Đi cày Lịch Sơn

Thần thoại Trung Hoa chép về Đế Thuấn, một vị vua thịnh trị thời Ngũ Đế:
Thời thượng cổ có vị vua họ Diêu tên Thuấn nổi tiếng hiếu thuận từ lúc còn thơ ấu. Cha của vua Thuấn là người hung bạo, không biết phân biệt đúng sai, hay dở nên người ta đặt cho cái tên Cổ Tẩu là người mù mắt. Mẹ Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu lấy vợ bé rồi sinh ra một người con trai tên Tượng. Cả hai mẹ con Tượng đều là người độc địa, ác nghiệt, thường xuyên hành hạ và đối xử tệ bạc với Thuấn.
Cha Thuấn nghe lời gièm pha của vợ bé, muốn giết Thuấn đi nên bắt Thuấn đi cày ruộng ở đất Lịch Sơn có nhiều chướng khí, dã thú và đi bắt cá ở hồ Lôi Trạch có nhiều sóng to, gió lớn. Chẳng những không trách cha mà Thuấn còn giữ tròn đạo hiếu với cha và mẹ kế và giữ hòa thuận với Tượng, riêng mình gánh chịu muôn điều cay đắng, bất công mà không một lời than thở.
Tấm lòng hiếu thảo, hòa mục của Thuấn động đến lòng trời. Trời sai cả đàn voi đến giúp Thuấn cày đất, muông chim đến giúp Thuấn nhặt cỏ, làm cho hồ Lôi Trạch sóng lặng, gió im để Thuấn đánh bắt cá. Chính vì lòng hiếu thảo mà Thuấn được vua Đường Nghiêu gả cho hai người con gái yêu và truyền ngôi báu.
Trong ca dao Việt và quan họ Bắc Ninh lời cổ có câu hát về Đế Thuấn:

Rủ nhau đi cấy xứ đương
Cấy cho vua Thuấn ở đồng Lịch Sơn.

Đồng Lịch Sơn nơi vua Thuấn đi cày nằm ở đâu mà dân ca Việt lại hát vậy? Trung Quốc cho rằng Đế Thuấn đóng kinh đô ở Bồ Phản nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Thời kỳ Đế Thuấn cách đây trên 4.000 năm, ở Sơn Tây Trung Quốc làm gì có điều kiện canh tác lúa mà đi cày đồng Lịch Sơn.

Hình vẽ Đế Thuấn thời Hán.

Liên quan đến tích vua Thuấn Việt Nam ở Lâm Thao – Phú Thọ có hội Tứ xã với trò diễn Trám. Tứ Xã là nơi có các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng thời Hùng Vương như Gò Mun, Đồng Đậu con, Gót Rẽ… Cái tên Trám được các cụ già kể lại, nơi đây ngày xưa là rừng cây trong đó có nhiều cây Trám, theo tiếng Hán gọi là “Cổ Lãm”.
Hạt Trám cũng từng được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương. Theo thư tịch Trung Hoa (Nam phương thảo mộc trạng đời Tấn) cây Trám của nước ta được chép là “Cảm Lãm”. GS. Trần Quốc Vượng từng cho rằng đây là phiên âm của tiếng Việt cổ clam có tổ hợp phụ âm kép cl.
Thực ra Cổ Lãm hay Cảm Lãm là những cụm từ ký âm Nôm bằng phép phiên thiết của từ Trám. Cổ Lãm – Cảm Lãm (và cả Khả Lãm) đọc thiết âm là Cám – Chám – Trám.
Trò Trám ở Tứ Xã là trò trình nghề tứ dân Sĩ – Nông – Công – Thương, trong đó có vai đóng “vua Thuấn cày voi”, hát ca trù:

Vốn tôi đây dòng dõi thần minh
Kẻ tên hiệu tôi là Ngu Thuấn
Nghĩ cha mẹ tôi càng oán hận
Hận ở điều ăn ở không cân
Em dượng tôi ngạo mạn bất nhân
Ân tôi phải dĩ nông vi bản
Tôi cũng mong hữu gia hữu sản
Nhác trông lên núi Lịch tốt thay
Ân tôi phải bắt voi cày núi đá.

Vua Thuấn, Ngũ Đế của Trung Hoa, mà lại đi cày ở đất Phú Thọ, lại còn nhìn thấy cả quả núi Lịch (Lịch Sơn) tươi tốt. Dân gian (ca trù, quan họ, lễ hội) Việt có “sính ngoại” quá không khi đã dùng tích của một vị vua khởi thủy được cho là của người Trung Quốc?
Sự thực thì Đế Thuấn của Trung Hoa đi cày đúng ở chính đất Phú Thọ chứ chẳng phải ở bên Tàu. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách Vân Đài loại ngữ cho biết:
Núi Lịch ở địa phận xã Yên Lịch, huyện Sơn Dương, trấn Tuyên Quang. Mạch núi từ núi Sư Khổng, huyện Đương Đạo kéo xuống, đến đây năm, sáu ngọn núi đất bày hàng đột khởi ngay ở đồng bằng, chia một chi đổ xuống huyện Lập Thạch làm núi Sáng; còn ở mặt dưới huyện Tam Dương là núi Hoàng Chỉ“.
Núi Sáng, ngọn núi đột khởi thuộc dãy Lịch Sơn nay thuộc đất huyện Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch, có 5-6 chỗ bằng phẳng như cung điện, có đền thờ Đế Thuấn. Xứ Ngòi Vực về bên phải, hàng năm nước sông Lô tràn vào, tương truyền chỗ ấy là bến sông ngày trước thường nặn đồ nung. Bên cạnh chỗ dân cư, có một cái giếng cổ, người ta cho là Đế Thuấn đào giếng ấy. Ở đây cũng có miếu thờ Đế Thuấn, trước miếu có ruộng chiêm, rộng chừng vài mẫu, khá sâu, người ta cho đấy là chằm Lôi Trạch, ngày trước Đế Thuấn cày ruộng và đánh cá. Trên núi Sáng cũng có đền thờ Đế Thuấn. Đằng trước núi lại đột khởi một ngọn núi đất hơi thấp, đỉnh núi như hình ghế chéo, trong núi có chỗ rộng ước dăm sào, có thể gieo được trăm bung mạ (nhổ mạ lên rồi buộc lại gọi là đon, mỗi đon phỏng 2,3 chét tay, 40 đon là một bung, bung là xâu những đon mạ gánh ra ruộng để cấy; thông thường khi xưa, cứ mỗi sào ruộng cấy 15-20 đon, trăm bung là 4000 đon gieo khoảng 5 sào. Tương truyền chỗ ấy Đế Thuấn cấy lúa, nhân dân mới gọi là Bách Bung).

p1210792-2Khu vực Bách Bung trên núi Sáng và hồ Suối Sỏi.

Thông tin của Vân đài loại ngữ đã xác định rất rõ vị trí của Lịch Sơn và sự việc Đế Thuấn đi cày. Núi Sáng trong dãy Lịch Sơn chạy từ Sơn Dương – Tuyên Quang sang phía Tây Bắc tỉnh Vĩnh Phúc. Trên núi có cả cái tên đầy cổ tích “Bách Bung” để chỉ sự kiện này. Bách Bung có miếu thờ Đế Thuấn và giếng cổ tương truyền do Đế Thuấn đào. Bên cạnh đó có núi Con Voi, liên quan đến “Đế Thuấn cày voi”. Rồi cánh đồng Lôi Trạch ở trước núi, nơi Đế Thuấn đi bắt cá theo truyền thuyết, nay là khu vực hồ Suối Sỏi của xã Lãng Công. Tương truyền nơi đây từng là nơi chế tác đồ gốm (đồ đất nung).
Đế Thuấn ở vào giai đoạn cuối thời đồ đá mới, người ta mới có “đá” với “đất”, chưa có sắt hay đồng. Vậy Đế Thuấn đi cày bằng loại cày gì?
Chuyện cổ Phú Lương quân của người Tày kể về Báo Luông, vị tổ khởi thủy của người Tày, có đoạn mô tả khá chi tiết việc Báo Luông nghĩ ra cách trồng lúa:
Anh vào rừng chặt một cây lim nặng đem đẽo nhọn một đầu đi buộc dây vào rồi vắt lên vai cho mấy người kéo để cày đất lên. Sau đó lại lấy một khúc gỗ có nhiều mắt cho kéo làm đất nhỏ đi rồi mới gieo thóc giống… Chiếc cây vót nhọn để lật đất gọi là “thây”, tức là cái cày. Còn cây khác nhiều mắt gọi là “phưa”, tức là cái bừa.
Như vậy trước khi có lưỡi cày đồng thì người dân Việt đã biết dùng gỗ đẽo làm dụng cụ cày cấy. Nền văn hóa “đồ gỗ” không lưu được dấu vết vật chất trong khảo cổ vì gỗ là loại vật liệu bị phân hủy qua thời gian. Nhưng sự sáng tạo về nghề canh nông đã bắt đầu từ trước khi con người biết làm đồ kim khí là dựa vào những vật liệu sẵn có trong tự nhiên.

p1210741-e1458208587135
Một bậc Thác Bay trên núi Sáng, nơi có những khối đá cứng, trong như ngọc.

Trong tục thờ Hùng Vương ở đất Phong Châu thì ba vị vua Hùng được thờ là Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn. Như từng xác định, Đột Ngột Cao Sơn hay Thánh tổ Cao Sơn Minh Vương là Đế Minh, người khởi đầu sử Việt trong Truyện Họ Hồng Bàng. Ất Sơn, vị vua thứ hai (trong thứ tự Giáp, Ất,…) là Đế Nghi hay Đế Nghiêu.
Vị vua thứ ba Viễn Sơn là Đế Thuấn. Ngọn “Viễn Sơn” đây là Lịch Sơn hay núi Sáng. Rất có thể Sáng là từ chữ Minh mà ra. Minh Đô của thời Hùng Vương chính là đất Phong Châu (Phú Thọ, Vĩnh Phúc), nằm ở ngã ba sông Việt Trì. Ngũ Đế trong thần thoại Trung Hoa đều là những vị vua Hùng của người Việt, đã chinh phục thiên nhiên và lập nước từ chính khu vực đất tổ Phong Châu này.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s