Ngọc phả truyền thư (Thượng từ đường ở Cổ Lôi)

Ghi chép của trưởng tộc họ Nguyễn tại Thượng từ đường ở Cổ Lôi

Quyển tập thứ hai

Năm Tân Mùi Thái Bình Thiên Quốc, vào ngày lành tháng giữa mùa xuân Đinh Tiên Hoàng nhờ ta triệu tập 12 sứ quân hợp nhất, cùng tôn Đinh Bộ Lĩnh làm Thiên tử. Đến ngày 12 tháng 2 Đinh Tiên Hoàng cùng các tướng đến nhà thờ làm lễ báo ơn công đức các vị tiên tổ Bách Việt, sơn thủy bách thần triều Hùng Vương. Lại phong cho ta cùng người em Nguyễn Bặc làm Quốc công, lập ban thờ, trùng tu miếu điện, cấp chia ruộng để muôn năm hương khói phụng thờ.

Thiết nghĩ, thân cây lớn vạn lá vốn là nhờ có gốc. Nước có ngàn dòng, vạn dòng vốn là nhờ nguồn. Vật còn như thế huống chi con người sinh ra kế thừa sự tốt lành từ tiền nhân mới thịnh vượng mà tỏa đi được xa vậy. Ngưỡng trông tổ tiên ta lấy cần cù mà vun gốc, lấy chắt chiu làm nguồn cho phong tục, tích đức, tích nhân. Không có điều đó thì con cháu làm sao có mà kế thừa. Là con cháu há chẳng nhớ về ngọn nguồn, tìm đạo xa xưa? Vì vậy phải viết lại thành gia phả. Phàm là mộ tổ tiên tại nơi nào, ngày giỗ kỵ là khi nào cùng với các chi nhánh, thế thứ đều có thể ghi lại trong đó, để người kế tự về sau nắm được. Nắm được để mãi mãi noi theo.

Các đời tổ sư xứ Cửu Liên Hoa

Tổ ta từ chân núi Tản Viên dựng nghiệp các nghề thầy thuốc, làm ruộng, trồng dâu, nung gốm, đúc kim khí ở tại Tây Vực, giáo hóa chúng sinh ở Tây Phương Cực Lạc, mở nhà truyền kinh, có công dựng nước, có đức giữ dân, nên người đời sau tôn xưng các tên gọi Tiên Phật để phụng thờ. Toàn thế giới đều chịu ơn lớn, cùng sự tôn sư trọng đạo mà xin làm đệ tử, cùng nhau truy niệm tổ ta ở trong các ghi chép của đền Thần, chùa Phật.

Từ núi Tản Viên đến Tây Phương Cực Lạc, Sài Sơn, Thổ Ngõa, Phụng Châu, Tiên Lữ, đến Phong Châu đất chủ tạo thành thế đất tứ linh Long, Phụng, Ly, Quy. Ba đầu (ba tán) chín lớn (chín miếu tại Phong Châu chính là chín con rồng) đời đời mãi soi. Tứ linh cùng với hình Cửu long là tượng trưng cho địa thế. Tổ ta đóng đô tại Lôi Bằng, rồi đến Lôi Phong, Lôi Đỉnh (Lôi Bằng là nơi định đô thời sơ khai. Lôi Phong là thời Kinh Dương Vương. Lôi Đỉnh là thời Triệu Vũ Đế).

Buổi sơ khai tên nước là Cực Lạc, phật hiệu là Di Đà, sinh ra ở Hòa Bình, ở tại núi Tản Viên, hóa ở Tây Phương Cực Lạc, mộ ở mặt trước núi. Giỗ ngày mùng 1 tháng Tư.

Đế Thiên (Phục Hy), mộ tại Thiên Thị núi Sài, Quốc Oai, Sơn Tây. Ngày giỗ mùng 4 tháng Tư.

Địa Mẫu mộ tại Cực Lạc, bên trái chân núi. Ngày giỗ mùng 1 tháng Tư.

Đế Viêm dùng lửa luyện kim loại cùng với làm gốm, dùng kết thừng làm văn tự, khởi đầu vạch ra Bát quái, phân định Âm Dương, Ngũ hành, thực là người đã khai mở vận hội văn minh vậy.

Địa Mẫu dạy dân cầy cấy, chuyện nghề nông tang, cứu khổ chúng sinh nên đời sau truy tôn là Địa Mẫu Chân Tiên.

Đế Viêm bị một học trò tên là Hiên Viên làm phản, đuổi Đế Viêm ra ngoài nước. Do tuổi cao sức yếu, ngày mất trên đường đi về nước Bắc, hóa ở núi Thổ Ngõa.

Đế Khôi hiệu là Thần Nông, hóa tại Phụng Châu, sau cải táng đưa về chôn trong giếng huyện Đình Sở, Quốc Oai (núi Tiên Lữ, đất Cổ Pháp). Các cụ ông cụ bà đều được chôn ở đất ấy. Ngày giỗ mùng 6 tháng Sáu tại các đền thần, gọi là lễ Hạ điền. Các tiết trong năm như Thượng điền, Hạ điền, cơm mới đều làm lễ báo ơn đức trên toàn cõi Đông Á.

Hữu Sào, Toại Nhân vốn là bạn của Đế Viêm. Khi Hiên Viên làm phản gây loạn, hai vị dùng quân đánh thắng, đuổi Hiên Viên ra ngoài biên cương. Từ đó ông ta tự lập nước ở phương Bắc, tự xưng là Hoàng Đế, đóng đô tại Trường An. Từ đó Hiên Viên dựng nghiệp, giáo hóa chúng sinh, học điều hay làm nông tang, văn tự, luyện kim, nung gốm như nước Nam.

Hữu Sào, Toại Nhân nhiếp chính, trợ giúp Thần Nông giữ nước, giữ dân. Đến khi Thần Nông trưởng thành, lên ngôi là Thiên tử, đóng đô tại Phụng Châu, Long Môn, núi Trầm. Hai vị cáo lão về quê ở tại Sào Vực, chợ Thổ Long, huyện Chương Mỹ, hóa tại đất đó.

Bà mẹ nuôi là nàng Diệu Trinh cùng với ba vị vương tử, văn võ kiêm toàn, giúp Thần Nông bảo vệ vạn dân.

Đế Tiết sinh ở Phụng Châu, hóa ở Thanh Lãm, mộ tại Hoàng Anh Mộc, lễ chính ngày mùng 9 tháng Giêng. Các hoàng hậu, vương phi đều chôn cất tại đó.

Đế Thừa Sở Minh Công sinh tại núi Sở, nên có tên là Sở Minh Công, lên kế ngôi, đế hiệu là Đế Thừa, hóa tại núi Sở, Tiên La, bãi Thuần Lãm. Các hoàng hậu, hoàng phi đều an táng ở khu đó. Giỗ ngày mùng 1 tháng Sáu.

Đế Minh (con trưởng của Đế Thừa), húy là Nguyễn Minh Khiết (sinh tại đất chủ Tiên La tại Định Công, Hà Nội). Ngày giỗ là 12 tháng 2. Mộ chôn tại chân núi Định Công. Hoàng phi, mĩ nhân đều chôn ở khu đó.

Đế Minh lấy nàng Vụ Tiên. Bà sinh tại hồ Tây, hóa tại Phong Châu, chôn tại trong chùa Đại Bi, làng Ỷ La.

Đế Minh lấy thứ phi mà quên tình nàng Vụ Tiên. Bà cùng với 8 người anh em đến động Tiên Phi ở tỉnh Hòa Bình tu hành, giáo hóa chúng sinh. Đến khi Kinh Dương Vương trưởng thành kế ngôi, Vương đón Thánh mẫu trở về Phong Châu tu hành ở chùa Đại Lôi Âm. Bà sinh ngày mùng 8 tháng Tư, hóa ngày 15 tháng Bảy. Đời sau tôn húy là Hương Vân Cái Bồ tát, Sa Bà Giáo chủ, có công sáng lập đạo tên là Bà La Môn. Mộ tại Ỷ La, thành Đại La. Trong đạo Tiên tôn gọi là Thánh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, một bầu sinh ba thánh.

Đế Thừa Sở Minh Công sinh ba con trai:

Thứ nhất là Nguyễn Minh Khiết, húy là Đế Minh, làm Hoàng đế phương Nam.

Thứ hai là Nguyễn Nghi Nhân, làm Đế Nghi ở Trung quốc.

Thứ ba là Nguyễn Long Cảnh, hiệu Lý Lang Công Ba Long Đại vương, hóa tại thôn Nguyệt Ánh.

Từ cổ đến đó chỉ có 1 nước, nay phân làm 3 nước, tất có 3 vị vua, cho nên Kinh Dương Vương dùng ba chữ Vương hợp thành một chữ, tức là nước Xích Quảng. Đời sau gọi ba vị là Tam tòa Đức chúa ông. Đạo Tiên gọi là phủ – Tam phủ Công đồng.

(Dịch thep bản chụp chữ Nho từ ngọc phả họ Nguyễn ở tống Xốm Bình Đà)

Leave a comment