Tục truyền rằng: “Họ Hồng Bàng làm vua nước ta đầu tiên. Tương truyền Đế Minh là con vua Thần Nông, gọi vua Phục Hy là bác, cháu nội Toại Nhân, chắt bốn đời ông Bàn Cổ. Đế Minh đã có vợ và sinh ra Đế Nghi, song khi đi tuần thú miền Ngũ Lĩnh lại lấy công chúa Vụ Tiên mà sinh ra Lộc Rục. Lớn lên Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục thành lập bộ tộc Dâu, đóng lỵ sở ở Liên Lâu (Luy Lâu), đặt quốc hiệu là Việt Thường, xưng là Kinh Dương Vương, lấy con gái Động Đình Quân mà sinh ra Sùng Lãm…”
“Đó là nội dung học vẹt thầy giáo hương sư lúc còn bé của người làm sách…”
(Theo sách Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Trần Quốc Thịnh).
Những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác, từ thầy giáo làng cho đám trẻ học chữ Nho xưa đều nói tới Thần Nông, Phục Hy, Toại Nhân, Bàn Cổ là những vị tổ tiên của người Việt. Những vị thần thời thái cổ của Trung Hoa có thể là tiền nhân người Việt được không?
Tại làng Á Lữ, huyện Thuận Thành – Bắc Ninh nay vẫn còn lăng mộ và đền thờ vị thủy tổ Kinh Dương Vương. Tương truyền lăng và đền này đã có từ rất lâu, tới thời vua Minh Mạng được sắc phong thêm và phục dựng lại với nhiều hoành phi câu đối cổ. Minh Mạng quả là một vị vua có tâm chí lớn, có ý khẳng định lại nguồn gốc “Hồng Lạc đế quốc” của người Việt.
Câu đối ở chính điện thờ Kinh Dương Vương:
Thái cực nhất nguyên thiên địa thủy
Viêm Giao Bàn Cổ đế vương tiên.
Liên hệ với câu mở đầu trong Thiên Nam ngữ lục:
Nhớ từ Thái cực sinh ra
Trên trời dưới đất giữa hòa nhân gian.
Câu đối này nói lên quan niệm của người Việt, trời đất sinh ra từ thái cực cùng một lúc với con người (Bàn Cổ). Lịch sử người Việt bắt đầu cùng thiên địa.
Dịch nghĩa:
Bàn Cổ Viêm Giao vị tiên vương đế
Một khối Thái Cực khởi mở đất trời.
Tên gọi “Viêm Giao Bàn Cổ” thật lạ. Thì ra ông Bàn Cổ, thủy tổ Trung Hoa, là người Việt, sinh ra cùng trời đất tại vùng Viêm Giao hay Viêm Bang Giao Chỉ. Vùng đất khai thiên lập địa của Trung Hoa chính là ở Giao Chỉ.
Một câu đối ở bàn thờ Âu Cơ trong đền Á Lữ:
Lưỡng nghi khai sơn hậu quân Viêm Giao Bàn Cổ
Bách đại lai tư cung đồng bản ấp phúc thần.
Cụm tên gọi “Viêm Giao Bàn Cổ” như vậy là một cụm từ ổn định, chỉ rõ ông Bàn Cổ là người đất Viêm Giao. Cụm từ “Lưỡng nghi khai sơn” muốn nói tới việc Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Từ một “Thái Cực” của Viêm Giao Bàn Cổ người Việt chia làm 2 ngả Bắc và Nam, từ đó mở ra trăm mối Bách Việt, lập ấp, lập thần.
Dịch nghĩa câu trên:
Hai ngôi mở nước, bậc quân vương con cháu Bàn Cổ Viêm Giao
Trăm trai phân tách, những phúc thần tôn kính chung của bản làng.
Hoành phi “Thần truyền thánh kế” được thấy ở cả nơi thờ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân trong đền Á Lữ. Để hiểu hoàng phi này cần liên hệ với câu đối sau ở đền Hùng – Phú Thọ:
Lịch Tam Hoàng chí Tam Vương thần truyền thánh kế
Đĩnh Bách Nam khai Bách Việt tổ thiện tôn bồi.
Phải
chăng “Tam Vương” ở đây là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng
Vương? Thần Kinh Dương đã truyền ngôi cho thánh Lạc Long. Thánh Lạc Long
lại truyền tiếp cho Hùng Vương.
Câu đối ở Lăng Kinh Dương Vương bên bờ sông Đuống:
Lập thạch kỷ công Nam thánh tổ
Phong phần tố phẫn Bắc thần tôn.
Câu này tương tự như câu đối ở đền Hùng – Phú Thọ:
Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ
Ngô vương ngô tổ Bắc thần tôn.
“Bắc thần tôn” với nghĩa theo mặt chữ là “con cháu thần phương Bắc”. “Thần phương Bắc” ở đây phải chăng là Viêm Đế Thần Nông?
Dịch nghĩa:
Lập bia ghi công thánh tổ phương Nam
Phong đất cho con cháu thần phương Bắc.
Theo Ngọc phả đền Bình Ngô (An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh): “Kinh
Dương Vương là Hùng Vương thứ nhất, hiệu là Hùng Lộc Tục, lên ngôi năm
2879 trước công nguyên. Lạc Long Quân là Hùng Vương thứ hai, hiệu là
Hùng Hiền Vương. Hùng Vương thứ 18 hiệu là Hùng Duệ Vương, mất ngôi năm
259 trước công nguyên. Mỗi hiệu Hùng Vương lại truyền ngôi vài đời, có
khi dài mấy trăm năm.”
Ngày giỗ Kinh Dương Vương tại Á Lữ là ngày 18/1 âm lịch, là lúc ngài đi vào cõi Vĩnh Thiên (Vĩnh hằng thiên thu). Số 18 cũng như 18 đời Hùng Vương có nghĩa là trùng cửu, trường cửu hay Vĩnh cửu. Tháng 1 là tháng Giêng = Dương. 18/1 là lúc Kinh Dương Vương đi vào cõi Vĩnh Thiên.
Ở cổng đền Á Lữ đề:
Ẩm tư nguyên
Câu này cũng gặp ở hoành phi tại đền Hùng – Phú Thọ.
Liên hệ với câu đối ở bên cổng đền:
Quốc triệu hòa bình tư thủy tổ
Dân di? mỹ tục niệm Hồng nguyên.
Thông thường thành ngữ dùng “âm thủy tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn). Ở đây hoành phi đã bỏ đi chữ “thủy” có lẽ muốn nói cái gốc phải nhớ đây không phải là “hà” hay “thủy” mà là “Hồng nguyên”, là cái khởi đầu thủa Hồng hoa Viêm Giao Bàn Cổ.
Dịch nghĩa:
Vận nước bình yên nhớ thủy tổ
Mỹ tục nhân dân tự Lạc Hồng.
Cũng ở chính giữa cổng đền Á Lữ có câu:
Khải ngã Nam Bang Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc
Hiển đinh Phúc Khang Nguyệt ? nhất đái thọ tân từ
Câu này gần với câu ở đền Hùng:
Khải ngã Nam Giao Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc
Hiển vu Tây Thổ Tản Lô nhất đái thọ tân từ.
Trong vế thứ hai ở đền Á Lữ dùng chữ “đinh”, còn ở đền Hùng nhiều người đọc là “vu”, tuy nhiên trên thực tế ở đền Hùng có lẽ cũng là chữ “đinh” (theo sách 5000 hoành phi câu đối Việt Nam). “Đinh” với nghĩa là chắc chắn, rõ ràng.
Dịch nghĩa:
Mở đầu từ ngả Nam Bang, Hồng Lạc nghìn năm là nước lớn
Hiển hiện ở Phúc Khang, sông Nguyệt một dải vững đền nay.
“Phúc Khang”, sông Nguyệt có lẽ là chỉ vùng đất quanh Á Lữ và sông Đuống.
Những câu đối này thật mang một hào khí Lạc Hồng, từ nghìn năm xưa đã là “đế quốc”. Có lẽ những câu này được viết dưới thời Minh Mạng, khi nước Đại Nam lúc đó thực sự là một đế quốc sau khi thống nhất Bắc Nam Đông Tây gồm cả Chiêm, Lào, Chân Lạp, đúc cửu đỉnh ở Huế.
Trên ban thờ mẹ Âu Cơ có hoành phi cổ (từ thời Minh Mạng): “Bách Việt tổ”. Mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng nên là tổ của Bách Việt.

Câu đối hai bên ban thờ Âu Cơ:
Tương truyền Lĩnh động tiên sinh thánh
Tòng thử Viêm phương quốc hữu quân.
Dịch nghĩa:
Động Lĩnh tương truyền mẹ tiên sinh con thánh
Phương Viêm từ đó nước nhà có đế vương.
Câu đối khác ở ban thờ Âu Cơ:
Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy
Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú chung linh.
Câu này gần với câu ở ban thờ Kinh Dương Vương:
Nam cực hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy
Bắc phương đế trụ thiên thu hà lạc tú chung linh.
“Hà Lạc” ở đây chính là chỉ “trời đất”, chứ không phải dịch “vui vẻ”, “hòa khí”.
Các
câu đối thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ dùng cùng một hình thức vì vốn dĩ ba vị này được thờ ở 2 đền khác nhau tại Á Lữ. Sau đó đền Lạc Long Quân – Âu Cơ bị phá, mới di rời thờ chung trong đền Kinh Dương Vương thành đền Tam vị thánh tổ.
Dịch nghĩa câu ở ban thờ Âu Cơ:
Vương đồ Việt Nam, núi sông vạn dặm mở mang kiến tạo
Đế nền Hồng Bàng, trời đất nghìn thu đẹp đẽ linh thiêng.
Dịch nghĩa câu ở ban thờ Kinh Dương Vương
Vương đồ miền Nam, núi sông vạn dặm mở mang kiến tạo
Đế nền phương Bắc, trời đất nghìn thu đẹp đẽ linh thiêng.
Kinh Dương Vương là vị thủy tổ khai sử của người Việt. Mối liên hệ Viêm Giao Bàn Cổ – Kinh Dương Vương – Bách Việt cho thấy thực chất Trung Hoa cổ đại chính là lịch sử của người Việt.