Sự sinh thành Bách Việt qua Ngọc phả Hùng Vương

Bài viết trong Tọa đàm TÌM VỀ CỘI NGUỒN SỬ VIỆT do Trung tâm Minh triết và Trung tâm Lý học phương Đông tổ chức ngày 7/9/2019.

Thời đại Hùng Vương được biết tới trong các ngọc phả, thần tích và truyền thuyết nên việc nghiên cứu về thời kỳ dựng nước của vua Hùng không thể không khảo sát một cách đầy đủ các ghi chép này. Ngọc phả Hùng vương là bản văn được những người có tâm đủ tầm thu thập trong dân gian và biên tập lại để lưu truyền. Đây là trường hợp đặc biệt của Việt Nam sau cả ngàn năm mất nước tức thời kỳ đứt đoạn không liên thông với quá khứ, Ngọc phả là những thông tin cô đọng, khách quan nhất mà tổ tiên người Việt muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau.
Với sự trân trọng yêu quý vô cùng quá khứ gian khó mà tiền nhân đã trải qua, trong thời văn minh hiện đại chỉ với chút thông tin lịch sử lưu truyền quý giá ngày nay có thể so chiếu với nhiều thành tựu trong những lĩnh vực khoa học liên quan mà hiệu chỉnh. Rồi đây chắc chắn có ngày con cháu sẽ có được bộ sử chân xác của nòi giống.
Bản Ngọc phả Hùng Vương có ký hiệu R.285 do GS. Ngô Đức Thọ nộp lưu tại Thư viện quốc gia có tựa đề: Đại Nam Hùng Vương Sơn thánh tổ tiền thái tổ Cao Hoàng đế ký truyn ngọc phổ cổ tích lưu lai. Dịch là: Tích xưa lưu lại của Ngọc phả chép truyền Tiền Thái tổ Cao Hoàng đế Hùng Vương Sơn Thánh tổ nước Đại Nam.
Đây là một bản sao của cuốn Ngọc phả được lưu ở đền Hùng, soạn bởi Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470). Ngay trang đầu tiên của Ngọc phả đã đề đôi câu đối tương truyền của chúa Trịnh viết:
Vấn lai dĩ sự tu vi sử
Tế nhận như đồ dục ngâm thi.
Dịch:
Hỏi chuyện đã qua nên đọc sử
Tinh tường như vẽ muốn ngâm thơ.
Ý của câu đối rất rõ, bản Ngọc phả này chính là “sử”, muốn biết về quá khứ người Việt thì phải đọc cuốn “sử” này, mọi chi tiết đều tinh tường cả.

van-lai.png

Ngọc phả Hùng vương kể, sau khi Lạc Long Quân (gọi là Hiền Vương) lấy nàng Âu Cơ đã sinh ra một bào ngọc, được đặt trên mâm vàng tại núi Thứu Lĩnh. Lúc bào thai nở thành một trăm người con trai có Tứ đại Thiên vương hóa gió mưa sấm chớp tới bảo hộ. Khi các hoàng tử lớn lên lại được Bát bộ Kim cương các thần tướng tới giúp, tặng cho các bảo vật. Trăm hoàng tử đều có thần tài thánh trí. Các quan triều đình lúc ấy cũng không ai có thể phân biệt được người anh minh quyết đoán hơn, khó đặt được danh thần tên xưng. Nhà vua bèn lập đàn cầu trời thì được ứng nghiệm, có một lão tiên ông giáng hạ ở bến sông Việt Trì.
Vua hỏi Tiên ông:
– Nước sinh được trăm con trai, có trí tuệ cùng tài như nhau, cho nên khó đặt định danh hiệu thần xếp thứ tự luận anh em. Kính nhờ Tiên ông đặt tên, định thứ bậc giúp cho.
Lão ông đáp:
– Ta sinh ở thời Hoàng Đế, theo học đạo Phật, ngao du nơi hải ngoại, xem hết trời đất, đi thăm thế giới, đến tận Nam Miên, thấy phong cảnh đẹp. Vua nay muốn đặt tên cho trăm con trai. Ta có một quyển sách thần có thể bói biết được tinh thần âm dương, gọi tên các phép tiên…
Lão thành tâm bốc một quẻ trong Thiên thư xem tới trời định thế nào. Trước là để xác lập vương tử, cùng với tên gọi cho trăm trai.
Nhờ cuốn Thiên thư (Sách trời) này mà Vua đã xác định được vị hoàng tử trưởng, lập làm thái tử. Còn lại 99 người anh em đều được đặt tên xưng danh là các vị Lang.
Xem tới đây ta mới hiểu ý nghĩa của “Thiên thư” – Sách trời trong cổ văn xưa. Sách trời phân định ở đây không phải là sách sử của Trung Quốc như vẫn nghĩ. Một đôi câu đối tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh nói về Thiên thư và Bách Việt:
天書定分正統肇明都百粵山河知有祖
光岳協靈故宮成萃廟三江襟帶尚朝尊
Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.
Dịch:
Sách trời định chốn, chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt biết có tổ
Núi tỏa linh thiêng, cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.

Theo Ngọc phả Hùng Vương, sau khi sắp đặt xong việc đặt tên cho các hoàng tử, Vua cha bèn dựng hầu lập bình phong, chia nước làm 15 bộ, xác định cương giới, các đầu núi góc biển, cử ra trăm quan trấn thủ, gìn giữ các phương. Một là Sơn Tây, hai là Sơn Bắc, ba là Sơn Nam, bốn là Hải Dương, năm là Ái Châu, sáu là Hoan Châu, bảy là Bố Chính, tám là Ô Châu, chín là Ai Lao, mười là Hưng Hóa, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Lạng Sơn Cao Bằng, mười ba là Quảng Đông Quảng Tây, mười bốn là núi Ngũ Lĩnh Vân Nam, mười lăm là Chiêm Thành, bộ chủ các xứ.
Nước 15 bộ, là Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Trinh, Nhật Nam, Tân Hưng, Cửu Đức, Văn Lang.
Thông tin về cương vực quốc gia lúc này thật đặc biệt. Phạm vi quốc gia gồm 15 xứ, trong đó ngoài những khu vực ở miền Bắc (Sơn Tây, Sơn Bắc, Sơn Nam, Hải Dương, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng Lạng Sơn) và Bắc Việt (Ái Châu, Hoan Châu, Bố Chính, Ô Châu) ngày nay, lại còn có các vùng phụ thuộc:

  • Quảng Đông Quảng Tây
  • Ngũ Lĩnh Vân Nam
  • Ai Lao
  • Chiêm Thành.

Như thế cương vực quốc gia lúc này đã bao trùm toàn cõi Đông Nam Á (Ai Lao, Chiêm Thành) và kể cả vùng phía Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây). Dễ nhận thấy cương vực trên cũng trùng khớp với phạm vi bắt gặp của trống đồng thời Đông Sơn. Trống đồng là bằng chứng rõ ràng về một quốc gia tập hợp nhiều khu vực, đều do Hùng Vương làm chủ.
Ngọc phả Hùng Vương kể tiếp:
Vua mới phân định các xứ, cai quản vạn dân. Khi đó lệnh cho anh em trăm trai có tài thần báu quý, cai quản rõ ràng các nơi. Trăm nơi núi sông một mối, xe sách quy mô chế độ đồng nhất, bốn biển một nhà, xưng thần phụ thuộc…
Khi đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng:
– Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, giống loài không hợp nhau, chung sống với nhau thực cũng khó. Vì thế ta phải lìa nhau thôi. Chia 50 con theo cha về biển, làm Thuỷ tinh. Chia 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc. Vua bèn đặt quan văn gọi là Lạc hầu, đặt tướng võ gọi là Lạc tướng. Các vương tử gọi là Quan Lang. Các vương nữ gọi là Mị Nương. Các quan hữu ti gọi là Bồ Chính.
Thời bấy giờ trên chính nhân luân, dưới hậu phong hoá, thi hành việc gì ai cũng được thích nghi. Vua vì thế được rũ áo khoanh tay, hoà mục trong chốn cửu trùng… Đời đời cha truyền con nối, đều gọi là Hùng Vương. Đó là thuỷ tổ của Bách Việt.
Ngọc phả Hùng Vương cũng như Truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái đều nói rõ, trăm người con trai Hùng Vương ấy là thủy tổ của trăm giống Việt – Bách Việt. Bách Việt theo đó chia làm 2 dòng. Một dòng 50 người con theo cha về biển làm Thủy Tinh. Một dòng 50 người con theo mẹ về núi là Sơn Tinh. Điều này rất quan trọng khi xét nền văn hóa khảo cổ thời kỳ này ta thấy có 2 dòng văn hóa song song. Một là văn hóa đồ đồng đỉnh vạc, với đặc trưng trang trí Rồng của vùng phía Đông Bắc. Hai là văn hóa trống đồng, với họa tiết Chim là chủ đạo, của khu vực Tây Nam.
Ngọc phả Hùng Vương kể tiếp:
Thái tử là Hùng Quốc vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn…
Bấy giờ Vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm các tộc, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương.
[Nguyên văn: Truy ân tiền liệt thổ phân đệ, nãi lập các bộ, Sơn tinh Thủy tinh, định vi tộc, cải vi bách tính, xưng vi bách quan, hiệu phong bách thần, phân liệt sơn đầu hải giác, hùng cứ nhất phương]

nhat-nguyet-tinh-than.png
Tiếp theo:
50 tên tộc trấn ở các đầu núi, cửa khe non ngàn, cùng gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù mà truyền dẫn. 50 tên tộc trấn ở các góc biển, vực suối cửa sông, các thần linh trên nước, tiện để bảo hộ dân sinh, giúp phù tông xã. Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ đất đai, xác định cương giới. Tất cả đều có người trưởng phụ tá. Người chủ gọi là Bô (bố), bố gọi là Trá (cha), con trai gọi là Côn (con). Nam nữ theo phụ giúp, khi đó đều là những người tài giỏi. Hậu thế đổi thành quan lang, phiên thần, thổ tù phụ đạo. Các họ tông của các công thần khai quốc được cha truyền con nối, vạn đời coi giữ Nam Bang. Còn các nhánh tông phái của bộ chủ Hùng Vương đời đời trị nước, giữ mãi phương Nam.
Đoạn Ngọc phả này cho những thông tin cực kỳ quan trọng về thiên hạ Bách Việt từ Hùng Quốc Vương:

  • Cương vực của Bách Việt được chia phân thành các cõi, là các vùng đất ”bình phong”, chư hầu phiên thuộc. Tất cả đều có người trưởng phụ tá. Các vùng đất này được giao cho các anh em của Hùng Vương, các họ tông của các công thần khai quốc. Vùng nhỏ hơn thì cho các quan lang, thổ tù cai quản. Áp dụng hình thức thế tập cha truyền con nối để cai trị qua các đời. Nói cách khác đây chính là lúc bắt đầu hình thức phong tước kiến địa hay khởi đầu chế độ phong kiến trong lịch sử nước ta.
  • Vua Hùng ”định làm các tộc, đổi làm trăm họ”. Như vậy, cùng với việc đặt tên cho trăm hoàng tử, việc xác lập các dòng tộc và đặt họ theo cha cũng bắt đầu từ lúc này. Người Việt có trăm họ cũng là từ đây.
  • Vua Hùng ”đặt ra chức vụ trăm quan”. Tức là chế độ triều đình, lễ chế nhà nước được thiết lập, với hệ thống quan lại đầy đủ.
  • Vua Hùng ”phong tên cho trăm thần”. Cùng với thể chế triều đình, chư hầu, thời kỳ này còn khởi lập tín ngưỡng chính thức, xác lập những người có công, có đức mà phong làm thần để thờ phụng.

Ngọc phả Hùng Vương là bộ sử tóm tắt về thời kỳ dựng nước của người Việt. Những thông tin tiền nhân người Việt ghi nhận rõ ràng trong sử và sách lưu truyền lại đã xác định: Vào khoảng giữa thời kỳ Hùng Vương, nước ta đã bước sang chế độ phong kiến với mô hình vua Hùng làm chủ cả thiên hạ trăm cõi núi sông cùng hàng trăm các chư hầu phụ thuộc làm phiên dậu bình phong. Chế độ thế tập cha truyền con nối được áp dụng ở chính quyền trung ương cũng như ở các xứ chư hầu. Triều đình được tổ chức quy củ, có lễ nhạc với hệ thống trăm quan hoàn chỉnh. Nhân dân được đặt tên trăm họ. Xã hội được xác lập về tư tưởng – tín ngưỡng bởi tục thờ cúng tổ tiên. Cũng từ đó mà thiên hạ thái bình thịnh vượng. Đất đai Bách Việt bao trùm Đông Nam Á và Hoa Nam.
Thay cho lời kết, xin đọc đôi câu đối ở đình Bảo Đà ở Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ:
數千年王佐始終父子君臣開拯點
十五部天分草埜山河日月共長存
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.
Dịch:
Mấy ngàn năm phụ đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

 

 

10 thoughts on “Sự sinh thành Bách Việt qua Ngọc phả Hùng Vương

  1. Chanhquoc Nghiem

    “…Vua hỏi Tiên ông:
    – Nước sinh được trăm con trai, có trí tuệ cùng tài như nhau, cho nên khó đặt định danh hiệu thần xếp thứ tự luận anh em. Kính nhờ Tiên ông đặt tên, định thứ bậc giúp cho.
    Lão ông đáp:
    – Ta sinh ở thời Hoàng Đế, theo học đạo Phật,…”
    Tôi thắc mắc đoạn này : Thời Lạc Long Quân đã có đạo Phật sao ? Nếu là chi tiết hư cấu, cũng phải hợp lý chứ ?

    Like

    1. Bạn nghĩ thời “Lạc Long Quân” ở đây là thời gian nào? Và đạo Phật ở đây là Phật nào?
      Thời Hùng Vương nếu như theo quan niệm hiện nay bắt đầu quãng thế kỷ 7 trước công nguyên, thì lúc đó hoàn toàn có thể đã có “đạo Phật” là đạo Bà La Môn.

      Like

      1. Chanhquoc Nghiem

        Nếu thừa nhận thời Hùng vương bắt đầu khoảng thế kỷ 7 TCN thì giải thích sao về chuyện Hùng vương thứ sáu đánh thắng giặc Ân ? (nhà Ân – Thương : Khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 11 TCN)

        Like

      2. Thời Hùng Vương 18 đời tức là 18 triều đại. Thế kỷ 7 TCN là mốc bắt đầu cho 1 trong 18 triều đại đó, chứ không phải cho Hùng Vương đầu tiên. Lạc Long Quân cũng không phải là bố của vua Hùng đầu tiên, vì vị vua Hùng đầu tiên được nhắc đến là Đế Minh, cỡ cụ kỵ của Lạc Long Quân.
        Truyền thuyết về đạo Phật thời Hùng Vương do đó không thể nói là vào thời Hùng Vương đầu tiên, vì còn chưa biết ai là đầu tiên và khi nào.

        Like

  2. Chanhquoc Nghiem

    Tức là khoảng 3000 năm TCN, Đế Minh là người mở đầu triều đại Hùng vương thứ nhất.
    Vậy đến khoảng thế kỷ 7 TCN, Lạc Long Quân mở đầu triều đại Hùng vương thứ mấy ?

    Like

    1. Khoảng 3000 TCN Đế Minh họ Hữu Hùng mở đầu thời đại Hùng Vương. Lạc Long Quân là cháu nhiều đời của Đế Minh mở nước Việt Thường cách đây 4000 năm lịch sử. Còn vua Hùng là dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang thì mới rơi vào quãng 1000 – 700 TCN.

      Like

  3. Chanhquoc Nghiem

    Theo nội dung Ngọc phả Hùng vương kể trong bài viết thì thời Lạc Long Quân (Hiền Vương) khi ấy đã có đạo Phật rồi. Vậy suy ra triều đại Hùng Vương của Lạc Long Quân nói trong bài viết trên phải thuộc dòng mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang, và triều đại Lạc Long Quân này phải sau năm 700 TCN, chứ cũng không thể từ 1000 đến 700 TCN được. Triều đại của Lạc Long Quân này chắc gọi là triều đại Hùng Hiền Vương (không biết có đúng không). Và tôi thắc mắc đây là triều đại thứ mấy trong số 18 triều đại Hùng Vương ? Tôi nghĩ Lạc Long Quân là nhân vật nổi bật như vậy, chẳng lẽ không xác định được là triều đại thứ mấy trong số 18 triều đại. Thế nhưng khi bắt tay vào đối chiếu, tôi bất lực vì danh sách các triều đại Hùng Vương từ các nguồn khác nhau rất mâu thuẫn. Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này ?

    Like

    1. Lạc Long Quân là hình tượng biểu hiện cho một giai đoạn rất dài khi người Việt đi khai phá miền ven biển, chứ không phải chỉ có 1 vị vua. Xin xem bài https://bahviet18.com/2021/08/15/lac-hung-chinh-thong/
      Còn về ông Lão theo “đạo Phật” đã hiện ở bến Việt Trì, đặt tên cho trăm người con trai, thì sự kiện này xảy ra vào thời Âu Cơ và Hùng Quốc Vương. Âu Cơ mới là Hiền Vương, hiện đền thờ tại Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ). Hiền Lương = Hiền Lang = Hiền Vương.
      Thời điểm Âu Cơ dựng nước Văn Lang là quãng trên 3000 năm trước. Lúc này triều đại của dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển sắp kết thúc, là thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18 theo dòng Lạc), để bắt đầu một giai đoạn mới của dòng theo mẹ lên núi là Hùng Quốc Vương (Hùng Vương thứ 1 của dòng Thục theo mẹ Âu Cơ).
      Đừng có cố đếm Hùng Vương thứ mấy làm gì vì ngọc phả không có thứ tự, các vua Hùng được xếp theo can chi, chứ không phải đánh số như bây giờ. Thứ tự không có nghĩa gì vì muốn biết thứ tự thì phải biết tính từ đâu là đầu tiên và ở phạm vi nào (phía Đông theo cha hay phía Tây theo mẹ).

      Like

  4. Chanhquoc Nghiem

    Suy nghĩ nát óc mấy ngày nay, bây giờ mới hiểu ra.
    Tóm lại là như thế này. Triều đại của Hùng Hiền Vương, còn gọi là Hùng Chiêu Vương (tức là triều đại của Âu Cơ hay Cơ Xương) thì sau năm 700 TCN (vì lúc đó đã có ông lão theo đạo Phật). Sau triều đại của Hùng Hiền Vương / Chiêu Vương thì đến triều đại của Hùng Quốc Vương (tức là triều đại của Cơ Phát, con của Cơ Xương). Triều đại của Hùng Quốc Vương (Cơ Phát) phải bắt đầu trước năm 1123 TCN (là năm Cơ Phát tiêu diệt nhà Ân – Thương)
    Còn Lạc Long Quân thì không thể xuất hiện trong thời kỳ này được, vì niên đại của Lạc Long Quân là 2000 năm TCN.

    Like

    1. Gần đúng rồi ạ. Hùng Hiền Vương = Hiền Lương = Âu Cơ = Cơ Xương tuyển được một Lão tiên ông là… Lã Vọng bên Thạch Bàn ở Việt Trì, đánh bại Sùng Hầu Hổ (Sùng Lãm) trên đất Lạc, lập nên nước Văn Lang (theo tên Văn Vương). Con trai của Âu Cơ là Cơ Phát, phát động chư hầu phá Trụ diệt Ân, lên ngôi trưởng tử (Hùng Quốc Vương) làm Thiên tử quãng năm 1123 TCN, rời lại đô về phía Tây trên đất Âu, bắt đầu thời kỳ Tây Chu. Đến quãng năm 700 TCN Chu Bình Vương lại dời đô về Lạc Dương, bắt đầu thời kỳ Đông Chu mà sử Việt hiện nay gọi là thời kỳ Đông Sơn của nước Văn Lang.
      Lão ông Khương Tử Nha gọi là theo “đạo Phật”, nhưng có lẽ lúc đó là đạo Bà La Môn hoặc đạo Giáo. Tương tự thời Thánh Dóng đánh giăc Ân có Tỳ Sa Môn thiên vương, là một thiên vương của đạo Bà La Môn, gọi đó là đạo Phật chỉ là cách nói sau này.
      Còn Lạc Long Quân, tất nhiên là 4000 năm lịch sử, trước thời Cơ Xương Cơ Phát cả 1000 năm

      Like

Leave a comment