Tổ tiên Hoa Hạ không hề là người vượn Bắc Kinh

Bài đăng ngày 27-10-2011 theo bản dịch của Lãn Miên tại Diễn đàn Lý học phương đông.

Các nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới đang cùng góp sức hoàn thành kế hoạch lớn lao tìm nguồn gốc của nhân loại, hy vọng thông qua nghiên cứu biến dị gen của con người mà vẽ ra được bản đồ thiên di của nhân loại.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc chứng tỏ tổ tiên của người Trung Quốc nguyên là từ Đông Phi, đi qua Nam Á tiến vào Trung Quốc. Chi tiên dân Nam Á này kinh qua nhiều đợt thiên di và biến hóa gen trong cơ thể, dần dần phân hóa thành các dân tộc.
Theo quan điểm của các nhà khoa học, thông qua phân tích mẫu DNA của con người, mỗi một người Trung Quốc đều có thể lý giải được câu chuyện của chính mình, tìm về mạch nguồn sâu xa của chính mình.

Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến?
Những thông tin lịch sử này ẩn dấu trong kết cấu phân tử DNA trong cơ thể mỗi chúng ta”, Lý Huy nói. Vị nghiên cứu sinh tiến sĩ này của Viện khoa học sinh mệnh trường đại học Phúc Đán đang say mê thu tập các mẫu DNA của các phân chi dân tộc, đồng thời chú trọng nghiên cứu quan hệ giữa các quần thể dân tộc ở miền nam Trung Quốc.
Lý Huy sinh ra và lớn lên ở Phụng Hiền ngoại ô Thượng Hải, thông qua đo nhiễm sắc thể Y và tuyến lập thể, phát hiện ra rằng họ là dân đến từ Quảng Đông Phúc Kiến. Mà hai vạn năm trước thì loại hình DNA này hoạt động tại vùng vịnh Bắc Bộ thuộc Đông Nam Á. Lý Huy từ nhỏ vẫn gọi chữ Phi (bay) là “bóng” giống như dân tộc Đồng gọi là “ben”. Từ rất lâu, anh ta vẫn cho rằng đó là tiếng Phụng Hiền, qua đo DNA Lý Huy mới biết những từ mà anh nói là đến từ ngôn ngữ Úc-Thái cổ xưa. Sự hình thành tổ tiên của ngữ hệ này có từ hai vạn năm trước ở vịnh Bắc Bộ phương nam.
Các nhà khoa học một mạch phân tích DNA và dùng máy tính nghiên cứu lịch sử nhân loại để xác định quá trình hình thành các chủng tộc và xã hội loài người. Quá trình này xưa nay chưa hề gián đoạn. Trước mắt đang triển khai kế hoạch lớn qui mô toàn cầu tìm nguồn gốc nhân loại. Một bài của Tân Hoa xã ngày 18 tháng 4 cho biết, để hiểu toàn diện nguồn gốc và quá trình thiên di của nhân loại, cũng như sự hình thành hàng nghìn ngôn ngữ của loài người, trong vài năm tới, các nhà khoa học TQ sẽ cùng các nhà khoa học Mỹ và các nước khác thông qua nghiên cứu gen và biến dị mà vẽ ra được bản đồ thiên di của loài người, từ đó mà bổ sung được những khoảng trống trong lịch sử nhân loại.
Kế hoạch 5 năm này gọi là “phổ đồ địa lý di truyền thiên di của nhân loại”. Kế hoạch này sẽ do các chuyên gia của 10 phòng thí nghiệm và đại học của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Trung Đông hoàn thành. Các nhà khoa học sẽ thu tập 10 vạn mẫu DNA thuộc các nhân chủng khác nhau ở nhiều vùng trên thế giới để tiến hành phân tích.
Giáo sư Kim Lực chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu sinh vật học nhân loại hiện đại của đại học Phúc Đán cùng đồng đội của mình phụ trách nghiên cứu nhân quần vùng Đông Á và Đông Nam Á, nội dung bao gồm sự thiên di nhân quần, sự hình thành và phân hóa dân tộc và ngôn ngữ, sự giao lưu gen giữa các nhân quần v.v. Giáo sư Kim Lực nói: “Lần này trọng điểm điều tra nghiên cứu của chúng tôi nhằm vẽ ra được sơ đồ thiên di của tổ tiên người Trung Quốc, dùng để nghiên cứu những vấn đề chưa biết về dân tộc, ngôn ngữ và hoàn cảnh tiến hóa của dân tộc chúng ta, Chúng tôi sẽ phải thu tập khoảng 2 vạn mẫu DNA. Mỗi một người Trung Quốc sẽ có thể lý giải được câu chuyện của mình.”

Người vượn Bắc Kinh không phải là tổ tiên của chúng ta
Tổ tiên của chúng ta thực sự là ai?”. Theo sách giáo khoa của giáo dục phổ thông quyền uy thì người hiện đại phân bố ở Trung Quốc là do người vượn Bắc Kinh sống cách nay 40 vạn năm tiến hóa mà thành. Lý luận của thuyết này là dựa vào thuyết nhân loại xuất hiện ở nhiều nơi, tại Âu, Á, Phi đều có người vượn tiến hóa thành người hiện đại.
Tiền Cát, trợ lý phòng thí nghiệm của giáo sư Kim Lực nói, người hiện đại là vật chủng đơn nhất, còn người vượn ở các nơi thì khác biệt rất lớn, thuộc vật chủng bất đồng, không thể là đều tiến hóa thành người hiện đại. Chỉ có người vượn Đông Phi là bước lên được con đường tiến hóa thành người hiện đại. Bởi vậy người vượn Bắc Kinh không có thể thành tổ tiên của chúng ta.
Túc Binh, nghiên cứu viên Sở nghiên cứu động vật Côn Minh, sau khi nghiên cứu niên đại của các hóa thạch hiện có của Trung Quốc đã phát hiện ra một giai tầng không dễ bỏ qua, đó là giai tầng từ 10 vạn năm trước đến 4 vạn năm trước, giai tầng này không hề có một hóa thạch nhân loại nào được tìm thấy, suy ra, người đứng thẳng và trí nhân sơ kỳ (Homo sapiens) sống ở Đông Á, trong thời kỳ băng hà gần nhất đã bị tuyệt diệt vì khí hậu ác liệt. Thay vào đó là nhân chủng hiện đại đã từ châu Phi thiên di đến.
Nhưng vẫn có những nhà khoa học ủng hô thuyết “đa khởi nguồn”. Viện sĩ Ngô Tân Trí thuộc Viện nghiên cứu cổ nhân loại học đã tỉ mỉ nghiên cứu so sánh đặc trưng xương cốt người vượn Bắc Kinh, người hang động với người hiện đại, phát hiện ra rằng 70% người Trung Quốc trên xương đầu có ba đặc trưng giống hệt người vượn Bắc Kinh, do vậy ông vẫn theo quan điểm cho rằng người vượn Bắc Kinh có thể là tổ tiên của người Trung Quốc. Nhưng học sinh của ông là Lưu Vũ khi đi khảo sát ở châu Phi lại phát hiện có tới 30% người châu Phi có ba đặc trưng trên ở xương đầu cũng giống hệt người vượn Bắc Kinh.
Năm 1998 các nhà khoa học Trung Quốc nắm vững được tính trọng yếu trong mật mã di truyền DNA. Trên dây chuyền DNA song xoáy có bốn loại tiểu cầu màu đỏ, vàng , lam, lục giao kết với nhau, A, T, C, G. Chúng nắm toàn bộ lịch sử thiên di và phát triển của nhân loại..
Theo giải thích của khoa học, mỗi tiểu cầu giống như là một đơn vị hột. Những tiểu cầu này liền với nhau theo một trật tự nhất định làm thành gen, và có thông tin di truyền tương ứng. Nó có tính công năng rất mạnh, khống chế màu da, hình dáng và sức khỏe nhân loại. Ví dụ cao huyết áp của người là do vài trăm gen khống chế. Trật tự sắp đặt của chúng không thể tùy tiện biến đổi, hễ biến đổi là ảnh hưởng tới tình trạng của cơ thể.
Còn có một số tiểu cầu thì trật tự sắp đặt lại không có tính công năng, tính chất chúng giống như vật bổ sung thêm vào trong phân tử DNA. Chúng sắp đặt tự do, sau vài nghìn, vài trăm năm lại phát sinh một lần biến hóa, ví dụ chỗ vốn là A lại xuất hiện C, sự biến hóa này không chịu bất cứ ảnh hưởng bên ngoài nào, không chịu áp lực chọn lựa của tự nhiên. Những biến đổi của chúng không ảnh hưởng đến sức khỏe của thân thể. Chính đột biến di truyền này ghi lại thông tin lịch sử thiên di của nhân loại.
Nghiên cứu viên Chữ Gia Hựu của Sở nghiên cứu động vật Côn Minh đã nghiên cứu về trật tự sắp đặt đặc biệt vi vệ tinh trong sắp xếp DNA, đây là một tiêu chí di truyền được công nhận. Trong sắp xếp DNA có một kiểu trùng lặp ngắn gọn, ví dụ TGTGT qua GTG , sự trùng lặp nó về tự mẫu hay về số lần đều có thể di truyền, khi thừa kế trên cơ thể đời sau, vị trí của một G nguyên tiên có thể biến thành A, hoặc giả nguyên tiên trùng lặp 9 lần mà đến đời sau bỗng biến thành trùng lặp 10 lần. Căn cứ nguyên lý này, Chử Gia Hựu đã phân tích 28 nhân quần Đông Á suy ra ở Trung Quốc thời gian khởi nguồn người hiện đại không sớm hơn 5 vạn năm.
Có người cho rằng Chử Gia Hựu lấy mẫu quá ít, không có sức thuyết phục. Năm 2001, học sinh của Kim Lực là Kha Việt Hải cùng với tổ nghiên cứu của anh ta tiến hành phân tích di truyền qui mô lớn với chủ yếu là nhân quần người Hoa ở Đông Á. Anh đi sâu vào thế giới nhiễm sắc thể Y. Nhân quần này đời đời đều là cha con tương truyền, mà “tính cách” ổn định, thông thường mấy chục đời sau mới có một, hai vị điểm của gen phát sinh biến hóa. Kết cấu của những vị điểm đột biến di truyền này giống như một cái cây. Chính cây gen này đã ghi lại lộ trình phân tán tới những địa điểm khác nhau trên trái đất trong những thời gian khác nhau của nhân loại.
Kha Việt Hải đã phân tích 12127 cá thể nam tính phát hiện trên YAP, M130 và M89 của nhiễm sắc thể Y đều có một vị điểm của nó phát sinh biến hóa. Chúng là ba cành của cây gen trên. Chúng hợp long tại một cây gọi là M168, đây chính là vị điểm đột biến của nhân thể châu Phi. Cũng có nghĩa là người Trung Quốc và người đang sống ở châu Phi là có quan hệ với nhau.
Kha Việt Hải nói, quần thể hữu hiệu của nhiễm sắc thể người Trung Quốc vốn không lớn, chủng loại tồn tại không nhiều, hơn 1 vạn 2 nghìn mẫu này hầu như bao quát tuyệt đại bộ phận loại hình nhiễm sắc thể người Trung Quốc. Điều này chứng minh đầy đủ rằng người Hoa chiếm đại đa số nhân quần Đông Á khởi nguồn từ châu Phi.

Người Hạ đích thực
Người lãnh đạo kề hoạch lập bản đồ thiên di nhân loại nói: “Chúng ta đều từng thuộc một tổ tiên, chẳng qua là theo thời gian trôi mà chúng ta bị phân tán. Người hiện đại trên thế giới dù là người châu Á, châu Mỹ hay châu Âu đều là người đứng thẳng ở Đông Phi tiến hóa mà nên. Họ từ 5 – 10 vạn năm trước bắt đầu khuếch tán đi khắp nơi trên thế giới.
Bắt đầu từ DNA, nghiên cứu về nhân loại dần dần chuyển sang tầng diện văn hóa. Con người từ chính cơ thể mình lại đi tìm cái mất đi của lịch sử. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước ngành nhân loại học phát sinh một phân chi quái dị là phân tử nhân loại học. Từ khi ra đời nó đã có được một lực lượng đáng kinh ngạc. Nó không những khiến cho thuyết “khởi nguồn châu Phi” có được bộ mặt rõ ràng khả tín, mà thậm chí còn dựa vào đó tìm ra được nguồn gốc châu Phi của người Á và người Hạ.
Năm 1987 đại học Hawai tìm ra được DNA tuyến lập thể của phụ nữ, phát hiện ra rằng tuyến ấy của phụ nữ hiện đại đều đến từ một vị phụ nữ cách nay 15 vạn năm ở châu Phi.
Tuyến lập thể tồn tại ở trong chất cua tế bào, nó là “công xưởng năng lượng của tế bào, chúng bao hàm lượng ít vật chất di truyền DNA, tuyến lập thể của mỗi con người đều đến từ người mẹ, vì vậy nó là công cụ quan trọng cho nghiên cứu tiến hóa nhân loại từ góc độ di truyền mẫu hệ, giống như Y nhiễm sắc thể là công cụ nghiên cứu di truyền phụ hệ.”
Tiếp đó các nhà khoa học ngành phân tử nhân loại học lại thành công trong việc phát hiện Y nhiễm sắc thể trong mật mã di truyền nam tính, dẫn đến kết luận rằng nam tính hiện đại đều có chung một ông bố sống cách nay 15 vạn năm tại Đông Phi.
Lý Huy giải thích, đại khái 15 vạn năm trước tại Đông Phi phân hóa ra rất nhiều nhân chủng và bộ lạc, trong đó bao gồm tổ tiên của bốn màu da nhân chủng. Phát hiện M168 trên nhiễm sắc thể Y chính là một vị điểm đột biến rất cổ xưa, phát sinh khoảng 10 vạn năm trước, khi nhân loại rời khỏi châu Phi.
Mười vạn năm trước trái đất bị băng hà phủ kín đạị bộ phận lục địa. Toàn bộ mặt biển thấp hơn mặt biển ngày nay 120 mét, nhiều đáy biển lộ ra mặt đất. Các bộ lạc sống chen chúc trên mảnh đất ấm áp Đông Phi bằng nguồn thực phẩm kiếm được có hạn. Một bộ phận người bắt đầu rời khỏi châu Phi.
Lại qua đi vài ngàn vài vạn năm, người hiện đại trên cơ sở đột biến gen M168 lại xuất hiện hai loại hình đột biến là M130 (80000 năm trước) và M89 (45000 năm trước), nhân loại thông qua Bắc Phi tiến vào đại lục Âu, Á. Ra đi sớm nhất là người da đỏ. Họ sống chủ yếu bằng đánh cá và thu lượm nhuyễn thể ven biển. Họ đi men theo bờ biển Ấn Độ với khí cụ là đồ đá cũ và cây vót nhọn. Họ đã chiếm lĩnh lục địa Nam Á, Đông Nam Á và các đảo bãi đại dương 5 vạn năm trước công nguyên.Trong quá trình vài vạn năm sau đó do sống bằng đánh bắt hải sản, họ đã men theo bờ biển mà đến tận Đông Á, xuyên qua eo biển Bê Rinh mà đến tận Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Người chủng da vàng rời khỏi châu Phi muộn hơn người da đỏ gần 5 vạn năm. Nhưng tốc độ khuyếch tán của họ nhanh hơn. Họ đã đến được Đông Nam Á với thời gian đã mất chỉ bằng 1/5 thời gian cua người da đỏ. Trong số 12000 mẫu mà Kha Việt Hải lấy của người Trung Quốc thì có 11311 mẫu có phát sinh đột biến M89. Mà đột biến này đánh dấu thời gian hình thành là khi người da vàng đạt đến Đông Nam Á rồi sống lâu dài ở đó, sau đó mới tiến nhập Trung Quốc, phân hóa xuất hiện Hán tộc ngày nay.

Hán Tạng cùng nguồn
Bất luận nhìn bên ngoài hay nhìn văn hóa, khó ai tin được rằng người Hán và người Tạng là cùng nguồn, nhưng các nhà nghiên cứu phân tử nhân loại học thì tin sâu sắc không chút nghi ngờ là Hán, Tạng đồng nguồn.
Đầu tiên nêu ra sự đồng nguồn Hán, Tạng là các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc. Giới ngôn ngữ học cho rằng ngôn ngữ Đồng- Thái ở miền nam và ngôn ngữ Hán là gần nhau nhất, sau đó phát hiện ngôn ngữ Tạng gần gũi nhất với ngôn ngữ Hán. Có thể tìm thấy các từ tiếng Tạng và tiếng các phương ngôn đông nam Trung Quốc phát âm tương tự và đồng nghĩa nhau. Sự tương ứng này mang tính hệ thống chứng tỏ mối quan hệ đồng nguồn.
Nghiên cứu viên Túc Binh thuộc sở nghiên cứu động vật Côn Minh năm 1996 nghiên cứu DNA tìm thấy chứng cứ thể hiện Hán, Tạng cùng nguồn, ở chỗ người Hán và người Tạng trên M122 và trên phân chi M134 đều có đột biến giống nhau. Thông qua phân tích chủ thể nhiễm sắc thể Y thấy rằng tần suất đột biến ở người Tạng gần gũi nhất với tần suất đột biến ở người Hán, chứng tỏ trong số các dân tộc thuộc hệ ngữ Tạng-Miến thì người Tạng và người Hán là gần gũi nhất. Họ phân hóa thành hai dân tộc cách nay khoảng 5000 năm.
Theo trợ lý Tiền Cát của phòng thí nghiệm của giáo sư Kim Lực thì việc Trung Quốc dùng DNA phân tích lộ trình thiên di của tổ tiên đã đến độ thành thạo. Các nhà nghiên cứu lĩnh vực này như Trương Á Bình, Chử Gia Hựu (Vân Nam), Bác Tụng Tân, Lý Nghiệp (Cáp Nhĩ Tân) v.v. chỉ cần tổng hợp các con đường thiên di lại sẽ có được sơ đồ hoàn chỉnh về lộ trình thiên di của người Trung Quốc. Qua những thành tựu nghiên cứu tới nay, có thể thấy rằng 56 dân tộc Hoa Hạ ở Đông Á và các dân tộc ở Đông Nam Á đều là do tiên dân ngữ hệ Nam Á phân hóa mà thành, vì trên cơ thể họ đều có đột biến M122.
Đột biến M122 đại khái xuất hiện khoảng 3 vạn năm trước. Lúc này các dãy núi ở Trung Quốc đều phủ kín tuyết, đại bộ phận đất đai còn trống vắng, chỉ có số ít người da đỏ sống ở vùng Hoàng Hà và Trường Giang. Trong khi đó ở vùng Miến Điện Đông Nam Á bộ lạc người da vàng đã có thế lực nhất định, người da đỏ không ngừng qui tụ về hướng nam.
Khi băng hà trên lục địa Trung Quốc tan dần, một chi có đột biến M122 thuộc hệ ngữ Nam Á bắt đầu tiến nhập Trung Quốc. Theo Lý Huy, tiên dân hệ ngữ Nam Á tiến nhập Trung Quốc chia thành ba đường, vào Trung Quốc qua hai cửa, một là ngả Vân Nam. Hai là ngả lưu vực Châu Giang Một chi theo cao nguyên Vân Quí đi lên hướng tây bắc, cách nay khoảng 1 vạn năm họ đã đến được vùng bồn địa Hà Thao, thượng du Hoàng Hà. Đây là chi tổ tiên của hệ ngữ Hán Tạng mà về sau gọi là tiên Khương, họ chính là tổ tiên chung của người Hán và người Tạng.
Chi tiên dân Nam Á này khi bắt đầu thiên di thì cơ thể họ có đặc trưng là cái đầu của họ chưa được tròn cho lắm, mũi to, môi dầy. Họ đi từ Vân Nam lên Cam Túc, hình trạng nhân thể phát sinh biến hóa, Sau khi đến được vùng cao nguyên, không còn bị các bệnh nhiệt đới ảnh hưởng, ô xi lại thiếu nên khuôn mặt của họ biến dài. Ngôn ngữ của họ cũng biến đổi, có thuyết cho rằng biến đổi này là do cái miệng và cái tai đem lại.
Nhưng điều quan trọng là qua quá trình thiên di 1 vạn năm M122 trong cơ thể họ bắt đầu sinh ra đột biến mới là M134. Như vậy đến cách nay 5000 – 6000 năm DNA trong nhân thể bắt đầu “không yên phận” nữa, lúc này, do nông nghiệp ăn hạt cốc xuất hiện, văn hóa đá mới bắt đầu phát triển. Dân số tăng khiến nhân quần tất yếu tìm nơi cư trú mới. Bắt đầu phân rã hai tộc ngữ Hán và Tạng từ một hệ ngữ Hán Tạng.
Trên cơ sở M134 của một chi nhân quần khác phát sinh đột biến M117. Chi này mang theo đột biến này đi về phía đông một mạch đến lưu vực Vị Hà thì dừng lại. Họ nắm được văn minh nông nghiệp, bắt đầu sống bằng nghề nông. Quần thể này chính là người Hoa mà về sau gọi là người Hán. M117 trên cơ thể người Hán là một đột biến di truyền rất cổ xưa.
Một chi nhân quần khác bị gọi là quần thể ngữ tộc Tạng Miến. Họ rời lưu vực Hoàng Hà thiên di hướng tây và hướng nam, cuối cùng đến định cư ở nam và bắc dãy Himalaya. Trong quá trình thiên di, quần thể này không ngừng phân liệt thành các dân tộc Tạng, Khương, Di, Cảnh Phả, Thổ Gia.
Người Hoa ở lưu vực Vị Hà mài dũa nên một chi rất dũng mãnh thiện chiến là người Tần, tích tụ một thực lực thống nhất Trung Quốc. Còn một bộ phận khác người Hoa lại tiếp thụ ảnh hưởng của văn hóa Long Sơn của người Di và văn hóa của người Miêu Dao, hình thành nên hai quần thể Tề ngữ và Sở ngữ.
Thời kỳ Tần Hán đã thống nhất được một Trung Quốc vốn chia năm sẻ bảy, thống nhất cả ngôn ngữ, văn tự, tiền tệ , đo lường. Chỉnh thể Hán tộc đã ý thức được sự hình thành chân chính. Thêm vào đó là sự thống trị có hiệu lực của tập quyền trung ương, từ đó Hán tộc không bị phân hóa nữa. Còn về mặt văn hóa thì cưỡng chế làm cho Hán tộc giống như một giọt mực lan rộng ra trên toàn bản đồ Trung Quốc. Họ mang đột biến M117 nhanh chóng thẩm thấu bốn phương.

Thân phận mơ hồ của dân tộc phương Nam
Lý Huy thông qua nghiên cứu đã phát hiện, tiên dân Nam Á men theo cao nguyên Vân Quí đi lên phía bắc và phía tây hình thành nên ngữ hệ Hán Tạng, đồng thời từ trong số quần thể Nam Á ấy có một chi đi về hướng đông và nam qua Lào và dãy Sòng Sơn (Trường Sơn- ND), cách nay hơn 1 vạn năm, hình thành nên ở vịnh Bắc Bộ tổ tiên của ngữ hệ Úc – Thái. Chi người da vàng này mang đột biến M119 từ Việt Nam, Quảng Tây tiến nhập Trung Quốc, mên theo bờ biển tiến lên hướng đông bắc, hình thành nên dân tộc Bách Việt.
Lý Huy bản thân thuộc nhân quần ngữ hệ Úc – Thái, đây là phát hiện ngẫu nhiên của anh ta khi nghiên cứu mẫu DNA của phân chi dân tộc. Hai năm trước khi chưa nghiên cứu thì anh ta chưa hề biết đích xác quần tộc của mình, khi ghi hồ sơ lý lịch vẫn điền là “dân tộc Hán”. Nhưng từ nhỏ anh đã phát hiện thấy, tuy sinh ra lớn lên ở Phụng Hiền, Thượng Hải nhưng tập quán rất khác xa quần thể người Hán xung quanh. Cụ ông cụ bà của anh đều bận trang phục màu chàm. Họ có những ngày Tết riêng: âm lịch 18 tháng 4, té nước mừng năm mới; âm lịch 18 tháng 9 tát ao bắt cá chia phần đều cho cả xóm. Họ có ưu việt cảm với dòng giống của mình, không thông hôn với các dân tộc khác. Thời đó các cụ đều nói với thằng nhỏ Lý Huy rằng họ mới chính là dân bản địa của Thượng Hải.
Cho tới khi Lý Huy đi lấy mẫu ở quần thể người Thái ở Vân Nam mới có được phát hiện vỡ òa rằng anh hầu như nghe hiểu gần hết ngôn ngữ của người Thái. Rồi khi giao lưu với người Thủy anh lại càng kinh ngạc, đến những từ nói thầm, từ dùng trong buồng riêng họ nói anh đều nghe hiểu. Khi về Thượng Hải anh mới phân tích mẫu máu của mình, phát hiện cơ thể người Thái, người Thủy và cơ thể anh đều có đột biến M119.
Ngành dân tộc học gọi quần thể có đột biến M119, là hệ thống dân tộc Bách Việt. Lịch sử của họ bao trùm phạm vi từ Giao Chỉ thuộc Bắc Bộ Việt Nam đến Triết Giang. Trong hàng nghìn năm phân hóa thành các tộc Lê, Đồng, Thủy, Lào, Cao Sơn, Choang, Thái. Các tộc người này về ngôn ngữ và văn hóa có sự đồng nhất rất mạnh, bởi vậy gọi chung là người Việt. Xương mày có độ uốn cong xuống dưới rất lớn là đặc trưng của người hệ ngữ Úc – Thái.
Năm ngoái Lý Huy cùng tổ nghiên cứu của mình tiến hành nghiên cứu ở Thượng Hải xem người Ngô và người Việt là thuộc một dân tộc hay thuộc hai dân tộc. Trước đó giới ngôn ngữ học cho rằng họ thuộc một dân tộc, vì họ nói có thể hiểu được nhau.
Nhưng nghiên cứu phát hiện ra rằng họ thuộc hai dân tộc hoàn toàn khác nhau. Người Việt 7 – 8 ngàn năm trước phát triển tại Thông Giang Thượng Hải. Người Ngô khoảng 3 ngàn năm trước mới tiến nhập Thượng Hải. Các sắc dân người Việt trên cơ thể có lượng lớn đột biến M119; người Ngô lại có rất ít, họ có nhiều là đột biến M7, do hệ ngữ Miêu Dao di truyền. Người Ngô thuộc chi tiên dân Nam Á thiên di từ cao nguyên Vân Quí đi về phía đông, sau đó vị điểm trên chuỗi DNA ở M134 phát sinh đột biến M7.
Nhân quần này ở vùng Động Đình hình thành nên ngữ hệ Miêu Dao. Người Ngô chính là sự đồng hóa giữa người Miêu Dao đông tiến và người Hán nam tiến mà hình thành, do vậy biến hóa cơ cấu di truyền của họ nhiều mà phức tạp.

Đông Nam Á là một trung tâm phân hóa dân tộc
Nghiên cứu viên Tiền Cát nói, trong kế hoạch lập bản đồ thiên di nhân loại thì lộ trình thiên di của người Trung Quốc đã khá rõ ràng. Bây giờ chỉ còn là công tác tổng kết và bổ sung.
Ví dụ, nghiên cứu tới nay đã chỉ ra rằng, 2 vạn năm trước, khi hệ ngữ Úc – Thái hình thành, có một chi bộ lạc men theo bờ biển đi lên, hầu như không lưu lại dấu tích nơi họ dừng. Họ đi một mạch đến lưu vực Tây Liêu Hà mới dừng lại. Họ chính là hạt nhân của hệ ngữ A Nhĩ Thái. Sau đó người Di đi lên, người Hoa cũng đi lên, ở đó hội nhập lại lần thứ nhất, hình thành nên văn hóa Hưng Long Thẩm. Đây là nơi ngày nay phát hiện văn hóa đá mới sớm nhất của Trung Quốc.
Sau đó tiên dân ngữ hệ A Nhĩ Thái đi rộng ra bốn xung quanh, về phía tây phân hóa thành Mông Cổ, Đột Quyết; về phía đông nhập Triều Tiên, Nhật Bản; về phía bắc qua eo Bê Rinh sang Mỹ. Vùng này lấy mẫu còn thưa, còn phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Trọng tâm nghiên cứu đặt vào Đông Nam Á. Đông Nam Á là vùng lớn các dân tộc giao hội, có tới 2000 dân tộc, chiếm ¼ các dân tộc trên thế giới. Do người châu Phi tới đây sớm, thời gian dài, nên nơi đây thành trung tâm phân hóa các dân tộc. Ở đây hầu như mỗi đảo là một dân tộc, cách một ngọn núi là một dân tộc. Theo suy nghĩ của Lý Huy, nghiên cứu bắt đầu từ Lào và Miến Điện, nơi còn rất nhiều các bộ lạc quần thể cổ xưa.
Từ châu phi tiên nhân da vàng đến Miến Điện, hình thành ở đó hệ ngữ Nam Á. Hiện nay công tác nghiên cứu lấy mẫu hệ ngữ Nam Á còn quá ít và lại đang tiến hành rất chậm chạp. Tiên dân Nam Á chính là tổ tiên chung của người Đông Á. Làm rõ được kết cấu di truyền của nhân quần Nam Á này sẽ có được cống hiến lớn cho hoàn thành sơ đồ thiên di nhân loại.

Về Quỳnh Đôi

P1120168Tôi kể sự xưa chuyện họ Hồ
Đồng quê Châu Diễn núi lô nhô
Trạng nguyên nổi ánh từ Giang Chiết
Nghìn thu Bào Sảng dựng cơ đồ.

Cửa cao trăng rọi những anh tài
Tuấn kiệt trung lương khí bất mai
Thần minh hệ xuất ba vương đế
Giai nhân thi lễ một không hai.

Nước cả bởi chưng rộng mạch nguồn
Cháu con phúc tổ nhớ luôn luôn
Tháng Giêng về với nơi Quỳnh Diễn
Ngẫm sự xưa nay, thắp nén hương…

Tiên và Phật

Đạo Phật du nhập vào nước Nam từ bao giờ? Đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam từ thời Hùng Vương là chắc chắn, nhưng Hùng Vương là thời kỳ kéo dài hơn 2000 năm trước Công nguyên. Vậy đạo Phật đến Việt Nam cụ thể vào lúc nào?
Trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế thiền sư Lê Mạnh Thát nhận định: “Phật giáo đã đặt nền móng tại Việt Nam từ thời Hùng Vương, Sư dạy đạo đầu tiên là Sư Phật Quang, Phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử”.
Cùng quan điểm này các tác giả Trịnh Minh Hiên và Đồng Hồng Hoàn trong cuốn Thành NêLê – Đồ Sơn thời Asoka đã nêu ra một số dẫn chứng xung quanh Chử Đồng Tử và sư Bần ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Đó là ngôi chùa Hang (Cốc Tự) ở Đồ Sơn với truyền tích: “Thời xưa vào cuối đời vua Hùng ở đây có một vị sư tên là sư Bần (Bần Tăng), người Ấn Độ, lập bàn thờ Phật và tu ở trong chùa Hang”. Gần chùa Hang (thôn Cốc Liễu, xã Minh Tân, Kiến Thụy) có ngôi miếu Bà Đa, thờ Chử Đồng Tử với truyền thuyết Chử Đồng Tử đi qua đây đã dùng phép cải tử hoàn sinh cứu sống con bà Đa. Từ đó các tác giả cho rằng Chử Đồng Tử đã gặp sư Phật Quang (hay sư Bần) ở Quỳnh Viên là khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng, rồi sau đó trên đường đi đã cứu sống con bà Đa ở Kiến Thụy…
Muốn dựa vào truyền thuyết về Chử Đồng Tử để xác định thời điểm Phật Giáo có mặt ở Việt Nam thì trước hết cần định vị và định thời gian của nhân vật Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử không thể đi tu Phật mà là tu Tiên. Sư Phật Quang là sự gán ghép muộn màng sau này của đạo Phật vào truyền thuyết Chử Đồng Tử.
Lý do Chử Đồng Tử không tu Phật là:
–    Chử Đồng Tử là vị thần bất tử xếp hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh và trước Đổng Thiên Vương. Nếu Đổng Thiên Vương là Thánh Gióng đánh giặc Ân, vào cỡ khoảng thế kỷ 11 trước Công nguyên thì Chử Đồng Tử phải có từ trước thời kỳ này. Còn nếu Đổng Thiên Vương là Huyền Thiên đại thánh (như ở đền Bộ Đầu, xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) thì Chử Đồng Tử vẫn là nhân vật lịch sử có trước thời của Thái thượng Lão quân (Huyền Thiên Lão Tử). Trong khi đó đạo Phật mới ra đời từ Phật Thích Ca vào quãng giữa thế kỷ 6 trước Công nguyên, sau Lão Tử. Thời Chử Đồng Tử như vậy đã làm gì có đạo Phật mà tu.
–    Phép thuật mà Chử Đồng Tử học được nằm ở 2 bảo bối gậy và nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương, là quan niệm cơ bản của Đạo giáo chứ không phải của đạo Phật. Đạo Phật nói tới thuyết luân hồi, không bàn tới cải tử hoàn sinh vì như vậy là phá vỡ luân hồi. Chử Đồng Tử đã “thọ giáo” một đạo sĩ chứ không phải sư Phật.
Núi Quỳnh Viên nơi Chử Đồng Tử đi tu có thể ở Đồ Sơn, tháp Nê Lê của vua A Dục có thể ở Đồ Sơn thật. Nhưng những điều đó không có nghĩa là Chử Đồng Tử tu Phật ở Đồ Sơn. Sự có mặt di tích và truyền thuyết của Chử Đồng Tử ở Hải Phòng có thể hiểu được vì Chử Đồng Tử là vị thần bất tử của hướng Đông, đã mở mang khu vực phía Đông theo truyền thuyết.
Một liên hệ khác để định vị công lao khai mở phía Đông của Chử Đồng Tử là chuyện về Quảng Bác Đại Vương ở Phú Xuyên (Hà Nội). Đây là vị thần được thờ làm thành hoàng ở nhiều làng quanh khu vực Phú Xuyên (tổng Thịnh Đức), nơi thờ chính của thần là đền Ba Sa ở Phú Yên, Phú Xuyên. Sự tích thần chép Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương là con vua Hùng thứ tám và cung phi Tiên Dung Châu, đã lập nhiều chiến công đem lại bình yên cho đất nước.

P1110718Đền Ba Sa ở Phú Xuyên với hoành phi “Hùng triều bát đại vương”

Câu đối ở cổng đền Ba Sa:
Di tích Hùng triều, danh hiệu đại vương lưu vạn thế
Sắc phong khai quốc, anh linh hiển thánh ngự Ba Sa.
Âm Ba trong tên thánh Ba Sa được ghi bằng chữ Nôm.
Còn tại đình Giẽ Hạ (Phú Yên, Phú Xuyên) nơi thờ Quảng Bác Đại Vương làm thành hoàng làng có bức hoành phi đề Trạch tư Đông thổ 宅兹東土, nghĩa là Yên định vùng đất Đông.
Sự tích của Quảng Bác Đại Vương ở Phú Xuyên là một cách kể khác của chuyện Chử Đồng Tử. Câu đối về Chử Đồng Tử ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) như sau:
淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.
Chữ Sa 沙 và Chử 渚 đều nghĩa là bãi cát ven sông. Còn chữ Ba (3) trong tên Ba Sa và số Tám (Hùng triều bát đại vương) của chuyện Quảng Bác Đại Vương đều là những con số chỉ hướng Đông trong Hà Thư. Như vậy Ba Sa đồng nghĩa với Đông Chử hay Chử Đồng. Chử Đồng Tử đúng phải là Chử Đông Tử, nghĩa là vị thầy ở bãi Đông.
Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, rõ ràng là một vị tổ của Đạo giáo, chứ không phải đạo Phật. Nghĩa của tên Chử Đạo Tổ và Quảng Bác Đại Vương cũng rất gần nhau.
Bên cạnh đình Giẽ Hạ còn có đền thờ mẫu là bà Tiên Dung Châu, hoàn toàn trùng với tên Tiên Dung trong truyền thuyết về Chử Đồng Tử.
Quay lại với một số “dấu tích” cổ của đạo Phật ở Việt Nam. Một số tác giả căn cứ vào Ngọc phả Hùng vương kể chuyện vua Hùng thứ 7 là Lang Liêu lên núi Tam Đảo gặp Tiên ở chùa Địa Ngục mà kết luận: đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ thời Lang Liêu (?!) Có điều Lang Liêu, vị vua Hùng thứ 7, là thời kỳ nước ta vừa mới đánh giặc Ân xong. Nhà Ân Thương trước thời Phật Thích Ca ra đời có tới nửa thiên niên kỷ, làm sao thời Lang Liêu đã có đạo Phật được.
Chuyện Lang Liêu lấy nàng Tiên ở núi Tam Đảo chỉ rõ đây là chuyện thần tiên của đạo Lão chứ không phải chuyện của đạo Phật. Tây Thiên quốc mẫu Lăng Thị Tiêu ở núi Tam Đảo là Tây Vương Mẫu hay Mẫu Cửu trùng (Cửu Thiên Huyền Nữ), là vị mẫu cùng Ngọc Hoàng thượng đế cai quản các vị thần tiên trên trời, hoàn toàn không phải là Phật hay Bồ Tát gì cả.
Một “Phật tích” khác là tấm bia ở Hải Phòng có nói tới Tháp Xá Lợi ở miền Bắc Việt. Xá Lợi tháp là tháp nào? Tấm bia Xá lợi tháp minh mới phát hiện ở Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 2012 cho biết vào năm Nhân Thọ thứ nhất Tùy Văn Đế đã cho nhập xá lợi Phật vào Giao Châu tại chùa Thiền Chúng. Thiền Chúng phản thiết là Chiền, tức là chỉ một ngôi chùa ở Giao Châu mà thôi. Cổ Châu Phật bản hạnh ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết rõ:

Thời ấy có ông Lưu Chi
Tâu rằng nhà Tùy Cao Đế niên gian
Năm hòm xá lợi Bụt quan
Giữa huyện Siêu Loại là chiền Cổ Châu
Danh lam bảo tháp phù đồ
Cao dự nghìn trượng khỏe phò thánh cung.

Tùy Văn Đế năm 601 đã cho nhập xá lợi vào Giao Châu tại chùa Dâu. Tháp Hòa Phong ở chùa Dâu ngày nay được xây dựng lại trên nền cũ tháp Xá Lợi xưa.
Chùa Dâu ở Bắc Ninh gắn liền với sự tích về Phật Man Nương và Tứ pháp thời Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp ở vùng này được gọi là Tiên Sĩ Vương. Sĩ Nhiếp thực ra là người tu tiên theo đạo Lão. Hình tượng Tứ pháp (Vân Vũ Lôi Điện) là hình tượng thủy thần, hóa thân của Sĩ Nhiếp vì… Sĩ Nhiếp là Long độ đình hầu, tức thần Long đỗ của thành Thăng Long, là vua Mây họ Phạm ở Đằng Châu trong quan niệm dân gian.

P1110794Tam quan chùa Mui ở Thường Tín với bức tự “Đạo diễn huyền không”.

Sự đan xen giữa đạo Lão và đạo Phật trong tín ngưỡng dân gian Việt như vậy gặp ở nhiều sự tích, di tích. Ngay như ngôi chùa Mui (thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) gọi là chùa nhưng thực ra vốn là một Đạo quán (Hưng Thánh quán) thờ Thái thượng Lão quân, tức là thờ Lão Tử. Nếu không phân tách ảnh hưởng muộn của đạo Phật trong các truyền thuyết của đạo Lão thì sẽ đi đến những kết luận lệch lạc về lịch sử Phật giáo ở Việt Nam. Đối với Việt Nam Tiên có trước, Phật là sau. Tín ngưỡng chính thống và đặc sản của người Việt là Đạo giáo chứ không phải Phật giáo.

3 vị vua Hùng

Khu di tích đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) là nơi thờ các vị vua Hùng, quốc tổ của người Việt. Ở cả 3 đền Hạ, đền Trung và đền Thượng trong khu di tích này đều đặt bài vị thờ 3 vị thánh là:
–    Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương
–    Ất Sơn thánh vương
–    Viễn Sơn thánh vương.
3 vị thánh vương này còn gặp ở nhiều nơi khác trong các đình, đền, miếu vùng Phú Thọ. Không nơi nào đặt bài vị đích danh là Hùng Vương cả. Vậy người được thờ làm quốc tổ ở đây là ai? Tại sao không thấy tên của họ trong các truyền thuyết về Hùng vương?
Theo Truyện họ Hồng Bàng thì Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm trai, Âu Cơ dẫn 50 người con về đất Phong Châu, lập người con cả lên làm vua, đặt tên nước là Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Một số người do đó cho rằng 3 vị thờ ở đền Hùng là những người con, cháu của Lạc Long Quân – Âu Cơ, đã xưng là Hùng Vương.
Tuy nhiên thời đại Hùng Vương không phải bắt đầu chỉ từ Âu Cơ. Lạc Long Quân cũng là một Hùng Vương. Kinh Dương Vương (cha của Lạc Long Quân) cũng là Hùng Vương… Thời Hùng Vương bắt đầu phải tính từ Đế Minh, là người đã mở đầu sử Việt (Truyện họ Hồng Bàng):
Đế Minh, cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục.
Còn Thiên Nam ngữ lục chép:

Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

Câu thơ trên cho biết họ Hữu Hùng (Hùng Vương) bắt đầu từ Đế Minh, cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông.
Vị thánh vương được thờ đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn, thường được thờ với nhiều mỹ tự tôn vinh khá dài. Ví dụ bài vị ở đền Thượng ghi: Đột Ngột Cao Sơn hiển Hùng ngao thống thủy điện an hoàng tế chiêu liệt ứng thuận phả hộ thần minh thọ quyết ứng quảng huệ y diễn vệ hàm công thánh vương vị.
Những mỹ tự này cùng với cụm từ “Đột Ngột Cao Sơn” cho thấy vị trí tối cao của người được thờ, là quốc tổ ngàn đời của người Việt. Chữ “Hiển Hùng” tương ứng với tên Hùng Hiển Vương hay Hiên Viên của Đế Minh. Hiển là sáng tỏ, gọi khác là Minh.
Trong mục Thần tích xã Tiên Cương, phủ Lâm Thao có bản Ngọc phả mang tên: Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Cao Sơn Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ, trong đó kể lại sự tích về “Hùng Vương Thánh tổ Tiền Thái tổ Cao Sơn Minh Vương hoàng đế”. Như vậy Đột Ngột Cao Sơn còn được gọi là Cao Sơn Minh Vương. Vậy Đột Ngột Cao Sơn chính là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của người Việt.
Đế Minh được gọi là Cao Sơn (Đột Ngột Cao Sơn) là do chuyện Đế Minh lấy con gái bà Vụ Tiên là Lăng Thị Tiêu ở núi Tam Đảo (Tây Thiên). Bộ tộc Lang Tiên Thị còn có tên là Cao Sơn nên cái tên này được dùng để chỉ cả Đế Minh.
Khi xác định được vị quốc tổ thứ nhất Đột Ngột Cao Sơn là Đế Minh trong Truyện họ Hồng Bàng thì 2 vị tiếp theo cũng phải có liên quan, là 2 vị vua đã nối tiếp sự nghiệp của Đế Minh. Do vậy Ất Sơn là Đế Nghi, còn Viễn Sơn là Lộc Tục.
Ất là thứ 2 (trong các số đếm Giáp, Ất, Bính, Đinh…). Nghi cũng là Nhì, là thứ 2. Đế Nghi cũng là Đế Nghiêu trong Hoa sử.

IMG_8866Miếu thờ vua Hùng ở Hùng Lô

Một số nơi, như ở đình Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ) thờ 2 vị Hùng Vương là Hùng Hoa Vương và Hùng Hy Vương. Những người này đã có công dạy bảo nhân dân vỡ đất xây dựng quê hương, tạo nên nền cương thường, đạo lý của người Việt cổ.
Câu đối ở đình Hùng Lô
雄之西瀘之東浹洽醇風安百堵
国始君民始祖焜煌祀典老千秋
Hùng chi Tây Lô chi Đông, tiếp hiệp thuần phong an bách đổ
Quốc thủy quân dân thủy tổ, hỗn hoàng tự điển lão thiên thu.
Dịch:
Hùng bên Tây, Lô bên Đông, gió thuần hòa hợp yên trăm họ
Nước có vua, dân có tổ, phép thờ rực rỡ mãi ngàn thu.
Có thể Hùng Hoa Vương ở đình Hùng Lô là Đế Nghi hay Đế Nghiêu của Hoa sử. Còn Hùng Hy Vương là Hy Thị – Đế Thuấn, người được Đế Nghiêu cử đi khai mở Nam Giao.
Bài thơ vua Minh Mạng làm ở điện Thái Hòa (Huế) có câu:
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu.
Dịch:
Hồng Bàng triều đại mở
Phục Nam Nghiêu Thuấn đầu.
Vì công lao khai mở Nam Giao của Đường Nghiêu Ngu Thuấn hay Đế Nghi, Lộc Tục mà 2 vị này đã được cùng thờ trong tín ngưỡng Hùng Vương dưới tên Ất Sơn và Viễn Sơn.

IMG_8864Đình Hùng Lô ở Việt Trì

Câu đối khác ở Hùng Vương miếu tại Hùng Lô:
鷲嶺鍾靈百粤輿圖開厥始
義峯毓秀壹胞苗裔徇無疆
Thữu Lĩnh chung linh, Bách Việt dư đồ khai quyết thủy
Nghĩa Phong dục tú, nhất bào miêu duệ tuẫn vô cương.
Dịch:
Núi Thứu đúc khí linh, cơ đồ Bách Việt xưa khai mở
Đỉnh Nghĩa nuôi vẻ đẹp, dòng dõi đồng bào chẳng kể biên.
Ba vị vua Hùng đầu tiên được thờ tại đền Hùng và các di tích khác ở Phong Châu như vậy là Đế Minh, Đế Nghi, Lộc Tục hay Hoàng Đế, Đế Nghiêu và Đế Thuấn được Kinh thư xưa chép trong phần Ngu thư. Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ nước Hữu Hùng của Đế Minh, chứ không phải từ nước Văn Lang của Âu Cơ.