Góp phần nhận thức minh văn thời Lưu Tống phát hiện tại nghè thôn Thanh Hoài (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Tư liệu từ nguồn của Pham Lê Huy:
Tham luận Hội nghị Thông báo Hán Nôm 2014
 
Phạm Lê Huy
Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV
Mở đầu
          Tháng 10 năm 2013, ThS. Nguyễn Phạm Bằng và các cán bộ của Bảo tàng Bắc Ninh đã phát hiện một tấm bia cổ tại Nghè thôn Thanh Hoài (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tấm bia bao gồm 2 bài minh khác nhau. Bài minh ở mặt trước, theo khảo sát của ThS. Bằng có niên đại năm Kiến Hưng thứ 2, nhiều khả năng là năm 314. Tuy nhiên, nhiều chữ trong bài minh mặt trước này đã bị mờ nên không có nhiều thông tin. Bài minh ở mặt sau có ghi niên đại năm Nguyên Gia thứ 27 (450) thời Lưu Tống (Tống Nam Triều).
          Liên quan đến tấm bia này, ThS. Nguyễn Phạm Bằng và một số học giả khác đã có những khảo cứu hết sức quan trọng về niên đại và nội dung[1]. Trong bài viết này, trên cơ sở kế thừa các thành tựu nghiên cứu đó, chúng tôi xin được bổ sung một số ý kiến góp phần nhận thức sâu hơn về minh văn ở mặt sau tấm bia.
1. Nhận thức về cách ghi niên đại trong minh văn
          Trong phần minh văn ở mặt sau bia, chúng ta có thể đọc được hai niên đại. Niên đại thứ nhất là “Nguyên Gia chấp thất niên thập nguyệt thập nhất nhật” 元嘉廿七年十月十一日. Niên đại thứ hai là “Tống Nguyên Gia chấp thất niên, thái tuế Canh Dần thập nhị nguyệt Bính Thìn sóc chấp ngũ nhật Canh Thìn” 宋元嘉廿七年太歲庚寅十二月丙辰溯廿五日庚辰.
a. Về niên đại ngày 25 tháng 12 năm Nguyên Gia thứ 27
          Xung quanh niên đại thứ hai, một số học giả đề xuất cách dịch như sau:
Nguyên Gia năm thứ 27, sao Thái Tuế đóng tại Canh Dần, trước ngày 25 (ngày Canh Thìn) tháng 12 (tháng Bính Thìn)
          Trong cách dịch này, chữ “sóc” được dịch là “trước”, can chi “Bính Thìn” được ghép với tháng 12.
          Tuy nhiên, chữ “sóc” trong trường hợp này phải hiểu là ngày mùng một. Can chi “Bính Thìn” cần được ghép với chữ “sóc”. “Bính Thìn sóc” tức là “ngày mùng một của tháng 12 là ngày Bính Thìn”.
          Đây là cách ghi ngày tháng khá phổ biến trong các tư liệu Trung Quốc, đặc biệt là tư liệu chính sử. Cách ghi này thường có cấu trúc “X niên, Y nguyệt, [Can chi A] sóc, [Can chi B] nhật”. Việc ghi thêm can chi của ngày sóc (Can chi A) nhằm giúp người đọc có thể tính toán ngày Can chi B là ngày thứ bao nhiêu trong tháng.
          Có thể kiểm chứng cách đọc trên qua Bảng tính can chi (Bảng 1) và lịch thời bấy giờ. Theo Bảng 1, chúng ta thấy ngày Bính Thìn ở ô số 53. Nếu lấy đó là ngày mùng 1 thì 24 ngày sau, tức ngày 25 đúng là ngày Canh Thìn (ô số 17) – hoàn toàn trùng hợp với ghi chép trong văn bia. Ngoài ra, theo cơ sở dữ liệu lịch của Học viện Phật giáo Pháp Cổ (Đài Loan)[2], trong lịch Nguyên Gia thời Lưu Tống, ngày mùng 1 tháng 12 năm Nguyên Gia thứ 27 đúng là ngày Bính Thìn.
          Như vậy, đoạn ghi chép ngày tháng này cần được dịch chính xác thành:
Năm Nguyên Gia thứ 27, thái tuế Canh Dần, tháng 12 có ngày sóc Bính Thìn, ngày 25 tức ngày Canh Thìn, …
Bảng 1: Bảng tính Can Chi
1 (Giáp Tý)
甲子
2 (Ất Sửu)
乙丑
3 (Bính Dần)
丙寅
4 (Đinh Mão)
丁卯
5 (Mậu Thìn)
戊辰
6 (Kỷ Tị)
己巳
7 (Canh Ngọ)
庚午
8 (Tân Mùi)
辛未
9 (Nhâm Thân)
壬申
10 (Quí Dậu)
癸酉
11 (Giáp Tuất)
甲戌
12 (Ất Hợi)
乙亥
13 (Bính Tý)
丙子
14 (Đinh Sửu)
丁丑
15 (Mậu Dần)
戊寅
16 (Kỷ Mão)
己卯
17 (Canh Thìn)
庚辰
18 (Tân Tị)
辛巳
19 (Nhâm Ngọ)
壬午
20 (Quí Mùi)
癸未
21 (Giáp Thân)
甲申
22 (Ất Dậu)
乙酉
23 (Bính Tuất)
丙戌
24 (Đinh Hợi)
丁亥
25 (Mậu Tý)
戊子
26 (Kỷ Sửu)
己丑
27 (Canh Dần)
庚寅
28 (Tân Mão)
辛卯
29 (Nhâm Thìn)
壬辰
30 (Quí Tị)
癸巳
31 (Giáp Ngọ)
甲午
32 (Ất Mùi)
乙未
33 (Bính Thân)
丙申
34 (Đinh Dậu)
丁酉
35 (Mậu Tuất)
戊戌
36 (Kỷ Hợi)
己亥
37 (Canh Tý)
庚子
38 (Tân Sửu)
辛丑
39 (Nhâm Dần)
壬寅
40 (Quí Mão)
癸卯
41 (Giáp Thìn)
甲辰
42 (Ất Tị)
乙巳
43 (Bính Ngọ)
丙午
44 (Đinh Mùi)
丁未
45 (Mậu Thân)
戊申
46 (Kỷ Dậu)
己酉
47 (Canh Tuất)
庚戌
48 (Tân Hợi)
辛亥
49 (Nhâm Tý)
壬子
50 (Quí Sửu)
癸丑
51 (Giáp Dần)
甲寅
52 (Ất Mão)
乙卯
53 (Bính Thìn)
丙辰
54 (Đinh Tị)
丁巳
55 (Mậu Ngọ)
戊午
56 (Kỷ Mùi)
己未
57 (Canh Thân)
庚申
58 (Tân Dậu)
辛酉
59 (Nhâm Tuất)
壬戌
60 (Kỷ Hợi)
癸亥
 b. Về niên đại ngày 11 tháng 10 năm Nguyên Gia 27
          Liên quan đến dòng niên đại thứ nhất, một số học giả đưa ra cách dịch như sau:
元嘉廿七年十月十一日省事王法齡宣
Vào ngày 11 tháng 10 niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 27), sau khi xem xét sự tình, dựa theo điển lệ thờ cúng của quốc gia (?)
          Tuy nhiên, đoạn “tỉnh sự vương pháp linh tuyên” dịch là “sau khi xem xét sự tình, dựa theo điển lệ thờ cúng của quốc gia” dường như có phần hơi khiên cưỡng. Bản thân các tác giả cũng đặt dấu chấm hỏi cho đoạn này.
          Quan sát văn bia, chúng ta thấy rằng: đoạn văn trên không được viết nối với dòng trước mà được viết thành một dòng riêng, căn vào lề dưới của bia. Điều này đặt ra nghi vấn, phải chăng đây là một dòng niên đại chú thích cho đoạn văn phía trước?
          Đoạn văn phía trước là phần đầu của minh văn, mở đầu bằng chữ “giáo”. Chữ “giáo” này chắc chắn là chữ mở đầu của bài minh, phân lập với nội dung “cố Tướng quân Giao Châu mục liệt hầu Đào Hoàng” sau đó.
          Chúng tôi muốn lưu ý rằng từ thời Hán đến thời Tấn, “giáo” là một hình thức mệnh lệnh, tương tự như “sắc” 敕 hay “phù” 符, của tầng lớp vương hầu. Sách Văn tâm điêu long được biên soạn vào cuối thế kỷ V cho biết “giáo tức là hiệu. Nói ra mà dân theo. Ban bố ngũ giáo. Vì vậy, vương hầu xưng giáo”[3]. Sách Tư trị thông giám (Q.53) phần Hán kỷ cũng chú thích “mệnh lệnh của quận thú đưa ra gọi là giáo”[4]. Trong các sách Tấn thư hay Bắc sử cũng ghi lại rất nhiều trường hợp Thứ sử các châu ban bố mệnh lệnh, gọi là “hạ giáo (viết)” 下教曰.
          Như vậy, có thể suy đoán phần đầu bài minh có kết cấu như bên dưới, trong đó chữ “giáo” mở đầu cho mệnh lệnh, chữ “tuyên” là tuyên đọc văn bản mệnh lệnh đó:
教 ………………………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
                                                                     元嘉廿七年十月十一日省事王法齡宣
            “Tỉnh sự” (trong trường hợp này cần đọc là “Sảnh sự”) vốn là tên một chức quan thuộc cấp của Thứ sử. Tấn thư cho biết vào thời Tấn, dưới Thứ sử có đặt các chức “Công tào”, Sảnh sự”[5]. Nếu hiểu “Sảnh sự” là một chức quan, cần xem “Vương Pháp Linh” là một tên riêng.
          Trên cơ sở những suy luận nói trên, chúng tôi đề xuất cách dịch đoạn văn bản này như sau:
Lệnh (giáo) rằng ….
(trích dẫn nội dung mệnh lệnh – giáo)
Ngày 11 tháng 10 năm Nguyên Gia thứ 27, Sảnh sự là Vương Pháp Linh tuyên đọc.
          Vấn đề tiếp theo là Sảnh sự Vương Pháp Linh tuyên đọc mệnh lệnh của ai? Nói cách khác, ai là người ban “giáo” (mệnh lệnh)? Điều này sẽ được giải đáp khi chúng ta tìm hiểu nửa sau của bài minh.
2. Lan Lăng Tiêu sứ quân – Tiêu Cảnh Hiến và Tây tào thư tá Đào Chân Chi
a. Kiến Uy Tướng quân, Lan Lăng Tiêu sứ quân là ai?
          Các nghiên cứu trước đây chưa chú thích “Kiến Uy Tướng quân, Lan Lăng Tiêu sứ quân” là ai. Chúng tôi cho rằng nhân vật này chính là Tiêu Cảnh Hiến 蕭景憲 – người giữ chức Thứ sử Giao Châu vào thời điểm năm Nguyên Gia thứ 27.
          Trong các sách Đại Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư hay An Nam chí lược không thấy nhắc đến Giao Châu Thứ sử Tiêu Cảnh Hiến. Tuy nhiên, Tống thư (truyện Lâm Ấp quốc, truyện Tông Xác) cho biết năm Nguyên Gia thứ 22 (443), khi Thứ sử Giao Châu Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp, Tiêu Cảnh Hiến khi đó là “Phủ Tư mã” được Đàn Hòa Chi phong làm phó tướng của Tông Xác. Tiêu Cảnh Hiến lãnh ấn tiên phong, tiến đánh thành Khu Túc. Vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại 范陽邁 sai đại soái Phạm Phù Long 范扶龍 giữ thành Khu Túc, ngoài ra còn cử quân tiếp viện theo hai đường thủy bộ đến tiếp ứng. Tiêu Cảnh Hiến đã phá “ngoại cứu” – tức quân cứu viện, tập trung quân tinh nhuệ đánh thành. Đến tháng 5, Tiêu Cảnh Hiến phá được thành, chém được Phạm Phù Long. Nhờ đó, quân Tống phá được Lâm Ấp, khiến vua Lâm Ấp Phạm Dương Mại phải bỏ trốn, cướp được rất nhiều vàng bạc, châu báu[6].
          Nhờ chiến công này, Tiêu Cảnh Hiến đã được vua Tống ban chiếu phong làm “Trí tiết, đốc Giao Châu, Quảng Châu chi Uất Lâm – Ninh Phố nhị quận chư quân sự, Kiến Uy Tướng quân, Giao Châu Thứ sử”[7]. Theo Tống thư phần Bản kỷ, Tiêu Cảnh Hiến được phong làm Giao Châu Thứ sử vào tháng 12 năm Nguyên Gia thứ 23 (434)[8]. Việc phong chức này cũng nhằm rút Đàn Hòa Chi về nước để dẹp loạn ở Dự Chương. Tiêu Cảnh Hiến làm Giao Châu Thứ sử đến tháng 5 năm Hiếu Kiến 2 (455) thì được thay bằng Hoàn Hành[9]. Tuy nhiên, đến tháng 12 cùng năm, Tiêu Cảnh Hiến được phong lại làm Giao Châu Thứ sử và tiếp tục giữ chức này đến tháng 8 năm Hiếu Kiến 3 (456)[10].
          Như vậy, thời điểm năm Nguyên Gia thứ 27 nằm trong khoảng thời gian Tiêu Cảnh Hiến làm Giao Châu Thứ sử lần thứ nhất (434-455). Tước “Kiến Uy Tướng quân” trên văn bia cũng trùng khớp với tước “Kiến Uy Tướng quân” của Tiêu Cảnh Hiến chép trong Tống thư.
          Chữ “Lan Lăng Tiêu” trong văn bia cũng phù hợp với Tiêu Cảnh Hiến. Lan Lăng Tiêu là tên gọi dòng họ Tiêu ở Lan Lăng (Giang Tô). Dòng họ Tiêu di cư đến đất Lan Lăng vào loạn Vĩnh Gia (đầu thế kỷ IV), sau đó phát triển thành một sĩ tộc có thế lực suốt từ thời Nam Bắc triều đến thời Đường. Vào thời điểm năm Nguyên Gia thứ 22, Tiêu Tư Thoại 蕭思話 – một danh tướng thuộc dòng họ Lan Lăng Tiêu đang rất được trọng dụng trong triều. Năm Nguyên Gia 30, Tiêu Tư Thoại thậm chí đã leo lên chức Thượng thư Tả bộ xạ trong triều. Do đó, việc Tiêu Cảnh Hiến được cất nhắc làm Giao Châu Thứ sử, ngoài chiến công ở Lâm Ấp, có thể một phần cũng nhờ sự nâng đỡ của Tiêu Tư Thoại. Thời điểm Tiêu Tư Thoại chết – năm Hiếu Kiến thứ 2[11], cũng chính là thời điểm Tiêu Cảnh Hiến bị rút chức Giao Châu Thứ sử để thay bằng Hoàn Hoành.
          Trên cơ sở xác định được nhân vật “Lan Lăng Tiêu sứ quân” là Tiêu Cảnh Hiến, chúng ta cũng hiểu sâu hơn về bài minh. Đoạn này có cấu trúc như sau:
惟宋元嘉廿七年太歲庚寅十二月丙辰溯廿五日庚辰建威
將軍蘭陵蕭使君遠存高範崇勵種德明
教如上
          Về mạch văn, mặc dù “minh giáo như thượng” là một câu, nhưng đến chữ “minh” lại được ngắt dòng, chữ “giáo” được chuyển sang đầu dòng sau. Tiêu Cảnh Hiến vào thời điểm này là Giao Châu Thứ sử, có đủ tư cách để đưa ra mệnh lệnh – “giáo”. Việc ngắt dòng trước chữ “giáo” là để thể hiện ý kính trọng đối với Tiêu Cảnh Hiến. “Minh giáo như thượng” do đó phải dịch là “mệnh lệnh như trên”, “như trên” ở đây chính là chỉ mệnh lệnh – giáo mà Sảnh sự Vương Pháp Linh tuyên đọc ở phần đầu của minh văn.
b. Về nhân vật Đào Chân Chi:
          Trong các khảo sát trước đây, một số học giả đọc tên Tây tào thư tá là “Đào Chân”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhiều khả năng tên của viên quan này là “Đào Chân Chi”.
          Hiện nay, chưa xác định được một tư liệu nào khác liên quan đến nhân vật “Đào Chân” hay “Đào Chân Chi”. Tuy nhiên, nội dung minh văn cũng cung cấp cho chúng ta một số thông tin hữu ích.
          Thứ nhất, chức vụ của Đào Chân Chi là “Tây tào thư tá”. Vào thời Lưu Tống, “Tây tào thư tá” là một chức quan cấp dưới của Thứ sử, vốn bắt nguồn từ chức quan “Công tào thư tá” vốn có từ thời Hán. Như vậy, có thể suy đoán Đào Chân Chi là Tây tào thư tá – thuộc cấp của Giao Châu Thứ sử Tiêu Cảnh Hiến.
          Một điểm cần đáng lưu ý nữa là Đào Chân Chi cũng có họ Đào như Đào Hoàng. Mối liên hệ giữa Đào Chân Chi và Đào Hoàng cũng được đề cập trong minh văn. Trong bài minh có câu “Chân Chi bản chi mạt diệp”. Trong Thi thư (Đại nhã, Văn Vương) hay Tả thị (Trang) có cụm từ “bản chi bách thế”, trong đó “bản chi” (本枝 hoặc 本支) chỉ một dòng họ (bao gồm cả chi chính và chi phụ)[12]. Như vậy, câu “Chân Chi bản chi mạt diệp” có thể hiểu là “(Đào) Chân Chi là con cháu đời cuối (mạt diệp) của dòng họ (Đào)”. Đây là lý do Đào Chân Chi tham gia vào việc tu sửa miếu Đào Hoàng.
3. Minh văn và Ý nghĩa:
          Dựa trên kết quả nghiên cứu của ThS. Nguyễn Phạm Bằng và các học giả đi trước, kết hợp với việc quan sát văn bia và thác bản, chúng tôi xin được bổ sung, đính chính một số chữ (in đậm) và tái lập nội dung minh văn như sau:
Nguyên văn chữ Hán
1        教故将軍交州牧烈侯陶璜□□□粹稟德淵□□□□□□
2        愛在民每覽其銘記意實嘉焉□□廟堂彫毀示有基陛既□
3        祀所建寧可頓□宜加修繕務存褒□使准先舊式時就營緝
4                        元嘉廿七年十月十一日省事王法齡宣
5        惟宋元嘉廿七年太歲庚寅十二月丙辰溯廿五日庚辰建威
6        將軍蘭陵蕭使君遠存高範崇勵種德明
7        教如上西曹書佐陶珎之監履修復庶神□有憑珎之本枝末
8     葉□戶□搆誠感聿修斯記垂遠矣
          Trên cơ sở kết quả khảo sát ở phần trên, chúng tôi xin được đưa ra bản dịch như sau:
(Giao Châu Thứ sử Tiêu Cảnh Hiến) dạy (giáo) rằng: Cố Tướng quân Giao Châu mục, liệt hầu Đào Hoàng… thuần nhất, nguồn đức… , (để) ơn trong dân. Mỗi lần xem bia, ý thực tốt đẹp… Miếu đường hủy hoại, chỉ thấy nền bậc. Đã dựng cúng tế, thà rằng… Phải cho tu sửa, việc để… Lệnh theo phép cũ, thời nên dựng lại.
            Năm Nguyên Gia thứ 27, tháng 10, ngày 11. Sảnh sự Vương Pháp Linh tuyên đọc.
Ấy là năm Nguyên Gia thứ 27, thái tuế ở Canh Dần, tháng 12 có ngày sóc Bính Thìn, ngày 25 tức ngày Canh Thìn, Kiến Uy Tướng quân, Lan Lăng Tiêu sứ quân (Tiêu Cảnh Hiến) biết đức đã lâu, muốn khuyên mầm đức, dạy rõ như trên. Tây tào thư tá Đào Chân Chi giám sát tu sửa. Các thần chứng giám. Chân Chi là đời cuối trong họ,…, lòng thành tu sửa, bài ký để lại.
          Có thể tóm lược ý nghĩa của văn bia như sau:
          Ngày 10 tháng 11 năm Nguyên Gia thứ 27 (450), quan Sảnh sự của Giao Châu là Vương Pháp Linh tuyên đọc mệnh lệnh (giáo) của Giao Châu Thứ sử Tiêu Cảnh Hiến. Theo đó, Tiêu Cảnh Hiến ca ngợi công lao của cố Tướng quân Giao Châu Thứ sử Đào Hoàng. Mỗi lần đọc bài minh ký (ở mặt trước bia), Tiêu Cảnh Hiến đều lấy làm cảm kích. Tuy nhiên, miếu đường của Đào Hoàng đã bị hư hại, chỉ còn nền bậc. Tiêu Cảnh Hiến lệnh cho dựng lại theo phép cũ, để tuyên dương công trạng của Đào Hoàng.
          Đến ngày 25 (Canh Thìn) tháng 12 năm Nguyên Gia thứ 27, Tây tào thư tá Đào Chân Chi – thuộc cấp của Tiêu Cảnh Hiến trên cơ sở mệnh lệnh của họ Tiêu giám sát việc tu sửa. Trước sự chứng giám của các thần, Tào Chân Chi vốn là người trong họ Đào Hoàng, cho làm bài ký để lưu lại cho đời sau.

[1] Nguyễn Phạm Bằng, Văn bia cổ nhất Việt Nam mới phát hiện và vấn đề niên đại của nó, Thông báo Hán Nôm học 2013. Đồng tác giả,Phát hiện văn bia cổ nhất Việt Nam, Chuyên san KHXH&NV Nghệ An, số 7/2014.
[2] http://authority.ddbc.edu.tw/
[3] 「教者效也、言出而民效也、契敷五教、故王侯稱教」(『文心雕龍』卷四)。
[4] 「郡守所出命曰教」(『資治通鑑』卷五十三、漢紀).
[5]「案漢武初置十三州、刺史各一人(中略)歷漢東京及魏晉、其官不替、屬官有功曹、都官從事、諸曹從事、部郡從事、主簿、錄事、門下書佐、省事 、記室書佐、諸曹書佐守從事、武猛從事等員」(『晉書』卷二十四、職官志)。
[6]「景憲等乃進軍向 區粟城、陽邁遣大帥范扶龍大戍區粟、又遣水步軍徑至、景憲破其外救、盡銳攻城,五月、剋之、斬扶龍大首、獲金銀雜物不可勝計」(『宋書』卷九十七、林邑國)。
[7]「上嘉將帥之功、詔曰、「(前略)龍驤司馬蕭景憲協贊軍首、勤捷顯著、總勒前驅、剋殄巢穴、必能威服荒夷、撫懷民庶、可持節、督交州廣州之鬱林寧浦二郡諸軍事、建威將軍、交州刺史」(『宋書』卷九十七、林邑國)。
[8] 「十二月丁酉、以龍驤司馬蕭景憲為交州刺史」(『宋書』卷五、元嘉二十三年十二月丁酉条)。
[9]「五月戊戌、以湘州刺史劉遵考為尚書右僕射、前軍司馬垣閎為交州刺史」(『宋書』卷六、孝建二年五月戊戌条)。
[10]「十二月癸亥、以前交州刺史蕭景憲為交州刺史」(『宋書』卷六、孝建二年十二月癸亥)。「八月戊戌、以北中郎諮議參軍費淹為交州刺史」(『宋書』卷六、孝建三年、八月戊戌条)。
[11] 「戊戌,鎮西將軍蕭思話卒」(『宋書』卷六、孝建二年七月条).
[12] Tham khảo Đại Hán Hòa từ điển, Q.6, tr.29.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s