Đinh Hoàng Lã Thị Ả

Cổng đình So.

Đình So ở xứ Đoài là ngôi đình cổ nổi tiếng với câu nói lưu truyền “đẹp đình So, to đình Sở”. Đình So nằm ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai của Hà Nội nay. Làng So còn có tên chữ là Sơn Lộ. Đình thờ Tam vị đại vương có công phò giúp vua Đinh dẹp loạn. Hai bên cửa đình So có câu đối:
威靈赫奕山前後
伍雨謳敭路往来
Uy linh hách dịch sơn tiền hậu
Ngũ vũ âu dương lộ vãng lai.
Tạm dịch
Núi trước sau oai linh đầy tỏ
Đường đi lại mưa hàng ngợi khen.
Câu đối này cho biết tên chữ của làng So là Sơn Lộ được viết bằng 2 chữ Nho 山路.
Trong cách đặt tên xưa cho các địa danh của người Việt bên cạnh một tên Nôm còn có thêm tên chữ. Tên chữ được dùng trong các ghi chép, văn bản xưa vì trước đây văn viết dùng chữ Nho chứ không dùng chữ Nôm. Tên chữ thường có liên hệ về ngữ nghĩa với tên Nôm của nơi được đặt tên. Nhưng mối liên hệ giữa tên Sơn Lộ với tên làng So lại không nằm ở nghĩa mà ở phần âm. Khi dùng phép phiên thiết Hán văn thì “Sơn Lộ” thiết “Sổ”. Xóm Sổ là nơi có đình làng So. “Sổ” cũng là “So”.
Thần tích đình So chép (theo TS Nguyễn Xuân Diện): Vào mùa xuân năm Canh Thìn có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả.
Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ bà sinh được 3 người con trai…
Ba anh em này đã theo giúp Đinh Bộ Lĩnh, một người làm Chỉ huy sứ, một làm Đô úy, và một làm Hiệu úy, tất cả đều là tướng được giao nhiệm vụ cầm quân đi đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Họ chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.
Câu đối ở chính điện đình So ca ngợi 3 vị thành hoàng làng:
徳禀靈長駱鴻玄出神明冑
地鍾奇勝龍鳳環為拱衛星
Đức lẫm linh trường, Lạc Hồng huyền xuất thần minh trụ
Địa chung kỳ thắng, long phụng hoàn vi củng vệ tinh.
Tạm dịch:
Đức thiêng dài lâu, Lạc Hồng sinh diệu sáng dòng thánh
Đất đúc hơn lạ, rồng phượng chầu quanh hướng Vệ tinh.

P1190962Hát hầu thánh tại cửa đình So.

Ở làng So trước kia khi hát cửa đình hầu thánh phải kiêng 5 chữ: Hiển, Lã, Hiện, Suý, Lang. Hiển là tên huý của ông cụ thân sinh ra các thánh. Lã là tên họ của cụ bà Lã Thị Ả. Hiện, Suý và Lang là tên huý và tước phong của ba anh em nhà thánh. Các cô đầu hát đến những câu có chữ ấy thì hát thật nhỏ và tránh đi, ví như chữ “Hiển” thì đọc là Hởn, chữ “Lã” thì đọc là Lữ.
Việc nói tránh, nói lái ở làng So không chỉ trong khi hát cửa đình. Người dân trong làng mỗi khi nói chuyện kiêng không nói tới từ “nước lã”. Dù uống nước giếng, nước ao hồ người làng cũng nói tránh là nước chưa đun sôi. Vì từ “Lã” là họ bà Vương Mẫu, người sinh ra ba vị tướng thờ ở làng. Trong làng So đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của bà. Có người lỡ mồm nói “nước lã” đã phải đến đền thờ của Vương mẫu để xin bà tha thứ.
Gắn liền với tục kiêng hèm này làng So còn có tục con gái đặt họ theo tên đệm của cha. Ví dụ tên bố là Nguyễn Tiến Thành, sinh được con gái đặt tên là Mai thì ghi khai sinh là Tiến Thị Mai. Việc đặt tên ngược này gây nhiều phiền toái, nhất là cho những phụ nữ ở làng khi ra ngoài đi làm…
Từ tất cả những thông tin kiêng húy và đặt họ ngược như vậy có thể thấy vị vương mẫu Lã Thị Ả ở làng So được sùng kính đặc biệt. Nếu áp dụng cách gọi tên ngược và nói tránh của làng So thì tên bà Lã Thị Ả có thể đọc thành Ả Lã. Đây chính là điểm mấu chốt để lần lại nguồn gốc của những nhân vật được thờ tại làng So.
Ả Lã là tên của Trưng Vương theo thần tích của làng Nại Xá (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội). Lã, hay nói tránh là Lữ, là họ của Trưng Vương vì Trưng Vương mang họ Lữ của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt. Bà Lã Thị Ả ở làng So chính là Trưng Vương. Đây là lý do vì sao người dân làng phải kiêng chữ Lã và nói tránh, nói ngược họ của các con gái trong làng. Ba vị thành hoàng ở làng So là 3 vị tướng trong khởi nghĩa của Trưng Vương.
Tại sao Tam vị đại vương ở làng So sống vào thời Trưng Vương lại tham dự vào chuyện của vua Đinh? Vua Đinh đây là vua Đinh nào? Việc này không khó giải thích nếu biết rằng triều đại của Trưng Vương trong dân gian được gọi tên là triều Đinh. Ví dụ, câu đối ở đền Đồng Nhân (phường Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi thờ Hai Bà Trưng:
接貉開丁冠冕稱王三載史
驅穌抗馬山河還我萬年芳
Tiếp Lạc khai Đinh, quan miện xưng vương tam tải sử
Khu Tô kháng Mã, sơn hà hoàn ngã vạn niên phương.
Dịch là:
Tiếp Lạc mở Đinh, áo mũ xưng vua ba năm sử
Đuổi Tô chống Mã, núi sông về ta vạn xuân thơm.
Theo câu đối này thì Hai Bà Trưng là người đã tiếp nối truyền thống Lạc Hồng của các vua Hùng và khai mở triều Đinh, làm vua trong 3 năm. Triều đại của Trưng Vương mang tên Đinh bởi vì Đinh hay định là tính chất tĩnh lặng của phương Tây trong Dịch lý. Đinh có nghĩa là hướng Tây, gọi vậy bởi Trưng Vương khởi nghĩa ở vùng Phong Châu – Tây Thổ: Ngàn Tây nổi áng phong trần (Đại Nam quốc sử diễn ca).
Câu đối khác ở đền thờ Hai Bà Trưng tại cửa sông Đáy (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội), nơi Hai Bà Trưng đã lập hội thề, phất cờ khởi nghĩa. Trong đền có câu đối:
大義復夫讎猶令東漢當辰嶺南六十五城勞逺略
鴻圖肇國統從此皇丁而後越甸數千餘載定天書
Đại nghĩa phục phu thù, do kim Đông Hán đương thời, Lĩnh Nam lục thập ngũ thành lao viễn lược
Hồng đồ triệu quốc thống, tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu, Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.
Dịch:
Nghĩa lớn báo thù chồng, sánh ngang Đông Hán cùng thời, sáu mươi lăm thành Lĩnh Nam lập kế lớn
Cơ đồ dựng quốc thống, từ đó Hoàng Đinh về sau, trên mấy nghìn năm Việt Điện định sách trời.
Một lần nữa thông tin từ dân gian cho biết triều đại của Trưng Vương có tên là Hoàng Đinh. Ở đình So cái tên này bị nhầm thành Đinh Tiên Hoàng, dẫn đến thần tích đã gắn các 3 vị thành hoàng làng vào cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ 10, sau thời Trưng Vương cả ngàn năm.

IMG_5294Một góc mái đình So.

Một điểm đáng chú ý khác trong thần tích đình So là 3 vị tướng đã giúp vua Đinh đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Đỗ Cảnh Thạc được gọi là Đỗ Động tướng quân, được thờ ở vùng Thanh Oai (Bình Đà) và Quốc Oai, quanh khu vực Sài Sơn (chùa Thầy). Ở Quốc Oai tại xã Tuyết Nghĩa tương truyền còn có căn cứ thành Quèn của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Khu vực này cũng là phạm vi thờ nhân vật Lý Phục Man (ở làng Giá – Yên Sở). Như đã từng biết Lý Phục Man là tên thờ của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt vì ông có tên Gia Thông, sinh ở làng Lữ… Lý Phục Man cũng được gọi là Đỗ Động tướng quân. Rất có thể Đỗ Cảnh Thạc thời Đinh Tiên Hoàng chính là Lữ Gia thời Hoàng Đinh của Trưng Vương.
Lời hát sử trong nghi lễ hát cửa đình về Trưng Vương:
Giết giặc xá chi là phận gái
Trưng nữ vương chèo lái ra tay
Đất Phong Châu phất phới ngọn cờ bay
Đuổi Tô Định 65 thành chung một dải…
Âm vang của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương những năm xưa trên vùng đất Hoàng Đinh – xứ Đoài lại được tái hiện ở đình So. Những sự tích các vị thần, những tục lệ còn lưu lại trong các làng xã Việt là những vết tích, những đầu mối, những chỉ dẫn xác đáng về lịch sử của dân tộc. Thần thánh sẽ “hiển linh” trong dân gian để làm sáng tỏ những nhân vật, những sự kiện từ trong quá khứ.

 

 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s