間夫婦天上神仙
Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch
Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên.
Dịch:
Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch
Kỳ duyên trùm thiên cổ, nhân gian chồng vợ, lên trời biến thần tiên.
Hoành phi ở trước chính điện đền Đa Hòa.
Một trong những công tích khác của Hậu Nghệ là đã diệt con mãng xà khổng lồ (con Tu Xà hay Ba Xà) ở hồ Động Đình. Đoạn kể này về Hậu Nghệ rất giống truyền thuyết Việt về Lạc Long Quân diệt ngư tinh. Hồ Động Đình tức là biển Đông. Ba Xà hay Tu Xà đều có nghĩa là con rắn ở phía Đông vì Ba (3) là số chỉ phương Đông trong Hà thư, Tu hay Từ là tính chất từ ái của phương Đông.
Thời Hậu Nghệ là thời Hạ, khi nhà Hạ còn đang ở vùng Động Đình – biển Đông nên chắc chắn vẫn còn được lưu giữ trong truyền thuyết Việt Nam, dưới câu chuyện của vị thần bất tử Chử Đạo Tổ. Những mẩu thần thoại Trung Hoa, càng kể về những sự tích lâu đời thì lại càng có liên hệ trực tiếp với khu vực nước Nam…
Hậu Nghệ bắn rụng 9 mặt trời, chỉ còn lại 1. Hằng Nga uống thuốc tiên mà bay vào cung trăng… Ý ở đây là chỉ Hậu Nghệ đã tiếm quyền của vua (bắn cửu trùng, 9 mặt trời). Và Hậu Nghệ Hằng Nga đã nắm được Âm Dương (mặt trăng, mặt trời), cũng giống như Chử Đồng Từ và Tiên Dung có gậy nón (vuông tròn), có thể cải tử hoàn sinh.
LikeLike