Thiên Y Thánh Mẫu, hành trình của một nữ thần Chăm – Việt – Hoa

Thiên Y A Na là vị nữ thần được tôn sùng ở vùng Nam Trung Bộ bởi cả người Việt và người Chăm. Sự tích về vị nữ thần này được chép trong văn bia tại Tháp Poh Nagar, Nha Trang, do Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản soạn năm Tự Đức thứ 9 (1857), tóm tắt như sau:
Xưa kia tại núi Đại An (tức Đại Điền hiện nay) có hai vợ chông ông Tiều đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín, thường hay bị mất. Một hôm, ông rình bắt gặp một thiếu nữ trạc mười chín tuổi hái dưa, dồi giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi, hai ông bà vốn không con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.
Một hôm, trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông Tiều nặng tiếng rầy la. Không ngờ đó là một tiên nữ giáng trần đang nhớ cảnh Bồng lai. Đã buồn thêm bực! Nhân thấy khúc kỳ nam theo nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ nam, để mặc cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ trôi ra biển cả, rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay thơm ngào ngạt. Nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem. Thấy gỗ tốt xúm nhau khiên, nhưng người đông bao nhiêu cũng không giở nổi.
Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nổi không giở lên, Thái tử lấy tay nhắc thử. Chàng hết sức lạ lùng, vì thấy khúc gỗ nhẹ như tờ giấy! Bèn đem về cung, trân trọng như một bảo vật.
Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái tử thấy có bóng người con gái thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần xem thì tư bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất một mùi hương nhè nhẹ từ khúc kỳ nam bay ra. Chàng quyết rình xem, suốt mấy đêm liền, không hề thấy gì khác lạ. Chàng không nản chí. Rồi một hôm đêm vừa quá nửa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt, từ trong khúc kỳ nam bước ra. Thái tử vụt chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo Thái tử về cung và cho biết rõ lai lịch. Giai nhân ấy chính là bà Thiên Y A Na.
Thái tử vốn đã trưởng thành, nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người xứng ý. Nay thấy A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà vua sai quan bói cát hung. Bói trúng quê “đại cát”, liền cử lễ thành hôn.
Vợ chồng Thái tử ăn ở với nhau rất tương đắc và sanh được hai con, một trai, một gái, trai tên là Trí, gái tên Quý, dung mạo khôi ngô. Thời gian qua, sống trong êm ấm. Nhưng một hôm, lòng quê thúc giục, Bà Thiên Y bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam, trở về làng cũ.
Núi Đại An còn đó nhưng vợ chồng ông Tiều đã qua đời. Bà Thiên Y bèn đắp mồ mã cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn lạc hậu, Bà đem văn minh Trung Hoa ra giáo hoá: dạy dân cày cấy,  kéo vải, dệt sợi… và đặt ra lễ nghi… Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu. Công khai hoá của Bà chẳng những ở trong địa phương, mà các vùng lân cận cũng được nhờ.
Rồi một năm sau, vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, Bà cùng hai con lên lưng hạc bay về Tiên.
Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây Tháp tạc tượng Bà phụng thờ. Và mỗi năm vào ngày Bà thăng thiên, tổ chức lễ tưởng niệm múa bóng, dâng hoa rất tôn nghiêm, long trọng.
Ở Bắc Hải, Thái tử trông đợi lâu ngày, không thấy vợ, con trở về, bèn đem một đạo binh dong thuyền sang Đại An tìm kiếm. Khi thuyền Thái tử đến nơi thì Bà đã cởi hạc quy Tiên. Bộ hạ của Thái tử đã tra khảo người dân rất dữ, vì ngỡ họ cố tình che giấu mẹ con Bà. Bị oan ức và đau đớn, nhân dân đã thắp hương khấn vái Bà. Liền đó, một trận cuồng phong nổi dậy, cát chạy đá bay, đất bằng dậy sóng… đánh đắm đoàn thuyền của Thái tử Bắc Hải.

p1160727Các cột lớn tại Tháp Bà, Nhà Trang.

Truyền thuyết về Thánh mẫu Thiên Y A Na do người Chăm kể lại cũng tương tự y như trên. Núi Đại An nơi bà giáng thế nằm ở huyện Diên Khánh của Khánh Hòa. Còn nơi thờ chính của bà là ở Tháp Bà, Nha Trang. Câu đối tại điện thờ Thiên Y A Na ở Tháp Bà tóm tắt sự tích về vị mẫu thần này:
琦筏駕長濤英靈莫測
瓜山彰異跡變化無邉
Kỳ phiệt giá trường đào, anh linh mạc trắc
Qua sơn chương dị tích biến hóa vô biên.
Dịch:
Kỳ nam vượt sóng dài, linh thiêng bát ngát
Núi dưa tỏ tích lạ, biến hóa không cùng.
Sự tích một vị nữ thần được cho vốn là gốc gác của người Chăm, vậy mà lại có những đoạn nói tới “Bắc Hải”, rồi lại còn “Trung Hoa” nữa. Thiên Y A Na đã “đem văn minh Trung Hoa ra giáo hoá: dạy dân cày cấy,  kéo vải, dệt sợi… và đặt ra lễ nghi…”  cho vùng Nam Trung Bộ. Khu vực Khánh Hòa thì liên quan thế nào đến Trung Hoa? Việc này phải hiểu như thế nào?

P1160732Quần thể Tháp Bà ở Nha Trang.

Gốc tích của vị Thiên Y Thánh Mẫu “người Chăm” này bất ngờ được bộc lộ qua ghi chép về núi Đại An thời Trần. Đây là ngọn núi mà Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã lưu lại trong thời gian đi du hóa ở Chiêm Thành. Thiền sư Thích Nguyên Minh ở chùa Sắc Tứ (Nha Trang, Khánh Hòa) đã khảo cứu cuốn Trung Châu nhân vật ký của Lam Trà Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương kể lại sự tích như sau:
Đại Điền (gồm 4 thôn: Đại Điền Trung, Đại Điền Đông, Đại Điền Nam, Đại Điền Tây – nay là các xã Diên Điền, Diên Sơn huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hoà) là nơi lưu xuất và truyền tụng một câu chuyện (sự tích) có từ thời Hùng Vương. Chuyện kể rằng: Vào thời các Vua Hùng có bà Tinh Vệ Mễ Nương – con gái đầu của Hùng Càng Vương – cùng chồng là Chấn Long Thần Phi “du hạ nam phương” có đem hạt dưa từ Trường Sa vào trồng tại vùng đất dưới chân Hòn Dữ (về sau, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông mới đặt tên cho núi là Đại An, và tên này tồn tại cho đến tận ngày nay). Do vùng đất này trồng rất nhiều dưa nên thường được gọi là xứ Đồng dưa (Qua điền xứ).
Núi rừng bao quanh xứ Đại Điền có rất nhiều lâm đặc sản quí, đặc biệt là cây trầm (trầm hương). Gặp lúc bão lụt nhiều cây trầm gãy đổ trôi xuống lại bị sóng biển đánh tấp lên đầy cả xứ Đồng dưa. Cư dân kéo lên chất thành từng đống đốt. Khói hương thơm tỏa ngào ngạt tẩy trừ mọi sơn lam, chướng khí, dịch bệnh. Cây trầm trở thành một loài cây hết sức quí giá. Từ đó xứ Đồng dưa còn có một biệt danh là xứ Trầm hương.
Vợ chồng bà Tinh Vệ Mễ Nương – Chấn Long Thần Phi hô hào dân chúng trong vùng đem đất cát lấp thành lũy dài gọi là trường sa lũy để ngăn sóng biển. Lũy này nối từ đèo Ninh Mã tới Cần Lương, tạo thành vịnh Vân Phong ở phía Bắc. Còn lũy Thủy Triều chạy dài từ mũi Cầu Hin, Bãi Dài đến mỏm Chà Đà, tạo thành vịnh Cam Ranh ở phía Nam. Trước mặt Bạch Hổ Sơn (còn gọi là đồi Trại Thủy ở giữa Nha Trang) là quần đảo có tên là Hòn Tre, do Chấn Long Thần Phi dời núi từ phía Tây ra làm tấm bình phong chắn gió cho Nha Trang (ngày đó đảo này được trồng toàn là tre nên có tên Hòn Tre). Được bao bọc bằng các lũy và các núi (đảo) chắn gió đó, cù lao Nha Trang rất an toàn, bình yên trên mặt biền hiền hòa. Do vậy mà NhaTrang cũng được gọi là Cù Huân…
Sau khi hoàn thành công nghiệp dời núi, đắp lũy tạo cuộc sống yên bình cho xứ Trầm hương, ông bà Tinh Vệ – Chấn Long theo sóng biển về nơi không dấu tích. Để ghi nhớ công ơn sự nghiệp của vợ chồng bà, dân chúng lập đền thờ Bà tại núi Đại An. Nhưng đến cuối triều Hùng Duệ Vương (258 trước Tây lịch). Thục Phán trị nước, bị ngoại tặc thôn tính, ngôi đền này bị triệt phá.
Khi lên xứ Trầm Hương – Đại Điền, nhớ lại tích xưa, tưởng niệm công đức của vợ chồng bà Tinh Vệ – Chấn Long Thượng Hoàng Trần Nhân Tông tôn phong Bà Tinh Vệ là Thiên Y Thánh Mẫu, và bàn với chúa Chiêm Chế Mân cho trùng tu lại ngôi đền thờ ông bà Tinh Vệ. Chúa Chiêm Chế Mân đã cho trùng tu ngôi đền. Trên mái trước đền tạc 4 chữ Nho Thiên Y Thánh Mẫu và 2 bên trụ đền tạc đôi câu đối do chính Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngự đề:
Tinh Vệ hận chí năng điền hải
Chấn Long cừu lực khả di sơn.
Nghĩa là:
Chí Bà Tinh Vệ (giận) có thể lấp biển
Sức ông Chấn Long (thù) khả dĩ dời núi.
Cùng lúc với việc trùng tu đền thờ Thiên Y Thánh Mẫu là việc xây dựng một ngôi chùa dưới chân núi Đại An. Với tên chùa cũng do chính Đức Điều Ngự (Trần Nhân Tông) đặt là Đại An Tự. Chắc chắn việc đặt tên chùa là Đại An không phải là ngẫu nhiên. Hai chữ Đại An thể hiện rất rõ quyết sách của Hoàng Đế Thiền sư Trần Nhân Tông là phục hưng quốc gia Đại Việt và tạo dựng cuộc sống yên bình tươi đẹp mãi mãi cho dân tộc Chiêm…
Sự tích này về vị Thiên Y Thánh Mẫu ở núi Đại Điền – Đại An không giống như sự tích thường kể như trong bia Tháp Bà ở trên. Thiên Y Thánh Mẫu là tên mà Thượng hoàng Trần Nhân Tông đề tặng phong cho bà Tinh Vệ, vốn là con gái vua Hùng, đã có công cùng chồng che chắn sóng biển, khai phá vùng đất ven vịnh Nha Trang từ thời xa xưa…
Truyện Tinh Vệ lấp biển lại là một truyện được chép trong Sơn Hải Kinh, một cuốn kinh cổ của Trung Hoa. Truyện này nguyên như sau:
Núi Phát Cưu có nhiều cây dâu chá. Có loài chim đậu trên đó, trông như con quạ, đầu có hoa văn sặc sỡ, mỏ trắng, chân đỏ, tên là Tinh Vệ, tiếng kêu như gọi tên nó. Đó là người con gái trẻ của vua Viêm Đế, tên là Nữ Oa. Nữ Oa đi chơi ở biển Đông, bị chết đuối không về được, hóa thành chim Tinh Vệ, thường ngậm gỗ đá ở núi Tây để lấp biển Đông.

p1160747Bốn chữ Thiên Y  Cổ Tháp trong điện thờ ở Tháp Bà, Nha Trang.

Phải chăng Tinh Vệ Nữ Oa tương đương với Tinh Vệ Mễ Nương?
Như thế 3 câu chuyện của người Chăm về Thiên Y A Na, của người Việt về Tinh Vệ – Chấn Long và của người Hoa về Tinh Vệ Nữ Oa đều là 1, chỉ 1 nhân vật nữ thời cổ đã tạo công đức ở vùng vịnh Nha Trang. So sánh 3 câu chuyện Chăm, Việt và Hoa về vị nữ thần Thiên Y – Tinh Vệ này để thấy được cái cốt của truyện.
– Núi Phát Cưu hay núi Tây, nơi xuất khởi của Tinh Vệ Nữ Oa chính là núi Đại Điền – Đại An ở Diên Khánh – Khánh Hòa.
– Cây “dâu chá” như thế hẳn chính là cây Dó bầu (Trầm hương,) vốn có rất nhiều trên các khu vực núi ở Nam Trung Bộ.
– Loài chim biển Tinh Vệ là loài chim Yến, nổi tiếng ở Khánh Hòa. Có thể Yến = Yên = An, loài chim đặc trưng của nước Yên?
– Vị nữ thần này là con vua Hùng (hay Viêm Đế) đã vào vùng miền Nam Trung Bộ lập nghiệp. Công nghiệp chính của vị nữ thần này là ở việc che chắn sóng biển (Tinh Vệ Nữ Oa lấp biển, Tinh Vệ – Chấn Long dời núi) và giáo hóa nhân dân vùng ven biển làm ăn sinh sống.
– “Trầm” trong Trầm hương nghĩa là “chìm”, nói tới sự việc Tinh Vệ bị chết đuối ngoài biển. Trong sự tích Thiên Y Thánh Mẫu là bà đã hóa thân vào gỗ Kỳ nam (gỗ Trầm) trôi trên biển.
– Bà Tinh Vệ của Trung Hoa chỉ có thể chết đuối ở biển Đông, tức là vùng ven biển của Việt Nam ngày nay, chứ thời vua Viêm Đế Trung Hoa theo định vị của sử Tàu đang ở tít trong vùng Thiểm Tây Hoàng Hà, làm gì có biển mà chết đuối.
– Do việc “trị hải” cho nhân dân mà bà Tinh Vệ đã bị chết đuối ngoài biển. Ý chí dời non lấp biển, chinh phục thiên nhiên của Tinh Vệ chưa bao giờ ngừng. Chính vì những công đức này mà Tinh Vệ đã được cả người Việt lẫn người Chăm tôn thờ thành Thiên Y Thánh Mẫu, tức là ngôi Thánh Mẫu tương đương với bà Mẹ Trời, Thượng Thiên của tín ngưỡng Tứ phủ.
Tại sao một nhân vật từ thời thượng cổ của Trung Hoa lại thành ra vị nữ thần của người Chăm ở tận miền Trung Việt? Tại sao một nữ thần Chăm lại là con gái vua Hùng?
Điều này chỉ có thể giải thích được nếu biết người Chăm vốn là nhánh phía Nam (hướng Xích đạo) của dòng họ Hùng. Truyền thuyết Việt Truyện họ Hồng Bàng kể vua Hùng Đế Minh cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Phương Bắc Nam nay đã bị đảo lộn. Dòng Đế Nghi là dòng tộc phát triển xuôi xuống hướng Xích đạo hay Viêm phương. Vì thế truyền thuyết mới chép Tinh Vệ là con gái Viêm Đế hay vua Viêm phương, xứ nóng.
Vua Trần Nhân Tông đã đặt tên cho núi Đại Điền là Đại An và tự tay ghi câu đối ở chùa Đại An:
Đại Việt cơ đồ tu hưng phục
An Chiêm sự nghiệp lại diên khang.
Tên núi Đại An và tên gọi trong câu đối này cho biết xứ Chiêm còn gọi là An Chiêm. Chính điểm này xác định khu vực Nam Trung Bộ là nước An hay Yên của thời Chu (Văn Lang). An = Ơn là số 2 chỉ Viêm phương trong Hà thư. An cũng là Ôn, chỉ phương nóng bức.
Thêm một so sánh nữa. Rất có thể tích Thiên Y Thánh Mẫu của người Chiêm được truyền thuyết Việt kể lại trong Sự tích quả dưa hấu về Mai An Tiêm. Tiêm = Chiêm, hoàn toàn hợp lý. An Tiêm tức là An Chiêm mà Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã nói. Việc trồng dưa và khai phá vùng đất ven biển cũng được nói rõ trong cả 2 sự tích về Mai An Tiêm và Thiên Y A Na.
Câu đối ở đền thờ Mai An Tiêm ở Nga Sơn (Thanh Hóa):
萬山發跡留瓜種
神浮濤鎮靜海波
Vạn Sơn phát tích lưu qua chủng
Thần Phù đào trấn tịnh hải ba.
Dịch:
Vạn Sơn phát tích còn dưa đỏ
Thần Phù trấn sóng lặng biển xanh.

IMG_4955Đền thờ vợ chồng Mai An Tiêm ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

Vậy Mai An Tiên là Chấn Long Thần Phi và vợ chính là Thiên Y Thánh Mẫu. Mai là ban mai, phương mặt trời mọc, tức phương Đông. Còn Chấn Long đều có nghĩa là phía Đông, Chấn là quẻ Chấn chỉ phía Đông trong Bát quái, Long là con vật tượng trưng của phương Đông. Chấn Long Thần Phi hiểu đơn giản là vị phi thần phía Đông.
Bản thân cái tên Thiên Y a na rất có thể là cách đọc tam sao thất bản của Tiêm Yên hay An Tiêm. Mai An Tiêm còn là “Thái tử Bắc Hải” được nhắc đến trong truyền thuyết của người Chăm.
Sự tích Chấn Long – Tinh Vệ đã được phản ánh bằng một bài thơ rất hay ghi trong sách Trung Châu nhân vật ký:
Đại Điền cổ xứ thị trầm hương
Đông chí phong ba nịch thủy luân
Tinh Vệ, Chấn Long di thực hải
Hoằng khai gia lý phú diên khang.
Tạm dịch:
Đại Điền xưa ấy xứ Trầm hương
Đông tới phong ba nước ngập tràn
Tinh Vệ, Chấn Long dời chắn biển
Mở ra thôn xóm mãi yên lành.
Bài thơ này có chi tiết là vùng Đại Điền vào mùa Đông có nước lớn. Điều này rất chính xác vì vùng Nam Trung Bộ Việt (Trung Châu) có chế độ mưa thu đông, mùa đông mới là mùa mưa, khác hoàn toàn so với vùng miền Bắc Việt là mưa hè.
Dưa hấu được gọi là Tây Qua, vì theo sự tích Mai An Tiêm thì do loài chim mang từ phía Tây tới. Điều này trùng hợp với truyện Tinh Vệ lấy đá núi Tây mà lấp biển, còn Thiên Y A Na vốn trồng dưa ở núi Tây – Đại Điền.
Thật bất ngờ khi biết được rằng vị thánh mẫu Thiên chủ của người Chăm miền Trung lại chính là Tinh Vệ của Trung Hoa, là vợ Mai An Tiêm của người Việt thời Hùng Vương. Đây là câu truyện kể về người Việt – Chăm – Hoa đã khai phá vùng ven biển phương Nam. Tất cả càng thêm sáng rõ: Việt – Hoa – Chăm vốn là những dân tộc cùng nguồn gốc, cùng xuất phát từ dòng dõi các vua Hùng.

2 thoughts on “Thiên Y Thánh Mẫu, hành trình của một nữ thần Chăm – Việt – Hoa

  1. Văn nhân góp ý:
    Rất ủng hộ kiến giải của người viết:
    Do trải qua nhiều lần chuyển đổi ngôn ngữ : Nôm – Nho – Chăm (Phạn) nên tương tự như trường hợp vua Nam Chiếu: ‘Bì la các’ cũng là ‘Bố Cái’ đại vương của người Việt.
    Thiên y A na có thể chỉ là kí âm khác đi của Tiêm An.
    Tiêm An cũng chính là An Tiêm hay An Chiêm tên gọi nước Chămpa thời Trần (Thái lan xưa có tên là Siam cũng là Xiêm la hay Tiêm la , Tiêm – Xiêm – Chiêm chỉ là biến âm).
    Tiêm An – An Tiêm là tên của Mai An Tiêm trong truyền thuyết Việt là điều hoàn toàn có thể.
    Bên cạnh câu đối:
    Đại Việt cơ đồ tu hưng phục
    An Chiêm sự nghiệp lại diên khang.
    Còn câu đối khác cũng do vua Trần lưu lại trên đất Chăm pa:
    Trần triều uy đức an Thiên hạ
    Lê gia công trạch định Viêm cương.
    Theo khẩu khí câu đối này chỉ có thể hiểu:
    Vua Trần là Thiên tử của cả Thiên hạ và An Chiêm là 1 nước trong Thiên Hạ nhà Trần , các vua An Chiêm như Chế Củ Chế Mân thực ra không có ai họ Chế , Chế chỉ là biến âm của Chúa tức vương hay thủ lãnh và cũng theo câu đối thì không thể hiểu khác là các vua Chăm pa mang họ Lê , lê hay la chỉ là biến âm của Ly – quẻ Li hay quẻ Lửa tượng trưng cho vùng Viêm nhiệt cận Xích đạo.

    Like

  2. Thêm ý:
    Khu vực Tháp Bà ở Nha Trang cũng có 1 tháp thờ hoàng tử Bắc Hải, chồng bà Thiên Y A Na. Có thể không phải là Bắc Hải mà là Bát Hải, Bát là số 8 chỉ hướng Đông, tương ứng với tên Chấn Long Thần Phi vì Chấn là quẻ chỉ hướng Đông.
    Câu “dâu chá” trong truyền thuyết Tinh Vệ lấp biển khi đọc phiên thiết cho chữ “dá” = “dó”, chỉ đúng tên cây dó bầu – trầm hương. Đây là một bằng chứng nữa cho nhận định truyền thuyết Tinh Vệ lấp biển của Trung Hoa là chuyện Thiên Y thánh mẫu ở Khánh Hòa.
    Hình ảnh con chim Yến là biểu tượng của thời kỳ người Việt khai phá an định vùng biển Đông.

    Like

Leave a comment