Di sản Hán Nôm ở đền Hùng là vô giá vì đó thật sự là những “mật mã” cha ông để lại, giúp con cháu tìm lại sự thực lịch sử xưa. Vì thế đọc mỗi hoành phi, câu đối ở đền Hùng cần có suy nghĩ thấu đáo những nhắn nhủ của tiền nhân ở trong đó. Đặc biệt là đối với đền Thượng, đền Hạ và lăng Hùng Vương vì đây là những di tích cổ nhất của khu vực này, với độ tuổi có nơi khoảng 4000 năm.
Thực ra với người Việt hiểu chữ Hán Việt (đã phiên âm) không hề khó. Nhưng hiểu cả câu nhiều khi rất khó vì chữ Hán Nôm xưa viết không có chữ Hoa và không có dấu câu. Danh từ không rõ là chung hay riêng (viết hoa hay không), ngắt từ ở chỗ nào…
Câu đối ở đền Thượng
Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ
Ngô vương ngô tổ Bắc thần tôn.
Dịch nghĩa (Vũ Kim Biên)
Đất này, núi này, bờ cõi nước Nam
Vua ta, tổ ta, phương Bắc nể vì.
Chỗ trúc trắc ở đây là đoạn Bắc thần tôn. Có tài liệu khác dịch câu sau là: Vua ta, tổ ta như sao Bắc Đẩu trên cao. Dịch vậy quá ép ý, làm gì có chữ sao (tinh) nào đâu và không đối hợp với câu trên “Nam quốc kỷ“. Nhưng dịch là “phương Bắc nể vì” thì có phần giảm nhẹ ý. “Bắc thần tôn” cho thấy rõ phương Bắc xưng với “Vua ta” là “thần” (chư hầu) và phải tôn kính. Dịch sát nghĩa là “Vua ta, tổ ta, chư hầu phương Bắc tôn kính“.
Vậy lịch sử của ta có lúc nào mà phương Bắc phải xưng thần, tôn kính?
Một suy nghĩ khác về hai câu đối trên là trò chơi chữ:
– Chữ “thử” có nghĩa là “này“, nhưng đồng âm với nghĩa “nắng“. Nắng cũng là phương Nam.
– Chữ ‘ngô” có nghĩa là “ta“, nhưng trong dịch lý xưa còn có nghĩa là phương lạnh (phương Bắc ngày nay). Phương lạnh xưa theo quan niệm âm dưỡng lưỡng hợp được tượng trưng bởi đường thẳng (cặp thẳng – cong). Từ đó ta có các từ chỉ phương lạnh là:
+ Đường: đời vua Nghiêu có đất Đào Đường, tức là có 2 vùng Nam và Bắc. Đào là màu của phương nóng.
+ Ngay hay Ngô (có từ ngây ngô): là chữ Ngô trong câu đối trên và của một số triều đại xưa như Ngô Tôn Quyền, giặc Ngô (giặc Minh).
+ Ngu – biến âm từ Ngô ra: trong tên của Thuấn đế (Ngu Thuấn) và tên nước Đại Ngu đời Hồ Quí Ly.
Như vậy trong câu đối trên ngoài việc lặp từ còn có thể lặp ý giữa cặp Thử – Nam và Ngô – Bắc.