Thiên Nam ngữ lục cho biết Cao Biền sau khi đánh dẹp được quân … Hậu Lý, khai kênh … Lâm Ấp thì:
Dân làm cự cứu bảo nhau
Tôn Biền làm chủ giữ âu Long thành
Đến Kim Lan cơ đầu ghềnh
Lục nơi cải tử hoàn sinh chẳng cùng
Mạch tòng Tản Lĩnh giáng long
Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu
Biền già ở cõi Nam châu
Người nhà bèn táng ở đầu Kim Lan.
Mả Cao Biền được táng ở chỗ “giáng long” là ở Kim Lan. Tác giả khảo cứu Thiên Nam ngữ lục bó tay, không biết “ghềnh Kim Lan” ở chỗ nào.
Lục tìm trong các di tích dân gian thì thật bất ngờ khi biết Kim Lan là một xã ở Long Biên, nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội. Tại đây đình làng vẫn còn thờ Cao Biền và 2 vị tướng tá của ông là Trạc Linh và Chử Việt. Vị trí của đình Kim Lan được câu đối trước tam quan đình mô tả như sau:
Nam đái Nhĩ hà chân đào tích
Bắc lân cổ tự chấn linh thanh.
Dịch:
Sông Nhĩ dải Nam là di tích làng gốm
Chùa xưa bên Bắc có tiếng thiêng vang truyền.
Ngay cạnh đình phía Nam bãi sông là .. di chỉ Hàm Rồng, vừa được phát lộ năm 2000. Phía Bắc đình là chùa Kim Lan. Rõ ràng ghềnh Kim Lan, nơi táng mộ Cao Biền trong Thiên Nam ngữ lục chính là bãi Hàm Rồng này. Đây thực sự là một khu vực cực kỳ linh thiêng với sự có mặt của 4 vị vua lớn của cổ sử tại các làng lân cận:
– Chử Xá: quê của Chử Đồng Tử và bãi Tự Nhiên.
– Đầm Dạ Trạch: thờ Triệu Việt Vương.
– Bát Tràng: thờ Hán Cao Tổ Lưu Bang và Lã Hậu (!)
– Xuân Quan: điện Long Hưng thờ Triệu Đà – Triệu Vũ Đế
Tại di chỉ Hàm Rồng – Kim Lan đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ từ thời Đường. Đặc biệt còn tìm thấy cả mẫu gạch “Giang Tây quân”, là lớp gạch dưới cùng của Hoàng thành Thăng Long. Câu đối ở tam quan đình Kim Lan:
Tĩnh Hải chân truyền từ đào nghiệp
Giang Tây chuyên trúc Đại La thành.
Dịch:
Thầy Tĩnh Hải truyền nghề gốm sứ
Gạch Giang Tây đắp Đại La thành.
Đọc câu đối này không khỏi nghiêng mình thán phục trước thông tin từ văn hóa dân gian. Việc khai quật hoàng thành Thăng Long thì mới làm từ vài chục năm trở lại đây. Vậy mà dân Kim Lan đã biết từ lâu, thành Đại La được xây bằng gạch “Giang Tây chuyên”. Trong khi các nhà khảo cổ Việt Nam còn đang lúng túng, không biết xác định gạch “Giang Tây chuyên” là gạch đời nào thì làng gốm Kim Lan này đã nêu đích xác đó là gạch từ thời Cao Biền. Là làng nghề gốm được truyền từ đời Cao Biền nên dân Kim Lan hiểu rõ gạch “Giang Tây chuyên” nghĩa là gì. Chính ở Kim Lan là nơi đã đúc nên loại gạch “Giang Tây chuyên” này để xây thành Đại La.
Lý do các nhà khảo cổ khó giải thích về xuất xứ và thời gian của gạch Giang Tây là vì:
– “Giang Tây” là địa danh ở xa lắc, tận tỉnh Giang Tây Trung Quốc. Các nhà khảo cổ đành phải “bịa” ra là thời Đường có các đạo quân phòng đông, phòng thu gì đó đi lao động tăng cường ở Lĩnh Nam… An Nam từ thời Cao Biền đã trở thành một khu vực tách biệt, thay từ Đô hộ phủ sang chế độ phiên trấn (Tiết độ sứ). Cao Biền có lẽ chỉ thiếu chút nữa là xưng vương lập quốc gia riêng ở Tĩnh Hải. Làm gì có chuyện có quân ở một “sứ” khác lại đi xây thành cho sứ Tĩnh Hải.
– “Giang Tây chuyên” được tìm thấy ở nhiều nơi ở Việt Nam và còn trong cùng một lớp tường với gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” của nhà … Lý tại Hoa Lư và Cổ Loa. Từ Đường tới Lý theo chính sử trải qua một đống triều đại hàng trăm năm (Hậu Lương – Khúc Thừa Mỹ, Nam Hán Lưu Cung, Ngô Vương Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn). Làm sao gạch thời Đường lại nằm chung lớp với gạch thời Lý trên cùng một bức tường được?
Gạch “Giang Tây quân” ở Hoàng thành Thăng Long
Lời giải về những viên gạch xây thành Thăng Long như sau:
– Cao Biền sau khi đánh dẹp Nam Chiếu, được nhà Đường phong là Tiết độ sứ. An Nam đô hộ phủ đổi thành đất Tĩnh Hải, tức là vùng đất phía Tây của biển Đông. Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
Gia quan cho lĩnh tiết mao,
Đặt quân Tĩnh Hải biên vào bản chương.
Quân của Cao Biền thì không gọi là Tĩnh Hải quân mà gọi là “Giang Tây quân”. Giang Tây ở đây không liên quan gì đến tỉnh Giang Tây bên sông Dương Tử cả, mà là một từ dùng tương đương với Tĩnh Hải. Tĩnh = Tây, Giang = Hải. Đây là tên gọi khu vực nước ta từ thời Đường tới tận thời Đinh Lê. Cũng vì thế gạch “Giang Tây quân” tìm thấy khắp nơi, ở nhiều niên đại. Ngay ở Hoa Lư và thành nhà Hồ (Thanh Hóa) cũng từng là những tòa thành xây dưới thời Đường vì đều tìm thấy loại gạch này.
– Lớp gạch tiếp theo ở Hoàng thành Thăng Long là gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”. Điều này cho thấy Hoa Lư cũng như Thăng Long sau thời “Tĩnh Hải sứ” – “Giang Tây quân” đã chuyển thành “Đại Việt quốc”, là một quốc gia độc lập. Người xây thành Thăng Long bằng gạch Đại Việt này là Lưu Cung, sau khi đánh bại Khúc Thừa Mỹ chứ không phải Lý Công Uẩn (Đại Việt của triều Lý phải mãi tới thời Lý Thánh Tông mới đặt tên). Hai nhà Đinh, Lê không tiến hành xây dựng gì cả, hoặc có xây thì cũng vẫn dùng quốc hiệu Đại Việt của Lưu Cung. Khi xây dựng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đã không hề dùng niên hiệu Thái Bình hay Thiên Phúc như chính sử chép.
– Niên hiệu “Thái Bình” xuất hiện ở lớp gạch thứ ba của Hoàng thành Thăng Long, nhưng không có ở Hoa Lư. Đó là loại gạch “Lý gia tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Gạch này của vị vua thứ ba của triều Lý, Lý Thánh Tông, người đã đặt tên Đại Việt theo chính sử. Đây cũng là người cho sửa cung điện và xây Văn Miếu. Thật là lạ vì hoàn toàn không tìm được gạch nào là của Lý Công Uẩn, người tương truyền đã dời đô từ Hoa Lưu về Đại La. Chẳng nhẽ khi dời đô lại không hề phải xây dựng gì trong thành?
Việc phải đến đời vua Lý thứ ba mới lấy niên hiệu riêng, xây một loại gạch mới cho thấy đây mới là thời điểm mở đầu một triều đại độc lập. Lý Thánh Tông mới là vị vua dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Hai nhà Đinh Lê trước đó lấy quốc hiệu theo Lưu Cung cũ, chịu tước phong của nhà Tống. Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông cũng vậy. Giả thuyết rằng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn là hai vị vua Lý đầu tiên ẩn họ (Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông) hoàn toàn được xác nhận bởi các lớp gạch ở Hoàng thành Thăng Long.
Từ Cao Vương tới Lý Thánh Tông là một chặng đường dài đầy biến cố trên đất Tĩnh Hải – Giang Tây. Thật may một số dấu tích vẫn còn lưu lại và đang ngày càng chiếu tỏ giai đoạn lịch sử bản lề này.
Vài câu đối hay khác ở đình Kim Lan:
Chấp thần bút ngự kim diên, thanh trì Bắc quốc
Trúc La Thành tiêu thạch trụ, uy chấn Nam bang.
Dịch:
Cầm bút thần cưỡi diều vàng, tiếng vang sang Bắc quốc
Đắp La thành dựng cột đá, oai phong dội Nam bang.
Một câu khác:
Châu lĩnh ngật đồi ba, Hồng Lạc sơn hà lưu thắng tích
Nhĩ hà bồi xuân sắc, Thăng Long cố chỉ ánh Đại La.
Dịch:
Đất ngọc sóng vờn vun, non nước Lạc Hồng lưu thắng tích
Sông Nhĩ đắp xuân sắc, nền cổ Thăng Long sáng Đại La.
Văn nhân góp ý:
Tĩnh = Tây, Giang = Hải. Hải là biển.
Rất có lý vì ‘Giang’ biến âm ‘dương’ trong chữ Nho cũng có nghĩa là biển.
Đại dương thì rõ là biển.