Ất Sơn Thánh Vương

Đền Hùng ở Phú Thọ, ngôi đền tổ của cả nước, thờ Tam vị Thánh tổ Hùng Vương là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn. Đức Đột Ngột Cao Sơn có một số nơi được thờ riêng như ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) hoặc xã Đình Chu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Dựa vào Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả, Đột Ngột Cao Sơn đã xác định là vị vua Hùng đầu tiên, được gọi là Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương. Vị vua Hùng đầu tiên mở sử Việt là Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ. Vậy còn 2 vị vua tổ Viễn Sơn và Ất Sơn là ai?

IMG_5550Nhóm Đền miếu Việt và cụ Hoàng Văn Sinh, 97 tuổi ở xã An Đạo, Phù Ninh, Phú Thọ.

Trong quá trình đi tìm bản Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, chúng tôi có đến xã An Đạo, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, là nơi từng sao chép cuốn ngọc phả này. Nói chuyện với một cụ cao tuổi ở xã thì được biết, nơi đây từng có đình trong làng thờ các vị Hùng Vương và ngôi miếu bên sông gọi là miếu Bến. Cụ cũng cho biết, các vua Hùng xưa không gọi theo thứ tự 1, 2, 3 mà dùng các can chi, nên làng này thờ vị Ất Sơn Thánh Vương. Đến ngày hội làng, ngai vị Ất Sơn được rước từ đình ra miếu Bến. Trên bờ trong miếu làm lễ, dưới sông Lô đua thuyền bơi chải, vui như hội.

Như vậy xã An Đạo xưa là một trong những nơi chỉ thờ riêng Ất Sơn trong 3 vị vua Hùng thánh tổ. Tương tự, ở đình Hùng Lô gần đó, cũng là nơi chỉ thờ 2 vị Viễn Sơn và Ất Sơn. Ở khu vực này, tục thờ Ất Sơn gắn với dòng sông Lô uốn khúc tại đây.

IMG_5930Đình cổ Quang Tất.

Phía bên kia bờ sông Lô, tục thờ Ất Sơn thấy có ở xã Nhạo Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Đi xa hơn nữa, lên đến khu vực giáp sông Lô của huyện Sơn Dương thì việc thờ 3 vị vua Hùng Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn rất phổ biến. Ví dụ ở đình Quang Tất (Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang), khác với ở đền Hùng, vị vua thứ 2 ở đây có tên là U Sơn. Cụ thủ từ đình Quang Tất cho biết, trước đây ở bên đình có 2 ông ngựa trắng và hồng bằng gỗ, đến ngày hội, dân làng kéo 2 ông ngựa này ra Mả Vua ở ngòi nước dưới chân núi Lịch để làm lễ. Vị vua trên núi Lịch cũng chính là một trong những vị vua Hùng được thờ ở đình.

Đây là thông tin rất đặc biệt, bởi vì núi Lịch ở Tuyên Quang theo ghi chép của Lê Quý Đôn, là nơi có Đế Thuấn đi cày và trên núi có đền thờ Đế Nghiêu. Như vậy, phải chăng Đế Nghiêu và Đế Thuấn chính là 2 trong số 3 vị vua Hùng quốc tổ được thờ ở chân núi Lịch?

IMG_5967Đền Ất Sơn sau bóng 2 cây đa cổ thụ.

Đặc biệt hơn nữa, không xa đình Quang Tất còn có ngôi đền cổ không biết từ bao giờ. Ngôi đền mang tên đền Ất Sơn. Thực sự là một điều bất ngờ, một bằng chứng đến hiển nhiên. Khu vực này không có ngọn núi nào khác ngoài núi Lịch cho nên Ất Sơn chính là tên chỉ núi Lịch hoặc chỉ vị thần gắn với sự tích của núi Lịch.

Đền Ất Sơn cũng giống như ở đình Quang Tất thờ 3 vị vua Hùng là Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Đây là nơi còn giữ được lễ hội Cầu đinh cầu lão cổ xưa với nhiều trò tích diễn. Khi được hỏi vì sao đền có tên là Ất Sơn thì cụ thủ từ cho biết nơi đây vốn từng mang tên này, sau cách mạng mới đổi thành châu Tự Do. Tra lại địa bạ cũ thì ra nơi đây vốn là tổng Át Sơn. Như thế những chữ Ất – Át – Út Sơn đều chỉ là một vị thần, vị vua Hùng thứ 3 trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương.

IMG_6005Long ngai bài vị đền Ất Sơn.

Đi lên xa hơn một chút là đình Thọ Vực (Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng là nơi thờ 3 vị Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Lễ hội đình Thọ Vực nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều trò diễn. Đặc biệt trong đó có trò diễn Vua đi cày, diễn tả lại sự tích vua Hùng xuống đồng tại đây.

Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết xã Yên Lịch ở dưới núi cũng có miếu Đế Thuấn, 6 xã trong 1 tổng cùng phụng thờ. Ruộng này nằm ở phía bên phải xứ Ngòi Vực, rộng chừng 1 trượng, khá dài. Nước sông Lô mùa thu thường tràn vào. Tương truyền, ở bên bến sông này Đế Thuấn làm đồ gốm… Ở đó cũng có miếu Đế Thuấn, trước miếu có ruộng hè, rộng chừng vài mẫu, khá sâu. Người ta cho đó xưa là đầm Lôi, nơi Đế Thuấn đánh cá và cày ruộng.

IMG_6047Đình Thọ Vực ở xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Trò diễn Vua đi cày ở đình Thọ Vực do đó chính là diễn tả lại sự tích Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn. Đây là một điển tích có từ lâu đời trong văn hóa Trung Hoa, vì Đế Thuấn là gương đầu tiên trong Nhị thập tứ hiếu. Truyện cổ như sau:

Ngu Thuấn là con ông Cổ Tẩu, tính tình rất có hiếu. Cha Thuấn là người hung bạo, không phân biệt được hay dỡ nên người đời gọi là Cổ Tẩu, tức xem như kẻ mù, mắt không có con ngươi. Mẹ kế tối ngày rầm rĩ, sanh ra đứa con đặt tên là Tượng, một đứa trẻ ngổ nghịch, kiêu căng. Cha thường đài Thuấn đi cày ở đất Lịch Sơn vốn có nhiều thú dữ, nhưng khi tới nơi thì có đàn voi ra cày giúp, có chim muông đến nhặt cỏ giùm. Lòng hiếu của Thuấn đã cảm hóa được những loài vật đó. 

Vua Nghiêu nghe được điều ấy rồi sắp xếp mọi việc để họp bàn với quần thần về người đàn ông này. Khi rõ mọi việc vua Nghiêu đã gã hai con gái cho Thuấn. Sau thời gian theo dõi vua Nghiêu thấy vừa lòng mà nhường thiên hạ, truyền ngôi vua lại cho Thuấn. 

Lịch Sơn nơi Đế Thuấn đi cày chính là núi Lịch ở Sơn Dương, Tuyên Quang. Đế Thuấn được người dân thờ là Ất Sơn Thánh vương. Và như vậy vị vua Hùng thứ hai trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương chắc chắn phải là Đế Nghiêu.

IMG_6248Núi Lịch nhìn từ cánh đồng thôn An Lịch.

Địa danh Yên Lịch xưa đến nay vẫn còn, trong tên thôn An Lịch của xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang). Trước đây được gọi là tổng An Lịch. Nơi này nằm dưới chân núi Lịch, là một vùng ruộng lúa khá rộng. Đây chính là đầm Sấm hay Lôi Trạch được nói đến trong truyền thuyết về Đế Thuấn.

Người dân ở An Lịch vẫn lưu truyền rằng trên núi Lịch có di tích của Đế Thuấn. Trên núi có một ao nước rộng chỉ 5-6m nhưng rất sâu. Xung quanh có những cây quýt tươi tốt. Người bản địa cho biết, quả của cây này có thể hái ăn, nhưng nếu chỉ nhỡ cất một quả trong túi mang về thì sẽ như bị che mắt, đi vòng quanh 7 lần không ra được khu ao Trời đó.

IMG_6215 (2)Thác nước chảy từ núi Lịch và đền Đát ở chân núi.

Lời người dân ở đây hoàn toàn khớp với những gì mà Lê Quý Đôn đã chép về núi Lịch: Núi Lịch ở xã Yên Lịch huyện Sơn Dương, từ núi Sư Khổng ở huyện Đương Đạo mà chạy xuống, tới nơi đất bằng thì đột ngột nổi lên một ngọn núi có 5-6 đỉnh, giăng ngang ra chia thành một nhánh tới Lập Thạch là Lãng Sơn, môt nhánh tới Tam Dương là núi Hoàng Chỉ. Trong núi Lịch ở đỉnh cao nhất có 5-6 chỗ bằng phẳng như đền đài, có động Đế Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái ăn, nhưng không được mang đi. Ai mang đi sẽ bị lạc vào mê lộ, không thể ra được. Phía trên động Đế Thuấn có đền Đế Nghiêu, cúng bằng cỗ chay. 

Những di tích thờ Hùng Vương ở chân núi Lịch đã cho phép xác định Ất Sơn Thánh vương chính là Đế Thuấn, còn Viễn Sơn hay U Sơn Thánh vương là Đế Nghiêu. Điều này cũng dẫn đến một xác nhận khác, 2 vị công chúa họ Hùng được thờ cùng với Tam vị Thánh tổ Hùng Vương chính là 2 con gái của Đế Nghiêu đã gả cho Đế Thuấn (hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh). Ở các di tích, 2 vị công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung này được thờ bằng ban Hai Cô, hoặc trở thánh 2 vị “thành hoàng”, thờ cùng với 3 vị Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Khu vực ven sông Lô của huyện Phù Ninh có tục thờ Ất Sơn và Hai Cô chính là bởi đây là nơi Đế Thuấn rước dâu qua sông, từ vùng kinh đô ở Việt Trì về miền quê núi Lịch.

Thông tin di tích ở Lịch Sơn cũng trùng khớp với chỉ dẫn huyệt mộ trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Thậm chí Ngọc phả nói rõ lăng mộ ở chân núi Lịch Sơn của Sơn Dương bên đầm (Lôi Trạch):

Ba huyện Sơn Dương, Tam Dương, Tây Lan của phủ Đoan Hùng phụng thờ (vì Hoàng Đế lập lăng điện tôn quý ở đầu núi Tam Đảo, Bạch Long, ở giữa mộ phần Tây Thiên, Phù Nghĩa có 2 huyệt, cùng lăng điện tôn quý trên các đỉnh núi hiểm Sơn Dương, Lịch Sơn, ở trong núi dưới chùa là lăng tôn quý ở bên đầm).

IMG_6261 (2)Nơi từng là nền đình và chùa An Lịch.

Xem tới đây, còn có thể nhận ra, việc gọi các vị thần thời Hùng Vương là Sơn ở khu vực miền đất tổ thực ra Sơn không hề nghĩa là núi. Sơn ở đây tương đương với nghĩa là “quốc tổ”. Ta có:

  1. Đột Ngột Cao Sơn = Thái Tổ Hùng Vương, tức Đế Minh hay Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên.
  2. Viễn Sơn = Viễn Tổ Hùng Vương, tức Đế Nghi hay Đế Nghiêu
  3. Ất Sơn = Út Tổ Hùng Vương, tức Lộc Tục hay Đế Thuấn.

Thời đại Hùng Vương dựng nước được bắt đầu bởi ba vị vua tổ, mở nước giúp dân.

Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.

(Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả)

Ban doBản đồ các địa danh trong bài.

Văn tế Thánh tổ Hùng Vương

IMG_1091

Văn tế của làng Trẹo, thôn Triệu Phú, Hy Cương, Phú Thọ. Làng này thờ các vua Hùng trên đền Trung của núi Nghĩa Lĩnh. Văn tế dùng cho ngày 1 tháng 8 âm lịch.

Cung duy Thánh vương
Nhật nguyệt chung quang, càn khôn dựng tú.
Thiên khải Viêm Bang, sơ đầu Thánh tổ.
Trị quốc an dân, kiến nghi xã tắc.
Thiết lập kỷ cương, bảo vệ sơn hà.
Lịch kiến quốc tự Xích Quỷ, Nam Giao, chí Văn Lang kế tục.
Chí kim sơn hà thượng thử, chư di tích đắc bảo tồn Nghĩa Lĩnh sơn thượng.
Bách tính tử tôn, nhật thiêm đa thịnh vượng.
Dân phú quốc cường, địa bàn thiêm quảng đại.
Hùng Thị thập bát thế tương truyền di dân hương hỏa tôn phụng tổ tiên.
Bảo toàn di tích, bảo vệ giang sơn
Dân tư di chúc, thực hiện ngôn truyền, thiên vạn niên bất dịch.
Đệ niên dĩ kỳ trại vi lệ.
Thích trị thu thiên, nhật phùng sơ nhất.
Nhân Vương tổ thân chinh thám vấn chư phương thắng trận.
Dân hân hoan tác tịch nghinh Vương, bài loan nghinh giá.
Xướng ca vi lạc, phụng sự thánh vương.
Lai nhật quân thần thượng lộ.
Dân hoan hỉ hợp đồng tái tịch.
Kim nhật cáo lễ, kỳ phúc kỳ an
Kỳ ủng hộ nhân khang vật thịnh.
Thiên hạ thái bình, thiên tĩnh hải trừng.
Phù hộ đồng điền phong đăng hòa cốc
Chư nhân đắc an khang trường thọ.
Tư Thánh tổ công ân thiên hải
Tử tôn nguyện vạn đại bất vong.

Thực lại
Thánh vương phù trì chi đại đức dã !

Nho văn:

恭惟聖王
日月鍾光,乾坤孕秀
天啟炎邦,初頭聖祖
治國安民,建宜社稷
設立紀綱,保衛山河。
歷建國自赤鬼,南交,至文郎繼續。
至金山河尚此,諸遺跡得保存義嶺山上。
百姓子孫,日添多盛旺。
民富國彊,地盤添廣大。
雄氏十八世相傳貽民香火尊奉祖先。
保全遺跡,保衛江山
民思貽囑,寔現言傳,千萬年不易。
遞年以祈賽為例。
適值秋天,日逢初一。
因王祖親征探問諸方勝陣。
民訢歡作席迎王,排鵉迎駕。
唱歌為樂,奉事聖王。
來日君臣上路。
民歡喜合仝再席。
今日告禮,祈福祈安
祈擁護人康勿盛。
天下太平,天靜海澄。
扶護同田丯登和穀
諸人得安康長壽。
思聖祖功恩天海
子孫願萬代不忘。
寔賴
聖王扶持之大德也!

Hùng Vương thế hệ khảo

Bia sach

Cuốn Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu tầm ở đền Vân Luông (Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ) đã cung cấp rất đầy đủ thông tin về thế thứ các triều đại Hùng Vương trong sử Việt. Tuy nhiên, để có thể hiểu đúng Ngọc phả, là một dạng văn bản lịch sử (sử ký) nhưng có cách diễn đạt riêng do đặc thù của thời kỳ sơ và cổ sử, cần có sự linh hoạt trong phân tích các sử liệu này, đối chiếu với các nguồn khác như các di tích thờ cúng, các di vật khảo cổ, các lễ tục văn hóa và với cả những ghi chép lịch sử cổ đại Trung Hoa.
1. Điều chú ý đầu tiên để có thể hiểu đúng Ngọc phả Hùng Vương cũng như các thần tích xưa là vấn đề tên hiệu. Các nhân vật của cổ sử phần lớn đều chỉ có danh xưng, biểu tượng cho vùng đất, phương hướng hay tộc người mà nhân vật đó đã dựng nghiệp. Ví dụ, Lộc Tục nghĩa là danh xưng của Lạc Tộc, chỉ nhân vật này là thủ lĩnh của phần đất Lạc, người Lạc Việt. Hay danh từ Sơn, thực ra là quẻ Cấn (núi) chỉ hướng Nam xưa (Bắc nay) trong Tiên thiên Bát quái. Cao Sơn do đó nghĩa là thủ lĩnh của hướng Nam chứ không phải tên riêng.

Tien thien bat quaiTiên thiên Bát quái và hệ tọa độ trong Dịch học Hùng Việt.

2. Điểm thứ hai là mỗi danh xưng do đó không phải chỉ chỉ 1 người mà người đó nếu là vua sẽ là thủ lĩnh của một bộ tộc, một vùng đất. Danh xưng đó đại diện cho cả một thời do vị vua đó trị vì trên vùng đất và tộc người tương ứng. Vì thế, cùng một danh xưng có thể không phải chỉ có 1 vị vua, 1 nhân vật, mà gồm nhiều đời vua kế tiếp nhau, cùng lấy một danh xưng. Điển hình là 18 danh hiệu Hùng Vương thực ra là tên hiệu của 18 triều đại, mỗi triều đại được Ngọc phả gọi là một “chi”, kéo dài qua một hay vài đời vua kế tiếp nhau. Do đó 18 triều Hùng mới có thể trải dài 2.655 năm như Ngọc phả đã chép.
3. Cũng vì một tên hiệu đại diện cho cả một tộc người hay một triều đại nên các vị công chúa như Ngọc Hoa, Tiên Dung, Âu Cơ thực chất là đại diện cho vương quyền, ngai vị của vua cha truyền lại cho con rể. Đây là hình thức truyền hiền, là hình thức kế vị của thời kỳ ban đầu dựng nước, khi chưa xác lập chế độ phụ hệ cha truyền con nối. Việc Sơn Tinh tranh đoạt công chúa Mỵ Nương với Thủy Tinh có thể hiểu là sự tranh giành vương vị giữa 2 tộc người miền núi và miền biển. Việc Chử Đồng Tử lấy Tiên Dung không được sự đồng ý của vua cha nghĩa là có một sự tiếm ngôi không chính thống.

IMG_1075
Hoành phi Triệu Cơ Vương Tích của đền Hùng, Phú Thọ.

4. Một đặc điểm của thời kỳ sơ sử là tổ chức xã hội hoàn toàn khác với chế độ nhà nước thời cận và trung đại. Xã hội Việt bắt đầu không phải bằng 1 nhà nước mà là bằng một vị thủ lĩnh Đế Minh “thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ”. Nói cách khác, đây là một chế độ liên kết giữa các bộ tộc (vạn bang chư hầu), trong đó tôn một vị thủ lĩnh chung lên cầm đầu. Chế độ 1 vua thống trị làm “thiên tử” của cả trăm nước là cơ chế chính của xã hội Việt khi bước vào chế độ phong kiến phân quyền. Thời kỳ này được Ngọc phả Hùng Vương gọi chung là “Trị bình kiến phu“, tức là 1 vua trị bình thiên hạ, phong tước kiến ấp cho các đại phu ở các nước chư hầu.
Chế độ một nhà trăm nước này kết thúc bằng sự kiện Thục An Dương Vương đánh Hùng Vương hay Triệu Đà diệt Thục, lập nên đế nghiệp của một quốc gia thống nhất từ trên xuống dưới, quản lý bằng cơ chế quận huyện, quan lại. Đây cũng là thời điểm kết thúc thời đại Hùng Vương, thời đại dựng nước của người Việt, vì quốc gia và thiên hạ đã thống nhất.
5. Một căn cứ quan trọng khác để sắp xếp phả hệ Hùng Vương là căn cứ vào những ghi chép của cổ sử Trung Hoa, bởi vì lịch sử Trung Hoa chính là lịch sử người Việt cổ thời Hùng Vương. Ngọc phả Hùng Vương ngay ở câu đầu tiên đã xác quyết điều này:
Xưa tại Đại quốc Trung Hoa, đô đóng ở thành Thiên Thọ Bắc, lăng phần mộ tổ trời táng ở núi Côn Lôn, cùng năm hồ, biển lớn, núi Nam hội chầu chính đường.

IMG_5814Thánh tượng Đột Ngột Cao Sơn ở Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ.

Nhận thức được lịch sử Hoa là lịch sử Việt, chỉ là cách ghi chép từ những dòng sử khác nhau, đã cho phép phục dựng, nhận diện đầy đủ thế thứ thời đại Hùng Vương một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Thời đại Hùng Vương có thể được chia làm 4 mốc phát triển lịch sử theo quá trình tiến hóa của chế độ xã hội như sau

  • Hùng Vương thứ 1: Thái tổ Đế Minh – Đột Ngột Cao Sơn, lấy bà Vụ Tiên. Mốc lịch sử thứ 1: 5.000 năm, thời có thủ lĩnh.
  • Hùng Vương thứ 2: Đế Nghi – Viễn Sơn.
  • Hùng Vương thứ 3: Ất Sơn hay Lịch Sơn (Sơn Tinh). Lấy 2 người con gái của Đế Nghi là Ngọc Hoa và Tiên Dung.
  • Hùng Vương thứ 4: Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Cũng là truyện Tản Viên trị thủy.
  • Hùng Vương thứ 5: Lạc Long Quân lấy con gái hoặc ái thiếp của Đế Lai. Mốc lịch sử thứ 2: 4.000 năm, thời cha truyền con nối.
  • Hùng Vương thứ 6: Hiền Vương hay Lang Liêu. Thánh Dóng giúp vua Hùng đánh giặc Ân.
  • Hùng Vương thứ 7: Hùng Quốc Vương khởi đầu Bách Việt, phân chư hầu. Mốc lịch sử thứ 3: 3.000 năm thời phong kiến.
  • Thời kỳ Trị Bình Kiến Phu: Hùng Vương thứ 8 đến thứ 16. Lang Liêu lấy tiên nữ Ngọc Tiêu của núi Tam Đảo.
  • Hùng Vương thứ 17: Hùng Nghị Vương hoặc An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
  • Hùng Vương 18: Hùng Duệ Vương cùng Sơn Tinh đánh Thục. Thục ở đây là nhà Tần. Mốc lịch sử thứ 4: 2.258 năm, thời Trung Hoa nhất thống.

Pha he Hung VuongSơ đồ phả hệ Hùng Vương phục dựng từ Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả.

Câu đối trên núi Hùng:
過故國眄瀘洮依然碧浪紅濤襟帶雙流迴白鶴
豋斯亭拜陵寝猶是神州赤縣山河四面控朱鳶
Quá cố quốc miện Lô Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc
Đăng tư đình bái lăng tẩm, do thị Thần châu Xích huyện, sơn hà tứ diện khống Chu Diên.

Dịch:
Qua nước cũ ngắm Lô Thao, vẫn hồng đào bích lãng như xưa, hai dải vạt đai quanh Bạch Hạc
Lên đền này vái lăng tẩm, kìa Xích huyện Thần châu còn đó, bốn bề sông núi giữ Chu Diên.

TÌM VỀ NGUỒN GỐC TRĂM HỌ NGƯỜI VIỆT THỜI HÙNG VƯƠNG

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả tựa rằng:
Vạn phái nguồn gốc sâu xa như biển lớn chảy mãi. Tiên vương ân nghĩa đắp bồi vạn thế, đức trạch cao dày khắp chốn, sự lành còn đó muôn năm, đất nước yên bình, quốc gia thịnh vượng sao!
Nên Ta tuân theo Trời, nối tiếp đức lớn, ngưỡng tổ tông tích đức qua các đời, sáng lòng nhân, yên trời đất núi sông khắp chốn vậy. Ấy là gây dựng nước Nam Việt ta cơ đồ bao la, công nghiệp đế vương to lớn. Trời theo cùng, người quy về, các chư hầu cùng phục, lập thứ tự trăm quan trong triều đình, yên định vạn dân, xưng tên nước, đặt trăm quan, chia trăm họ, phân các quan lập các xứ, dựng nước xây thành, vững mạnh 15 bộ giữ mỗi phương phân định, thiết lập các chức vị, phủ huyện, xã, châu, trang, động, sách.

Van LuongHùng Vương miếu ở Vân Luông, Việt Trì, Phú Thọ.

Như đã thưa chuyện cùng quý vị độc giả trong số báo trước, từ cuốn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, cùng với sư thầy Tâm Hiệp chúng ta bước đầu đã vén được một màn sương mờ của lịch sử nguồn cội. Tôi nhớ lại buổi lễ dâng sách lên các vua Hùng tại đền Vân Luông, Phú Thọ, khi đoàn chúng tôi vừa mới bước vào chính điện của ngôi đền thì bát hương vòng trên ban chính bỗng cháy sáng bừng lên như hóa. Thật là một sự cảm ứng nhiệm màu với tâm thành của những người con trước tiên tổ ngàn đời.

1. Tiếp tục đặt câu hỏi với sư thầy Tâm Hiệp, tôi bày tỏ băn khoăn, liệu thời Hùng Vương người Việt đã có họ chưa? Dòng họ mà tôi đang mang từ cha tôi, ông tôi, liệu bắt đầu có từ bao giờ?
Thầy Tâm Hiệp chia sẻ, chúng ta là sự tiếp nối của nguồn cội ngàn đời. Dòng huyết quản chảy trong mỗi người con Việt hôm nay vẫn là dòng máu của những người con cùng chung một bọc đồng bào, của cùng một họ tộc. Đó là họ Hùng. Ngày nay không có mấy ai mang họ Hùng nhưng thực ra tất cả người Việt đều là người họ Hùng. Họ Hùng là họ của cả đại tộc Việt, chứ không phải chỉ của một dòng họ. Vị vua Họ Hùng đầu tiên là Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là Đế Minh, người đã khởi đầu sử Việt. Đây cũng là vị vua mà đền Hùng thờ với bài vị là Đột Ngột Cao Sơn, như đã trao đổi.
Còn việc lấy tên họ xưng theo dòng cha là hình thức của chế độ phụ đạo, cha truyền con nối. Chế độ này khởi đầu dưới thời cha Lạc Long Quân, vị “cha tổ” của người Việt cách đây 4.000 năm lịch sử. Tuy nhiên, phải tới thời kỳ vua Hùng sau đó, việc đặt ra trăm họ mới được chính thức bắt đầu.
Thầy Tâm Hiệp cho biết, rất nhiều vấn đề về quá khứ dân tộc, đã có ngay trong cuốn sách trời Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Nếu đọc Ngọc phả với sự cẩn trọng suy nghĩ cho từng câu chữ, chúng ta sẽ có được những câu trả lời đầy đủ. Phần Nam Việt Hùng Thị sử ký trong sách có ghi về vị con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ như sau:
Thái tử là Hùng Quốc Vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn… Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương…
Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ. Đất đai 15 bộ này được xác định cương giới, định người trưởng quân gọi là Bô (bố), cha gọi là Trá (cha), con trai gọi là Côn (con). Nam nữ đều xem theo dòng cha mà xưng. Hậu thế đổi thành quan lang, phiên thần, thổ tù, phụ đạo. Cháu chắt của các công thần khai quốc được cha truyền con nối, vạn đời nối giữ Nam Bang.
Hùng Quốc Vương khi lên ngôi lập nước Văn Lang đã phân chia đất đai cho những người em và các công thần, định làm trăm vương”. Các vị trưởng quân này lại được “đổi làm trăm họ”. Quyền cai quản các khu đất phong được “cha truyền con nối”. Con cháu nam nữ “theo dòng cha mà xưng”. Như vậy, chế độ phụ đạo cùng với trăm họ bách tính của người Việt được khởi đầu dưới thời kỳ này. Các họ ban đầu thường lấy theo tên của vị thủ lĩnh vùng đất phong hoặc lấy theo tên của vùng đất phong đó.

Hung VuongHùng Vương và những người con trai. Tranh sứ bảo tàng đền Hùng.

2. Đó là những thông tin về dòng họ người Việt theo những ghi chép trong Ngọc phả Hùng Vương. Tôi miên man nghĩ, liệu ở thời nay còn có thể lần tìm được các dấu chỉ gì để minh chứng cho lời phả về sự xuất hiện các dòng họ trong buổi đầu dựng nước hay không?
Như hiểu được những băn khoăn trong tôi, thầy Tâm Hiệp thong thả chia sẻ. Từ năm 2014, thầy có duyên lành đặt chân đến vùng đất Đan Nê ở huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nơi đây có một ngôi đền rất cổ, thờ thần Trống Đồng. Vùng đất quanh sông Mã và sông Chu này cũng là nơi người ta tìm thấy nhiều dấu tích khảo cổ từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn trước Công nguyên. Dưới thời vua Quang Trung ở đây đã tìm được một chiếc trống đồng cỡ lớn. Trống sau đó đã được hiến cho đền và sự việc còn được ghi lại trên bia trong đền.
Bước chân vào tìm hiểu ngôi đền, thầy Hiệp đã ấn tượng bởi câu chuyện về lời thề trung hiếu đặc biệt của các bậc vua quan xưa trước thần Trống Đồng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”. Đi sâu hơn nữa, theo thần tích của đền, vị thần Trống Đồng là người đã giúp vua Hùng Quốc Vương đánh giặc Hồ Tôn. Cũng ở đây còn lưu được một vế đối đặc biệt về việc 3 dòng họ Trịnh, Lưu, Hà đã kiến lập đất đai dưới thời Hùng Vương:
Vật lưu Bách Việt tổ
Kiến ấp Trịnh Lưu Hà.
Người được coi là “Bách Việt tổ” theo Ngọc phả Hùng Vương chính là vua Hùng Quốc Vương. Di vật của thời kỳ này là những chiếc Trống đồng to lớn, tinh xảo, minh chứng rõ ràng nhất cho một thời kỳ huy hoàng của dân tộc Việt trên khắp nẻo Đông Nam Á. Dấu vết về sự xuất hiện các dòng họ Việt và di vật văn hóa ở đền Đồng Cổ hoàn toàn khớp với những gì đã ghi trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ở Phú Thọ.

Dong CoChính điện đền Đồng Cổ ở Đan Nê, Thanh Hóa.

3. Những ghi chép lưu truyền ngàn đời trong Ngọc phả Hùng Vương cùng với những di tích còn lại ở nhiều nơi trên đất Việt là những bằng chứng xác thực về sự xuất hiện các dòng họ người Việt từ rất sớm, vào thời kỳ mở đầu nước Văn Lang của các vua Hùng, cách nay quãng 3.000 năm. Đây là thời kỳ mà xã hội Việt bước vào chế độ phong kiến phân quyền, khi mà mỗi công thần hay hoàng thân quốc thích được phân đất kiến lập một khu “thực ấp”, hay còn được gọi là một nước chư hầu. Con cháu của các vị công thần lập quốc này được thừa hưởng chức vị và quyền lực từ cha ông, hình thành các dòng họ phụ đạo lưu truyền.
Di sản của mỗi dòng họ do đó không chỉ ở tên gọi của họ, mà còn là quyền lực trong xã hội và tư liệu sản xuất cơ bản xưa là đất đai. Những dòng họ lớn là những dòng họ của những đại công thần thời dựng nước. Việc tìm về cội nguồn các dòng họ cũng là nhìn nhận lại cho đúng công lao của các bậc tiền nhân với dân tộc, với quốc gia.

Thay cho lời tạm kết về các dòng họ thời Hùng Vương xin chép lại đôi dòng câu đối ở đình Bảo Đà, một nơi thờ các vua Hùng ở Việt Trì, Phú Thọ, nguyện sẽ tiếp nối bước tiền nhân, để con cháu được mở mang, núi sông muôn đời bền vững:
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.
Dịch:
Mấy ngàn năm phụ đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

Minh Thi

Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần số 29 (17-19.7.2020)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tim-ve-nguon-goc-tram-ho-nguoi-viet-thoi-hung-vuong-820140.ldo?fbclid=IwAR2dK4jzvngZjoBeudAoWSNfSi1BwsvpUgfVcCECBJHlFgBYFGksEfcLku4

 

Đức ông Đột Ngột Cao Sơn

Trích thần tích của xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ.

IMG_5835
Chính điện đình Đức Ông ở Hiền Lương.

Lễ bộ Thượng thư triều Hùng Vương, tri điện bách thần phụng sao truyện cổ

Xem xưa các tổ mở nước, tên hiệu Hồng Bàng, cho tới Nam Việt 18 thánh vương, khởi đầu tên nước Xích Quỷ, truyền ngôi tới thánh Lạc Long Quân, húy là Sùng Lãm. Vương lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm trai. Vương nói với nàng Cơ: Nàng là chủng Tiên, nước lửa tương khắc, khó mà tương hợp.
Bèn chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về biển, giữ người con trai trưởng ở lại, cũng đều hóa là thần. Đột Ngột Cao Sơn thánh vương sinh giáng các con là Hùng Trấn Quý Minh, Hùng Bảo Quốc. Tên hiệu sáng tỏ ngàn thu trong tín sử, vạn cổ vang tiếng linh thanh, quyết sáng mưu lớn, thêm công bớt nợ, đuổi di át giặc, quốc tộ dài lâu, phương sách trải lành vậy. Trở về Phong Châu, kinh đô Việt Thường, đúc điềm thánh thụy. Vào năm Nhâm Thìn tháng 2 ngày 10, ngày mộc dục là ngày 11, ứng kỳ mà sinh. Ngày này hương thơm bay khắp.
Người người vui mừng. Xưa có thơ rằng:
Một bào sinh giáng hai huynh đệ
Vạn cổ sáng ngời một thánh thần.

IMG_5814Tượng Đột Ngột Cao Sơn ở Hiền Lương.

Thời Cao Sơn ngự trị, thiên hạ thái bình, nhân dân giàu đủ, định ra luật nước,chế ra nghi lễ triều đình, lập các trang trại, dựng nên miếu đền. Đến năm Giáp Ngọ tháng 8 ngày 23, tự nhiên bỗng thấy Trấn Quý Minh, Trấn Bảo Quốc không bệnh mà hóa mất. Vua cha Cao Sơn thương tiết vô cùng, tới năm Ất Mùi tháng 3 ngày 20, chợt thấy trời mây che tối, gió mưa sấm chớp, mà hóa.
Trong triều quần thần họp lại, lập thái tử lên ngôi, mới phát phong thần, sắc cho các quận trang 320 đền. Vua cấp lộc thang mộc, cử Quốc sư đến sắc phong thần. Khi qua trang Hiền Lương quận Hạ Hoa báo cho phụ lão ở đây, cấp tiền 50 quan, dựng lập đình miếu. Xem xét địa lý khu vực đồng nội này, chỗ khu đất cao độc lập, núi ngang sông liền, lập một lầu gác, nằm hướng Canh Giáp, nơi có nước chảy ngược án trước tiền đường, sau ôm lấy đất rồng phát anh hào. Nhân dân thanh tú, nhân vật mạnh giàu. Giao cho trang Hiền Lương phụng thờ. Nêu rõ thượng đẳng thần, lúc sinh thời có võ công, khi mất rất linh thiêng, giúp phù cho đất nước.  Hóa ở nơi trang này, lập làm điển thờ tôn nghiêm, bảo hộ cho nhân dân, nên khiến lập thờ cúng khắp nơi.
Lớn vậy thiêng thay! Năm năm không bỏ.

Lịch Sơn: đền thờ Đế Nghiêu và nơi Đế Thuấn cày ruộng đánh cá

P1210736
Dòng suối trên núi Lịch

Sách Kiến văn tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn, quyển 6 phần Phong vực ghi như sau về núi Lịch:
Núi Lịch ở xã Yên Lịch huyện (Yên) Sơn Dương, từ núi Sư Khổng ở huyện Đương Đạo mà chạy xuống, tới nơi đất bằng thì đột ngột nổi lên một ngọn núi có 5-6 đỉnh, giăng ngang ra chia thành một nhánh tới Lập Thạch là Lãng Sơn, môt nhánh tới Tam Dương là núi Hoàng Chỉ. Trong núi Lịch ở đỉnh cao nhất có 5-6 chỗ bằng phẳng như đền đài, có động Đế Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái ăn, nhưng không được mang đi. Ai mang đi sẽ bị lạc vào mê lộ, không thể ra được.
Phía trên động Đế Thuấn có đền Đế Nghiêu, cúng bằng cỗ chay. Trước đây tổng này có ruộng thờ để cấp cho người giữ đền. Xã Yên Lịch ở dưới núi cũng có miếu Đế Thuấn, 6 xã trong 1 tổng cùng phụng thờ. Ruộng này nằm ở phía bên phải xứ Ngòi Vực, rộng chừng 1 trượng, khá dài. Nước sông Lô mùa thu thường tràn vào. Tương truyền, ở bên bến sông này Đế Thuấn làm đồ gốm.
Dân trong xã ở bên một cái giếng cổ, người ta nói là do Đế Thuấn đào, rộng chưa đến 1 trượng. Nước rất trong nhưng người ta không dám uống. Ai nhỡ tắm ở đó sẽ bị câm. Ở đó cũng có miếu Đế Thuấn, trước miếu có ruộng hè, rộng chừng vài mẫu, khá sâu. Người ta cho đó xưa là đầm Lôi, nơi Đế Thuấn đánh cá và cày ruộng.

Trên núi Lãng Sơn cũng có đền Đế Thuấn. Trước núi nổi lên một hòn núi đất, hơi thấp. Phía trên đỉnh núi có hình như ghế chéo, bên trong khá cao, có thể gieo được trăm bung mạ (một bung là 40 búi, trăm bung là 4000 búi). Tục truyền là nơi Thuấn gieo mạ nên gọi là núi Bách Bung.
(Dịch theo nguyên văn)

Như vậy trên dãy núi Lịch không chỉ có đền thờ Đế Thuấn mà còn có cả đền thờ Đế Nghiêu. Đây cũng là đầm Lôi Trạch, nơi Đế Thuấn từng cày ruộng và đánh cá. Núi Bách Bung là nơi Đế Thuấn gieo mạ cho lúa.

P1210802Đầm Lôi Trạch