Thiên Nam ngữ lục kể về việc kết hôn của Kinh Dương Vương:
Kinh Dương ngày ấy đi chơi
Thuyền trăng buồm gió tếch vời Nam minh.
Ở chốn Nam minh ấy Kinh Dương Vương gặp con gái Thần Long:
Nàng rằng: thiếp con Động Đình
Thần Long là hiệu, Nam minh là nhà.
Nam minh được chú dẫn là «bể rộng ở phía Nam».
Sách Trang Tử, Nam hoa kinh có câu «Bằng chi tỉ ư Nam minh đã, đoàn phù dạo nhi thường giả cửu vạn lý».
Dịch nghĩa: Chim bằng khi rời biển Nam, vỗ cánh trong làn gió cuốn mà bay lên chín vạn dặm tầng không.
Như vậy Nam minh chính là biển Nam. Trong lịch sử Hoa Việt thì rõ ràng đây là vùng biển Đông ngày nay. Theo Thiên Nam ngữ lục như trên thì Nam minh là nơi gặp gỡ của Kinh Dương Vương và con gái Thần Long Động Đình. Hay Động Đình chính là biển Đông, là biển chứ không phải hồ Vân Mộng ở Hồ Nam.
Thiên Nam ngữ lục tả cảnh con gái Thần Long khi xuất hiện ở Nam minh:
Nhơn nhơn có khí tự nhiên
Ngỡ nhìn Tinh vệ lại lên chơi bời.
Liên hệ với câu chuyện Tinh Vệ điền hải (Tinh Vệ lấp biển), có xuất xứ từ thiên Bắc Sơn Kinh thuộc sách Sơn Hải Kinh, là một bộ cổ tịch thời Tiên Tần của Trung Quốc :
«Núi Phát Cưu có nhiều cây dâu chá. Có loài chim đậu trên đó, trông như con quạ, đầu có hoa văn sặc sỡ, mỏ trắng, chân đỏ, tên là Tinh Vệ, tiếng kêu như gọi tên nó. Đó là người con gái trẻ của vua Viêm đế, tên là Nữ Oa. Nữ Oa đi chơi ở biển Đông, bị chết đuối không về được, hóa thành chim Tinh Vệ, thường ngậm gỗ đá ở núi Tây để lấp biển Đông».
Thần thoại Trung Hoa thời Viêm Đế mà lại có biển Đông thì Viêm Đế phải ở chỗ nào? Chắc chắn Viêm Đế không thể ở tận Hoàng Hà. Thậm chí Viêm Đế cũng không ở vùng sông Dương Tử, để có dòng «Thần Nông Bắc» là người Hoa, «Thần Nông Nam» là người Việt như ý kiến của một số nhà nghiên cứu. Viêm Đế Thần Nông ở ngay trên vùng «đất thiêng Khương Thủy chính tông», giáp với biển Đông, tức là vùng Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Đây đúng là đất gốc tổ của người Hoa Việt từ thời thần thoại.
Con của Kinh Dương Vương và Thần Long Động Đình là Lạc Long Quân, lấy nàng Âu Cơ sinh trăm trứng, nở trăm con trai:
Làm tổ Bách Việt từ đây
Đã gồm phúc thọ lại rày đa nam.
Cũng như các sách sử khác ở đây khẳng định Lạc Long Quân và Âu Cơ là quốc tổ của chung cộng đồng Bách Việt. Diễn giải cách khác thì dòng Lạc Việt là suối nguồn của cả Bách Việt.
Khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay, 50 người con theo cha xuống biển:
Cha con xuống ở thủy cung
Mở mang chế độ, quan phòng đông nam.
Câu này cho thấy Lạc Long Quân đã mở mang đất nước theo hướng Đông Nam, chính là vùng thủy cung Nam minh, quê mẫu Thần Long Động Đình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Lạc Long Quân đã mở nước theo vùng ven biển Đông lên phía Nam (phía Bắc ngày nay). Việc này trùng khớp với khu vực của văn hóa khảo cổ Hạ Long từ quanh vịnh Bắc Bộ sang Quảng Đông, Phúc Kiến, tới cả Philippin.
Còn 50 người con theo mẹ lên núi :
Mẹ đem lên ở Tản Viên
Sửa sang giếng mối, giữ gìn qui mô.
Sau đó con trai cả lên ngôi Hùng Vương ở Phong Châu:
Thốt sự Hùng Vương là anh
Thay cha lên trị cung xanh cửu trùng
Làm đô ở đất Phong Châu
Việt Trì thế khỏe muôn thu nước nhà.
Tản Viên – Phong Châu là vùng Tây thổ trong truyền thuyết Hùng Vương, hay là núi Tây trong chuyện Tinh vệ lấp biển ở trên. Việt Trì có thể không phải là Ao Việt như vẫn dịch, mà Trì có nghĩa là «thế khỏe muôn thu». Việt Trì là nước Việt vững bền.
Trang Tử, Nam Hoa kinh, Tiêu dao du:
“Biển Bắc có con cá gọi là cá Côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim Bằng, lưng rộng khỏang biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì nó dời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.”
Trang Tử sống vào thời Tiên Tần, lúc đó Trung Hoa theo chính sử còn chưa tiến xuống phương Nam. Vậy làm sao Trang Tử có thể biết có cõi biển Nam (Nam minh), lại còn có hình cái Ao (mô tả chính xác hình ảnh của biển Đông)?
Rất có thể Trang Tử người nước Tống, là vùng đất Quảng Đông bây giờ, phía Nam đất này giáp biển Đông. Vì vậy trong tác phẩm Nam hoa kinh ông thường dùng nhiều hình ảnh về biển Đông hoặc biển Nam Hải.