Thục An Vương

Phần dịch Ngọc phả Hùng Vương của GS Ngô Đức Thọ về thời Thục Vương (đoạn cuối):

Hùng Nghị Vương thừa hưởng nhiều đời thiên hạ thái bình. Vua sinh ra đam mê tửu sắc, ham thích du chơi, không lo sửa sang võ bị. Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ phương Nam có cây kiếm thần nên còn do dự chưa quyết.
Bấy giờ chúa phụ đạo bộ Ai Lao là người có hùng tài đại lược, cũng vốn là tông phái của Hùng Vương. Vua Thục biết thế bèn đem quân sang đánh bộ Ai Lao để đoạt chức chúa phụ đạo. Bộ Ai Lao không kháng cự được bèn sai sứ giả sang cầu cứu với Hùng Nghị Vương. Hùng Nghị Vương thân đem 10 vạn tinh binh tiến thẳng đến dưới thành Ai Lao để cứu viện. Thục Vương nghe tin bèn biên thư gửi cho Hùng Nghị Vương, nói: “Quân Thục từ phía Tây đến, chỉ muốn bộ chủ [Ai Lao] truyền lại cho ngôi báu, đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống với muôn cỗ xe của nhà vua”.
Hùng Nghị Vương thấy lời lẽ trong thư như thế bèn rút quân về. Thục vương bắt được bộ chủ phụ đạo [Ai Lao] đem về Thục, gả công chúa cho, rồi bắt nhường ngôi cho mình. Thục Vương sai sứ giả sang tạ ơn Hùng Nghị Vương, xin coi triều Nam là anh, triều Tây là em, cùng nhau giảng hoà định ước, hai nước quan hệ đi lại với nhau. Hùng Nghị Vương bằng lòng như thế. Từ đó triều Tây ngừng việc binh…

Thục Vương (là chúa Phụ đạo nước Ai Lao, cũng là tông phái Hùng Vương) từ xa nghe tin Tuyền Vương nhường ngôi cho Tản Viên, bèn đem quân sang đánh Hùng Tuyền Vương để xâm chiếm nước Nam. Vua (Tuyền Vương) binh hùng tướng mạnh, Thục Vương mấy lần bị đánh bại. Vương bảo với Thục Vương: “Ta có sức thần, Thục Vương không sợ sao?”
Từ đó Tuyền Vương bỏ bễ không chăm sửa sang võ bị, chỉ đam mê tửu sắc làm vui. Đến khi quân Thục kéo đến tận nơi, vua vẫn còn say khướt chưa tỉnh. Quân lính trở giáo đầu hàng quân Thục. Hùng Vương bèn đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng khoanh tròn như hình con ốc, gọi là Loa Thành. Mới đầu thành đắp đến đâu đổ đến đấy. Bỗng thấy một con rùa vàng trên sông từ phía đông bơi đến, xưng là Giang sứ. Hùng Vương lấy mâm vàng đặt rùa lên đấy rồi hỏi rùa vì cớ gì mà thành đắp cứ đổ mãi? Rùa vàng đáp:
– Đó là do quỷ hại. Phải trừ tinh khí của nó đi thì thành tự nhiên đắp xong.
Tuyền Vương đem rùa vàng đến một ngôi quán gần bên núi Thất Diệu giả làm khách đi đường vào ngủ trọ. Đêm ấy tinh quỷ ở bên ngoài gọi mở cửa. Rùa vàng hét to một tiếng, quỷ không vào được, đến khoảng gà gáy quỷ binh tan chạy cả. Rùa vàng bảo vua theo vết chân quỷ mà đuổi, đến núi Thất Diệu thì tinh khí của chúng bị thu nhốt hết. Tuyền Vương sai đào núi lên, thu đựoc một cỗ nhạc khí cổ và mấy bộ xương người. Vương sai đốt huỷ, đổ tro xuống sông, đến khi ấy yêu khí của ma quỷ mới trừ hết.
Từ đó việc đắp thành của Tuyền Vương không quá nửa tháng là xong. Rùa vàng từ tạ ra đi, rút một chiếc móng đưa cho Thục Vương mà dặn rằng:
– Quốc gia yên nguy có số trời, nhung người cũng phải có phòng bị. Nếu thấy giặc đến thì dùng móng thiêng này làm cái lẫy nỏ mà bắn thì vương không có gì phải lo!
Hùng Tuyền Vương bèn sai bề tôi là Cao Lỗ chế nỏ thần, lấy cái vuốt thiêng làm máy, đặt tên là “Linh hoa kim trảo thần nỗ”. Sau khi đã có nỏ thần, Hùng Tuyền Vương thu họp tàn quân, tuyển thêm dân binh, rồi sai người đưa thư cho Tản Viên, nói: “Thục Vương đem quân sang đánh, đã chiếm đô thành của ta, khanh mau đem quân đến cứu viện”
Tản Viên bèn dẫn binh mã thẳng đến Loa Thành, dàn quân đối trận với Thục Vương để khuếch trương thanh thế. Mấy hôm sau Tản Viên khuyên Hùng Tuyền Vương:
– Họ Hùng hưởng nước kể cũng đã lâu dài. Lòng trời ắt có hạn, khiến cho Thục Vương thừa cơ gây hấn xâm lấn nước ta. Vả lại Thục Vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là dòng phái của tiền Hoàng Đế. Nay quốc thế không được bình thường, cũng là chuyện do tiền định. Vua có yêu riêng gì một cõi đất phương nam mà cưỡng lại ý trời, làm hại sinh linh? Vả lại bệ hạ và thần đã có phép thần tiên, không gì hơn là quay về chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển, tiêu dao ở làng quê bất lão, thanh nhàn nơi gác phượng lầu rồng, há phải nhiễm bẩn bụi trần, vàng ngọc châu báu cũng chẳng bằng mảy lông, ngọc nữ tiên đồng cũng chỉ mát mắt chốc lát. Trí lực như thế mới thật là cao!
Tuyền Vương cho là phải. Rồi Tuyền Vương sai đưa thư nhường nước cho Thục Vương. Thục Vương sai sứ đến tạ ơn. Tuyền Vương nhân đó tặng cho Thục vương chiếc nỏ thần, rồi trở về núi Nghĩa Lĩnh cùng với Tản Viên Sơn Tinh biến hoá vào cõi hoá sinh bất diệt.
Thục An Vương đã được nhường nước, tưởng nhớ ơn đức trời biển của Hùng Tuyền Vương bèn xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh cho dựng Dao Đài để làm nơi quốc gia phụng thờ, dựng hai cột đá trong núi, chỉ tay lên trời thề rằng:
– Nguyện trời cao mây xám lồng lộng xét soi: nước Nam trường tồn trường tại. Ngôi miếu Hùng Vương nơi đây nếu vua sau kế trị mà bội ước nhạt thề thì sẽ bị rìu trăng búa gió trừng phạt, không phụ lời thề của tiền nhân.
Đọc lời khấn xong, Thục Vương lạy tạ rồi lên xe trở về kinh đô Phong Châu, cho triệu các dòng phái cành vàng lá ngọc của dòng họ Hùng ban cho danh hiệu Trung Nghĩa hương (làng Trung Nghĩa), cấp cho dân tạo lệ hưởng dụng lâu dài, cấp 500 mẫu ruộng ở gò Nghĩa Lĩnh thuộc bản thôn. Lại cấp cho các cánh ruộng ở nhiều địa phương để thu tô thuế: trên từ Tuyên Quang, Hưng Hoá, dưới đến các xã ở Việt Trì hàng năm nộp hoa lợi để dùng vào việc đèn hương phụng thờ 18 đời vua Hùng từ Thánh tổ Cao hoàng đế đến các vua kế đời truyền nối.
Thục An Vương kế nối trị nước được 50 năm thì xẩy ra việc nhà Tần lập các đạo quân gồm những dân phạm tội phải chạy trốn lưu vong, những người đi ở rể bị bán làm binh, sai Hiệu uý Đồ Thư làm tướng chỉ huy, sai Sử Lộc đào cừ chở lương thực, tiến sâu vào đất Lĩnh Nam, chiếm đất Lục Lương, đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận; lấy Nhâm Ngao làm Thái thú quận Nam Hải, Triệu Đà làm lệnh doãn huyện Long Xuyên (Nay ở đình Phân Thuỷ huyện Hưng Yên có miếu thờ). Câu đối ở miếu:
Niệm Nghĩa Lĩnh khai cương, cạnh nhĩ sổ lý thanh sơn, lưu cao trạch nhi thành đô hội.
Khai vật tế nhân, tưởng Việt thành thâu túc, t
huỳ sử nhất hoằng bích thuỷ, tiện vãn vận dĩ khải hồng đồ.
Rồi đó Nhâm Ngao, Triệu Đà thừa cơ gây hấn, đem quân sang xâm lược. Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du Bắc Giang giao chiến với An Vương. An Vương lấy nỏ thần ra bắn. Triệu Đà thua trận bỏ chạy. Đà biêt Thục có nỏ thần, không thể đối địch đựơc, bèn cho con là Trọng Thuỷ vào làm lính hầu (túc vệ) trong cung An vương. Rồi Trọng Thuỷ cầu hôn vương nữ Mỵ Châu. Trọng Thuỷ dụ Mỵ Châu lấy trộm nỏ thần cho xem rồi tháo đổi cái lẫy khác. Sau đó Thuỷ về báo cho cha biết. Triệu Đà bèn phát binh đánh An Vương. An Vương không ngờ cái lẫy thiêng đã bị mất, khi ấy đang đánh cờ vây, cười nói: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Triệu Đà vây áp đến nơi, An Vương lấy nỏ ra bắn, không hiệu nghiệm. An Vương bẻ nỏ vứt đi rồi lui chạy. Thế là cơ đồ họ Hùng mất.
Từ Triệu Vũ Đế (huý Đà) kế trị đến các triều Đinh Lê Lý Trần cho tới nay triều Lê ta đều chuẩn y việc phụng thờ ở cung miếu, chuẩn cho làng Trung Nghĩa thuộc bản xã theo đúng lệ cũ được hưởng tạo lệ, miễn trừ tô thuế binh dân cùng là các khoản sưu sai tạp dịch, giao cho dân bản xã phụng thờ cầu chúc cho mệnh mạch quốc gia trường tồn, lưu thơm muôn thủa.
Ô hô! Thịnh thay!

Năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470), mùa xuân, tháng Ba, ngày tốt.
Hàn lâm viện trực học sĩ NGUYỄN CỐ phụng soạn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s