
Mỗi một ngôi làng tồn tại cùng với cái tên của mình, cố nhiên đều mang theo ý nghĩa mà những người khai hoang lập làng ấp gửi gắm, đồng thời, nó cũng gắn liền với những biến cố lịch sử, những thăng trầm của làng quê ấy. Tên làng không đơn thuần chỉ là cái tên gọi. Nó chứa đựng phần nào bản sắc, phần nào nguồn cội của những người con đã lớp lớp tiếp nối bước ông cha trên mảnh đất này.
Chính bởi vậy, nó trở nên thiêng liêng và cháu con lớn lên luôn gìn giữ ngay cả khi chiến tranh, nghèo khó. Họ không bỏ tên làng như một yếu nghĩa rằng, họ không quên những ước muốn mà tổ tiên và ông cha bao đời ký thác, không quên làng quê, gốc rễ của mình.
Ngày nay, trong quá trình hội nhập, những giá trị văn hóa dân tộc cũng đang được từng bước kế thừa, phát huy. Nét đẹp trong văn hóa làng xã từ đình, chùa, đến hội làng, v.v. đang được phục hồi. Trong sự đổi mới, người ta nhắc nhau về những tên làng xưa cũ với tình cảm đặc biệt và ấm áp. Có những tên làng đã cùng tồn tại với lịch sử phát triển và những biển đổi thăng trầm của dân tộc qua hàng ngàn năm. Làng – Nước, có làng mới có nước. Đất lề, quê thói.
Mạo Phổ là một vùng đất như vậy. Mạo Phổ là một làng cổ thuộc huyện Thanh Ba, nằm bên tả ngạn sông Thao, cạnh thị xã Phú Thọ. Ngôi làng xưa có mỹ danh Mạo Phổ, tục gọi là làng Miễu. Mạo 瑁 trong chữ Nho có nghĩa là ngọc mạo, xưa các bậc thiên tử cầm để hội họp chư hầu. Phổ có nghĩa là rộng khắp. Mỹ danh Mạo Phổ cũng đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của địa phương này.
Địa linh sinh nhân kiệt. Điều đặc biệt của làng Mạo Phổ nằm chính ở các vị thánh thần được thờ tự trong các di tích của làng. Trải qua bao nhiêu thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ được đầy đủ đình, đền, chùa, miếu trong ngôi làng của mình. Đình đền làng là nơi người dân làng kính nhớ các vị Đại vương và Thánh mẫu, là những người có công trạng lớn với đất nước và khai dân lập ấp ở nơi đây.
Đình đền làng Mạo Phổ thờ Thánh mẫu hiệu Trung Hòa, húy Duyên và 3 vị thánh ông là các con của Thánh mẫu:
- Hiệu Đệ nhất Quan lang, húy Bút.
- Hiệu Đệ nhị Quan lang, húy Lôi.
- Hiệu Đệ tam Quan lang, húy Mao.
Thánh mẫu Duyên Hòa là thứ phi của vua Hùng thứ 17, sinh được 3 vị Đức ông, trưởng thành làm tướng đánh giặc Thục, lập nhiều công lớn. Các vị Đại vương này cũng là những người đã chiêu dân lập ấp, dựng nên một vùng đất trù phú đắc địa, nơi có sông Thao cuộn khúc giang loan, long mạch dẫn tụ về mà hình thành khu quần cư Mạo Phổ – Hạ Mạo tại thị xã Phú Thọ xưa.
Đình đền làng Mạo Phổ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị như 6 đạo sắc phong, khám thờ, kiệu, những bức cổn chạm khắc rồng phượng bằng gỗ có niên đại cuối Lê đầu Nguyễn… Hằng năm, vào 4 dịp kỳ cầu, người dân làng tổ chức lễ hội với phần tế lễ, rước kiệu và những trò chơi dân gian đặc sắc. Đình đền Mạo Phổ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia năm 1993.
Khu di tích đình đền Mạo Phổ được xây dựng từ thời Hậu Lê với quy mô kiến trúc chia làm 2 phần: đình và đền. Đình và đền nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, hướng về phía Đông nhìn ra bãi bên bờ sông Thao. Hiện nay, ngôi đình cũ đã được những người con của làng quê Mạo Phổ đã phát tâm tu sửa, kiệu nâng toàn bộ kiến trúc đình lên cao cho trang nghiêm hơn, rộng rãi hơn, xứng đáng hơn với tầm vóc của các vị thần thánh tại đây.
Miếu Đức bà Mạo Phổ là nơi thờ phụng Thánh mẫu Duyên Hòa, trước đây được lập ở một nơi riêng biệt. Trong quá trình xây dựng đường đê đi qua làng, miếu cũ đã được dời đến nơi mới trong cùng khuôn viên với đình và đền làng. Trong miếu còn lưu được di tượng của Thánh mẫu linh thiêng và uy nghiêm.
Không chỉ đình đền miếu được người dân Mạo Phổ làm lại cho trang nghiêm hơn mà vào dịp này, nhờ một nhân duyên hiếm có, nội dung bản ngọc phả làng Mạo Phổ bị thất lạc trước đây đã được đưa về đúng với nơi thờ tự của nó. Với điềm chim Phượng ngậm chiếc bút ngọc bay đến trong tiếng sấm nổ khi các vị Đại vương Bút Lôi Mao ra đời cho phép liên hệ với dòng Phượng theo mẹ Tiên Âu Cơ lên núi, sáng tạo ra những chiếc trống đồng vang vọng như tiếng sấm, trên đó khắc đúc hình người đội lông mao, là sự xưng danh dân tộc trường tồn từ thời Hùng Vương.
Bên cạnh đó, thần tích làng Hạ Mạo, là làng kết chạ anh em với làng Mạo Phổ, cũng được khai thác dịch và khảo cứu. Bản thần tích gốc của làng Hạ Mạo vốn được người dân con cháu họ Lê ở làng gìn giữ hơn cả tính mạng của mình. Khi có chiến tranh giặc giã đến tàn phá làng, thần tích được người dân mang theo chạy giặc vào rừng, cất giữ mà lưu truyền ngàn năm.
Sự tích các vị thần được thờ ở Mạo Phổ và Hạ Mạo đã soi tỏ cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc ta. Đó là giai đoạn cuối của thời Hùng Vương, qua thời Thục Vương đến khi nhà Triệu lập quốc Nam Việt với kinh đô ở Lưỡng Quảng. Những thông tin vô cùng quý giá từ ngọc phả cùng di tích và tục thờ thần ở Mạo Phổ là minh chứng rõ ràng cho lịch sử hào hùng của người Việt trong giai đoạn này.
Sự tích Mạo Phổ – Hạ Mao còn cung cấp những thông tin hết sức thú vị và quan trọng về tộc tính họ Lê được sách phong rất sớm vào thời Hùng Vương. Có thể nói, đây là ghi nhận chính thức được biết sớm nhất về vị tổ họ Lê ở thời gian trên 2.200 năm trước. Đồng thời, những vị tổ họ Lê đó cũng là những vị tiền hiền khai sáng, lập nên khu vực dân cư đông đúc ven bờ sông Thao xưa, mà nay là thị xã Phú Thọ.
Cuốn sách Di sản văn hóa đình đền làng Mạo Phổ được ra mắt quý vị từ tấm lòng kính ngưỡng và tri ân đến tiền nhân, nguồn cội của người con làng Mạo Phổ. Cùng với những tư liệu chữ Nho vừa được tìm thấy và phiên đọc, cuốn sách cũng giới thiệu tác phẩm Duyên Hòa Thánh mẫu diễn ca, là bài thơ lục bát dài do một người con họ Lê đất Mạo Phổ đã xúc cảm sáng tác về Thánh mẫu nhân dịp xã đón nhận bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Kiến trúc cấp quốc gia năm 1993.
Vận nước, mạng mạch của quốc gia, xã tắc được vững bền chính là bởi từ những hạt giống lành như thế nơi mỗi lòng người làng quê được ươm mầm nuôi dưỡng. Xin trân trọng kính dâng cuốn sách quý này lên anh linh các vua Hùng và tiên tổ dân tộc Việt Nam, thắp lên một nén nhang tìm về nguồn cội và bản sắc của đất nước.

Sách in khổ 14,5×20,5 cm, giấy dày, bìa cứng, tổng số 212 trang.
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
BẢN KHAI THẦN TÍCH THẦN SẮC
Bản khai thần tích thần sắc làng Mạo Phổ
Bản khai thần tích thần sắc làng Hạ Mạo
SỰ TÍCH VÀ LỊCH SỬ CÁC VỊ THẦN Ở MẠO PHỔ VÀ HẠ MẠO
Ngọc phả làng Mạo Phổ
Thần tích xã Hạ Mạo
Lịch sử thời hậu Hùng Vương qua thần tích ở Mạo Phổ và Hạ Mạo
CÁC SẮC PHONG LÀNG MẠO PHỔ
Sắc 1: Hợp phong Bản cảnh Thành hoàng năm Tự Đức thứ 33
Sắc 2: Hợp phong Bản cảnh Thành hoàng năm Đồng Khánh thứ 2
Sắc 3: Hợp phong Lôi Công và Mao Công năm Duy Tân thứ 5
Sắc 4: Phong Trung Hòa Duyên Nương Phu nhân năm Khải Định thứ 2
Sắc 6: Phong cho Lôi Công năm Khải Định thứ 2
Sắc 7: Phong cho Mao Công năm Khải Định thứ 2
Sắc 8: Phong cho Bút Công năm Bảo Đại thứ 19
Sắc 9: Phong cho Lôi Công năm Bảo Đại thứ 19
Sắc 10: Phong cho Mao Công năm Bảo Đại thứ 19
Sắc 11: Phong Duyên Hòa Thánh Mẫu thời Bảo Đại thứ 19
HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI CÁC DI TÍCH Ở MẠO PHỔ VÀ HẠ MẠO
Tại đền Đức Ông Mạo Phổ
Tại đình làng Mạo Phổ
Tại miếu Đức Bà Mạo Phổ
Tại chùa Khánh Long
Tại đình Hạ Mạo
VĂN TẾ THẦN Ở MẠO PHỔ
Văn tế mồng 9
Văn tế mồng 10
DUYÊN HÒA THÁNH MẪU DIỄN CA
DI TÍCH VÀ TỤC THỜ CÁC VỊ LONG THẦN Ở PHONG CHÂU, NGÃ BA HẠC
Các di tích thờ thủy thần ven hai bờ Sông Thao
Các di tích thờ thủy thần ven sông Đà huyện Thanh Thủy và huyện Tam Nông
Các di tích thờ thủy thần nơi Ngã Ba Hạc
Lời tri ngộ
Phụ lục
Bản sao chữ Nho ngọc phả làng Mạo Phổ
Bản chụp Thần tích xã Hạ Mạo