Lược sử chùa Sắc Tứ – Kim Sơn, núi Đại An ở Khánh Hòa

Nguồn: http://quangduc.com/a23871/chua-sac-tu-kim-son

Kim Sơn thiên cổ tự,
Bi Trí hiện tùy duyên,
Chân tâm vô sở trụ,
Điều Ngự Giác Hoàng viên.

Tại vị trí toạ lạc chùa Sắc Tứ Kim Sơn hiện nay thì trước đây – trước năm Tân Sửu, Niên hiệu Hưng Long, triều vua Trần Anh Tông (1301) – đã tồn tại một ngôi chùa. Nhưng ta chưa thể biết ngôi chùa có trước đấy do ai tạo lập và tạo lập vào lúc nào . Bởi vì cho đến nay chúng ta chưa có đủ những tài liệu đáng tin cậy ghi chép về việc này. Hơn nữa ngôi chùa có trước đó đã bị hư hại đến mức hầu như không còn bao nhiêu dấu tích ngay từ trước năm 1301. Do vậy, giới thiệu về lịch sử chùa Kim Sơn, xin bắt đầu từ cái mốc 1301 ấy.
Lần theo dấu chân Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông – Đức “ĐẠI THÁNH TRẦN TRIỀU TRÚC LÂM ĐẦU ĐÀ TĨNH TUỆ GIÁC HOÀNG ĐIỀU NGỰ TỔ PHẬT” – trong thời gian Ngài du hóa xứ Chiêm Thành (từ tháng 3 đến tháng 11 năm Tân Sửu – 1301), chúng ta sẽ thấy hiện rõ sự xác lập Kim Sơn Tự.
Như ta đã biết , sau khi lãnh đạo toàn dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình, gây dựng cuộc sống ấm no cho dân chúng đang trên đà phát triển tốt đẹp, thì vua Trần Nhân Tông, theo truyền thống cực kì siêu việt của Vương Triều Nhà Trần là sớm trao quyền lại cho thế hệ trẻ. Ngài đã nhường Ngôi lại cho Thái tử Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Sự kiện này diễn ra vào tháng 3 năm Quí Tị (1293). Và trong sáu năm (1293 đến 1299) song song với việc trực tiếp cố vấn cho vua Trần Anh Tông còn non trẻ lãnh đạo quốc gia, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông thực hiện ý nguyện từ lâu của mình (và cũng là truyền thống của Cha Ông) là xuất gia tu hành. Thượng Hoàng đã thực tập cuộc sống của người xuất gia tại Vũ Lâm[1]. (Tại đây vốn đã có sẵn một hành cung của Nhân Tông. Chính vì Nhân Tông tập sự xuất gia ở đây nên hoàng cung trở thành chùa Vũ Lâm). Năm 1299 , Thượng Hoàng chính thức xuất gia tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đầu đà (sau đổi thành Trúc Lâm Đầu Đà, hay còn gọi là Trúc Lâm Đại Sĩ, Hương Vân Đại Đầu Đà) trở thành một vị cao tăng, là người kế thừa chính thức của Thiền phái Yên Tử, thế hệ thứ 6 tiếp nối vị Tổ sư thứ 5 là thiền sư Huệ Tuệ. Hơn thế nữa, chính Trúc Lâm là người khai sáng và xây dựng Thiền phái Trúc Lâm – một Thiền phái đậm đà bản sắc Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Trúc Lâm cũng là người thiết lập một Giáo Hội Phật Giáo thống nhất và nhập thế tích cực với tinh thần từ bi, cởi mở, khai phóng, bao dung và hòa hợp vốn là cốt tủy của sinh hoạt Phật giáo. Rồi cũng chính tinh thần từ bi, dung hợp, khai phóng ấy, chính sự mở rộng cánh cửa tâm thức và tấm lòng thiết tha với dân tộc ấy làm trụ cột tạo nên sức mạnh Đại Việt, và là yếu tố chính yếu thiết lập và duy trì nền thái bình thịnh trị của quốc gia, dân tộc thời Trần. Điều này cũng có nghĩa là truyền thống Vương triều Trần đều chủ động và tích cực dùng Chánh Pháp (Phật Pháp) trong sự nghiệp lãnh đạo quốc gia. Riêng trong lĩnh vực quan hệ giữa các dân tộc, các vị vua Trần, mà điển hình là Hoàng Đế Thiền sư Trần Nhân Tông, đã triệt để dùng chánh pháp để giáo hóa, xây dựng và củng cố tình đoàn kết dân tộc, hóa giải mọi mâu thuẫn trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, tương thân tương ái, nhầm đạt mục tiêu vì Nước (Nước mạnh) vì Dân (Dân giàu).
Với tâm nguyện củng cố và phát triển sự hòa hợp đoàn kết dân tộc một cách lâu dài, bền vững, và cũng để hoằng hóa Phật Pháp tại xứ Chiêm Thành, mà vào tháng 3 năm Tân Sửu (1301) Trúc Lâm đi thăm Chiêm Thành. Ngài đi với tư cách một vị du tăng, với một số tăng sĩ tùy tùng. Trên đường đi xuống phía Nam, Trúc Lâm có ở tại am Tri Kiến của trại Bố Chính[2]. Rồi từ trại Bố Chính, Trúc Lâm đi sang Chiêm Thành. Thời gian Trúc Lâm vân du tại Chiêm Thành khá dài, từ tháng 3 đến tháng 11 Tân Sửu (1301) mới trở về Yên Tử. Và như vừa nêu, đây là một cuộc vân du của một vị cao tăng, đứng đầu Giáo Hội Phật Giáo thống nhất Đại Việt, và được Chúa Chiêm Thành nghênh tiếp với tư cách ấy. Trong thời gian lưu trú tại Chiêm Thành, Trúc Lâm đã đàm đạo với Chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Cuộc tiếp xúc này chắc chắn là cuộc tiếp xúc thân mật. Chúa Chiêm Chế Mân tiếp một vị cao tăng Đại Việt, nhưng đồng thời cũng là tiếp một vị lãnh đạo tinh thần tối cao, có uy lực rất lớn trong triều đình và toàn thể quốc dân. Vả lại, căn cứ trên quan hệ đoàn kết dân tộc giữa Triều đình Đại Việt (với tư cách dân tộc Kinh) và xứ Chiêm Thànnh (với tư cách là dân tộc Chăm – Chàm) trong giai đoạn Thượng Hoàng Trần Nhân Tông lãnh đạo Quốc gia Đại Việt, thì ta có thể biết chắc Chúa Chiêm lúc ấy là Chế Mân đã hết sức khâm phục và có tình cảm đậm đà với Trúc Lâm. Như ta cũng đã biết, khi quân xâm lược nhà Nguyên, do Toa Đô chỉ huy binh thuyền gây chiến và chiếm đánh Chiêm Thành vào cuối năm 1282, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã cử Tiến sĩ Nguyễn Khả Lạt (em ruột Trung Liệt Hầu Nguyễn Khoái) làm chánh tướng, thiền sư Phùng Đạo Phong làm tham tán quân vụ, chỉ huy 2 vạn quân và 500 chiến thuyền với đầy đủ quân trang, quân dụng vào sát cánh cùng quân dân Chiêm đánh tan quân Nguyên, tiêu diệt toàn bộ 300 chiến thuyền với trên 1 vạn rưỡi quân lính, quét sạnh doanh trại và quan quân của Toa Đô ở cửa biển Quy Nhơn, khiến tên bại tướng này phải thu nhặt tàn quân bỏ chạy ra hồ Đại Lãng, Ô Lý Việt Lý (Bình-Trị-Thiên ngày nay) vừa cướp bóc, vừa vỡ hoang trồng tỉa hoa màu mà sống [3]. Nước mắt, máu xương của quân dân Việt (Kinh) đã đổ xuống để bảov ệ dân tộc Chiêm, chiến thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên vào xứ Chiêm Thành. Chính ơn nghĩa sâu dày này và những hành động xây đắp tình thân hữu bền chặt Việt (Kinh) – Chiêm khác nữa của Vương triều Trần đã khiến chúa Chiêm càng thêm kính mộ đối với Trúc Lâm. Nhân đây, cũng cần nhắc thêm lại một điều. Sau chiến thắng cuộc chiến tranh Nguyên – Chiêm (1283-1284), lo ngại giặc Nguyên sẽ quay lại đông hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, chúa Chiêm Chế Mân đã xin vua Trần cho toàn bộ quân Việt (Kinh) tiếp tục ở lại đất Chiêm để chuẩn bị kháng chiến lâu dài và di chuyển vào phía Nam có vị thế thuận lợi hơn xây đắp thành trì , như xây thành Quan Đông (tức là cửa ải phía Đông, nay là xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa) và xây tháp Pô-klong – Grai (sau ta quen gọi là tháp Chàm) tại địa điểm nay thuộc thị xã Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, để tăng cường thực lực và thu phục nhân tâm.
Cùng thời gian trên , ngoài 2 vạn quân Việt (Kinh) trụ lại, và thường dân Việt ra vào xứ Chiêm Thành để buôn bán ngày càng đông, còn có không ít quan, dân Nam Tống bại trận trước quân Nguyên vào năm Kỹ Mão (1279) và vô số người Hoa (gốc Bách Việt) vùng Giang Đông cùng chạy sang tá túc tại đất này. Trong số những người Hoa này có những môn đồ của thiền phái Lâm Tế – Thiếu Lâm Tự. Ngoài việc tạo lập nơi ăn chốn ở cû, để có nơi học hành, thi văn, luyện võ, học nghề, trị bệnh cứu người như đã có từ thời nhà Lý, cả người Việt (Kinh), người Hoa cùng lập khá nhiều chùa chiền ở khắp vùng Nam Hà, nhất là khu vực Trung Châu (từ nam đèo Hải Vân đến Đồng Nai) , mà tập trung nhiều ở xứ Trầm Hương (Khánh Hòa ngày nay). Việc xây dựng và phát triển ngày một nhiều chùa chiền như vậy chắc chắn là được chúa Chiêm tán thành và hỗ trợ. Mà sự tán thành hỗ trợ này của chúa Chiêm Chế Mân rõ ràng là một hệ quả tất yếu của tấm lòng kính mộ của Chế Mân đối vớ triều đình Đại Việt, mà đặc biệt là đối với thượng hoàng Trần Nhân Tông. Điều này cũng còn có nghĩa, Chế Mân có lòng kính mộ đối với phật giáo do mộ vị phật tổ Đại Việt (Đức Điều Ngự Giác Hoàng Nhân Tông) hóa độ. Sự trạng này được Trần Chí Chính, trong lời đề từ bức tranh Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ , viết : ”Có lúc Ngài (Trúc Lâm) viễn du hóa độ cho các lân ban, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực trong thành. Chúa nước Chiêm Thành biết được điều đó hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem đất đai hai châu làm lễ cúng dàng cho Ngài. Ấy là Thuận Châu , Hóa Châu vậy.”[4]
Trong thời gian lưu trú tại Chiêm Thành, ngoài việc đàm đạo với vua quan, các vị tu hành, lãnh tụ tôn giáo… tại phủ Đồ Bàn (Quảng Nam ngày nay), Trúc Lâm còn đi thăm viếng, quan sát tình hình Phật giáo ở nhiều nơi trên đất Chiêm. Rất tiếc, cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được một cánh đầy đủ chi tiết hành trạng của Trúc Lâm trong suốt 7, 8 tháng lưu hóa tại Chiêm Thành. Gần đây, do phát hiện và sưu tầm được một số tư liệu quí (sách vở, các bản chép tay của Cử nhân Nguyễn Tạo…) và sau khi khảo sát lại các bộ sử sách hiện có (nhất là các bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , Đại Nam Nhất Thống Chí…) kể cả các bộ sách sử Phật giáo Việt Nam, cũng như sau khi trực tiếp khảo sát một số di tích Lịch sử – Văn hóa ở Khánh Hòa, đã phần nào giúp cho việc khôi phục lại ành trạng của Trúc Lâm tại xứ Trầm Hương (Khánh Hòa). Tất nhiên, ở đây chỉ trình bầy những việc nào của Trúc Lâm có liên quan trực tiếp đến chùa Kim Sơn.
Thời còn là xứ Chiêm Thành, vùng đất mà sau này có tên (theo tiếng Việt) là NhaTrang, được gọi theo tiếng dân tộc Chàm, phiên âm từ chữ Ya-Tran. Từ sau khi Thượng Hoàng Trần Nhân Tông vào thăm thì tên gọi chính thức vùng này theo chữ Việt – Nho là “NhaTrang”. Đây là một cửa biển phía đông xứ Trầm Hương (vì vậy mà sau này, Lê Quí Đôn gọi là Đông Hương, còn Tiến sĩ Lam Trà Nguyễn Văn Chương, trong sách Trung Châu Nhân Vật Kí gọi là Cù Huân Hải Khẩu [5]. Việc Thượng Hoàng Trần Nhân Tông gọi (đặt tên) cho khu vực cửa biển này là NhaTrang không đơn thuần vì âm của hai chữ Việt Nho này rất gần với hai âm tiếng Châm Ya-Tran, mà có lẽ quan trọng hơn cả, 2 chữ NhaTrang này có ý nghĩa xác định sự hình thành và phát triễn một cuộc sống sung túc, giao thương buôn bán hết sức nhộn nhịp của khu cửa biển này. Sau này , trong sách Trung Châu Nhân Vật Ký, Lam Trà Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương đã mô tả cửa biển NhaTrang đúng như sự tiên đoán, xác định của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngay từ năm 1301. Lam Trà Tiến sĩ cho biết : Xứ này, từ thời Hoàng đế Trần Nhân Tông vào thăm Chiêm Thành, gọi là cửa biển NhaTrang. Đến thời Lê Trung Hưng lại gọi là Đông Hương, cũng gọi là cửa biển Cù Huân ấy vậy. Tại cửa biển có đầm cù lao,cầu Bến Cá, tức là chợ NhaTrang. Thuyền buôn các nơi mỗi ngày ước khoảng hơn trăm chiếc, ra vào buôn bán sản vật. Chính vì sớm nhận ra cảnh sống sung túc nhộn nhịp như vậy mà Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã ngự đề 4 chữ Việt – Nho: ”NHATRANG TÂN THỊ” để gọi vùng đất giàu đẹp này. (NHA là mầm non, TRANG là một tụ điểm dân cư phong phú tươi đẹp, Tân là bến, THỊ chính là thị tứ , tức là chợ). Như vậy, chúng ta có thể xác định rằng tên gọi NHATRANG (một danh từ Việt – Nho) để chỉ vùng cửa biển này là Thành phố NhaTrang, chính thức có từ ngày đó (1301).
Địa điểm được Trúc Lâm đến thăm trước nhất có thể là nơi có tên gọi là Đại Điền (gồm 4 thôn : Đại Điền Trung, Đại Điền Đông, Đại Điền Nam, Đại Điền Tây – nay là các xã Diên Điền, Diên Sơn huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hoà). Địa điểm này chính là nơi lưu xuất và truyền tụng một câu chuyện (sự tích) có từ thời Hùng Vương. Chuyện kể rằng : Vào thời các Vua Hùng có bà Tinh Vệ Mễ Nương – con gái đầu của Hùng Càng Vương – cùng chồng là Chấn Long Thần Phi “du hạ nam phương” có đem hạt dưa từ Trường Sa vào trồng tại vùng đất dưới chân Hòn Dữ (về sau, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông mới đặt tên cho núi là Đại An, và tên này tồn tại cho đến tận ngày nay). Do vùng đất này trồng rất nhiều dưa nên thường được gọi là xứ đồng dưa (qua điền xứ).
Núi rừng bao quanh xứ Đại Điền có rất nhiều lâm đặc sản quí, đặc biệt là cây trầm (trầm hương). Gặp lúc bão lụt nhiều cây trầm gãy đổ trôi xuống lại bị sóng biển đánh tấp lên đầy cả xứ Đồng dưa. Cư dân kéo lên chất thành từng đống đốt. Khói hương thơm tỏa ngào ngạt tẩy trừ mọi sơn lam, chướng khí, dịch bệnh. Cây trầm trở thành một loài cây hết sức quí giá. Từ đó xứ Đồng dưa còn có một biệt danh là xứ Trầm hương (sau này “Xứ Trầm Hương”trở thành biệt danh của tỉnh Khánh Hòa).
Vợ chồng bà Tinh Vệ Mễ Nương – Chấn Long Thần Phi hô hào dân chúng trong vùng đem đất cát lấp thành lũy dài gọi là trường sa lũy để ngăn sóng biển. Lũy này nối từ đèo Ninh Mã tới Cần Lương, tạo thành vịnh Vân Phong ở phía Bắc. Còn lũy Thủy Triều chạy dài từ mũi Cầu Hin, Bãi Dài đến mỏm Chà Đà, tạo thành vịnh Cam Ranh ở phía Nam. Trước mặt Bạch Hổ Sơn (còn gọi là đồi Trại Thủy ở giữa NhaTrang) là quần đảo có tên là Hòn Tre , do Chấn Long Thần Phi dời núi từ phía Tây ra làm tấm bình phong chắn gió cho NhaTrang (Ngày đó đảo này được trồng toàn là tre nên có tên Hòn Tre). Được bao bọc bằng các lũy và các núi (đảo ) chắn gió đó, cù lao NhaTrang [6] rất an toàn, bình yên trên mặt biền hiền hòa. Do vậy mà NhaTrang cũng được gọi là Cù Huân [7]. Sự tích xứ Đồng dưa – Trầm hương, dời núi, đắp lũy của vợ chồng bà Tinh Vệ được phản ánh bằng một bài thơ rất hay ghi trong sách Trung Châu Nhân Vật Ký:
Đại Điền cổ xứ thị trầm hương,
Đông chí phong ba nịch thủy luân,
Tinh Vệ, Chấn Long di thực hải,
Hoằng khai gia lý phú diên khang.
Tạm dịch:
Đại Điền xưa ấy xứ Trầm Hương,
Đông tới phong ba nước ngập tràn.
Tinh Vệ, Chấn Long dời chắn biển,
Mở ra thôn xóm mãi yên lành.

Sau khi hoàn thành công nghiệp dời núi,đắp lũy tạo cuộc sống yên bình cho xứ Trầm Hương , ông bà Tinh Vệ – Chấn Long theo sóng biển về nơi không dấu tích. Để ghi nhớ công ơn sự nghiệp của vợ chồng bà, dân chúng lập đền thờ Bà tại núi Đại An. Nhưng đến cuối triều Hùng Duệ Vương (258 trước Tây lịch) Thục Phán trị nước, bị ngoại tặc thôn tính, ngôi đền này bị triệt phá.
Khi lên xứ Trầm Hương – Đại Điền, nhớ lại tích xưa, tưởng niệm công đức của vợ chồng Bà Tinh Vệ – Chấn Long Thượng Hoàng Trần Nhân Tông tôn phong Bà Tinh Vệ là THIÊN Y THÁNH MẪU, và bàn với Chúa Chiêm Chế Mân cho trùng tu lại ngôi đền thờ ông bà Tinh Vệ. Chúa Chiêm Chế Mân đã cho trùng tu ngôi đền. Trên mái trước đền tạc 4 chữ Nho THIÊN Y THÁNH MẪU [8] và 2 bên trụ đèn tạc đôi câu đối do chính Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngự đề :
Tinh Vệ hận chí năng điền hải
Chấn Long cừu lực khả di sơn.
Nghĩa là:
Chí Bà Tinh Vệ (giận) có thể lấp biển,
Sức ông Chấn Long (thù) khả dĩ dời núi.
Cùng lúc với việc trùng tu đền thờ Thiên Y Thánh Mẫu là việc xây dựng một ngôi chùa dưới chân núi Đại An. Với tên chùa cũng do chính Đức Điều Ngự (Trần Nhân Tông) đặt là ĐẠI AN TỰ. Chắc chắn việc đặt tên chùa là ĐẠI AN không phải là ngẫu nhiên. Hai chữ ĐẠI AN thể hiện rất rõ quyết sách của Hoàng Đế Thiền sư Trần Nhân Tông là phục hưng quốc gia Đại Việt và tạo dựng cuộc sống yên bình tươi đẹp mãi mãi cho dân tộc Chiêm. Điều này được khẳng định rất cụ thể rõ ràng trong đôi câu đối mà Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông ngự đề cho chùa:
Đại Việt cơ đồ tu hưng phục
An Chiêm sự nghiệp lại diên khang.
Và như vậy Hoàng Đế Thiền Sư Trần Nhân Tông, cũng tức là Đức Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Đại Việt, là người đã khai sáng, lập chùa Đại An [9].
Đến ngày 12 tháng 7 năn Tân Sửu (1301), Trúc Lâm rời chùa Đại An trở lại thăm một di tích -thắng cảnh ở núi Gành – nằm sát cửa Đông Hương (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, núi Gành thuộc thôn Ngọc Toản, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh) cách Nha Trang Tân Thị (tức thành phố Nha Trang ngày nay) chừng 2 dặm (khoảng 3 km) về hướng Tây Bắc. Thấy phong cảnh nơi đây thật đẹp đẽ, thanh tịnh, núi Gành trông như chiếc bình bát bằng vàng (kim âu) của Phật Tổ, in bóng trên mặt biển xanh như ngọc [10], trên núi lại còn lưu dấu tích một ngôi chùa không rõ do ai khai sơn, lập chùa từ bao giờ. Đây đúng là một chốn A-Lan-Nhã lí tưởng cho tu hành, Trúc Lâm liền quyết định cho xây dựng lại thành một Thiền Tự và đặt tên là KIM SƠN TỰ và ngự đề đôi câu đối cho chùa:
Kim âu lãng thủy ngọc hoàn qui
Sơn tự thiền tông hội phước trì.
Nghĩa là:
Bát vàng soi bóng trên mặt nước ngọc qui tụ về
Ngôi chùa thiền (Phật) trên núi tụ hội phước đức mãi mãi.
Sự kiện vừa nêu được ghi chép khá rõ ràng, cụ thể trong sách Trung Châu Nhân Vật Ký như sau: ”Tân Sửu niên, thất nguyệt, nhị thập nhật, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông tự Đại An Tự đáo hải biên , quan kỳ cảnh vật hữu tình gian sơn hùng vĩ, mạng Thiền sư Thích Đạo Phong tái lập Phật tự vi KIM SƠN TỰ. Hựu ngự đề:
Kim âu lãng thủy ngọc hoàn qui
Sơn tự Thiền tông hội phước trì.”
Qua đoạn ghi chép trên cho chúng ta thấy: trước khi Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông đến, nơi đây (núi Gành) đã có chùa nhưng rõ ràng ngôi chùa này đã đỗ nát, không người trông coi. Cho nên Đức Trần Nhân Tông đã cho xây dựng lại (tái lập Phật Tự), ban tên chùa là KIM SƠN TỰ, xác định chùa theo Thiền phái (mà đương nhiên là Thiền phái Trúc Lâm) và người được giao trọng trách”tái lập phật tự” là Thiền sư Thích Đạo Phong. như vậy ta có thể xác định được rằng chính Đức Việt Phật Trần Nhân Tông là người khai sinh, lập chùa Kim Sơn tại núi Gành (nay thuộc thôn Ngọc Hội, Xã Vĩnh Ngọc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Chấp nhận sự kiện này thì ngày 12 tháng 7 Âm lịch hàng năm sẽ là ngày kỉ niệm lập Chùa, còn ngày Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thị hiện Niết Bàn sẽ là ngày giỗ Tổ Sư khai sáng chùa (?).

 

 

 

 

 

 

Ghi Chú : Đây là sơ lược lịch sử chùa . Do việc thu thập và xác minh các tài liệu lịch sử chưa thật đầy đủ và độ chính xác còn bị giới hạn , cho nên rất mong quí vị Thiện tri thức , các nhà nghiên cứu quan tâm giúp đỡ chỉ dẫn để trong tương lai chùa Sắc Tứ Kim Sơn sẽ có được một bản lịch sử chùa hoàn chỉnh .

[1]Làng Vũ Lâm, Phủ Diên Khánh – Ninh Bình. Nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

[2]Thánh Tăng Ngữ Lục chép: ”Sau ở chùa Phổ Minh của phủ Thiên Trường,Thượng Hoàng mời đến các danh tăng, mở lớn các trường giảng,trải mấy năm đèn vân du phương ngoài, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở.” ”Tri Kiến”, theo Ô Châu Cận Lục, là nơi đóng cơ quan hành chính của trại bố chính (Tri Kiến cố chi huyện kiến. Có thể nói đây là ngôi chùa đầu tiên được biết của vùng đất Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính ,mà Lý Thánh Tông đã thu phục và định danh trên bản đồ Đại Việt, nay là Bố Trạch (Quảng Bình) và 2 huyện Vĩnh Linh,Gio Linh (Quảng Trị).

[3]Để rồi đến mùa hè năm Ất Dậu (1285), hắn ra Bắc làm Đại Nguyên soái đem 50 vạn quân của Vân Nam cùng 50 vạn quân do cái gọi là Trấn Nam Vương Thoát Hoan cầm đầu sang đánh nước ta. Cuộc xâm lăng qui mô cực lớn này như ta đã thấy, đã bị thất bại thảm hại. Gần 1 trệu quân Nguyên bị quân dân Đại Việt tiêu diệt, chỉ có Thoát Hoan thoát chết nhờ chui vào ống đồng để lính khiêng chạy trốn về Tư Minh (Quảng Tây).

[4]Châu Ô, Châu Lý được nhà Trần đặt tên là Thuận Châu, Hóa Châu vào năm 1307. Việc thu phục 2 châu này như vậy là diễn ra một cách hết sức hòa bình êm thắm.

Sách lược ngoại giao bình đẳng và đoàn kết dân tộc của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (trong đó phải kể cả đến việc gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân) đã đem lại những thành quả chính trị và an ninh thật to lớn cho quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ.

[5]Xin xem một bài thơ của Lam Trà Tiến sĩ trong sách Trung Châu Nhân Vật Ký:
CÙ HUÂN XU HẢI TẶC.
Cù Việt kình thiên hận bạch đầu,
Huân chưng hạo thủy khí lăng châu,
Bạch Hổ triều dương xu hải tặc,
Thanh Long bảo đị thổ hoàng thâu.
Tạm dịch:
CÙ HUÂN ĐUỔI GIẶC BIỂN.
Trắng đầu Cù Việt đứng canh trời,
Giọt châu khói tỏa nước bốc hơi,
Bạch Hổ núi ngăn quân cướp biển
Rồng Xanh gò nổi giặc thân vùi.

[6]Nay gồm 14 phường xung quanh dòng sông Ngọc Hội, kéo dài từ cửa Hà La Sơn – Đồi La San, cho đến cửa bé.

[7]Cù: cù lao, Huân Chưng: chỉ sóng nổi lăn tăn như nước trong nồi mới bắt đầu sôi.

[8]Ngôi đền này đến thời Chế Bồng Nga dấy đông can qua chống phá triều đình Đại Việt, và cho triệt phá đình Đại An thờ bà Tinh Vệ tức là Thiên Y Thánh Mẫu. Đến thời nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản nhân đi qua đây, vì không rõ gốc tích bà Tinh Vệ Mễ Nương, nên viết về sự tích bà Chúa Chàm với tên gọi nửa Nho (Việt) nửa Chiêm (Chàm) là Thiên Y A Na, khiến mọi người lầm tưởng bà Chúa Chàm với Bà Chúa xứ Trầm Hương – Thiên Y Thánh Mẫu – là một.

[9]Rất tiếc , trải nhiều lần can qua dưới thời Chế Bồng Nga và sau đó, Đại An Tự đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa Đại An chỉ còn được ghi lại trong sách Trung Châu Nhân Vật Ký.

[10]Thời bấy giờ bao quanh núi Gành toàn là biển.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s