Hưng Thánh quán và Đạo Giáo

Đạo Giáo có ở Việt Nam từ bao giờ? Có thật Đạo Giáo nước ta là được du nhập vào từ Trung Quốc? Những di tích Đạo Giáo để lại ở nước ta giúp hiểu thêm về nguồn gốc tín ngưỡng và triết lý nhân sinh này của người Việt xưa?

Toan canh chua MuiToàn cảnh chùa Mui – Hưng Thánh quán.

Chùa Mui nằm ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) là một di tích có tiếng, không phải là nơi thờ Phật mà là một Đạo quán. Quán này có tên Hưng Thánh quán (興聖觀), là một trong số ít những di tích Đạo quán cổ còn lưu lại được ở nước ta tới nay.
Đôi câu đối hai bên cột trước cửa quán:
擇地立聖宮五世李朝起造
開天眞秘籙千秋老道長書
Trạch địa lập thánh cung, ngũ thế Lý triều khởi tạo
Khai thiên chân bí lục, thiên thu Lão đạo trường thư.
Dịch:
Chọn đất lập thánh cung, triều Lý năm đời khởi dựng
Mở trời soạn bí lục, đạo Lão ngàn thu mãi ghi.
Vế đối đầu cho biết Hưng Thánh quán được xây dựng vào thời Lý đời thứ 5 (Lý Thần Tông?). Vế đối sau nói tới “chân thư khai thiên” của Đạo Lão được lưu truyền. Chân thư này là chỉ tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Hưng Thánh quán thờ Thái Thượng Lão Quân, tức là Lão Tử, nên chân thư của Lão Tử được đề cao ở đây.

Tran Vu cungTrấn Vũ cung.

Phía sau Hưng Thánh quán còn một nơi nhỏ hơn, xây riêng gọi là Trấn Vũ cung (鎮武宮), thờ thần Trấn Vũ. Cung thờ cũng được khởi dựng cùng vào thời Lý với Hưng Thánh quán.
Không xa khu vực này có đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín) thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương, cũng gọi là Quán Thánh. Nếu ở đền Bộ Đầu có bức tượng Huyền Thiên bằng đất cao 7-8 m thì trong Hưng Thánh quán cũng có riêng tượng đất một vị đức thánh khá lớn, tay đang bắt quyết, xung quanh tượng là các loài thú, tôm cá. Người trong chùa Mui gọi là Đức Thánh Lương. Còn theo tài liệu thì cho rằng đó là thần Đông Nhạc.

Duc Thanh LuongTượng Đức thánh ở Hưng Thánh quán.

Kết nối dữ liệu ở cả 3 di tích trên thì thần Huyền Thiên là Trấn Vũ ở Quán Thánh. Đổng Thiên Vương có lẽ đã bị nhầm thành Đông Nhạc thần. Như đã biết, Huyền Thiên Đổng Thiên Vương chính là Lão Tử. Hưng Thánh Quán như vậy là một di tích khởi dựng thời Lý, thờ Lão Tử (Thái Thượng Lão Quân), gắn với sự tích Huyền Thiên Trấn Vũ. Rất có khả năng, “thời Lý” khởi dựng ở đây là thời Lý Đường, tức là thời nhà Đường, là một triều đại tôn Lão Tử làm thủy tổ của mình và cho xây dựng đạo quán ở khắp nơi.
Hưng Thánh quán là bằng chứng hiện hữu về vị thần bất tử thứ ba Đổng Thiên vương, ở ngôi Thượng thiên của nước Nam. Lão Tử là Huyền Thiên đại thánh người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu dẹp quỷ, xây thành Cổ Loa.
Câu đối ở chính điện ngoài cùng (ban thiêu hương) của Hưng Thánh quán:
蘭麝飄香金鴨氤氳無量界
笙璈響奏霓裳縹缈大羅天
Lan xạ phiêu hương, kim áp nhân uân vô lượng giới
Sanh ngao hưởng tấu, nghê thường phiếu miểu đại la thiên.
Dịch:
Lan xạ mùi hương, lư vàng hòa khí chốn vô lượng
Sênh ngao tiếng tấu, nghê thường thăm thẳm trời đại la.

Chinh dien Hung ThanhChính điện Hưng Thánh quán.

Điện thờ chính của Hưng Thánh quán có tượng Thượng đế, hai bên là một vị đồng tử và một vị tiên ông. Điện thờ này có 2 cặp câu đối. Một cặp bên ngoài là:
玄之又玄三十六天真主宰
極而無極萬千億劫大元尊
Huyền chi hựu huyền, tam thập lục thiên chân chủ tể
Cực nhi vô cực, vạn thiên ức kiếp đại nguyên tôn.
Dịch:
Huyền là có huyền, ba mươi sáu thiên chính chúa tể
Cực mà không cực, nghìn vạn ức kiếp đại nguyên tôn.
“Huyền chi hựu huyền” là câu trong Đạo Đức Kinh nói về giáo nghĩa của Đạo, phép huyền diệu thâm sâu vô cùng. “Thái cực mà vô cực” là khẩu hiệu của nhà lý học Chu Liêm Khê thời Tống, cũng nói về giáo nghĩa của Đạo.
Người là chân chúa tể của 36 cung trời và là khởi nguyên của ngàn vạn ức kiếp được nói đến trong câu đối là Thượng Đế hay Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế. Hưng Thánh quán thờ Lão Tử ở ngôi Thượng thiên.

Thai Thuong Huyen Thien

Ba bức tượng ở điện thờ chính này thể hiện Thượng Đế ở giữa, một bên là Thái Thượng Lão Quân (hình một tiên ông) và một bên là Huyền Thiên Đại Thánh với khả năng trấn quy xà (hình rắn và rùa). Như vậy đây không phải là 3 nhân vật khác nhau mà là 3 ngôi của cùng một vị – Lão Tử.
Cặp đối thứ hai ở điện thờ Thượng đế:
道傳太一三元始
法演玄空萬古崇
Đạo truyền Thái Nhất tam nguyên thủy
Pháp diễn Huyền Không vạn cổ sùng.
Dịch:
Đạo truyền Thái Nhất ba nguyên thủy
Phép giảng Huyền Không vạn cổ sùng.
Nếu câu đối trước nói tới giáo nghĩa của Đạo Giáo và Thần chủ của Đạo Giáo thì câu đối này nói tới việc thực hành, truyền giảng Đạo Giáo. Thái Nhất là khái niệm được nêu thời Kim (Tống) trong môn phái Thái Nhất trong Đạo Giáo, tôn thờ thần Thái Nhất (Thái Cực). Phép màu Huyền Không của Đạo cũng được nói tới trong bức hoành phi ở Tam quan của quán: Đạo diễn huyền không 道演玄空.

Tam bao Hung ThanhTam bảo Hưng Thánh quán.

Điện thờ trên cùng của Hưng Thánh quán là điện Tam bảo (Đại hùng bảo điện), nhưng không phải thờ Phật mà thờ Tam Thanh. Tam Thanh là ba vị thần tiên tối cao của Đạo Giáo gồm Ngọc Thanh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, cũng chính là Thái Thượng Lão Quân. Nguyên Thủy Thiên Tôn được đặt ngồi ở giữa. Bên phải là Linh Bảo Thiên Tôn tay cầm gậy như ý. Bên trái là Đạo Đức Thiên Tôn cầm quạt.
Câu đối ở ban thờ Tam bảo:
两儀開闔乾坤人類和同真善美
三寳勸懲善悪衆生苦滅貪嗔癡
Lưỡng nghi khai hạp, kiền khôn nhân loại hòa đồng chân thiện mĩ
Tam bảo khuyến trừng, thiện ác chúng sinh khổ diệt tham sân si.
Dịch:
Hai ngôi khai mở, trời đất nhân loại hòa đồng chân thiện mĩ
Ba báu khuyên răn, lành dữ chúng sinh khổ diệt tham sân si.
Trước ban Tam bảo là bệ hoa sen. Bệ này còn lưu lại những trang trí gạch gốm của thời Mạc, hình rồng, hoa sen và chim thần khá đẹp. Tương truyền thì dưới bệ tượng này là huyệt đan sa, nơi luyện kim đan của các đạo sĩ trước đây.

Rong Hung ThanhHình rồng trên gốm ở Hưng Thánh quán.

Trường phái Kim Đan trong Đạo Giáo có thể nói bắt đầu phát triển từ nhà y học, đạo sĩ Cát Hồng với tác phẩm Bão Phác Tử thời Đông Tấn. Theo thư tịch cổ thì Cát Hồng từng xin vua Tấn cho làm huyện lệnh ở huyện Câu Lậu của Giao Chỉ vì cho rằng Giao Chỉ có nguyên liệu để luyện đan. Trên đường đi Cát Hồng bị giữ lại ở Quảng Châu, vào núi La Phù tu luyện và viết sách.
Giáo sư Trần Quốc Vượng căn cứ theo sách Thiền uyển tập anh cho rằng ”huyện Câu Lậu quận Tế Giang” nay thuộc đất Văn Giang – Khoái Châu tỉnh Hưng Yên bởi ở đó có dòng chảy Kim Ngưu (Trâu vàng), có vũng Trâu Đằm, có huyền tích về Trâu vàng chạy từ Phật Tích xuống. Khu vực Hưng Thánh quán nằm đối diện bên bờ sông Hồng với đất Khoái Châu. Phải chăng đây là nơi mà Cát Hồng đã tu luyện đan sa? Có thật Cát Hồng đã ở lại Quảng Châu chứ không phải đã đến Giao Châu tu hành?
Dù thế nào thì Đạo Giáo đã phát triển mạnh mẽ ở Giao Châu khá sớm, nếu không nói đây là nơi khởi nguồn của Đạo Giáo. Lão Tử vốn thành nghiệp ở nước Nam sau khi giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa đầu thời Đông Chu. Cát Hồng cất công sang Giao Châu để tìm đường học đạo, tu đạo, luyện kim đan. Nhiều “cổ tích” khác của Đạo Giáo còn thấy ở nước Nam, cần được xem xét kỹ lưỡng thêm.

Đỗ Động tướng quân là ai?

Chính sử Việt ngày nay chép năm 938 Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, khởi đầu nền độc lập của nước ta. Tiền Ngô Vương qua đời, Dương Tam Kha tiếm ngôi, nhà Ngô suy yếu. Tới khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, các hào trưởng, tướng lĩnh ở các nơi nổi lên chiếm giữ các vùng, bắt đầu thời kỳ gọi là loạn 12 sứ quân. Đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp được các sứ quân, thống nhất vùng Tĩnh Hải và lên ngôi Hoàng đế nước Đại Cồ Việt.
Mọi việc tưởng như hai năm rõ mười, sách nào cũng chép vậy… nhưng ngày càng có nhiều dẫn chứng cho thấy những chuyện của thời này không hẳn diễn ra như vẫn nghĩ. Đặc biệt khảo cổ học giai đoạn này không cho một dẫn chứng nào tương ứng với những biên chép của chính sử. Không hề tìm thấy chiếc cọc gỗ nào ở Bạch Đằng có niên đại quãng thế kỷ 9-10. Thành Cổ Loa, nơi được chép là kinh đô của triều Ngô không có vết tích gì về triều đại này. Các lớp gạch bên dưới Hoàng Thành Thăng Long và Hoa Lư cho thấy, không hề có nước Đại Cồ Việt như sử sách vẫn chép…
Thay vào đó, có thể dễ dàng nhận ra tên gọi “Sứ quân” là Tiết độ sứ của một Quân. Ví dụ, như Cao Biền sau khi đánh dẹp giặc Nam Chiếu ra khỏi thành Tống Bình được phong là Tĩnh Hải Tiết độ sứ, tức là vị Sứ quân của Tĩnh Hải quân. Bằng chứng rõ ràng về phạm vi của đơn vị “quân” thời này là lớp gạch “Giang Tây quân” nằm dưới cùng của thành Thăng Long, Hoa Lư hay thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Giang Tây quân là vùng đất Tĩnh Hải, bao gồm Bắc Việt và Tây Quảng Tây. Với quy mô của một Quân rộng lớn như vậy, không thể có chuyện trong vùng đồng bằng ven sông Hồng lại có tới 12 sứ quân. Với phạm vi mỗi sứ quân chỉ cỡ độ 2-3 huyện ngày nay thì nhân lực, vật lực đâu ra để mà đánh lẫn nhau? Sử Việt đang nhầm lẫn sự phân rã thời Mạt Đường của các Tiết độ sứ phụ trách các đạo/quân trên phạm vi toàn Trung Hoa thành Thập quốc (thời kỳ Ngũ đại Thập quốc) hóa ra loạn 12 sứ quân ở vùng Giao Chỉ.
Một trong những sứ quân chính được sử Việt chép là Đỗ Cảnh Thạc ở khu vực Đỗ Động Giang là vùng Thanh Oai – Quốc Oai ngày nay. Tuy nhiên, khi so sánh các sự tích về Đỗ Cảnh Thạc thì chợt nhận ra: vị tướng quân này không ai khác chính là Thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu Nam Việt, đã được dân gian kể lại dưới một góc độ khác.
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của nhà Nguyễn chú rằng Đỗ Cảnh Thạc “người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông“. Xuất thân trong gia đình quý tộc, ông bị mất một tai trong lần giao chiến vì chạy loạn xuống phương Nam. Đỗ Cảnh Thạc là vị phụ chính của 3 triều Ngô Vương từ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập sang Ngô Xương Văn. Những thông tin này hoàn toàn giống với thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt. Nhà Triệu đóng đô ở Quảng Đông, gọi là Phiên Ngu hay Phiên Ngô. Chính vì vậy các vua Triệu trong chuyện của Đỗ Cảnh Thạc đã bị gọi thành Ngô Vương. Lữ Gia là thừa tướng 3 triều vua Triệu được dân gian kể thành Đỗ Cảnh Thạc làm quan phụ chính 3 triều vua Ngô.

Den Tam Xa

Câu đối ở đền Tam Xã (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) thờ Đỗ Cảnh Thạc:
罰北征東威武振二朝漢主
教民护國德光流三世吳王
Phạt Bắc chinh Đông, uy vũ chấn nhị triều Hán chủ
Giáo dân hộ quốc, đức quang lưu tam thế Ngô vương.
Dịch:
Đánh Bắc dẹp Đông, oai võ chấn hai triều chúa Hán
Dạy dân giúp nước, đức sáng lưu ba đời vua Ngô.
Câu đối trên nhấn mạnh đến việc Đỗ Cảnh Thạc đánh giặc Hán. Công nghiệp chính của Đỗ Cảnh Thạc là chống Hán chứ không phải làm sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh. Đây không phải là lần đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền mà là chuyện Lữ Gia kiên quyết chống lại nhà Tây Hán, giết bỏ phe theo Hán của Cù Hậu và Triệu Ai Vương, lập Triệu Kiến Đức lên ngôi.
Thần phả Cao Thị bản tự chùa Chợ ở Bình Đà (Thanh Oai) còn cho một thông tin… không thể hiểu nổi. Năm 16 – 17 tuổi Đỗ Cảnh Thạc gặp cảnh chướng tai gai mắt đã đánh lại quan quân nhà Nam Tấn, do thế cô bị chúng quây bắt và xẻo mất một tai… Nhà Tấn Trung Quốc kết thúc vào năm 420, Đỗ Cảnh Thạc sống vào thời nào mà lại đánh nhau với quan quân nhà Tấn? Phải chăng Tấn là chữ phiên thiết từ Tây Hán? Đỗ Cảnh Thạc đánh quân Tây Hán, tức là thời của Lữ Gia Nam Việt.
Tinh thần trung trinh với tiền triều được nhấn mạnh trong chuyện của Đỗ Cảnh Thạc. Đại Việt sử ký toàn thư chép ở Đỗ Động Giang có tới “500 con em họ Ngô” theo về. Còn về Lữ Gia Sử ký Tư Mã Thiên cho biết năm 111 trước Công nguyên khi nhà Tây Hán tiến đánh Nam Việt, Phiên Ngung thất thủ, “Lữ Gia cùng Kiến Đức từ đêm đã cùng gia thuộc vài trăm người, chạy trốn ra biển, lấy thuyền đi về phía Tây”. Cần nhớ rằng gia thuộc của Lữ Gia cũng là gia tộc nhà Triệu vì “Họ hàng [Lữ Gia] làm quan trường lại đến hơn bảy mươi người. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua, lại thông gia với Tần vương ở quận Thương Ngô”. 500 con em họ Ngô được nhắc đến ở Đỗ Động Giang là những người đã lên thuyền cùng Lữ Gia và vua Triệu rút về đất Giao Chỉ – Phong Châu.
Thần tích về Đỗ Cảnh Thạc ở Bình Đà cho biết Ngô Quyền muốn xây dựng ở Đỗ Động Giang một bản doanh đủ mạnh, còn có ý định xây dựng lại “Minh đô Giao Chỉ”, giao việc này cho Đỗ Cảnh Thạc. Chữ Đỗ 杜 có nghĩa là “ngăn chặn”. Đây cũng là nghĩa của chữ Sài 柴 trong Sài Sơn (Quốc Oai), nơi Đỗ Cảnh Thạc hy sinh. Có thể thấy đây không phải là họ Đỗ, mà Đỗ Động có nghĩa là một căn cứ để chặn giặc.
Câu đối ở đền Tam Xã:
十二山河杜洞雄争王伯業
三千宫阙柴岩神界佛仙間
Thập nhị sơn hà, Đỗ Động hùng tranh vương bá nghiệp
Tam thiên cung khuyết, Sài Nham thần giới phật tiên gian.
Dịch:
Mười hai núi sông, Đỗ Động tranh hùng nghiệp vương bá
Ba ngàn thế giới, Đá Sài thần tách cõi phật tiên.
Thông tin về Minh Đô Giao Chỉ cũng khớp với chuyện Lữ Gia đã rút về vùng phía Tây Giao Chỉ chống Hán. Minh Đô là đất Phong Châu nơi các vua Hùng dựng nước. Minh Đô sau đó thời Hai Bà Trưng là đô kì của Trưng Vương vì Mê Linh thiết Minh. Đỗ Động như vậy là vùng cửa ngõ của Minh Đô – Mê Linh, chặn giặc phương Bắc.

Dinh Uoc LeĐình Ước Lễ, Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội.

Ở vùng Thanh Oai, tương truyền là quê của Đỗ Cảnh Thạc tới nay không còn di tích nào thờ vị tướng quân này. Nhưng thay vào đó, hai làng Ước Lễ và Phúc Thụy của vùng này lại thờ Lữ Gia làm thành hoàng làng. Câu đối về Lữ Gia ở đình Ước Lễ:
位望冠三朝趙帝山河身上重
精忠存一劍漢軍戈甲目中輕
Vị vọng quán tam triều, Triệu đế sơn hà thân thượng trọng
Tinh trung tồn nhất kiếm, Hán quân qua giáp mục trung khinh.
Dịch:
Ngôi danh đầu ba triều, núi sông đế Triệu thân coi trọng
Trung thành còn một kiếm, giáo mác quân Hán mắt xem khinh.
Còn ở thị trấn Quốc Oai nay còn đình Ngô Sài và miếu thờ Đỗ Tướng quân, tương truyền là nơi Đỗ Cảnh Thạc đã cai quản, an định nhân dân. Nơi đây trước được gọi là Sài Trang. Đình Ngô Sài còn phối thờ Ả Lã Nàng Đề, được nhân dân quanh vùng gọi là Vua Bà. Ả Lã như đã biết, chính là Trưng nữ Vương mang họ Lữ của Lữ Gia. Nàng Đề hay Lang Tề, nghĩa là vị vua phía Tây vì Trưng Vương dựng đô ở đất Tây Thổ Phong Châu. Sự phối thờ Ả Lã với Đỗ tướng quân ở Ngô Sài một lần nữa xác nhận khả năng Đỗ Cảnh Thạc chính là thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu.

Dinh Ngo SaiĐình Ngô Sài, Thị trấn Quốc Oai, Hà Nội.

Quốc Oai còn có di chỉ khảo cổ thành Quèn hay trại Quyền ở xã Tuyết Nghĩa, tương truyền là đại bản doanh của Đỗ Cảnh Thạc. Nay ở đây còn đình làng Cổ Hiền thờ Đỗ Tướng quân và các ngôi miếu xung quanh thờ các tướng của Đỗ Cảnh Thạc. Câu đối ở đình Cổ Hiền:
杜洞雄才稱第壹
古城主宰是無双
Đỗ Động hùng tài xưng đệ nhất
Cổ thành chủ tể thị vô song.
Dịch
Đỗ Động tài cao xưng đệ nhất
Thành cổ chúa tể chính vô song.
Cổ Hiền là tên chữ của trại Quyền hay thành Quèn. Cổ Hiền thiết Quyền – Quèn. Đây là cách dùng phiên thiết để đặt tên chữ cho địa danh xưa.

Ngu thuMột số đồng tiền Ngũ thù.

Di chỉ Thành Quèn được khai quật với những mảnh ngói, gốm thời Bắc thuộc. Gần đây ở phía Nam thành Quèn người ta đã đào được nhiều chum tiền Ngũ thù. Các cụ trong làng cho rằng đây là kho quân lương của Đỗ Tướng quân. Những đồng tiền này được các chuyên gia cổ tiền học xác định là của thời Hiếu Vũ Lưu Triệt nhà Tây Hán. Đây là bằng chứng rõ ràng rằng tướng quân Đỗ Cảnh Thạc không phải ở vào thời Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ 10 mà là thời kỳ trước Công nguyên, đầu nhà Tây Hán. Đỗ Cảnh Thạc thời Tây Hán thì không thể là ai khác ngoài thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu cùng con cháu là Nhị Trưng Vương (Ả Lã) đã lập căn cứ chống nhà Hiếu (Tây Hán) ở Đỗ Động – Sài Trang và Minh Đô – Mê Linh.
Cuối cùng nơi mất của Đỗ Cảnh Thạc là ở chân núi Sài Sơn, nơi có đền Tam Xã trong quần thể di tích chùa Thầy. Sài Sơn là nơi có hang Cắc Cớ với bể xương các nghĩa quân của Lữ Gia tử trận. Sài Sơn còn là nơi hy sinh của tướng Lý Phục Man (Thánh Giá ở Yên Sở, Hoài Đức).

Sai SonSài Sơn ở Quốc Oai.

Còn có chuyện kể Đỗ Cảnh Thạc trước khi chết đã nói chuyện với bà bán nước dưới gốc đa ở Sài Sơn. Cây đa này nay nằm trong đền Tam Xã, nơi gọi là mộ của Đỗ tướng quân. Vừa mới đây cây đa này đã được cộng nhận là cây di sản. Chuyện bà bán nước và vị tướng quân trước lúc mất cũng gặp trong thần tích về Lý Phục Man ở Yên Sở.
Lý Phục Man cũng được gọi là Đỗ Động tướng quân. Trong các bài viết trước từng xác định Lý Phục Man là thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu. Như vậy, mọi thông tin đều trùng khớp và chỉ ra rằng Đỗ Cảnh Thạc chính là thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu.
Vị sứ quân lớn nhất trong 12 sứ quân thế kỷ 10 lại là thừa tướng Lữ Gia cách đó hơn 1000 năm trước. Sử Việt còn biết bao nhiêu điều cần được chỉnh lý từ những dữ liệu dân gian và thực tế.

Đinh Hoàng Lã Thị Ả

Cổng đình So.

Đình So ở xứ Đoài là ngôi đình cổ nổi tiếng với câu nói lưu truyền “đẹp đình So, to đình Sở”. Đình So nằm ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai của Hà Nội nay. Làng So còn có tên chữ là Sơn Lộ. Đình thờ Tam vị đại vương có công phò giúp vua Đinh dẹp loạn. Hai bên cửa đình So có câu đối:
威靈赫奕山前後
伍雨謳敭路往来
Uy linh hách dịch sơn tiền hậu
Ngũ vũ âu dương lộ vãng lai.
Tạm dịch
Núi trước sau oai linh đầy tỏ
Đường đi lại mưa hàng ngợi khen.
Câu đối này cho biết tên chữ của làng So là Sơn Lộ được viết bằng 2 chữ Nho 山路.
Trong cách đặt tên xưa cho các địa danh của người Việt bên cạnh một tên Nôm còn có thêm tên chữ. Tên chữ được dùng trong các ghi chép, văn bản xưa vì trước đây văn viết dùng chữ Nho chứ không dùng chữ Nôm. Tên chữ thường có liên hệ về ngữ nghĩa với tên Nôm của nơi được đặt tên. Nhưng mối liên hệ giữa tên Sơn Lộ với tên làng So lại không nằm ở nghĩa mà ở phần âm. Khi dùng phép phiên thiết Hán văn thì “Sơn Lộ” thiết “Sổ”. Xóm Sổ là nơi có đình làng So. “Sổ” cũng là “So”.
Thần tích đình So chép (theo TS Nguyễn Xuân Diện): Vào mùa xuân năm Canh Thìn có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả.
Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ bà sinh được 3 người con trai…
Ba anh em này đã theo giúp Đinh Bộ Lĩnh, một người làm Chỉ huy sứ, một làm Đô úy, và một làm Hiệu úy, tất cả đều là tướng được giao nhiệm vụ cầm quân đi đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Họ chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.
Câu đối ở chính điện đình So ca ngợi 3 vị thành hoàng làng:
徳禀靈長駱鴻玄出神明冑
地鍾奇勝龍鳳環為拱衛星
Đức lẫm linh trường, Lạc Hồng huyền xuất thần minh trụ
Địa chung kỳ thắng, long phụng hoàn vi củng vệ tinh.
Tạm dịch:
Đức thiêng dài lâu, Lạc Hồng sinh diệu sáng dòng thánh
Đất đúc hơn lạ, rồng phượng chầu quanh hướng Vệ tinh.

P1190962Hát hầu thánh tại cửa đình So.

Ở làng So trước kia khi hát cửa đình hầu thánh phải kiêng 5 chữ: Hiển, Lã, Hiện, Suý, Lang. Hiển là tên huý của ông cụ thân sinh ra các thánh. Lã là tên họ của cụ bà Lã Thị Ả. Hiện, Suý và Lang là tên huý và tước phong của ba anh em nhà thánh. Các cô đầu hát đến những câu có chữ ấy thì hát thật nhỏ và tránh đi, ví như chữ “Hiển” thì đọc là Hởn, chữ “Lã” thì đọc là Lữ.
Việc nói tránh, nói lái ở làng So không chỉ trong khi hát cửa đình. Người dân trong làng mỗi khi nói chuyện kiêng không nói tới từ “nước lã”. Dù uống nước giếng, nước ao hồ người làng cũng nói tránh là nước chưa đun sôi. Vì từ “Lã” là họ bà Vương Mẫu, người sinh ra ba vị tướng thờ ở làng. Trong làng So đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của bà. Có người lỡ mồm nói “nước lã” đã phải đến đền thờ của Vương mẫu để xin bà tha thứ.
Gắn liền với tục kiêng hèm này làng So còn có tục con gái đặt họ theo tên đệm của cha. Ví dụ tên bố là Nguyễn Tiến Thành, sinh được con gái đặt tên là Mai thì ghi khai sinh là Tiến Thị Mai. Việc đặt tên ngược này gây nhiều phiền toái, nhất là cho những phụ nữ ở làng khi ra ngoài đi làm…
Từ tất cả những thông tin kiêng húy và đặt họ ngược như vậy có thể thấy vị vương mẫu Lã Thị Ả ở làng So được sùng kính đặc biệt. Nếu áp dụng cách gọi tên ngược và nói tránh của làng So thì tên bà Lã Thị Ả có thể đọc thành Ả Lã. Đây chính là điểm mấu chốt để lần lại nguồn gốc của những nhân vật được thờ tại làng So.
Ả Lã là tên của Trưng Vương theo thần tích của làng Nại Xá (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội). Lã, hay nói tránh là Lữ, là họ của Trưng Vương vì Trưng Vương mang họ Lữ của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt. Bà Lã Thị Ả ở làng So chính là Trưng Vương. Đây là lý do vì sao người dân làng phải kiêng chữ Lã và nói tránh, nói ngược họ của các con gái trong làng. Ba vị thành hoàng ở làng So là 3 vị tướng trong khởi nghĩa của Trưng Vương.
Tại sao Tam vị đại vương ở làng So sống vào thời Trưng Vương lại tham dự vào chuyện của vua Đinh? Vua Đinh đây là vua Đinh nào? Việc này không khó giải thích nếu biết rằng triều đại của Trưng Vương trong dân gian được gọi tên là triều Đinh. Ví dụ, câu đối ở đền Đồng Nhân (phường Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi thờ Hai Bà Trưng:
接貉開丁冠冕稱王三載史
驅穌抗馬山河還我萬年芳
Tiếp Lạc khai Đinh, quan miện xưng vương tam tải sử
Khu Tô kháng Mã, sơn hà hoàn ngã vạn niên phương.
Dịch là:
Tiếp Lạc mở Đinh, áo mũ xưng vua ba năm sử
Đuổi Tô chống Mã, núi sông về ta vạn xuân thơm.
Theo câu đối này thì Hai Bà Trưng là người đã tiếp nối truyền thống Lạc Hồng của các vua Hùng và khai mở triều Đinh, làm vua trong 3 năm. Triều đại của Trưng Vương mang tên Đinh bởi vì Đinh hay định là tính chất tĩnh lặng của phương Tây trong Dịch lý. Đinh có nghĩa là hướng Tây, gọi vậy bởi Trưng Vương khởi nghĩa ở vùng Phong Châu – Tây Thổ: Ngàn Tây nổi áng phong trần (Đại Nam quốc sử diễn ca).
Câu đối khác ở đền thờ Hai Bà Trưng tại cửa sông Đáy (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội), nơi Hai Bà Trưng đã lập hội thề, phất cờ khởi nghĩa. Trong đền có câu đối:
大義復夫讎猶令東漢當辰嶺南六十五城勞逺略
鴻圖肇國統從此皇丁而後越甸數千餘載定天書
Đại nghĩa phục phu thù, do kim Đông Hán đương thời, Lĩnh Nam lục thập ngũ thành lao viễn lược
Hồng đồ triệu quốc thống, tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu, Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.
Dịch:
Nghĩa lớn báo thù chồng, sánh ngang Đông Hán cùng thời, sáu mươi lăm thành Lĩnh Nam lập kế lớn
Cơ đồ dựng quốc thống, từ đó Hoàng Đinh về sau, trên mấy nghìn năm Việt Điện định sách trời.
Một lần nữa thông tin từ dân gian cho biết triều đại của Trưng Vương có tên là Hoàng Đinh. Ở đình So cái tên này bị nhầm thành Đinh Tiên Hoàng, dẫn đến thần tích đã gắn các 3 vị thành hoàng làng vào cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ 10, sau thời Trưng Vương cả ngàn năm.

IMG_5294Một góc mái đình So.

Một điểm đáng chú ý khác trong thần tích đình So là 3 vị tướng đã giúp vua Đinh đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Đỗ Cảnh Thạc được gọi là Đỗ Động tướng quân, được thờ ở vùng Thanh Oai (Bình Đà) và Quốc Oai, quanh khu vực Sài Sơn (chùa Thầy). Ở Quốc Oai tại xã Tuyết Nghĩa tương truyền còn có căn cứ thành Quèn của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Khu vực này cũng là phạm vi thờ nhân vật Lý Phục Man (ở làng Giá – Yên Sở). Như đã từng biết Lý Phục Man là tên thờ của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt vì ông có tên Gia Thông, sinh ở làng Lữ… Lý Phục Man cũng được gọi là Đỗ Động tướng quân. Rất có thể Đỗ Cảnh Thạc thời Đinh Tiên Hoàng chính là Lữ Gia thời Hoàng Đinh của Trưng Vương.
Lời hát sử trong nghi lễ hát cửa đình về Trưng Vương:
Giết giặc xá chi là phận gái
Trưng nữ vương chèo lái ra tay
Đất Phong Châu phất phới ngọn cờ bay
Đuổi Tô Định 65 thành chung một dải…
Âm vang của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương những năm xưa trên vùng đất Hoàng Đinh – xứ Đoài lại được tái hiện ở đình So. Những sự tích các vị thần, những tục lệ còn lưu lại trong các làng xã Việt là những vết tích, những đầu mối, những chỉ dẫn xác đáng về lịch sử của dân tộc. Thần thánh sẽ “hiển linh” trong dân gian để làm sáng tỏ những nhân vật, những sự kiện từ trong quá khứ.

 

 

Làng So – Xứ Đoài đẹp nhất đình So

Dân gian tứ chiếng có câu: Cầu Nam – chùa Bắc – đình Đoài. Dân gian xứ Đoài lại có câu: Đẹp đình So, to đình Cấn (đẹp đình So, to đình Cấn, bẩn đình Ngọc Than, tan hoang đình Phú Mỹ, cũ kỹ đình Yên Nội). Như vậy là vẻ đẹp của đình So đã được dân gian công nhận. Đình So là ngôi đình đẹp vào hạng nhất trong những đình làng của xứ Đoài.
Đình So là đình của làng So (tên chữ của làng là Sơn Lộ), trước gọi là trang Sơn Lộ, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai. Làng So là nơi dừng chân của vua chúa khi đi thăm Phủ Quốc năm xưa. Nhà chúa có ngự đề bài thơ Nôm ở chùa Nhạc Lâm (chùa So), nay vẫn còn treo, như sau:
Mảng vui Thiên Phúc cảnh thiên thành 
Ngoạn thưởng âu đây thức tính tình 
Thái thản nhân cơ trông vợi vợi 
Đùn đùn đạo ngạn bước thênh thênh 
Trời xuân vặc vặc hoa kê cửa 
Gió thuỵ hiu hiu nguyệt giãi mành 
Trong thuở tỉnh phương buồm thuận tới 
Tiệc vầy ngâm ngợi khúc long bình. 
Vào làng So, đến đình So mà ngắm nghía thật lâu mới thấy được rằng đình không chỉ đẹp trong kiến trúc mà đẹp cả trong phong cảnh, phong thuỷ, đáng làm một mẫu hình tiêu biểu cho kiến trúc cổ. Đình nằm gối lên núi rùa, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn lại tạo thành một hồ nước hình bán nguyệt như tấm gương khổng lồ in bóng soi cả ngôi đình đồ sộ. Hai bên đình, phía trái là núi Rồng (còn gọi là núi Cả), phía bên phải là núi Phượng, tạo cho đình nằm gọn giữa một cỗ ngai lớn. Hiện chưa biết đình So được khởi dựng từ bao giờ, nhưng theo văn bia Tu sáng Hoa đình bi ký hiện còn dựng tại đình, được khắc vào năm Dương Đức thứ 3 (1674) thì đình này được tu bổ và tôn tạo vào năm Quý Mão (1663). Văn bia cho biết ngày khởi công tu tạo là ngày 27 tháng 7 năm Quý Mão, hơn hai tháng sau công việc hoàn thành. Ngôi đình đã trải qua 4 lần trùng tu nữa vào các năm 1743, 1924, 1928, 1953. Quy mô hiện nay của đình là kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ. Riêng nhà Tả văn chỉ dùng để viết văn tế thần. Hành lang của đình được chia cho 28 giáp trong làng, mỗi giáp một gian để làm chỗ hội họp riêng và sửa soạn lễ lạt của các giáp khi ra việc làng. Đình So có tòa nghi môn đẹp, hoành tráng, uy nghi, và có bậc đá 29 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt. Kiến trúc và điêu khắc của tam quan có thể được xem là một mẫu mực về sự cân đối, vừa vững chãi vừa bay bổng thanh thoát. Đình thờ Tam vị Nguyên soái Đại vương, là những vị tướng của Đinh Tiên Hoàng.
Thần tích chép rằng: Vào mùa xuân năm Canh Thìn (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả. Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn. Quân sĩ kéo từ Hoa Lư thắng trận về đến trang Sơn Lộ thì nghỉ lại và tập hợp trai tráng trong vùng tiếp tục chiến đấu dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.
Làng So có lá cờ thần rộng tới 24 mét vuông, cứ mỗi khi cờ bay trên nền trời xanh in bóng mặt hồ nước lung linh cùng với tiếng trống sấm vang lên là làng đang có hội. Lễ hội đình So, làng So được diễn ra vào ngày hai dịp mùa xuân và mùa thu.
Lễ hội mừng ngày Thánh sinh 
Hội mùa xuân, là lễ hội mừng ngày Thánh sinh  nhằm ngày 8 tháng 2. Ngày này dân làng tổ chức rước bài vị từ Miếu Ông và Miếu Bà, là song thân của các Thánh về đình để chung hưởng sự thành kính của dân làng. Theo ghi chép trong sách cổ thì hội diễn ra trong 3 ngày nhưng không khí chuẩn bị cho ngày lễ này thì rộn dịp trước đó khá lâu.
Trong lễ hội mừng ngày Thánh sinh thì vui nhất, và hồi hộp nhất vẫn là cuộc thi lợn anh. Từ trước đó hàng năm mỗi giáp chọn lấy một con lợn đen tuyền, rồi giao cho một nhà trong giáp nuôi. Nhà ấy cha mẹ song toàn, gái trai đầy đủ, hiếu hạnh. Sau khi chọn được lợn mới ra đình xin chân nhang về để làm lễ trình ở nhà. Kể từ đó, con lợn ấy được gọi là lợn anh. Không ai được gọi là con lợn, mà cũng không ai được đánh mắng nữa. Lợn anh được nuôi dưỡng theo một chế độ đặc biệt, chuồng trại phải sạch sẽ, thức ăn phải thanh sạch. Khi lợn anh lớn một chút người ta đem thiến đi.
Vào ngày mồng 7 tháng 2, lợn anh của 28 giáp trong làng đều được tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm, ăn bằng thức ăn tinh khiết và được đưa vào cũi để rước ra đình. 28 giáp là 28 cái cũi, trên mỗi cũi đều được cuốn một tràng hoa  bưởi, đủng đỉnh để tiến ra sân đình. Các cũi lợn được xếp thành hai hàng dọc theo sân đình, trước sự chứng kiến của Thánh và hội đồng lý dịch cùng đông đảo dân làng. Làng chọn ra những lợn anh to nhất để cân xem anh nào to nhất, nặng nhất để trao giải thưởng. Lợn anh của giáp nào được giải thì không chỉ người nuôi được vui mừng và hãnh diện mà cả giáp ấy đều thấy phấn chấn tự hào. Giải thưởng gồm hai bậc: giải dân và giải giáp. Giải dân do làng thưởng, còn gọi là giải đất, vì người nuôi sẽ được cấp 3 sào đất ở cánh bãi để canh tác và lấy hoa lợi mà không phải nộp thuế má gì. Đất ấy người này sẽ được giữ cho đến khi nào có ai đó nuôi được lợn anh có số cân nặng hơn lợn anh được giải, dù chỉ một vài cân. Giải giáp thì do giáp thưởng, và khi giáp mổ con lợn ấy thì nhà chủ nuôi sẽ được biếu một cái tràng hoa (tức là cái khoanh cổ lợn). Các cụ bảo vào một năm, cũng gần đây thôi, giáp nọ có lợn anh nhỏ hơn giáp kia, đáng ra là không được giải, nhưng dùng thế lực áp đảo để lấy giải nhất. Khi khiêng lợn về đến nhà thì lợn xổng ra khỏi cũi rồi lại đi ra đình.
Ngày này, sau bữa trưa tại các giáp, là đến cuộc hát thờ ở đình. Thường làng đón các giáo phường ở Phủ Quốc về hát hầu Thánh. Các ả đào đứng trước điện, tay cầm lá phách hát các bài hát thờ như Thét nhạc, Bắc phản, hát Giai, Độc phú… trong tiếng hoà âm của các nhạc khí. Giáo phường được mời đến hát nhất định sẽ hỏi cho bằng được tên huý của các Thánh thờ trong đình để khi hát đến những chữ ấy thì tránh đi. Hát cửa đình So có các chữ không được nói tới là Hiển, Lã, Hiện, Suý, Lang. Hiển là tên huý của ông cụ thân sinh ra các Thánh; còn Lã là tên họ của cụ bà Lã thị. Hiện là tên huý của ba anh em nhà Thánh; Suý và Lang là tước phong của Thánh. Các cô đầu hát đến những câu có chữ ấy thì hát thật nhỏ, và tránh đi; ví như chữ Hiển thì đọc là Hởn, chữ Lã thì đọc là Lữ. Nếu cô đầu không nhớ ra, cứ thế hát thẳng không kiêng thì người cầm chầu sẽ gõ liên hồi vào tang trống và cho ngừng cuộc hát. Bấy giờ người quản ca của giáo phường phải đến nói khó với các cụ trong làng để xin cho làm lễ tạ với thánh và xin các cụ chiếu cố cho. Khi ấy, người đào nương sẽ biện cơi trầu, đến trước điện làm lễ tạ lỗi với Thánh và các quan viên. Cô đầu sẽ hát từ chiều đến tối, có khi đến tận canh khuya, trước là để hầu thánh, sau là để giúp vui cho quan viên.
Theo nghi thức về việc mở lễ hội được ghi trong bản thần tích do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, thì hội  mở trong 3 ngày mới thôi. Ngoài hát xướng còn có các trò chơi đánh cờ, đấu vật. Ngày lễ mừng thánh sinh, các cô gái làng đi lấy chồng xa về làng rất đông vui và đua nhau làm lễ và cung tiến rất nhiều vào đình.
Lễ mừng thắng trận, khao quân 
Về mùa thu, lễ hội đình So nhằm ngày 10 tháng 7. Đây là lễ hội kỷ niệm Thánh giải vây, thắng trận, tế cáo thiên địa và khao thưởng quân sĩ. Lễ mừng khao quân là một lễ vui vẻ trong dân. Ngày này, sẽ dâng tế vật là một con trâu. Làng có 28 giáp, mỗi năm, có một giáp phải lo việc sắm sửa lễ vật. Như vậy, nếu năm nay giáp này chuẩn bị tế vật thì phải 28 năm sau nữa thì mới lại đến lượt sắm lễ. Con trâu phải được thui khéo, da vàng xộm, quỳ trên cái giá gỗ, mõm hếch lên, còn sừng thì lấy giấy đỏ cuốn vào. Nội tạng của con trâu đã được lấy ra, làm sạch, nên con trâu tế được dân làng gọi là trâu trong. Cảnh tượng hiến tế trâu trong thật long trọng tôn nghiêm. Sau khi tế xong, đồng dân cùng hưởng lộc, rồi chiều và tối thì tập trung nghe hát ở đình hoặc các miếu quán trong làng. Đào kép cũng có khi vừa hát xong ở miếu này lại xách đàn sang miếu khác.
Những người già trong làng vẫn còn nhớ dịp “đóng đám năm Bảo Đại tam niên”. Ấy là năm 1928. Năm ấy vì đình làng sửa đình nên rước bài vị gửi ở nơi khác, khi công việc hoàn thành thì làm lễ hoàn cung. Bấy giờ làng có mua đèn lồng về mắc lên mái đình, đao đình, và trên các con rồng con nghê trên mái đình, để đêm đến sáng lung linh rất đẹp. Hội làng được tổ chức rất to, phần lễ thì trang nghiêm hoành tráng, phần hội thì vui vẻ, linh đình. Về trò chơi có trò bắt chạch trong chum, bắt dê. Làng còn cho mời đội cồng chiêng Mường ở Lương Sơn về để hoà âm trong lễ tế ở đình.Làng đóng đám 7 ngày 7 đêm, mà đêm nào cũng có hát ả đào, mới từ ấp Thái Hà ngoài tỉnh về. Hội kéo dài trong 3 ngày.
Lễ chay kỷ niệm ngày Thánh hoá 
Ngày thánh hoá là ngày 10 tháng Chạp. Ngày nay là lễ cúng chay. Công việc chuẩn bị cho lễ cúng chay được tiến hành từ trước đó cả tháng trời. Những người chuẩn bị cho lễ chay bao giờ cũng là đám con trai khoảng 18, 19 tuổi. Họ phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới đến tập trung ở nhà ai đó để chọn gạo làm bánh. Gạo được chọn thật kỹ càng từng hạt, không có hạt gãy, hạt chẩm. Bấy giờ mới đồi xôi, rồi cho vào cối giã như giã bánh dầy. Nhân của bánh bằng đỗ xanh rang kỹ, nghiền nhỏ, trộn với nước mật. Hương liệu là thảo quả thơm ngát. Nhân này được bao bọc bằng xôi giã. Cuối cùng là lấy lá chuối bọc bên ngoài. Lễ vật dâng trong ngày Thánh hoá bao giờ cũng là lễ chay, được làm từ nguyên liệu thanh khiết và với tấm lòng thành kính nhất. Được biết bánh cuốn dâng Thánh có thể để được trong thời gian rất lâu, và người dân làng cho rằng đó chính là thứ lương thực của quân sĩ của thánh năm xưa.
Vào ngày này, dân không tổ chức hội mà chỉ có lễ chay. Không có tổ chức rước xách và các trò chơi dân gian, cũng không có hát thờ. Tất cả các công việc chuẩn bị cho lễ cúng chay được thực hiện trong niềm thành kính nhất để tưởng niệm đến công lao và ân đức của Thánh.
Lễ hội đình So ngày một đơn giản đi so với trước kia. Vẫn có bánh chay dâng Thánh, nhưng không có trâu trong nữa, và tục nuôi lợn anh thì chỉ còn trong câu chuyện của những người già. Hát thờ ở cửa đình cũng không còn nữa. Người dân vẫn bày tỏ lòng thành kính lên Tam vị Nguyên soái Đại vương bằng các nghi thức tế lễ, nhưng phần vui hội thì gần như vắng bóng.
Và hằng năm, mỗi khi tiếng trống sấm vang dội và lá cờ đại rộng tới 24 mét vuông được kéo lên, bay giữa trời và lồng trong bóng nước hồ bán nguyệt, là khi làng mở hội, thì trong lòng người già làng So, những ký ức xa xăm về  hội xưa lại vọng về, nao nao nhớ đến dịp đóng đám năm 1928, nhớ đến cái ngày làng thi lợn anh và rước trâu trong ra đình, thật oai hùng và trang trọng.