Cửu đỉnh Huế

Themieu

Cao đỉnh và Thế miếu

Cửu đỉnh Huế là 9 cái đỉnh đồng lớn được đặt trước sân Thế miếu nhà Nguyễn trong Hoàng thành Huế. Theo lệnh của vua Minh Mạng việc đúc Cửu đỉnh được khởi công từ mùa đông 1835 và khánh thành năm 1837. Dụ chỉ đúc đỉnh ghi:
Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc”.
Vị vua thứ hai của triều Nguyễn công khai gọi “các minh vương đời Tam đại” (Hạ, Thương, Chu) của bên Tàu kể cũng lạ. Lại còn nói rõ “Trẫm kính nối nghiệp trước“, tức là coi các vị minh vương thời Hạ Thương Chu là tiền triều của mình.
Cũng chính Minh Mạng là tác giả của bài thơ ở chính điện Thái Hòa:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu.

ThaiHoa

Là một vị vua từ nhỏ được giáo dục truyền thống Nho học, Minh Mạng rất giỏi văn thơ, thuộc sử sách. Trong các bài văn thơ của mình Minh Mạng rất thường nhắc tới đời Đường Ngu. Vị vua này muốn noi theo gương trị nước an dân của Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, mở nước vạn dặm, đúc đỉnh như thời Hạ Thương Chu. Rõ ràng triều Nguyễn vẫn coi Tam Hoàng Ngũ Đế Trung Hoa là lịch sử của mình.
Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh của nhà Nguyễn ở Huế có tới 90 hình ảnh là nói về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các hình trên Cửu đỉnh được sắp xếp theo một thứ tự nhất định và được chia thành các nhóm cảnh, vật. Nếu như việc xếp nhóm các họa tiết núi sông, thuyền bè, súng đạn, tinh tú tương đối rõ ràng thì việc phân nhóm những loại động thực vật trên Cửu đỉnh hiện nay không thống nhất. Tuy nhiên, việc phân nhóm các hình ảnh đều phải tuân theo nguyên tắc chính là đảm bảo mỗi nhóm vật có 9 hình, mỗi hình phải nằm trên mỗi đỉnh khác nhau. Bởi vì con số 9 là con số tượng trưng cho sự trường tồn về thời gian (9 chữ Nho là Cửu, đồng âm với chữ Cửu trong từ Vĩnh cửu), cũng như thể hiện toàn bộ không gian (9 châu, bao gồm 8 phương và 1 trung tâm).
Để hiểu được sự phong phú và độc đáo của loài động thực vật Việt Nam thể hiện trên Cửu đỉnh bài viết này xin đề xuất một cách phân nhóm các hình ảnh động thực vật trên Cửu đỉnh mà giữ đúng được nguyên tắc đã nêu (mỗi nhóm vật được xếp đều có đại diện trên từng đỉnh).

HoaSen-1

Hoa Sen trên Nhân đỉnh

Thực vật
54 họa tiết các loài thực vật có thể chia thành 6 nhóm. Tên chữ Nho của loài cây này ghi trên đỉnh được nêu trong ngoặc. Các loài được liệt kê theo thứ tự gặp trên các đỉnh lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh:
1. Cây lương thực và cây lấy sợi: Lúa tẻ (canh), Lúa nếp (nhu), Đậu xanh (lục đậu), Dâu (tang), Đậu ván (biển đậu), Đậu tương (hoàng đậu), Lạc (địa đậu), Đậu trắng (bạch đậu), Bông (miên).
2. Rau và cây gia vị: Hành (thông), Hẹ (cửu), Kiệu (giới), Nghệ (uất kim), Cải (giới), Hương nhu (hương nhu), Gừng (khương), Tía tô (tử tô), Tỏi (toán).
3. Cây lấy quả: Mít (ba la mật), Bòn bon (nam trân), Xoài (yêm la), Cau (tân lang), Mơ (mai), Đào (đào), Nhãn (long nhãn), Lê (lê), Vải (lệ chi).
4. Các loài hoa: Hoa tử vi (tử vi hoa), Hoa sen (liên hoa), Hoa nhài (mạt lỵ), Hoa hồng (mai khôi hoa), Hoa hải đường (hải đường hoa), Hoa dã quỳ (quỳ hoa), Hoa sói (trân châu hoa), Hoa dâm bụt (thuấn hoa), Hoa ngọc lan (ngũ diệp lan).
5. Các loại gỗ: Lim (thiết mộc), Ngô đồng (ngô đồng), Huống (thuận mộc), Kiền kiền (tử mộc), Hoàng đàn (hoàng đàn), Sao (nam mộc), Bách (trắc bách), Thông (tùng), Sơn ta (tất mộc).
6. Dược liệu và hương liệu: Trầm hương (trầm hương), Kỳ nam (kỳ nam), Đậu khấu (đậu khấu), Tô hạp (tô hợp), Quế (quế), Sa nhân (súc sa mật), Tổ yến (yến oa), Trầu không (phù lưu), Sâm ta (nam sâm).

Khoihac
Hạc trên Anh đỉnh

Động vật
Trong 36 họa tiết các loài động vật thì việc phân nhóm rõ ràng nhất là 2 nhóm Thú và Chim, mỗi nhóm gồm 9 loài:
Thú: Hổ (hổ), Báo (báo), Tê giác (tê), Ngựa (mã), Voi (tượng), Bò tót (ly ngưu), Lợn (thỉ), Dê (dương), Con hươu (sơn mã).
Chim: Trĩ (trĩ), Công (khổng tước), Gà (kê), Hạc (khôi hạc), Uyên ương (uyên ương), Vàng anh (hoàng oanh), Vẹt (anh vũ), Yểng (tần cát liễu), Chim ông già (thốc thu).
Còn lại 18 loài động vật khác không phân định được nhóm cho từng đỉnh. Tốt nhất là xếp chung chúng thành một nhóm lớn riêng biệt. Con số 18 cũng có nghĩa là 9×2 hay trùng cửu, trường cửu, vẫn là nghĩa trường tồn như số 9 của Cửu đỉnh.
18 loài này gồm các loài cá, rắn, rùa, ốc, côn trùng. Cứ 2 loài được liệt kê cạnh nhau là nằm trên cùng một đỉnh. Thứ tự các đỉnh như trên (phần về thực vật):
Rồng (long)/ Trạnh (miết); Đồi mồi (đại mại)/ Cá voi (nhân ngư); Rùa thiêng (linh quy)/ Cá sấu (ngạc ngư); Ve sầu (thiền)/ Trăn (nhiêm xà); Sâu dừa (hồ gia tử)/ Cá quả (lục hoa ngư); Trai (bạng)/ Cá rô (đăng sơn ngư); Vích (ngoan)/ Sam (hấu); Cá thủ (thạch thủ ngư)/ Sò (cáp); Cà cuống (quế đố)/ Rắn lớn (mãng xà).
Có 3 loài trong số này được chạm ở tầng trên của đỉnh, là những loài sống ở “trên không”: Rồng, Ve sầu và Sâu dừa. Các loài khác đều được chạm ở tầng dưới, là những loài bò sát hoặc ở dưới nước.

Linhqui

Linh qui trên Chương đỉnh

Một số loài là linh vật: Rồng, Cá voi và Rùa.
–  Rồng (long) được chạm trên Cao đỉnh, ứng với thụy hiệu Cao Hoàng đế của vua Gia Long. Đặc biệt chính trên Cao đỉnh có thể hiện đủ cả Tứ linh: Long (Rồng), Ly (Hổ), Qui (Giải), Phượng (Trĩ).
–  Cá voi ở đây được ghi là Nhân ngư. Hình Nhân ngư được chạm trên Nhân đỉnh, ứng với thụy hiệu Nhân Hoàng đế của vua Minh Mạng.
–  Rùa thiêng, với hình Bát quái trên lưng, được chạm trên Chương đỉnh, ứng với Chương Hoàng đế Thiệu Trị. Có thể chữ Chương ở đây với nghĩa là Văn chương. Người xưa dùng mai rùa để viết chữ (giáp cốt văn) và con rùa được cho đội bia ở các văn miếu, đình đền. Vì thế con rùa là tượng trưng cho văn chương.
Cũng trên Chương đỉnh còn có hình loài Tê giác. Phải chăng “sừng văn tê” cũng là một biểu tượng của văn chương?

TeTê giác trên Chương đỉnh

Đại lễ khánh thành và đặt Cửu Đỉnh diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 tức ngày quý mão tháng giêng âm lịch năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 18. Lễ xong, nhà vua dụ bảo các quan rằng :
“Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ [truyền lại] còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là [hình dạng] của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây đều được biết.”
Chính năm bắt đầu khởi đúc Cửu đỉnh (1835) là năm Chân Lạp (Cam – pu – chia) thần phục nhà Nguyễn, đổi tên là Trấn Tây Thành. Nghĩa là sau hàng nghìn năm người Việt lại hưng quốc, đất đai rộng lớn như thời Chu thiên tử, với 4 vùng lãnh thổ lớn: Giao Chỉ (Bắc bộ), Chăm pa (Trung bộ), Lào (Tây Bắc), Chân Lạp (Tây Nam). Thống nhất được giang sơn chính là lý do mà Minh Mạng cho dựng Cửu đỉnh như Hạ vũ cai quản 9 châu xưa và đổi tên nước thành Đại Nam, bắt đầu đế nghiệp mấy trăm năm.

Cuudinh2

Cửu đỉnh, vật tương trưng cho vương quyền và quốc gia của Trung Hoa, nay chỉ còn duy nhất có ở Việt Nam. Đó là một bằng chứng xác thực về lịch sử và văn hóa Hoa – Việt. Nước Việt sẽ mãi “cửu vĩnh” như những gì được thể hiện trên Cửu đỉnh.

Văn nhân góp ý:

Theo truyền thuyết thì Hạ Vũ sau khi trị thủy thành công đã chia “thiên hạ” thành chín (cửu) châu và đúc 9 cái đỉnh tượng trưng cho 9 châu… Chia thiên hạ thành 9 châu có nghĩa là xác lập chủ quyền trên vùng đất đã phân giới hành chánh để quản lý … Hơn 4000 năm trước đoạn văn vài chữ này đã nói đến 2 yếu tố… nền: lãnh thổ và chính quyền trong khái niệm ‘quốc gia’ hiện đại. Trên 9 cái đỉnh có hình ảnh cảnh quan thiên nhiên và cây – con tiêu biểu của 9 châu… nên 9 đỉnh không chỉ là 9 cái đỉnh đồng mà đúc cửu đỉnh chính là sự khẳng định vị thế chủ nhân của thiên hạ – cửu châu.
Cửu Đỉnh là biểu trưng cho quyền uy của thiên tử nên trong ‘thế giới’ Trung hỏa thì có Cửu Đỉnh tức là chủ thiên hạ. Truyền thống này khởi đầu từ thời Đại Vũ kiến lập vương quốc Trung – Hỏa; Nhà Nguyễn nước Đại Nam đúc 9 đỉnh tức khẳng định sự nối tiếp quốc thống truyền từ hàng mấy ngàn năm trước và quan trọng hơn … đây là sự công khai tuyên bố: Mãn Thanh chỉ là 1 Hãn quốc của đám Nam man không dính dáng gì đến lịch sử Trung hỏa (Nước Mãn Thanh không có Cửu đỉnh).

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s