Gương đồng xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa từ khá sớm, bắt đầu gặp nhiều từ thời Chiến Quốc. Tới thời Hán gương đồng rất thịnh hành với nhiều hoa văn, họa tiết và minh văn. Nghệ thuật chế tác gương đồng thịnh nhất vào thời nhà Đường, với những chiếc gương rất đẹp, nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó dạng gương “la bàn”, dùng trong thuật phong thủy (đúng hơn là trong Dịch lý) là những hiện vật giúp khám phá quan niệm triết học (Dịch học) của người xưa. Bài viết này dựa trên phân tích các hoa văn và hình vẽ trên mặt một số chiếc gương đồng cổ tiêu biểu qua các thời kỳ và liên hệ với Dịch học người Việt, xin đưa ra một số nhận định mới về ý nghĩa của những chiếc gương đồng.
Những gương la bàn ở thời kỳ muộn hơn thì sẽ dễ đọc giải hơn các gương cổ. Một dạng gương phong thủy khá tiêu biểu của thời nhà Đường (thế kỷ 7-9) là chiếc gương có hình vuông sau. Một chiếc gương như vậy cũng từng được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ ở Duy Xuyên, Quảng Nam.
Chính giữa gương có núm nổi với lỗ xuyên để treo gương. Xung quanh núm là hình Tứ linh: Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ. Lớp tiếp theo là đồ hình Hậu thiên Bát quái. Khung vuông bên ngoài là 12 địa chi.

Vì Tứ linh cũng có ý nghĩa tương thông với Ngũ hành và Ngũ sắc nên phần trung tâm của gương như vậy là thể hiện Thái cực đồ (gồm Tứ tượng), là phần nhân, phần cốt lõi của vũ trụ. Hình Bát quái là bầu trời tròn. 12 con giáp là mặt đất vuông. Trời tròn trên Đất vuông. Tổng hợp những điều trên có thể đọc được chiếc gương này như trong hình sau.

Từ cách đọc của gương vuông thời Đường, ta xem xét loại gương cổ hơn của thời đầu Công nguyên. Những chiếc gương đồng thời Tây Hán và đặc biệt là vào thời nhà Tân của Vương Mãng (năm 45 TCN – 23 SCN) thường được gọi là loại gương TLV do đặc điểm có hình gấp khúc như các chữ T – L – V ở các hướng trên mặt gương. Ý nghĩa của các hình này tới nay có nhiều giải thích khác nhau. Sau đây xin đưa ra một cách giải thích mới cho những hình tượng này.

Nhìn loại gương TLV này ta thấy rõ nhất là phần hình vuông có 12 chấm và có chữ ghi 12 Địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Rõ ràng đây là thể hiện nghĩa “Đất vuông” bằng các địa chi tương tự như trên gương vuông thời Đường. Mặt đất được chia làm 12 phần, gọi tên bằng các chi. Mỗi chi trên gương do đó ứng với một khoảng của hình vuông, chứ không phải ứng với các chấm nổi.
Bên ngoài hình vuông là hình tròn của gương. Nếu hình vuông bên trong đã là “Đất vuông” thì hiển nhiên vòng tròn bên ngoài phải là “Trời tròn”, úp lên trên mặt đất. Trời ở đây được thể hiện bằng 8 chấm nổi. Điểm chú ý nữa là ứng với mỗi chấm nổi có vẽ hình một con linh thú. Nếu 12 địa chi đã dùng để thể hiện mặt đất thì dễ dàng suy ra 8 quẻ của Bát quái sẽ dùng để biểu thị bầu trời. Tương tự như trường hợp dùng Bát quái trên gương vuông ở trên. Đặc biệt ở gương đồng thời này là người ta không dùng vạch quẻ để thể hiện Bát quái mà dùng các chấm nổi và linh thú tương ứng. Bát quái được sử dụng vào thời gian sớm trước Công nguyên thì khả năng lớn là Bát quái tiên khởi hay Tiên thiên Bát quái.
Sau khi đã xác định được trời tròn đất vuông ở bên ngoài thì ta để ý phần ở trung tâm. Ở giữa gương có một chấm nổi lớn, là núm để treo gương. Xung quanh có các cánh như hình mũi tên chỉ vào 4 góc. Đọc theo ngôn ngữ Dịch học thì đây là biểu tượng của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cách thể hiện này cũng tương ứng với cách thể hiện bằng Tứ linh trong gương vuông. Hành Kim được đặt vào chính giữa vì hành này có màu biểu trưng là màu vàng, tiếng Hán gọi là Kim. Kim cũng nghĩa là nay, bây giờ, tức là thời điểm hiện tại, chính giữa tương lai và quá khứ. Ngũ hành nằm ở trung tâm Trời và Đất, thể hiện phần cốt lõi, “nguyên thần” của vũ trụ.
Vấn đề ý nghĩa 3 hình TLV trên cơ sở đó có thể suy đoán như sau. 4 chữ V ở 4 góc, tương ứng với nơi hình vuông và hình tròn giao nhau, tức là nơi gặp nhau giữa Trời và Đất. Có thể coi đây là tiêu điểm của 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, cũng tương ứng với 4 phương theo mũi tên chỉ của hình Ngũ hành ở bên trong trung tâm.
Các chữ T và L xếp thành cặp đối mặt có cạnh dài vào nhau và sắp xếp ở 4 phía của hình vuông. Như vậy đây không phải để chỉ phương hương, vì phương hướng thì cần chính xác ở một điểm. Cặp T – L này thể hiện một quá trình kéo dài, phải là chỉ thời gian. Như vậy 4 cặp T – L trên gương phù hợp nhất là chỉ Tứ thời: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Phối hợp tất cả những phân tích trên, nay có thể đọc hoa văn trên gương đồng thời Vương Mãng như trong hình sau.

Những chiếc gương đồng cổ đã gói gọn cả Trời tròn Đất vuông qua những hoa văn họa tiết của nó. Gương không chỉ là để soi hình ngắm cảnh, mà là để “soi xét” việc trong nhân gian. Bộ đồ hình trên gương là những tiêu chuẩn về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, để qua đó mà quán chiếu việc đời.