Tôi là một trong số những người đầu tiên mua cuốn sách Nguồn gốc người Việt người Mường của Tạ Đức ở nhà xuất bản Tri thức vào đúng hôm cuốn sách được nộp lưu chiểu. Đây là do sự tình cờ nhưng có lẽ cũng là có chút duyên nào đó với những vấn đề mà cuốn sách đặt ra. Vấn đề nguồn gốc tộc người Việt Mường là vấn đề thú vị nhưng cũng rất nan giải. Nhất là khi vấn đề lại được nêu ra theo một quan điểm “khác thường” trong một cuốn sách nhiều trang, nhiều tư liệu dẫn chứng từ những lĩnh vực khảo cổ, truyền thuyết, ngôn ngữ,…
Cuốn sách của Tạ Đức đã được nhiều người khen chê nên tôi chỉ xin bàn luận thêm vào những vấn đề mà cuốn sách đã đặt ra về nguồn gốc người Việt với hy vọng là những bàn luận này phần nào giúp tác giả có thêm tư liệu, thêm cách nhìn nhận về sự thật của những khúc mắc khi tìm về cội nguồn của người Việt chúng ta.
Xin bắt đầu từ Chương 5 – Nước Xích Quỷ, nhà nước đầu tiên có tên của người Việt theo truyền thuyết. Xin dẫn các kết luận về nước Xích Quỷ của Tạ Đức đã nêu trong cuốn sách:
1 – Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương trong truyền thuyết Việt Nam là một nước có thực trong lịch sử. Thực chất, đó là liên minh của ba nước Việt Chương ở Giang Tây, Việt Thường ở Hồ Nam, Việt Dương hay Dương Việt ở Hồ Bắc ra đời trong quá trình đấy tranh giành độc lập gắn với sự tan rã của đế chế Thương. Nước Việt Chương có kinh đô ở Ngô Thành là nòng cốt và đã lãnh đạo quân dân Xích Quỷ đánh bại cuộc xâm lược của quân Ân Thương do vua Thương Vũ Đinh đích thân chỉ huy.
2 – Nền tảng vật chất của nước Xích Quỷ là nền văn hóa đồng thau Ngô Thành với các di vật tiêu biểu là những bộ não bạt và trống đồng cỡ lớn có vai trò đặc biệt trong tín ngưỡng của người Xích Quỷ.
3 – Điều có ý nghĩa nhất là bằng truyền thuyết Họ Hồng Bàng và đặc biệt là bằng truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân, người Việt Nam đã lưu truyền được những hồi âm, hồi quang xa xăm của nước Xích Quỷ đó.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định “Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương trong truyền thuyết Việt Nam là một nước có thực trong lịch sử”. Tuy nhiên việc định vị và định thời gian của nước Xích Quỷ như Tạ Đức thì gặp phải một số mâu thuẫn:
– Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương theo truyền thuyết Việt có cách nay trên 4.000 năm, tức là trước nhà Thương tới cả 1.000 năm.
– Theo truyền thuyết Kinh Dương Vương đi tuần ở núi Ngũ Lĩnh, lấy con gái Thần Long ở hồ Động Đình. Việc định vị Kinh Dương là châu Kinh, châu Dương ở quanh sông Dương Tử, Ngũ Lĩnh và Động Đình hồ ở Hồ Nam là lạc hướng bởi những từ ngữ trong cổ sử. Xin bàn thêm ở dưới đây về những địa danh này.
– Nền văn hóa đồng thau ở vùng Giang Tây – Hồ Nam – Hồ Bắc có nhiều điểm đặc trưng là văn hóa Thương. Đất Kinh Sở như vậy chính là đất của nhà Thương rồi, đâu cần đánh chiếm gì nữa.
– Thánh Gióng đã giúp vua Hùng chiến thắng giặc Ân, vua Ân chết ở Giếng Việt. Còn Ân Vũ Đinh đã đánh thắng nước Quỷ Phương sau 3 năm. Vũ Đinh là thời thịnh đầu nhà Ân chứ không phải thời nhà Ân tan rã. Vì thế truyền thuyết Thánh Gióng không phải sự kiện Ân Vũ Đinh đánh nước Quỷ Phương.
Xin nêu một số tư liệu làm rõ các vấn đề trên:
KINH DƯƠNG VƯƠNG Ở ĐÂU?
Truyền thuyết Họ Hồng Bàng chép: “Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân…”
Thiên Nam ngữ lục (thế kỷ 17) kể về việc kết hôn của Kinh Dương Vương:
Kinh Dương ngày ấy đi chơi
Thuyền trăng buồm gió tếch vời Nam minh.
Ở chốn Nam minh ấy Kinh Dương Vương gặp con gái Thần Long:
Nàng rằng: thiếp con Động Đình
Thần Long là hiệu, Nam minh là nhà.
Nam minh được chú là “bể rộng ở phía Nam”. Sách Nam hoa kinh của Trang Tử có câu “Bằng chi tỉ ư Nam minh đã, đoàn phù dạo nhi thường giả cửu vạn lý”. Dịch nghĩa: Chim bằng khi rời biển Nam, vỗ cánh trong làn gió cuốn mà bay lên chín vạn dặm tầng không.
Như vậy Nam minh chính là biển Nam. Trong lịch sử Hoa Việt thì rõ ràng đây là vùng biển Đông ngày nay. Thông tin trên của Thiên Nam ngữ lục cho thấy Kinh Dương Vương đã gặp con gái Thần Long ở Động Đình tức là biển Đông. Động Đình, cái nôi của người Việt cổ không hề là hồ nước nông choèn ở Hồ Nam. Động Đình nơi có Thần Long, nơi rồng bay lên, phải là biển Đông, vùng vịnh Bắc Bộ ngày nay.
Dẫn chứng khác là ở Việt Nam có tục thờ thần Bát Hải Động Đình làm Vua cha của Thoải phủ (thủy phủ) trong đạo Mẫu. Vua cha Bát Hải Động Đình được thờ chính là ở đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cụm từ “Bát Hải Động Đình” chỉ rõ Động Đình là vùng biển (Hải) chứ không phải hồ nước. Bát Hải nghĩa là biển có tên là Bát (số 8), tức là biển Đông vì số 8 là con số chỉ phương Đông trong Hà thư.
Tương tự núi Ngũ Lĩnh nơi Kinh Dương Vương đi tuần là ngọn núi có tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở vùng trung tâm vì số 5 là số trung tâm của Hà thư. Ca dao xưa có câu:
Núi thờ cha Tản Viên
Núi thờ mẹ Tây Thiên
Đều hướng về Ngũ Lĩnh
Thờ núi Tổ linh thiêng.
Ngũ Lĩnh trong câu ca dao rõ ràng là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ vua Hùng ngày nay ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ngũ Lĩnh không hề là 5 ngọn núi ở bên Hồ Nam.
Châu Kinh châu Dương thời Đại Vũ chia 9 châu do vậy không phải ở đất Kinh Sở bên sông Dương Tử. Kinh là nơi có người Kinh ngày nay, tức là vùng Bắc Việt. Dương vốn là tên của vùng Quảng Đông (Quảng Châu xưa gọi là Dương thành). Kinh Dương Vương là vị vua cai quản vùng Bắc Việt – Quảng Tây – Quảng Đông, xưa gọi là đất Nam Giao, ứng với chuyện Lộc Tục (Kinh Dương Vương) làm vua phương Nam.
Tóm lại, Kinh Dương Vương là vị vua Việt ở ngay trên đất Việt ngày nay nơi có người Kinh sinh sống, có ngọn núi Nghĩa Lĩnh (Ngũ Lĩnh) ở Phú Thọ, bên cạnh biển Động Đình (biển Đông). Lăng mộ Kinh Dương Vương ở Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh hoàn toàn có thể là nơi Kinh Dương Vương qua đời thật sự.
NHÀ ÂN VÀ NƯỚC QUỶ PHƯƠNG Ở ĐÂU?
Hàng loạt những dẫn chứng khảo cổ mà Tạ Đức đưa ra trong cuốn sách về văn hóa đồng thau ở khu vực Giang Tây – Hồ Nam – Hồ Bắc cho thấy khu vực này thuộc văn hóa đồng khí Thương. Những đặc điểm của văn hóa Việt ở đây cũng hiện hữu bởi vì… nhà Thương chính là một triều đại của người Việt. Nhận định “… tầng lớp thống trị ở Bàn Long Thành là người Thương, còn cư dân là người bản địa (người Việt)” cho thấy rõ nước là nước Thương, người là người Việt, hay nói cách khác nhà Thương là một quốc gia của người Việt.
Khi xác định như vậy thì có thể thấy hàng loạt địa điểm khảo cổ văn hóa Thương từ Ngô Thành, Tân Can, tới Bàn Long Thành, Trịnh Châu và An Huy là những thành ấp trên con đường dời đô của vua Bàn Canh nhà Thương lên hướng Bắc (xem bản đồ). Bàn Long thành tức là tòa thành của vua Bàn Canh (long = vua). Hướng thiên đô của nhà Thương hiện rõ qua các di chỉ khảo cổ này, là hướng từ Nam lên Bắc, từ Tân Can tới An Huy. Đô thành thay đổi, nhưng đất đai vẫn là đất của nhà Thương hay của các chư hầu được vua Thương phân phong. Việc nhà Thương dời đô có từ thời Bàn Canh, trước thời Ân Vũ Đinh.
Các khu vực đồ đồng thời Thương Chu
Theo Trúc Thư Kỷ Niên, Ân Cao Tôn “Tam thập nhị niên, phạt Quỷ Phương, thứ vu Kinh” (Năm 32, đánh Quỷ Phương, đóng quân tại đất Kinh). Ân Vũ Đinh đi đánh nước Quỷ Phương đóng ở đất Kinh, tức là đất Kinh thuộc đất của nhà Thương chứ không phải Cao Tông tấn công đất Kinh.
Nước Quỷ phương là nước Cửu phương, nghĩa là nước nằm về phía Tây lãnh thổ nhà Ân Thương. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây của Hà thư. Nước Quỷ Phương như vậy phải là khu vực Tứ Xuyên, ứng với nền văn hóa Tam Tinh Đôi của thời kỳ này (xem bản đồ). Chỉ có vùng Tứ Xuyên với nền văn minh Kim Sa rực rỡ giàu có từ 2.000 năm trước công nguyên mới có thể khiến Cao Tông nhà Ân Thương khổ cực suốt 3 năm trời mà chiếm lấy.
Việc xác định nước Quỷ Phương lãnh thổ ở Tứ Xuyên được củng cố thêm bởi truyền thuyết: Hùng Dịch được phong làm vương nước Sở là dòng dõi vua Xuyên Húc. Xuyên Húc là bố Hoan Đâu, mà Hoan Đâu là tổ người Tam Miêu. Người Tam Miêu là thành phần chính của nhà Thương trên đất Kinh Sở.
Truyền thuyết viết trong dòng họ có một người tên Lục Chung. Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương, vợ Lục Chung có thai mười một (11) tháng rồi giở nách bên tả sinh 3 người con, giở nách bên phải sinh 3 người con! Người thứ 6 tên là Quý Liên họ Mỵ. Quý Liên có một người con tên Dục Hùng. Dục Hùng lấy tên làm họ. Từ đó con cháu đều lấy tên Hùng làm họ. Hùng Dịch vua khai sinh ra nước Sở là cháu chắt Dục Hùng …
Truyện Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương cho thấy nước Sở và Quỷ Phương là 2 vùng khác nhau và nằm cạnh nhau. Vì thế địa phận Kinh Sở không thể là nước Quỷ Phương mà là đất thuộc nhà Ân thời Vũ Đinh. Vùng đất cạnh Kinh Sở chính là Tứ Xuyên. Đây mới là địa bàn của nước Quỷ Phương. Nước Sở như vậy là sự kết hợp giữa 2 dòng người nhà Thương và người Quỷ Phương qua cuộc hôn nhân của Lục Chung.
XÍCH QUỶ NGHĨA LÀ GÌ?
Theo cách giải thích của Tạ Đức, Xích Quỷ là “quỷ mặc áo đỏ”, ứng với thần Xuy Vưu. Suy luận này hơi suy diễn quá vì Xuy Vưu là vị thần của phương Tây, đứng đầu bộ tộc Cửu Lê (Cửu là số 9, chỉ phương Tây). Phương Tây trong Ngũ hành có màu trắng. Xuy Vưu là thần chiến tranh, không hề là Viêm Đế Thần Nông, một vị thần của nông nghiệp.
Xích Quỷ hay Xích quẻ là quẻ Ly (La), chỉ phương Nam. Xích là màu đỏ, màu của phương nóng, phương Nam. Nước Xích Quỷ ra đời vào quãng 4.000 năm trước, tức là ứng với thời gian của nhà Hạ trong Hoa sử. Trong cuốn sách Tạ Đức đã đưa ra khá nhiều dẫn chứng cho thấy nhà Hạ là một triều đại của người Việt, ví dụ như chuyện Hạ Vũ hội chư hầu ở Cối Kê, trên đất Việt. Hay người La có nguồn gốc từ nhà Hạ mà La = Việt… Tạ Đức chỉ dẫn những tư liệu như vậy mà không nói thẳng ra: nhà Hạ là triều đại của người Việt.
Nhà Hạ, vương triều đầu tiên của Hoa sử lại là của người Việt. Vậy thì lịch sử Trung Hoa cổ đại chính là Việt sử vì Hạ là Hoa (Hoa Hạ). Thực ra Hạ (hè) hay Hoa (hỏa) đều là chỉ xứ nóng, tương đương với từ Xích trong Xích Quỷ, có màu đỏ trong tên nước Hồng Bàng. Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương không gì khác là nhà Hạ từ Đại Vũ. Đây là một quốc gia, một thời đại lịch sử của người Việt.
Như vậy nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương hay Hồng Bàng của Lạc Long Quân ở vào thời điểm của nhà Hạ, cách nay khoảng 4.000 năm. Xích Quỷ do vậy không thể là nước Quỷ Phương vào thời nhà Ân, cách nay chỉ 3.00 năm.
THÁNH GIÓNG LÀ AI?
Truyền thuyết Việt chép rất rõ, Thánh Gióng giúp Hùng Vương đánh giặc Ân, chiến thắng rồi bay về trời ở núi Sóc Sơn. Vua Ân tử trận, chết ở Vũ Ninh như trong Truyện Giếng Việt cho biết. Sự kiện này cho thấy trận chiến giữa Thánh Gióng và giặc Ân không phải là trận Ân Cao Tông phạt Quỷ Phương vì phần thắng trong trận đánh sau thuộc về nhà Ân. Người đã buộc vua Ân tử trận phải là… Vũ Vương của nhà Chu. Huyền sử Việt chép thành địa danh Vũ Ninh. Trước khi lên ngôi Chu Vũ Vương có tên là Ninh Vương = Vũ Ninh.
Cái tên Phù Đổng của Thánh Gióng giải nghĩa rất đơn giản: Phù Đổng thiết Phổng. Phù Đổng là 2 ký tự để ký một âm chữ Nôm là Phổng, hay Bổng (phụ âm ph và b đổi lẫn cho nhau). Dẫn chứng về cái tên Bổng rõ ràng là câu trong lời tiếm bình Việt điện u linh của Tiến sĩ đời Lê Cao Huy Diệu: “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. Gọi là Phổng vì Thánh Gióng mới 3 tuổi mà ăn cơm cà của cả làng lớn “phổng” nhanh như thổi. Sau khi thắng giặc Thánh Gióng đã bay “bổng” về trời từ núi Sóc…
Phép phiên thiết đã làm lạc hướng không biết bao nhiêu nhà nghiên cứu. Thánh Gióng được gọi là thần Bổng, không phải là ông Đổng. Thần Đổng ở đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) mà Tạ Đức đã dẫn là một vị thần khác, với thành tích chính là diệt thủy quái, chứ không phải đánh giặc Ân. Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị“. Các sách cũ (theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam của Ngô Đức Thọ) đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần trấn phương Bắc nay còn thờ ở Quan Thánh cạnh Hồ Tây. Ông Đổng với thân hình khổng lồ là Huyền Thiên, không phải là Thánh Gióng.
Theo Tạ Đức, Thánh Gióng là thần trống đồng, cũng rất có thể. Tuy nhiên, thời Ân Vũ Đinh thì trống đồng dạng Đông Sơn còn chưa ra đời. Do đó Thánh Gióng phải ở vào một thời kỳ khác, sau đó. Nhìn lên bản đồ các nền văn hóa đồ đồng thì thấy rõ khu vực văn hóa trống đồng chính là phạm vi nước Văn Lang của vua Hùng được chép trong truyền thuyết: Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành. Chính nước Văn Lang với văn hóa trống đồng này là nước đã tiến đánh nhà Ân và diệt vua Trụ.
Tạ Đức có dẫn nhận định của TS. Nguyễn Việt rằng cuộc chiến Thánh Gióng đánh giặc Ân là cuộc chiến giữa người Dạ Lang ở Ba Thục với nhà Ân. Thục là từ chỉ phương Tây, phương mặt trời lặn (thụt). Ba Thục hay Bá Thục nghĩa là đất của Tây Bá hầu Cơ Xương nhà Chu. Cơ Xương là Chu Văn Vương, được huyền sử Việt chép thành Văn Lang. Tương tự, vua Tre (Trúc Vương) mà TS. Nguyễn Việt nói tới chính là vua Thục (Trúc = Thục như trong từ nước Thiên Trúc thiết Thục). Thánh Gióng đã giúp vua Thục hay vua Chu diệt nhà Ân, lập nên nước Văn Lang – Âu Lạc.
Truyền thuyết Trung Hoa còn có chuyện Bá Di, Thúc Tề nước Cô Trúc, không theo Chu Vũ Vương đánh Trụ, bỏ vào núi, không ăn thóc nhà Chu. Nước Cô Trúc đọc thành Cả Thục, tức là nước của vua Thục. Thục và Chu là một, chỉ hướng Tây vì nhà Chu nổi lên từ phương Tây (phương Chiêu = Chu).
Câu chuyện của nước Xích Quỷ mà Tạ Đức đã dẫn như vậy đã gộp 3 thời kỳ lịch sử trong sử Việt vào thành một. Đầu tiên là Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ – Hồng Bang là nhà Hạ ở vùng Nam Giao ven vịnh Bắc Bộ – biển Đông (Động Đình) ngày nay. Nhà Thương thay thế nhà Hạ, tiếp bước tiến lên chinh phục phương Bắc theo gót dời đô của vua Bàn Canh. Toàn bộ khu vực từ Kinh Sở tới vùng An Huy ở Bắc Hoàng Hà đều là đất nhà Ân Thương, với hiện hữu các di vật đồ đồng đặc trưng văn hóa Thương. Cơ Xương mở nước Văn Lang, rồi Cơ Phát (Thục Phán) cùng Thánh Gióng đánh Trụ diệt Ân, lập nên cơ đồ thiên tử thiên thu của nhà Chu ở trên vùng đất trống đồng Đông Sơn. Tam Đại Hạ Thương Chu của Trung Hoa đều là lịch sử Việt. Người Việt không cần phải “thiên di”, mà cần có một cách nhìn rộng hơn về không gian lịch sử nguồn gốc của mình.