Nước Sùng và Tản Viên Sơn Thánh

Thông tin về nước Sùng, một nước thời Tam Đại Trung Hoa, theo wikipedia:

Tương truyền vào thời Hạ, cha của vua Vũ là Cổn được phong là Sùng Bá đã lập nên thành trì nước Sùng, sau khi Cổn bị giết thì đất ấy từ đó liên tục không có vua.

Nước Sùng thời Ân Thương dời đô sang chỗ khác… Quốc quân nước này trong giáp cốt văn được gọi là “Tông hầu”, người trong họ từng giữ chức khuyển quan nên gọi là “khuyển tông”… Dưới thời Đế Tân, Sùng Hầu Hổ mật báo việc Chu Văn Vương mưu đồ tạo phản với vương thất nhà Thương. Văn Vương về sau liền khởi binh diệt luôn nước Sùng, lấy đô thành của nước này dựng nên Phong Kinh. 

Theo đó, nước Sùng trong thư tịch cổ là:

– Nơi Đại Vũ trị thủy, tức là kinh đô Trung Hoa thời Hạ Vũ.

Nơi đóng đô của Sùng Hầu Hổ, Bắc Bá Hầu dưới thời Ân Trụ Vương. Tông hầu nghĩa là nước của “tổ tông” Trung Hoa, tức còn là đất gốc từ thời Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn.

Là Phong kinh của thời Chu Văn Vương.

Các học giả Tàu hiện lúng túng không biết nước Sùng như thế thì nằm ở đâu, đành đưa ra lý thuyết… nước này có chân, chạy từ nơi này sang nơi khác… vì nhà Hạ họ xác định đâu đó quãng Sơn Tây – Hà Bắc, Phong kinh của nhà Chu lại ở Thiểm Tây, cách nhau một giời một vực, làm sao ra thành một địa điểm được?

Thời Hạ Vũ, nước lũ ngập trời… Vậy làm sao chỗ nước ngập trời ấy lại ở vùng sa mạc Thiểm Tây?

Những ghi chép về nước Sùng thời Tam Đại đã cho thấy… định vị Hạ Thương Chu của sử Tàu hiện nay là sai hoàn toàn. Sự thực nước Sùng không hề nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà nên tìm khắp ở đó không có chỗ nào đáp ứng được những mô tả của cổ thư về nước này.

Để xác định vị trí nước Sùng, trước tiên xin xem thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”.

Sông Hắc Thủy đổ ra biển Nam Hải, nơi Đại Vũ khơi dòng trị thủy, thì không thể ở tận bên Hoàng Hà được. Hắc Thủy thực ra là tên của sông Đà (sông Đen), tới ngày nay vẫn còn lưu tên. Nhà thơ Tản Đà, quê hương và bút danh ở vùng núi Tản sông Đà có bài thơ Tự thuật như sau, minh chứng cho tên Hắc Thủy của sông Đà:

Văn chương thời nôm na,
Thú chơi có sơn hà,
Ba Vì ở trước mặt,
Hắc Giang bên cạnh nhà. 

Chạm khắc cá hóa long đình Tây Đằng.

Sông Đà cũng là nơi “cá vượt Vũ Môn hóa rồng” vì Vũ Môn hay Long Môn là khu vực Thác Bờ hiểm trở trước đây của dòng sông này. Đại Nam nhất thống chí ghi“Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội”…

Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì ghi: “… Núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngòi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.” 

Long Môn là nơi vua Vũ đã  đục thông lòng sông, khơi dòng dẫn nước qua Tam Nguy về Nam Hải, là ở đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ nay ở tỉnh Hòa Bình, rồi qua núi Ba Vì mà chảy vào sông Nhị Hà ra biển.Như vậy khu vực nước Sùng, nơi 2 vị Cổn và Vũ lao tâm khổ tứ hàng chục năm trời trị thủy cũng chính là vùng sông nước mêng manh thời cổ này ở đồng bằng miền Bắc Việt. Vị vua trị thủy bên dòng sông Đà thì không còn ai khác ngoài Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh chính là Đại Vũ trong cổ sử Trung Hoa.

Câu ca dao Việt:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Theo Hà thư thì số 4 là con số chỉ hướng Tây, số 8 là chỉ hướng Đông. Cá tụ họp ăn thề đi từ hướng Tây sang hướng Đông, theo sông Đà vượt qua Vũ Môn ở Thác Bờ mà hóa Rồng ở vùng sông Nhị (đền Và) rồi ra biển. 

Ban văn võ ở đền Và và hoành phi Nam Thiên thánh tổ.

Cá thuộc về hành Thủy (nước). Rồng thuộc về hành Mộc. Thủy sinh Mộc là một giai đoạn trong Ngũ hành tương sinh, nói về sự phát triển từ những nền tảng vật chất (hành Thủy) mà đạt được sự thăng hoa trong xã hội (hành Mộc). Đại Vũ Sơn Tinh thật sự là “cá hóa rồng” khi khơi dòng Hắc Thủy, rồi lên làm chủ thiên hạ họ Hùng người Việt.

Thư tịch cổ cho thông tin hết sức quan trọng. Cha của Đại Vũ là Cổn, là thủ lĩnh vùng đất Sùng. Do vậy, nước Sùng của Sùng Hầu Hổ thời Ân Thương cũng chính là nơi Đại Vũ trị thủy, tức là miền Bắc Việt ngày nay. Hình ảnh Tản Viên Sơn Thánh trong truyền thuyết Việt bao gồm những sự tích của cả thời Đại Vũ trị thủy và Sùng Hầu Hổ thời Ân Thương. 

Nước Sùng còn in dấu ấn trong sử Việt với tên Sùng Lãm của cha Lạc Long Quân. Còn ở Bình Đà, nơi thờ Lạc Long Quân thì có ghi chép 4 đời chúa họ Sùng có là Sùng Nghiêm, Sùng Quyền, Sùng Huề và Sùng Lãm. Lạc Long Quân được coi là người khởi đầu triều Hùng nên các chúa họ Sùng sau đó cũng thuộc về các đời Hùng Vương, mà Hùng triều kết thúc bằng sự kiện Thục Vương đánh Hùng Duệ Vương. 

Sùng Công còn là một trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Vị Tả kiên thần Cao Sơn của Thánh Tản có tên là Nguyễn Sùng. Đây hẳn cũng là một vị chúa họ Sùng đã cùng Sùng Hầu Hổ chống giặc Thục. 

Câu chuyện Sơn Thánh đánh Thục trong sử Việt là việc Sùng Hầu Hổ chống lại Chu Văn Vương, mà kết thúc là Văn Vương chiếm được đất Sùng, lập Phong kinh ở đó. Truyền thuyết Việt kể thành Thục Vương được vua Hùng nhường ngôi liền về Phong Châu đóng đô, lập đền miếu thờ các vua Hùng. Nước Sùng – Phong Châu chính là đất gốc tổ của Trung Hoa, mà giáp cốt văn gọi là “Tông hầu”, là nơi khởi phát của dòng họ Hùng từ thời Đế Minh Hữu Hùng Hoàng Đế Hiên Viên thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ.

Dòng họ Hùng truyền qua thời Nghiêu Thuấn, qua thời Hạ từ Đại Vũ, rồi Thương Ân, được ngọc phả Hùng Vương chép là 18 đời vua Hùng. Sùng Hầu Hổ là thủ lĩnh vùng đất tổ họ Hùng và được kể dưới tên Sơn Thánh trong cuộc chiến chống Thục Vương (Chu Văn Vương). Kinh đô của nước Sùng thời Sùng Hầu Hổ có thể là vùng xứ Đoài Sơn Tây, nơi có dày đặc các di tích thờ Sơn Thánh, có cả cung điện thiết triều của Sơn Thánh như đền Và. Ở đây Sơn Thánh đã hóa thành một vị thần bất tử, đứng đầu linh thần trong Việt điện, cũng bởi vì vị trí thiêng liêng của mảnh đất Sùng đối với dòng giống Việt.

Đất Sùng là đất gốc tổ “Tông hầu” nơi Thái tổ Đế Minh mở nước bên dãy Thái Sơn, Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn, Đại Vũ trị thủy ở Long Môn núi Tản, Sơn Thánh Sùng Hầu phò giúp Duệ Vương, cũng là nơi Thục Vương Cơ Xương khởi đầu nước Văn Lang trên vùng Tây Thổ Phong Châu.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s