Hậu Lữ Gia và Nhị Trưng Vương (TT)

Truyền tích về Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa và năm anh em chàng Vịt mang đến một suy nghĩ bất ngờ. Khởi nghĩa của Nhị Trưng Vương không phải xảy ra vào những năm 40 dưới thời Đông Hán, mà là ngay sau thất bại của nhà Triệu Nam Việt, thời Tây Hán. Ý tưởng này nghe thật vô lý, nhưng có lẽ lại là có lý nhất trong chuyện về Trưng Vương, giải đáp và gắn kết được phần lớn những di tích, truyền thuyết còn lại trong dân gian với sử sách.
Den Thanh Mau Đền Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Nguyên nhân khởi nghĩa Trưng Vương là “đền nợ nước, trả thù nhà” hoàn toàn chính xác. “Nước” ở đây là nước Nam Việt đã bị mất trong tay nhà Hán (Tây Hán). “Nhà” là vua Triệu Vệ Dương Vương, đã tử tiết ở cửa Đại Ác. Trưng Vương là vợ của Triệu Việt Vương, chuyện này quá “ly kỳ”, thật khó tin, nhưng không có gì hợp lý hơn để giải thích giai đoạn lịch sử khúc mắc này.

Thi Sách là người huyện Chu Diên… Triệu Quang Phục cũng là người Chu Diên. Chu Diên tức là Châu Dương, là phần Đông nước Nam Việt thời nhà Triệu.

Ở Mê Linh, xã Tiền Phong có Miếu Bà thờ Ả Lã Nàng Ngu, tương truyền là thứ phi của Triệu Quang Phục về sống ở đây. Có thể thấy các vị hoàng hậu và vương phi nhà Triệu đã thoát về vùng Mê Linh này. Nhiều người trong số đó (như Ả Lã) mang họ Lã (Lữ) của Lữ Gia.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng có nhiều nữ tướng tham gia bởi vì… đó là gia quyến của nhà Triệu, con cháu họ Lữ, noi gương anh hùng của nữ tiền nhân là … Lữ Hậu. Nếu Trưng Vương không phải là hoàng phi nhà Triệu thì làm sao “hô một tiếng” cả 7 quận Nam Việt cũ lại nhất tề đứng dậy đi theo được? Theo truyền thuyết thì cả Trưng Trắc và Trưng Nhị đều lấy Thi Sách. Nếu Thi Sách chỉ là con quan huyện thì làm sao lấy nhiều vợ được? Còn vua Triệu thì chắc chắn có nhiều hoàng phi.

Phần Đông Nam Việt thất thủ. Gia quyến nhà Triệu rút về phía Tây cùng Lữ Gia, tức là về vùng đất Phong Châu. Cũng từ nơi này khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã nổ ra. Phong Châu là Minh Đô thời vua Hùng nên còn gọi là Mê Linh vì Mê Linh thiết Minh (Đô kỳ đóng cõi Mê Linh). Đây cũng gọi là vùng Tây Vu hay Tây Lý, được đề cập đến trong cuộc hành quân của Mã Viện. Có thể Trưng Vương chính là Tây Vu Vương, tức là vua phía Tây thời này.

Từ miền Tây thổ Phong Châu Hai Bà Trưng đã đánh xuống trị sở của Giao Chỉ ở Long Biên, đuổi thái thú là Tô Định về Nam Hải:
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Có thể Tô Định chính là Thạch Đái, viên thứ sử đầu tiên của nhà Tây Hán ở Giao Chỉ.

Giao Chỉ rơi vào tay Trưng Vương. Nhà Hán (Tây Hán) cử Phục Ba tướng quân đối phó, tức là Lộ Bác Đức, người đã đánh dẹp Nam Việt trước đó, chứ không phải Mã Viện của nhà Đông Hán sau này. Cuộc hành quân của Mã Viện mà sử sách ghi chép nhiều khả năng là cuộc hành quân của Lộ Bác Đức cùng với đoàn lâu thuyền tấn công Giao Chỉ.

Trận chiến lớn giữa Trưng Vương và Lộ Bác Đức nổ ra ở Lãng Bạc. “Sông Bạch Đằng phá giặc” trong câu đối về năm anh em chàng Vịt là dòng Lãng Bạc thời Trưng Vương. Lãng Bạc và Bạch Đằng đều chung một nghĩa là “sóng trắng” mà thôi. Có thể dòng Lãng Bạc là sông Cầu, hay sông Nguyệt Đức, nơi năm anh em chàng Vịt đã giúp Trưng Vương đánh giặc theo thần tích ở đền Mẫu Thanh Lãng.

Quanh vùng huyện Mê Linh ngày nay, một số làng như Thanh Lâm – Thanh Tước hay Cư An – Tam Đông còn tục thờ Phục Ba tướng quân. Đây là thờ Lộ Bác Đức của nhà Hiếu chứ không phải Mã Viện. Người xây Kiển Thành ở Cổ Loa chắc cũng là Lộ Bác Đức. Huyện Mê Linh ngày nay trước có tên là Yên Lãng. Có thể tên này cũng là do Lộ Bác Đức đặt, với nghĩa là “yên sóng” như danh Phục Ba. Phục Ba Lộ Bác Đức đã dẹp yên cơn sóng khởi nghĩa của hậu duệ nhà Triệu và Lữ Gia.

Nhận định khởi nghĩa Hai Bà Trưng là của gia quyến nhà Triệu Nam Việt, họ Lữ khi rút về Phong Châu đã chống lại nhà Hiếu, còn đem tới một liên hệ khác. Tinh thần “chống Lý trung Triệu” lúc này còn có anh em Trương Hống, Trương Hát. Rất có thể chuyện Trương Hống, Trương Hát chỉ là một cách kể khác của khởi nghĩa Trưng Vương mà thôi.

Khi nhà Triệu mất, Trương Hống Trương Hát bỏ về núi Phù Long ở ẩn. Phù Long thiết Phong, tức là về vùng Phong Châu, giống với chuyện của Hai Bà Trưng. Trương và Trưng rõ ràng là gần âm, nghĩa là “trưởng”, “chủ”.

Liên tưởng xa hơn:
– Hống nghĩa là lớn. Trương Hống là vị chủ cả. Hát có thể là Hai, Trương Hát là vị chủ thứ hai. Như vậy Trương Hống, Trương Hát rất gần với Trưng Trắc, Trưng Nhị.
– Hống còn có thể là Hồng, chỉ dòng sông Hồng. Hát thì vốn là tên của sông Đáy. Hai Bà Trưng đọc lời thề, khởi nghĩa ở Hát Môn, là nơi bắt đầu sông chia 2 nhánh Hồng và Hát. Trưng Trắc đóng ở Long Biên hay Cổ Loa bên bờ sông Hồng nên có nghĩa là vị chủ sông Hồng (Trương Hống). Trưng Nhị đóng ở thành Dền, đối diện cửa sông Đáy, nên có nghĩa là vị chủ sông Hát (Trương Hát).

Dòng Lãng Bạc trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng có thể là sông Nguyệt Đức, tức là dòng Như Nguyệt của thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát). Khi khởi nghĩa thất bại Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Còn Trương Hống, Trương Hát kiên quyết không theo Lý Phật Tử, cũng nhảy xuống sông Như Nguyệt mà chết.

Trương Hống Trương Hát được gọi là đức thánh Tam Giang. Tam Giang đây không phải là chỉ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu. Tam Giang là vùng đất của 3 sông Đà Lô Thao hội tụ ở Phong Châu. Ở Vĩnh Phúc, bên bờ sông Lô có huyện Tam Dương, chân núi Tam Đảo. Dương = Giang. Có thể đây chính là vùng Tam Giang, nơi Trương Hống, Trương Hát rút về.
Dinh Bi La Đình Bì La, xã Đồng Ích, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Ở vùng Tam Dương – Lập Thạch (Vĩnh Phúc) còn có đình Bì La (xã Đồng Ích) thờ Triệu Việt Vương và Trương Hống, Trương Hát. Nếu đúng sách vở hiện nay thì không hiểu tại sao ở đây lại thờ những vị này. Triệu Việt Vương chia đôi đất nước với Lý Phật Tử, lấy bãi Quân Thần ở Chèm làm ranh giới. Như vậy vùng Tam Dương thuộc đất của Lý Phật Tử, tại sao thờ Triệu Việt Vương làm gì? Trương Hống, Trương Hát thờ dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu), mà vùng Tam Dương thì còn cách sông Cầu cả một dãy núi Tam Đảo.

Truyền thuyết và lịch sử Việt Nam còn đầy những điều kỳ bí, cần làm sáng tỏ. Lịch sử luôn theo những qui luật tự nhiên, thông suốt, nối từ triều đại này sang triều đại kia. Tìm được mối liên hệ giữa các triều đại, các sự kiện tức là thấy được lịch sử đích thực.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s