Chắc các bạn sẽ hỏi “Bách Việt trùng cửu” nghĩa là gì? Xin đáp, đây là cụm từ tôi đặt ra khi suy ngẫm về những gì mình biết làm và muốn làm. Tại sao vậy?
“Bách” có thể hiểu là tùng bách. Tôi là thành viên của Chương trình bảo tồn cây lá kim quốc tế (ICCP) và có hiểu biết sâu rộng về tài nguyên thực vật Việt Nam, cách bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên này. Những cây tùng, cây bách trầm hùng và kỳ lạ của Việt Nam có thể đại diện cho hệ thực vật độc đáo và đa dạng của đất Việt. “Cây rừng làm cảnh” là tên cuốn sách đầu tiên của tôi viết về thực vật Việt Nam.
“Việt” có người cho là cách phát âm khác của từ Diệc, hay là một loài chim phổ biến ở Việt Nam trước đây. “Chim Việt đậu cành Nam”. Hình ảnh chim Hồng, chim Lạc bay trên trống đồng cổ tượng trưng cho đất Việt và dân tộc Việt. Tài nguyên động vật của đất Việt cũng thật vô cùng phong phú. “Nem công, chả phượng” được biết là món ăn của vua chúa. Tại sao chỉ vua chúa mới có thể ăn? Tại sao không thể phát triển tài nguyên này thành những giá trị cho mọi người. Đó là ý tưởng của tôi về sử dụng tài nguyên thiên nhiên Việt Nam để tôn vinh người Việt và tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần cho người Việt và cho thế giới.
“Bách Việt” là tên của dân tộc Việt, dân họ Hùng sau công nguyên ở vùng Hoa Nam. Nền văn minh của dân Việt mãi toả sáng từ hàng nghìn năm nay cho dù đang bị sang tên, cướp đoạt. Đó là kinh Dịch, một kiệt tác triết học cổ đại. Đó là những phát minh cơ bản của loài người như kim chỉ Nam, cách trồng lúa nước, cách dệt vải, cách làm giấy, … Tiếp nối văn minh đó là một chữ “Văn”. Bách Việt chính là Văn Lang. Với dòng máu văn nghệ trong mình tôi thích làm thơ, viết sách, giỏi nghề dịch thuật. Và tôi cũng rất nặng lòng với lịch sử và văn hoá nước nhà.
“Trùng cửu” là 9+9=18. Người Việt xưa bắt đầu bằng những con số trong Hà Thư và Lạc Đồ mà gói ghém được cả quan niệm về trời đất, xác định được bốn phương, biết và điều khiển được quan hệ con người – thiên nhiên – xã hội. Ngày nay, trong thời đại sản xuất và tiêu dùng đại chúng, số hoá lại càng là yêu cầu không thể thiếu được trong quản lý và lập kế hoạch. Những dây chuyền sản xuất càng hiện đại, những tập đoàn càng lớn càng cần có hoạt động tiêu chuẩn hoá. Đó cũng là một phần sở trường của tôi về khả năng phân tích, thiết kế, tiêu chuẩn hoá các quá trình sản xuất và dịch vụ.
“Trùng cửu” hay con số 18 còn là một khái niệm về sự liên tục. 18 đời vua Hùng. 18 cánh chim Hồng trên mặt trống đồng Đông Sơn. “Trùng cửu” tức là “trường cửu”, là sự vĩnh cửu và trường tồn của văn minh Bách Việt. Ngày nay, thế giới đầy rủi ro của khủng hoảng, của ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu toàn cầu, … thì phương Đông chính là nơi sẽ quyết định vận mệnh của nhân loại nhờ nền văn minh và bản chất văn hoá của mình. Biết dựa vào nền tảng đó thì sẽ thành công. Đó chính là ý nghĩa của cụm từ “Bách Việt trùng cửu”, một lời nhắn, một ánh sáng toả từ quá khứ cho tôi, cho bạn và cho chúng ta.
Đêm Trung thu năm Kỷ Sửu 2009.