Đồ đồng thời Thương Chu ở Lào

Sang Lào để xem cổ vật thời Thương Chu của Trung Hoa, nghe vậy ai cũng bảo là chỉ có mà đồ rởm, đồ nhái từ Tàu mang về. Thật giả khó phân, nhưng cầm sách Đồ đồng thau Trung Quốc (tác giả Lý Tùng, Phó viện trưởng Viện mỹ thuật Viêm Hoàng) sang Lào thì gặp rất nhiều cổ vật được kể trong các bảo tàng của Trung Quốc lại thấy bán ngoài chợ của Lào.

Đồ thời Thương Chu là đỉnh cao của nghệ thuật đồng thau phương Đông. Ở thời kỳ này những đồ đồng đều là những đồ vật thuộc về tầng lớp quí tộc, vua chúa, thể hiện thần quyền và quân quyền nên thường là những đồ to, nặng, tạo hình và hoa văn mang vẻ nghiêm trang, kỳ bí.

Một trong những đồ đồng Thương Chu có thể gặp ở Lào là những chiếc hủy quang đựng rượu. Quang là dạng cốc đựng rượu lớn, có 3 hay 4 chân, được trang trí bằng các hình chim thú. Trong Kinh Thi và những tài liệu cổ đại khác đều có nhắc đến dụng cụ đựng rượu hủy quang này. Những chiếc quang chỉ làm vào thời Thương và Tây Chu. Từ cuối Tây Chu trở đi hủy quang không còn được đúc nữa.
Quang
Điền hình gặp ở Lào là chiếc quang hình chim thú đời nhà Thương. Một chiếc quang giống như thế này được bảo quản ở Bảo tàng mỹ thuật Freer Hòa Kỳ, nhưng ở Lào lại có thể thấy có vài chiếc. Chiếc quang này được trang trí bằng hơn 30 hoa văn lập thể hình động vật. Phần nắp đậy phía trước là hình con quỳ long có sừng cong đang nhe răng. Phần sau lại là một quái thú mõm cá có sừng nhọn. Phần lưng hai bên là cảnh hổ và cá rượt đuổi nhau. Trên lưng là một loài bò sát có chân như thằn lằn nhưng có 2 râu dài tròn như ốc sên.

Trên phần cốc đầu trước là một con chim mỏ nhọn. Phần quai cầm là một con chim khổng lồ đang đứng, có mào lớn rộng, mỏ tù. Hai bên cốc có một loạt những hình động vật kỳ lạ như một con rắn đầu có tai, một con dạng như nòng nọc, nhưng cũng có đầu như đầu hổ, con tôm cong, con ốc. Với những hoa văn động vật lập thể, kỳ dị toàn chiếc quang toát ra một vẻ thần bí, nghiêm trang, có phần dữ tợn.

Trên chiếc quang có đủ các con vật trên trời (chim), dưới đất (thú, bò sát) và dưới nước (cá tôm). Sự có mặt của con người cũng không thiếu. Ở phần chân đế, 2 chân sau là 2 người thân rắn. Người có thân rắn trong truyền thuyết Trung Hoa là Nữ Oa và Phục Hy. Phục Hy và Nữ Oa được coi là những vị thần sáng tạo ra loài người. Hình Nữ Oa và Phục Hy trên chiếc quang như vậy сó lẽ là hình ảnh cổ nhất về hai vị này còn lưu lại được tới ngày nay. Chiếc quang là cả một thế giới sinh vật và con người thu nhỏ rất đầy đủ.

Dạng quang đựng rượu khác gặp ở Lào là hình các động vật bốn chân có sừng. Những loài vật này gần gũi, thực hơn, nhưng cũng không kém phần nghiêm trang, tinh tế. Trước hết phải nói đến chiếc quang hình con tê giác bằng đồng độc đáo. Con tê giác này có phần đầu rất lớn, một sừng to, cong, vươn ra phía trước. Sừng khác nhỏ hơn ở trên trán. Tai tê giác nhọn. Phần sau của nắp quang là hình mặt lợn, mõm rộng, tai cong.
Te giac 3
Con mắt của chú tê giác này to tròn, rất sống động. Cổ vật sau khi cạo phủi lớp đất gỉ bề mặt, lộ ra màu đồng thau óng ánh, như bước ra từ quá khứ 3000 năm trước.

Phần thân chiếc quang tê giác được trang trí bằng những hoa văn nổi. Dài theo thân quang ở mỗi bên là hình một con chim lớn, cách điệu, mỏ tù, đuôi dài, mào cong như con chim phượng trên chiếc quang chim thú ở trên. Phần ngực tê giác hai bên có hình con quì long nhỏ, có sừng, đang há miệng, quay đầu về phía con chim phượng.

Dạng quang hình động vật tương tự ở Lào còn gặp như hình con trâu, đuôi hình chim. Hay ở Thanh Hóa trong Bảo tàng cổ vật Hoàng Long cũng có chiếc quang hình con lợn có sừng tương tự.

Như vậy trên các chiếc quang đồng thời Thương Chu luôn bắt gắp họa tiết trang trí rồng – phượng đi đôi với nhau. Đây chẳng phải là hình ảnh Cha rồng Mẹ tiên trong truyền thuyết người Việt hay sao?

Điều lạ nữa là hình ảnh con tê lại gặp trong các cổ vật thời Thương Chu. Ví dụ như chiếc đôn đựng rượu Tiểu Thẩn Du đời Thương hiện bảo quản tại Bảo tàng nghệ thuật châu Á San Francisco mang hình con tê giác. Loài tê giác được thể hiện là loài tê giác một sừng Java rất rõ, với một sừng lớn ở phía trước và sừng nhỏ phía sau. Loài tê giác này này chỉ có phân bố hạn chế ở vùng phía Nam, không thể nào có ở khu vực Hoàng Hà (xem bản đồ). Vậy tại sao đồ đồng thời Thương lại biết thể hiện hình tê giác?

434px-Javan_Rhino_Range.svg
Bản đồ phân bố Tê giác Java (Rhinoceros sondaicus) hiện tại và trong quá khứ (theo Foose và Van Strien, 1997)

Như đã nói trong bài trước, con Tê trong sử sách còn gọi là con Tây. Đây là con vật tượng trưng cho phía Tây của Trung Hoa, là thần thú của nước Tề. Nước Tề nằm ở vùng có nhiều Tê giác và Tê tê là khu vực trung và hạ lưu sông Mê Kông. Sông Mê Kông trong Hoa ngữ là Khung giang, hay con sông Khương chảy qua nước Tề, đất phong của Khương Thái Công nhà Chu. Con tê cuối cùng của khu vực này ở Nam Cát Tiên mới bị chết nhưng hình ảnh tê giác trong văn hóa Việt – Lào – Căm pu chia thì không thể xóa được.

Tương tự như Tê giác, con Voi là con vật không hề có trong tự nhiên ở khu vực “Trung Nguyên” quanh Hoàng Hà. Thế nhưng đồ đồng thời Thương lại thể hiện hình voi như chiếc đôn Lễ Lăng, hiện được giữ ở bảo tàng tỉnh Hồ Nam. Những con vật đồ đồng này là những “bằng chứng sống” rằng văn hóa Thương không chỉ nằm ở vùng Hoàng Hà mà ở xa hơn nhiều về phía Nam nơi có hàng triệu con voi (Lào) hàng ngàn con Tê (Căm pu chia).

Năm 1989 ở Đại Dương Châu, huyện Tân Can, tỉnh Giang Tây đã phát hiện một lăng mộ lớn thời Thương với 880 món đồ, trong đó có 480 đồ đồng. Trong số đồ đồng này có cả đỉnh đồng vuông hình hổ cao tới 95cm. Các nhà khoa học Trung Quốc chẳng biết giải thích thế nào về hàng loạt đồ đồng với trình độ đúc điêu luyện xuất hiện ở Nam sông Dương Tử, đành suy đoán đây là khu mộ của một thủ lĩnh nào đó ở miền Nam (!?), có ý cho rằng phương Nam còn đang ở thời kỳ bộ lạc, văn hóa đồ đồng chỉ là chịu ảnh hưởng của nhà Thương…

Sự phong phú và quí giá của đồ đồng tại di chỉ Đại Dương Châu với niên đại Thương sớm, sớm hơn di chỉ ở Trịnh Châu hay An Huy cho thấy đây chính là khu vực đóng đô ban đầu của nhà Thương, trước khi Bàn Canh dời đô lên phía Bắc. Lăng mộ ở Tân Can rất có thể là lăng mộ của Thành Thang (vị vua Thương đầu tiên) hay một vị vua Thương khác trước thời Bàn Canh.

Am chan voi
Những đồ đồng đựng rượu thời Thương Chu ở Lào còn thấy như những chiếc hòa (ấm), đôn, tước … đồng. Như chiếc ấm bốn chân voi sau, có phần thân hai mặt là hình Thao thiết tai hổ, có mõm như mõm lợn. Nắp ấm cũng là hình Thao thiết nhưng miệng rộng như đang cười. Tay cầm của ấm là hình rồng 2 đầu. Trang trí bằng hình Thao thiết (con vật có đầu mà không có thân) là nét đặc trưng của đồ đồng thời Thương.

Phải giải thích thế nào về sự hiện diện của những cổ vật thời Thương Chu ở Lào? Đất Lào chưa hề bao giờ bị Trung Quốc đánh chiếm, sao lại có những cổ vật Trung Hoa từ thời Tam Đại vậy? Liệu có phải là do dòng người di cư từ Trung Quốc sang mang đến hay không? Di cư từ Trung Quốc vào Lào thì chủ yếu là người Thái và người Mông. Nhưng xét kỹ, người Thái di cư sang Lào cỡ khoảng đầu công nguyên dưới thời Tây Hán. Còn người Mông chạy giặc sang Lào thì còn muộn hơn nhiều, dưới thời nhà Thanh sau này. Thời Thương Chu trước thời điểm di cư của người Thái vào Lào cả ngàn năm có lẻ. Người Thái và người Mông thì lấy đâu ra các đồ tế tự của nhà Thương nhà Chu vậy?

Sự có mặt một cách phong phú các cổ vật đồ đồng Thương Chu ở Lào không chỉ cho thấy một trình độ đúc đồng và văn hóa cao ở vùng này vào 2.000 – 3.000 năm trước mà còn chứng tỏ nơi đây chính là một trong những trung tâm của thiên hạ thời Thương Chu. Điều này hoàn toàn ủng hộ sử thuyết Hùng Việt cho rằng đất Lào là nước Lỗ, là vùng đất phong của Chu Công, nằm cạnh đất của thiên tử Chu.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s