Thiên Nam ngữ lục là tập sử trường thiên ca ra đời vào cuối thế kỷ 17. TNNL bao gồm 8136 câu thơ lục bát, 31 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ Nôm. Đây là tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm còn lại cho tới ngày nay.
Sách vốn có tên gọi đầy đủ là “Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ”, diễn ca lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến đời Lê Trung Hưng. Người đời sau xét thấy chỉ có phần đầu chép lịch sử ngoại kỷ dựa vào dã sử, phần còn lại chép lịch sử bản kỷ nên lược bớt hai chữ “ngoại kỷ” trong tên sách. Tuy nhiên, chữ “ngoại kỷ” không chỉ có nghĩa là dã sử, mà còn có thể mang một nghĩa khác. Đó là nghĩa “ngoài chính sử”, tức là những sự kiện, những tư liệu được sử dụng trong tác phẩm có thể được viết không theo đúng như chính sử.
Tác giả của Thiên Nam ngữ lục là một người uyên bác, hiểu biết rất rõ về những bộ chính sử đã được biên soạn thời đó. Khi đó Đại Việt sử ký toàn thư vừa mới được hoàn thành, chỉ trước TNNL có vài chục năm. Lý do gì mà Thiên Nam ngữ lục không theo đúng quyển sử này mà còn cố ý đặt tên tác phẩm của mình là “ngoại kỷ”? Không chỉ là tác giả muốn “phóng tác” theo ý riêng, mà gần sự thật hơn có thể tác giả có những tư liệu khác và không đồng nhất quan điểm với nhiều sự kiện ghi trong chính sử.
Do được sáng tác vào cùng thời kỳ với Đại Việt sử ký toàn thư và lại có tư tưởng “phản biện”, “chỉnh lý” chính sử, thể hiện trong từ “ngoại kỷ” như trên, TNNL phải được coi là một nguồn tư liệu lịch sử có giá trị ngang với Đại Việt sử ký toàn thư.
Câu mở đầu của Thiên Nam ngữ lục:
Trải xem sự kỷ nước Nam
Kính vâng tay mới chép làm nôm na.
Câu này cho thấy sách được viết theo lệnh của bề trên, có thể là của chúa Trịnh, viết về lịch sử nước Nam. Tức là đây là một tác phẩm chính thống về sử chứ không phải một sáng tác văn học đơn thuần.
Một khả năng khác là do tình trạng cầm quyền vua Lê nhưng chúa Trịnh nên chúa Trịnh không thể tự biên soạn quốc sử như thông thường. Do vậy chúa Trịnh đã cho diễn ca lịch sử, tuy gọi là “ngoại kỷ” nhưng thực ra đó là chính sử viết dưới góc độ của nhà chúa. Dù là dưới góc nhìn của vua Lê hay chúa Trịnh thì cũng không ảnh hưởng đến giá trị sử liệu của tác phẩm, nhất là đối với những thời kỳ đầu (trước thời Lê) của đất nước.
Do sử sách nước ta chép về thời kỳ đầu dựng nước còn lại quá ít nên một quyển “ngoại kỷ” như vậy thật vô cùng quí giá, cung cấp những sử liệu khác với độ tin cậy không kém gì chính sử. Những sự kiện khác biệt trong TNNL so với chính sử Việt chính là những điểm cần suy nghĩ làm sáng tỏ vì hoàn toàn có thể đó là sự thật lịch sử.