Việt Thường Thị Lạc Long Quân sinh nhất bào bách noãn ngũ thập thuỷ thần Hải Vân Long Vương

Thần tích dịch theo bản khai làng Đào Xá, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, ký hiệu TTTS 14824

Ghi chép cổ về vị Hải Vân Long Vương, là bộ thứ 19 trong 50 vị thủy thần từ một bầu trăm trứng do Lạc Long Quân họ Việt Thường sinh ra

Chi Cấn, quản các sông Thao, sông Bạn, sông Đà

Xưa Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ Nam Thiên Đại bảo Tiền Hoàng Đế gây dựng cơ đồ, là thủy tổ Việt Nam, khai sáng họ Hùng cổ Việt Thường, 18 đời thánh vương ngự trị trời Nam, mở nước Việt cơ đồ họ Hùng. Nước biếc một dòng khởi vận thánh đế, minh vương. Núi xanh vạn dặm dựng nền cung điện đô thành. Mở vật giúp người, thống trị 15 bộ, thế lớn mạnh phục các phiên bang. Nối tiếp ngôi báu Viêm Hồng mà làm vua trị nước hơn 3 ngàn năm, mãi giữ cho dòng dõi vững như bàn đá. Hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh. Truyền trăm đời đế vương nước Nam. Thánh địa núi Hùng muôn năm còn ngự. Đất tổ trời Nam là gốc nước mãi bền muôn năm, vạn đời mãi mãi. Lập nên các lăng, điện, miếu, cung. Con cháu dòng dõi hoàng gia phân chia ở các đầu non, góc biển, tại quận Giao Chỉ các xứ phủ, huyện, xã dân, châu, trang, động, sách, đầm, hồ, sông, suối, vực, khe, núi sông các nơi cùng hương lửa phụng thờ. Vạn thế tích cũ lưu truyền. Người đời sau có thơ khen rằng:

Nam thiên triệu khởi tự Hùng đồ
Thánh tử thần tôn mãn quốc đô
Bách tử thiên tôn thiên hạ hữu
Nhất bào bách noãn thế gian vô
Nhị thiên dư tải sơn hà tại
Thập bát tương truyền nhật nguyệt phô
Kim cổ danh truyền Nam Bắc cộng
Nam thiên đế tổ thử Hùng đồ.

Dịch là:

Họ Hùng cơ nghiệp dựng trời Nam
Khắp chốn là dòng dõi thánh thần
Trăm trai ngàn cháu trong thiên hạ
Trăm trứng một bầu hiếm thế gian
Hai ngàn năm lẻ núi sông đó
Mười tám đời truyền với tháng năm
Xưa nay danh vọng Nam cùng Bắc
Họ Hùng chính đế tổ trời Nam.

Chi Cấn, bộ thủy thần

Lại nói, triều Kinh đời thứ hai là thời vua Lạc Long Quân ngự trị (Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm. Mẹ là con gái của vua Thủy đình tên là Thần Long. Ngài là con trai trưởng của Kinh Dương Vương, ở ngôi 269 năm, sống lâu 506 tuổi). Vua ra ngự núi Nghĩa Lĩnh, ở tại thành Phong Châu (thành Phong Châu tức là đất Việt Trì, sông Bạch Hạc vậy). Có người con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, về ở quê mẹ tại động Lăng Sương, thường ra chơi bãi Trường Sa. Long Quân đi ngự chơi, trông thấy hình dung đẹp đẽ, yêu lắm, lấy làm Hoàng phi.

Vua có tư chất phi thường, khí tượng ung dung, đức nhân quảng đại. Thiên hạ đều khen là vua hiền, nên đổi hiệu là Hùng Hiền Vương.

Bà Âu Cơ có mang 3 năm 30 ngày. Khi sắp sinh ở trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành năm sắc rực rỡ. Đến khi sinh được một bầu trăm trứng, nở ra trăm người con trai, đều là tư chất khác thường, anh hùng vượt đời. Đến khi lớn lên vua bèn lập hầu phong đất, chia nước thành 15 bộ (1. Sơn Tây; 2. Sơn Nam; 3. Hải Dương; 4. Kinh Bắc; 5. Ái Châu; 6. Hoan Châu; 7. Bố Chính; 8. Ô Châu; 9. Ai Lao; 10. Hưng Hóa; 11. Tuyên Quang; 12. Cao Bằng; 13. Lạng Sơn; 14. Quảng Tây; 15. Quảng Đông).

Khi đó Long Quân bảo bà Âu Cơ rằng:

–       Ta là rồng, mà phu nhân là tiên, loài giống khác nhau nên phải chia biệt.

50 người theo cha về biển làm Thủy tinh. 50 con theo mẹ lên núi làm Sơn tinh. Các vương trấn giữ rõ ràng ở các sông núi, đều là thần thuộc.

Vua bèn đặt tướng là “lạc tướng”, con trai vua là “quan lang”, con gái vua là “mị nương”, quan phụ trách là “bồ chính”. Đang khi đó trên nhân luân chính trực, dưới giáo hóa sâu dày, bắt đầu thực hiện những điều tuyên bố này. Vua được rủ áo chắp tay, rờ rỡ chín tầng. Dân được đào giếng cày ruộng, vui vẻ bốn phương. Không có ai sống mà không yên lòng. Không có vật nào yếu mà không được nuôi dưỡng. Việc trị định thành công, vượt hơn đời vua trước. Phong tục thời thái cổ cũng không sánh bằng. Trị nước lâu dài, đời đời cha truyền con nối, đều xưng hiệu là Hùng Vương. Ngọc lụa, xe sách, núi sông một dải, là thủy tổ của Bách Việt vậy.

Vua Hiền Vương ở ngôi 400 năm, rồi theo cha về biển, hóa sinh bất diệt làm Động Đình Thủy Tiên Long Quân Đế chủ. Con là Hùng Quốc Vương (Quốc Vương húy Lân ở ngôi 221 năm, sống 767 tuổi, sinh năm Canh Ngọ ngày 5 tháng 5 giờ Ngọ. Trăm vương cũng cùng sinh năm Canh Ngọ do sinh một bầu trăm trứng. Trăm con trai phân thành trăm vương. Quốc Vương là đầu trăm vương. Hiền Vương lập làm Hoàng thái tử để nối ngôi vị. Sau phân thành hai bộ. 50 người theo mẹ làm Sơn thần. 50 người theo cha làm Thủy quân. Quốc Vương ở ngôi cũng theo bộ bên cha, sau cũng về biển với cha làm Thủy Long Động Đình Quân. Vương hóa ngày 12 tháng 3), tuân nối cơ nghiệp. Quốc Vương bèn thực thi hóa đức, miễn giảm nông tang, quản dân không có lo lắng ưu tư, nước có của dự trữ dư giả, đất biển yên bình, người không dối trá, phong tục thuần phác đương khi được thấy. Hưng công nghiệp cai trị đời sau mà làm rạng rỡ nghiệp đời trước. Người đời đều khen là vua hiền.

Vua nghĩ tới việc các vị thánh trước đây cắt đất chia phong, bèn lập các hoàng đệ là Sơn tinh, Thủy tinh, cùng chia làm trăm nhánh, làm chủ cai trị các nơi để hưởng lộc, rồi lại đổi làm trăm họ, chia ra ở đầu non, góc biển, trấn giữ từng phương. Năm mươi vị trấn giữ các đầu núi đều gọi là Phiên thần Phụ đạo. Năm mươi vị trấn giữ các góc biển đều gọi là Thủy thượng Linh thần. Để tiện cho bảo hộ nhân dân, giữ gìn tông xã.

Thời khi Quốc Vương ngự trị, thiên hạ nhiều khi nước to ngập lụt. Nhân dân thường bị giặc nước xâm hại. Bởi vì Quốc Vương vốn là mệnh Thủy thần còn đang ngự trên trần thế nên nhiều khi nước lụt tiến đến Dương gian. Nhân dân rất khổ sở. Quốc Vương sai chia 50 vị hoàng đệ của Thủy bộ cho trị giữ các bờ sông, góc bể, quản lý các vùng đất đai, để chống đường nước xuyên vào các nơi có dân mà phá hại.

Lại nói, đạo Hưng Hóa, phủ Gia Hưng, phủ Yên Tây, cùng phủ Đà Giang, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Lập, Văn Bàn, Thủy Vĩ, Thanh Hậu, Thuận Châu, Bản Châu, Phù Việt Châu, Mai Châu, Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Sùng Lăng, Khiêm Châu cùng huyện Bất Bạt, Phúc Lộc và các hướng chân núi trên đất liền là những nơi bị thủy quan xuyên phá làm khổ sở. Hoặc phá thông đường nước chảy vào nơi dân cư, dâng thẳng lên chân núi để lấy gỗ lạt. Hoặc xuyên đục các đầm khe vực sâu. Hoặc theo bắt nhân dân, phụ nữ. Khi đó ở các phủ, huyện, châu, trang, động, sách của xứ Hưng Hóa bị nước hại nặng nề. Vương bèn khiến hoàng đệ là quan Hải Công ngự trên các xứ miền Hưng Hóa, chủ giữ các đường nước đầu sông mặt đất.

Đức Hùng Hải Công (tức sau gọi là Hải Vân Long Vương Động Đình Thủy Đế) vâng mệnh Quốc Vương đến nhậm xứ Hưng Hóa. Khi Hải Công đến nơi, ngay hôm đó nhân dân các phủ, huyện, châu, trang, động, sách tề tựu tại đó làm lễ mừng. Đức Hải Công sai các gia thần đưa hịch cho các đầu sông cửa nguồn, những nơi nước xoáy vào nơi dân ở, mỗi nơi một tờ hịch buông xuống dòng nước. Ông truyền hịch xuống các dòng nước xong hết thì đến ba ngày sau các nơi nước lớn ngập trời đều vỡ thành khe ngòi, ra khỏi các vùng đất có dân cư mà chảy xuống các lòng khe. Từ ấy nước lụt được yên. Nhân dân không phải lo lắng hoạn nạn, mùa màng được bội thu, đều thực là do nhờ vào đức lớn của Hải Công vậy.

Đến mùa xuân tháng Giêng, hoa cỏ rợp đất, cảnh sắc núi sông đâu đâu cũng thấm gió xuân. Đức Hải Công cùng bà Trang Hoa Phu nhân (Trang Hoa Công chúa là người quê ở Mai Châu, là con gái quan Lạc hầu, nhan sắc đẹp đẽ, tính nết trong sạch, rất có hiếu đễ, thái độ hiền hòa. Ngài lấy về rất sủng ái, lập làm Đệ nhị phu nhân) xuống thuyền rồng theo dòng nước cùng mấy trăm gia thần chơi xem phong cảnh sông núi, thăm thú nhân dân và hình thế thủy văn. Nếu chỗ nào mà bị giặc nước băng phá, mạch đất khuyết lở, thì quan Hải Công lại sức nhân dân địa phương bồi đắp đê để trả lại mạch đất. Ngài đi từ sông Hán, sông Nhị, sông Lô, sông Thao đến Tuyên Quang, lại quay thuyền về Hưng Hóa, Thập Châu, Thanh Nguyên, Bạn Hà. Hễ đi đến nơi đâu có dân địa phương, thấy phong cảnh hữu tình, dân tục thuần hậu thì bèn lập hành cung ở đấy. Ngài lại cho dừng thuyền, đóng quân du chơi tại đó.

Khi ấy thuyền của Ngài đia ra khỏi sông Bạn, về đến đất trang Thọ Xuyên. Hôm đó (ngày 10 tháng Giêng) nhân dân địa phương lập hành cung bái mừng. Ngài thấy nơi ấy non xanh nước biếc, nước sông Bạn thâm sâu chảy bao bọc bốn bề, nơi trong dân ở rất đẹp. Quan Hải Công cùng bà phu nhân đỗ thuyền ở bãi Thọ Xuyên, lên ở hành cung dạo chơi quãng hơn 10 ngày. Một dải sông sâu ở đất đó giao long, cá, giải, rắn hoa hơn trăm bầy đều đến hội chầu ở nơi vực sông đó (tức là vực sông Thọ Xuyên), hướng theo nơi Ngài ở, khắp bốn bề dân cư. Khi đó nhân dân đều sợ hãi không dám ra đường. Nhân dân đều làm lễ kêu với Ngài. Ngài bảo dân rằng:

–       Ta là chức Thủy quan, quyền giữ Động Đình. Do vậy thủy binh đến hội chầu theo mệnh của ta. Dân các ngươi đừng sợ hãi. Đã có chủ giữ, các thủy binh không dám phạm đến dân các ngươi đâu.

Ngài nói với dân xong lại mắng thủy binh rằng:

–       Thủy quốc, nhân gian khác nhau. Các loài thủy tộc không được lộ hình cho nhân gian thấy, đó là trọng trách vậy.

Ngài mắng xong, bỗng nhiên thủy binh chìm cả xuống đáy nước tự yên. Nhân dân cả mừng, làm lễ xin được làm hộ nhi hương. Ngài bèn đồng ý. Sau dân dựng đền thờ (các triều đình sau phong làm Hiển ứng Hộ quốc Tế thế Đại vương. Trang Thọ Xuyên phụng thờ).

Một hôm thuyền của Ngài lại đến động Dị Nậu (Động Dị Nậu đó có một vị quan lang ở ấy, vốn là con Lạc Long Quân trong trăm trứng, thuộc về bộ Sơn thần, là ông Hùng Huệ Vương. Sau triều đình phong làm Cao Sơn Hiển ứng Tế thế Đại Vương, Dị Nậu phụng thờ). Hùng Huệ Vương ở đất đó (cũng là em ruột của Hải quan Long Vương, theo Sơn bộ). Ngài Hải Công đến chơi với ông Huệ Công, dừng thuyền ở bến đó (tức bãi Dị Nậu, cũng là trên dòng Bạn Hà xưa).

Đến nửa đêm hôm ấy Ngài cùng ông Huệ Công ngồi trong thuyền uống rượu nói chuyện. Bà Trang Hoa phu nhân nằm ở trong màn ở bên trái thuyền, mơ màng ngủ đi, mộng thấy lại đi lên đến cung Thọ Xuyên. Phu nhân lội qua giữa dòng nước, chợt thấy có con rồng vàng nổi trên mặt nước mà đi qua trước mặt. Lại thấy 3 con rồng nổi lên mặt nước mà đi nối theo sau. Bà phu nhân cũng nổi lên rẽ nước mà đi, thẳng đến nguồn xã Đào Xá. Phu nhân bỗng thấy có một phiến đá lớn ở giữa dòng nước. Phu nhân bèn lên ngồi trên phiến đá đó. Con rồng đi trước phu nhân cũng lên trên hòn đá, biến ra quan Hải Công, cùng ngồi với phu nhân.

Ba rồng con theo sau thẳng đến trước mặt mà chầu. Sau là giao long, rắn giải ngoài ngàn con đều chầu quanh nơi phiến đá. Phu nhân trông thấy sợ, hét lên một tiếng rất to rồi tỉnh dậy.

Quan Hải Công nghe thấy tiếng kêu đó, hỏi rằng:

–       Cái gì mà hét to thế?

Bà Trang Hoa phu nhân nói rằng thấy giấc mộng như thế. Ông Huệ Công theo đó đoán rằng:

–       Mộng của phu nhân và của Hải Công là điềm sinh quý tử. Vả lại anh trai quyền quản thủy bộ, chức chưởng Thủy đình, ấy là dòng Long Quân vậy. Nên mộng điềm rồng ấy quả là không sai. Xin chớ nghi hoặc.

Quan Hải Công nói rằng:

–       Đệ công nói phải vậy.

Hôm đó (tức là ngày 26 tháng Giêng) thuyền rồng của quan Hải Công đi đến xã Đào Xá. Ngài thấy địa thế hương dân có kiểu đất hay, long đình đới ấn, đáy nước chứa châu, bên tả có chim phượng lại chầu, bên hữu có voi rùa. Đằng sau có tinh phong dẫn mạch, đằng trước có đầm sâu nước lớn. Ngài truyền dựng hành cung ngự ở đầu rồng.

Ngay hôm đó (ngày 27 tháng Giêng) nhân dân làm lễ bái mừng. Đến nửa đêm hôm ấy Ngài nằm ở chính sở chợt ngủ, thấy trên trời có năm sắc mây, dưới vực nước cồn sóng rợn. Lại có ba con rồng theo mây thẳng xuống giữa vực, mờ ảo biến thành ba người, mũ rồng rực rỡ, áo gấm huy hoàng. Quân ngựa thầy tớ hàng trăm, ầm ầm rẽ nước từ đầm vực mà lên trước sân chỗ Ngài ngồi. Đầu tiên, một người hai tay bưng cái mâm ngọc. Trên mâm có ba con cá chép, đặt trước mặt đức Hải Công. Ngài hỏi rằng:

–       Các quan ở đâu lại và có lễ gì vậy?

Ba người thưa rằng:

–       Chúng tôi vâng lệnh Thiên Đế, là ba quan Thủy phủ, chức quản quyền Thủy phủ. Nay vâng mệnh Động Đình Long Quân Thủy Đế phân thuộc theo ngài để định nơi bổ nhậm. Xin vào đầu thai làm con ngài. Động Đình Thủy Đế lại còn giao cho một bài thơ, xin dâng để Ngài xem.

Đức Hải Công đón lấy bài thơ, mở ra xem, có tám câu thơ rằng:

Tam vị Long quan phó hứa quân
Trang Hoa kim nhật định nhâm thần
Thọ Xuyên, Đào Xá giai đồng mạch
Bạn thủy, Thao hà nhậm lưỡng tân.
Tri thủy thanh sơn cung Thủy phủ
Thâm uyên bác trạch bạn giang thần
Linh long đĩnh xuất phù ư thế
Nhất phó Tam Long nhậm Hải Vân.

Diễn âm:

Long quan ba vị phó cho ngài
Bà vợ ngày nay hẳn có thai
Trang Thọ, sách Đào cùng một mạch
Nguồn Thao, sông Bạn quản hai nơi
Rừng xanh nước biếc làm lầu điện
Vực cả đầm sâu ấy Thủy đài
Nảy giống rồng thiêng ra giúp nước
Ba rồng đưa lại mặc quan ngài.

Ngài đọc xong rồi tỉnh dậy, biết là mộng. Ngài nghĩ thầm, nhớ tới lời dạy của đức Lạc Long Quân đã báo thư, giao cho ba Long quan thuộc về ta, đầu thai vào làm con, ra trị đời giúp vận nước hưng thịnh, để phù giúp tông xã được lâu dài. Hôm đó (ngày 28 tháng Giêng) quan Hải Công truyền cho nhân dân mổ trâu bò mà lễ tế đức Tiên Hoàng (tức là Lạc Long Quân). Đang khi làm lễ bỗng thấy trên trời có đám mây mờ mịt, dưới sông cồn dồn, bốn hướng gió lớn nổi lên, một vùng mưa lớn ì ầm. Ngài đang lúc làm lễ thì bỗng thấy ba con cá chép nhảy vào thuyền rồng. Ngài bèn nói rằng:

–       Con ta cho ta thấy đúng như lễ trong mộng vậy.

Lễ xong rồi thì gió mây tan hết, trời yên đất lặng. Lại thấy giữa dòng nước trước hành cung có năm sắc mây nổi trước mặt nước. Ngài bèn chèo thuyền rồng ra đến nơi đó xem, thấy một phiến đá trắng lớn ở giữa dòng nước. Trên mặt đá có ba quả trứng để đấy. Nơi đó bốn phía của phiến đá giao long, rắn hoa đều chầu hội. Ngài cầm ba quả trứng đem đặt vào trong thuyền, mang về hành cung đưa cho bà Trang Hoa phu nhân. Ngài bảo bà Trang Hoa rằng:

–       Ấy là con ta đó.

Bà Trang Hoa giơ tay cầm lấy. Ba quả trứng tự nhiên lay động, quay múa trước thềm. Được một lúc ba quả trứng vỡ ra thành nước dãi thấm khắp vào mình bà Trang phu nhân, đều là mùi thơm sực nức. Bà phu nhân từ ấy có thai, trong lòng buồn bực, tinh thần chuyển động, nói năng thất thường, lại muốn có bà đồng múa hát, tính muốn hương hoa ăn chay. Bấy giờ thuyền rồng của quan Hải Công trở về trị sở ở Hưng Hóa. Đức Hải Công thấy bà phu nhân ngày càng thêm sợ hãi, ăn nói thất thường, lại thích bà đồng, hoa nương.

Thời bấy giờ thuộc phủ Gia Hưng đất Việt Trì có bà Quế Hoa, họ Trần, tên là Văn. Mẹ là Đinh Thị Viện. Bà Quế Hoa vốn là dòng bà đồng có phép diệu thông huyền, có tài hay thuật lạ. Khi đó quan Hải Công nghe tiếng, sai sứ thần mời bà đồng Quế Hoa lại chầu, ngày đêm múa hát. Bà phu nhân từ khi có bà Quế thì tinh thần mới được yên lặng, tính khí yên vui. Bà phu nhân cùng bà Quế rất là yêu mến, ngày thường ca múa, mỗi bữa đều không thiếu, tình tuy là thầy trò, mà xem bằng tình sâu như chị em.

Đến năm Đinh Sửu ngày mùng 1 tháng Giêng, Quốc Vương ngự tại điện Hương Lâu, mơ màng như mộng. Bỗng thấy một sứ nhân, mình mặc áo đen, tâu rằng:

–       Tôi vâng mệnh đức Lạc Long Quân Động Đình Thủy Đế, xin mời Quốc Vương lại hỏi chuyện.

Vương bèn theo quan sứ vào đế đài, thấy Long Quân ngự ở chính tòa cung Thủy tinh. Hai bên tả hữu trăm quan ngồi hầu. Tướng lân, Long hầu hàng ngàn. Kình binh, ngư giáp hàng trăm đội. Quốc Vương vào chầu trên điện ở bên đầu hàng tả hữu. Đức Lạc Long Quân phán rằng:

–          Nhà ta là một trăm con trai, Quốc Vương là đầu. Lại chia làm hai bộ. 50 về núi, chia trị các nơi. 50 là xuống nước chia trị các nguồn sông bể. Nhà ngươi tóm trị cả. Nay Dương đình riêng phó cho nhà ngươi trị vị. Nay hoàng đệ Hải Công là vị thứ 19, nhậm trị Thao, Đà hai sông ở Hưng Hóa. Nay ở Thủy đình ta lại khiến ba vị Long hầu đến để thay trị hai dải Thao, Đà, phân ở các vực cửa nguồn đầu sông cửa khe, để trấn giặc nước. Một là Đạt Linh Long, hai là Mãn Linh Long, ba là Uyên Linh Long. Nay Thủy đình đã định ngày mùng 3 tháng Giêng lên quản nhậm ở hai sông. Còn Hải Công cho rời đổi về nhậm cửa sông Nhị hà, xứ Hải Dương. Còn ba vị Long hầu thì sông Thao, sông Đà khe nguồn hai phái hợp nhau, đầm vực cùng thông. Một ở Thọ Xuyên, địa hình rồng bay phượng múa, thủy thế vực nguồn chín khúc, cho ba Long hầu cùng đóng làm nơi chính. Còn ven sông Ngọc Tháp cho Đệ Tam Uyên Linh một mình trị nhậm. Đào Xá có kiểu đất rồng thiêng dâng nước, chim phượng ngậm châu, vực lớn đầm sâu, chiêng trống cờ hình, Đà Thao hợp phái, nghịch thuận cùng giao, cho Đạt, Mãn Long quan cùng phó nhậm để trấn giặc nước xâm nhập, ngự làm chính sở.

Vua phán xong rồi ba quan bái tạ Long đình. Long Quân lại giao phó cho Quốc Vương. Lại cho thủy quân hơn một nghìn viên theo ba Long quan cùng Quốc Vương mà đi. Quốc Vương nhận mệnh giao phó của Tiên Hoàng (tức là Lạc Long Quân), khấu tạ trở về. Bỗng tỉnh dậy, biết đó là mộng. Quốc Vương mời hoàng đệ Hải Công lại phán rằng:

–       Ta có mộng lạ.

Vương kể lại đầy đủ sự mộng cho Hải Công biết. Hải Công tâu rằng:

–       Trước đây đã có điềm trứng, từ đó bà Trang Hoa có thai. Nay nhà vua lại cũng có mộng như thế. Việc đã rõ vậy.

Hải Công từ tạ nhà vua, trở xe về nơi trị sở Hưng Hóa. Đến ngày mồng ba thì thấy mây mưa tối tăm, sấm sét ì ầm. Thấy có một đám mây tản che trên nóc nhà chính. Bà phu nhân bỗng thấy trong lòng chuyển động, réo như tiếng sấm. Phu nhân tinh thần hoảng hốt, hồn phách mê man, mơ màng như mộng. Quan Hải Công mời bà đồng Quế Hoa lại bảo rằng:

–       Nay phu nhân đến cữ đầy tháng mà chưa thấy bà Quế Hoa đến. Vì vậy mời lại để hầu múa.

Bà Quế Hoa vào hầu múa được một lúc, chợt thấy hơn trăm con rắn từ ngoài sông Thao đi thẳng vào chỗ cung, nằm chầu hai bên trái phải của phu nhân. Quan Hải Công biết là thủy binh đã đến, bèn lập đàn cầu đảo trời đất, làm lễ đức Lạc Long Quân Thủy Đế. Xong rồi đến đêm hôm ấy bỗng thấy hai người tướng mạo đường đường, đi thẳng vào sân đình bảo Ngài rằng:

–       Vâng lệnh Thủy quốc báo trước cho Ngài biết, ngày mai là lúc sinh ba vị Long quan, nên kíp sắm ba chiếc thuyền rồng, thả xuống ở sông Thao, để ở giữa sông, dừng thuyền ở trên mặt nước mà đợi long quan sinh ra.

Nói xong ra cửa mà biến đi. Đến ngày hôm sau Ngài cứ theo lời giang sứ bảo, dong xe đưa bà phu nhân. Khi đó phu nhân nằm mê man, đặt phu nhân xuống thuyền. Bà đồng Quế Hoa cùng hoa nương chầu theo múa hát vài trăm người, bơi ra đến giữa sông Thao thì neo nối ba thuyền ở đấy. Giữa trời mây mưa tối tăm, mặt nước sóng rờn vạn nhận. Giao long, rắn giải, cá lại chầu bốn mặt hàng trăm vạn. Trong thuyền thấy réo o o như tiếng sấm lớn.

Bấy giờ Quốc Vương cùng Hải Công và các quần thần đều ngự thuyền rồng ở tại Tam Tản (tức Vĩnh Lại, xứ Tam Giang) mà xem. Đương lúc ấy chợt thấy dưới đáy sông có ba tiếng sét lớn chuyển động trời đất. Bà phu nhân sinh ra một bọc có ba trứng, nở ra ba con rắn. Đột nhiên biến nên to lớn, dài hơn mười lăm trượng. Mặt rồng mình rắn, vây vảy năm vẻ, mũ hoa sặc sỡ. Rồi xuống sông rẽ nước mà đi. Mây theo mưa ruỗi, gió thổi sấm vang. Đi theo hai bên có giao long, rắn giải, cá lớn ngoài trăm ngàn dặm, nổi đầy mặt nước, đi theo hai bên bờ sông.

Bà đồng Quế Hoa cùng các hoa nương hầu hạ hai bên múa hát. Thuyền rồng theo sau. Ba ông Thủy quan thẳng đến ngự Quốc Vương, cúi đầu làm lễ. Quốc Vương lấy trong mộng mà đặt tên ba ông:

1. Đạt Công Long Vương.
2. Mãn Công Long Vương.
3. Uyên Công Long Vương.

Quốc Vương đặt tên xong rồi khiến đình thần sắm mười chiếc thuyền rồng đưa theo sau. Ba ông chia đường cứ giữa dòng sông mà lên. Một ông Quý Công, tức Uyên Công Long Vương, thẳng đến bờ sông Ngọc Tháp. Khoảnh ấy nhân dân địa phương cửa nhà tối tăm, mây mưa mờ mịt. Người đều sợ hãi náu núp. Đình thần bèn lên bờ sông dựng cờ giương lọng, truyền cho nhân dân làm lễ mừng. Thủy quan nằm trên án. Rắn hoa chầu hai bên. Nhân dân khiếp sợ không dám ngửa trông. Được một lúc lại xuống vo vo mà đi, trở về Đào Xá hội với hai ông. Đình thần bèn khiến dân Ngọc Tháp lập chính cung thờ phụng ông Quý Công.

Lại nói, còn hai ông thẳng đến Thượng Nông. Các quân binh rồng, rắn, cá, giải xuyên mở một đường nước thẳng vào đầm Đào Xá. Ông Quý Công tiếp theo đến hội đầm Đào Xá chỗ bàn đá. Rắn hoa, cá, giải, giao long nổi lên mặt nước chầu xung quanh (tức đá thần trước đền Đào Xá). Bấy giờ trời đất tối tăm, mưa gió ì ầm. Đình thần truyền làm lễ bái tạ (tức ngày mùng 3 tháng Giêng), thiết lập cung ở đấy.

Lại nói, đến trang Thọ Xuyên, Quốc Vương khiến đình thần cùng quan Hải Công đến đất ấy, lập cung đền phụng thờ. Đương lúc dân lập cung đền, ông Hải Công ngồi trước xem đấy. Bấy giờ mặt trời đã xế núi. Chợt thấy hai thuyền rồng đi từ đầm lớn thẳng đến bến Thọ Xuyên. Ba quan ở dưới thuyền đi lên, tướng mạo uy nghi, tinh thần lẫm liệt. Xe loan, kiệu phượng, binh sĩ hai hàng thẳng vào trước cung khấu đầu làm lễ. Đức Hải Công hỏi rằng:

–       Quý quan ở phương nào lại mà nhún mình quá lễ như vậy?

Ba quan tâu rằng:

–       Chúng tôi là con đức Hải quan vâng mệnh Thủy Đế Động Đình cho lên cai trị các xứ miền Dương đài để chống giặc nước xâm phá vào nơi để dân ở được yên, quốc mạch lâu dài. Nay chúng tôi phó nhậm đã yên các chốn, thân về lễ tạ ơn cha mẹ khó nhọc.

Đức Hải Công biết ba con mình là Long quan. Vậy báo ba quan rằng:

–          Dương đài, Thủy quốc đều một là mạch gốc từ nhà Hùng, dần chia ở các xứ, nhưng núi sông cũng là một con nhà cả. Nay trời đã cho xuống ở đời giúp dân, giúp nước, lại nhập đầu vào làm con ta. Thật là mừng lắm. Vả lại đức Tiên Hoàng (tức Lạc Long Quân Động Đình Thủy Đế) đã báo cho vua Quốc Vương giao cho ba quan lên Dương đình trị nhậm các xứ. Trước đây đã định, vậy nên truyền cho nhân dân (tức ở đất trang Thọ Xuyên) thiết lập cung đền để ba quan đến nhậm vị. Nay ba quan đã đến, cá nước một nhà gặp gỡ, cha con cùng hội họp tại đây. May lắm, may lắm. Mừng lắm, mừng lắm.

Ngay hôm đó (mồng mười tháng Giêng) truyềnnhân dân làm lễ bái tạ. Việc xong ba quan từ tạ quan Hải Công, xuống thuyền tự nhiên chìm biến.

Lại nói, khi ấy quan Hải Công cùng các đình thần truyền cho nhân dân lập cung đền các chốn đã xong (tức là ba nơi chính Thọ Xuyên, Ngọc Tháp, Đào Xá), chia các quan (tức là ba Long quan) đến nhậm. Các dân đều phụng thờ đấy. Việc xong lại khiến quan Hải Công (tức chính là Hải Vân Long Vương, con của Lạc Long Quân Động Đình Thủy Đế. Trong số 50 người của thủy bộ, Hải Công là ở thứ 19, sinh được các vị Long Đạt, Long Mãn, Long Uyên. Ba vị đều cũng là các long vương vậy. Còn Hải Công là thánh phụ, cũng đều là một dòng phái nhà họ Hùng) rời về xứ Hải Dương nhậm lỵ nguồn vực sông Nhị. Đức Hải Công vâng mệnh về phó nhậm sông Nhị.

Một hôm (ngày 10 tháng 2) bà Trang Hoa phu nhân dong thuyền dạo chơi ở đầu sông (tức là chỗ sông Nhị và sông Thao giáp nhau). Ngài ra tắm rửa ở đấy, thấy thuyền rồng nổi mặt nước. Lại nghe trong thuyền có tiếng người gọi rằng:

–       Ba con lên đón mẹ hôm nay về Thủy quốc.

Tự nhiên thấy bà phu nhân vội vã xuống thuyền, tự chìm hóa đi. Sau ở đất ấy dựng đền thờ (về sau đức Hải Công cùng bách thần hóa ở điện Nghĩa Lĩnh. Trăm vương đều cùng hóa ngày ấy).

Lại nói đến lúc bà đồng Quế Hoa vào chầu múa hát. Một hôm bà Quế Hoa đang ở trong đền múa chầu. Khi đó bà Quế Hoa cùng các trinh đồng năm sáu người theo hầu, ra chơi bến nước trước đền rửa mặt. Bỗng gieo xuống nước chìm đi. Hôm đó (tức ngày mùng 3 tháng Giêng, cùng ngày sinh nhật ba quan). Nhân dân hô hoán, lại khiến người lội xuống nước đều không thấy hình tích gì.

Được trăm ngày sau nhân dân đều sinh tật bệnh không yên. Khi ấy rắn đến có hàng trăm, nằm đầy trong đền, thường gặp người dân thì xua đuổi. Hôm đó (ngày mồng mười tháng hai) nhân dân địa phương lập đàn cầu đảo. Vào buổi chiều tà, bỗng thấy ở đầm lớn trước đền nước dồn sóng rợn, bão lớn tứ tung. Giao long, rắn, cá, giải nổi đầy mặt nước, tất cả đều quay chầu vào nơi tiền tế của đền. Chợt thấy nước rẽ nổi lên hai chiếc thuyền rồng, thẳng đến cung đền. Lại thấy ba quan lên đi trước, đi sau là kiệu phượng của bà Quế Hoa. Nam binh, nữ tốt ngoài nghìn người đường đường vào ngồi trong cung đền. Nhân dân được gọi đến. Ba vị quan cùng nói rằng:

–          Chúng ta cùng vâng mệnh Thủy đế, quyền cai Dương đình. Hoàng thiên đã định nhậm ở hình đất tứ linh Thọ Xuyên, ở phiến đá hình rùa lập làm chính cung. Còn địa hình Đào Xá có hai rồng quấn thủy, lập làm chính sở. Cảnh thiêng địa tạo mà thành tứ linh Long Ly Quy Phượng. Các Thủy quan đến nhậm để quản các linh vật, để bảo hộ phong tục nhân dân được thịnh vượng. Nay có bà Quế Hoa, có công với phu nhân trước, cũng có công lao với Thủy đình, được vào trong đền nhậm sở truy phối thờ cùng với chúng ta, nhưng lại chưa có nơi ở riêng. Bởi thế nên trách đến dân các người vậy.

Nói xong xuống thuyền tự chìm biến đi. Dân cả sợ. Ngày đó (ngày 15 tháng 2) lập nơi thờ bà Quế Hoa ở bên phải đền, rồi làm lễ tạ. Từ ấy dân làng được yên, nhân vật thịnh vượng. Thời thường khi nước cầu, dân cầu có nhiều khi linh ứng, biến hiện ra vào khôn lường. Cung thờ hương đèn không ngớt. Giữ nước giúp dân có nhiều ơn vậy.

Lại nói, triều Kinh 18 nhánh truyền đến vua Duệ Vương ở ngôi. Than ôi, vận nước đến lúc cáo chung, cơ đồ họ Hùng vào cuối. Duệ Vương tuy sinh nhiều hoàng tửu (20 hoàng tử), nhưng đều theo nhau về chốn tiên hương, không có người kế vị. Sau lại sinh hai con gái, một là Tiên Dung, hai là Ngọc Nương. Một gả cho Chử Đồng Tử, một gả cho Tản Viên Sơn Tinh.

Khi ấy Thục Vương nghe tin Duệ Vương không có người kế vị, muốn truyền ngôi cho con rể là đức Tản Viên, bèn đem quân sang nước Nam đánh Duệ Vương để lấy nước. Vua Duệ Vương khiến các quan đến các nơi thờ bách thần (bách thần là từ trăm trứng Hùng Vương vậy) cầu đảo âm giúp quân sĩ theo đức Tản Viên đánh giặc cho được thành công. Nếu ngày sau được thanh bình thì sẽ bao phong mỹ tự.

Một hôm quan sứ đến tế lễ ở đền Tam Công tại Đào Xá. Đương khi làm lễ chợt thấy có ba con rắn lớn dài hơn mười trượng, mũ hoa rực rỡ, theo cùng hàng ngàn rắn nhỏ, vảy giáp năm sắc, từ dưới nước lên đi thẳng vào đền. Sứ quan cùng dân đều khiếp sợ. Tự nhiên trời đất mù mịt, mưa gió nổi lên. Tế lễ xong tự nhiên mây tan gió tạnh, trời đất quang đãng. Các vật tự biến đi.

Sứ quan trở về tâu vua. Vua phán rằng:

–       Dẫu sơn thủy bách thần đều là dòng phái nhà Hùng từ Tiên Hoàng, nay nước có biến, không lẽ điềm nhiên mà không phù giúp. Tất phải có hiển ứng linh thiêng. Việc ấy quả nhiên là ta thắng vậy.

Lập tức hôm đó vua khiến Tản Viên Sơn Thánh đem mười vạn quân mạnh chia đường thủy bộ cùng tiến đến thẳng chỗ quân Thục, đánh lớn một trận. Mây gió hợp sức, trời đất tối tăm, ầm ầm bốn hướng. Quân Thục (tức là Ai Lao vậy) bị phá tan, bắt sống tướng Thục cùng hàng trăm quân, còn lại đuổi hết về nước. Giặc được dẹp yên, vua mở hội yến lớn, rồi bao phong mĩ tự cho bách thần, hưởng hương lửa không ngừng. Phong:

–          Đệ Nhất Long Vương Uyên tĩnh Quảng thánh Đại vương.

–          Đệ Nhị Long Vương Dực vận Đại vương.

–          Đệ Tam Long Vương Hải lâm sơn Đại vương.

Xã Đào Xá phụng thờ đấy.

Lại nói, cơ đồ họ Hùng đã hết, còn truyền lại các hậu duệ đời sau. Đến đời vua Nhân Tông nhà Lý có quan Chiêu thảo sứ nhà Tống là Quách Quỳ và Triệu Qua hợp cùng với nước Chiêm Thành và Chân Lạp đem quân mạnh sang lấn nước ta. Vua nhà Lý sai ông Lý Thường Kiệt đem quân đến chống giặc Tống.

Một hôm ông Lý Thường Kiệt tiến quân đi đến xã Đào Xá, định vào đóng quân ở đền Tam Công. Một đêm, khi đi tới cửa đền, chợt thấy hai ông Rắn nằm giữa cửa đền. Quân lính đi trước đến nơi thấy các ông rắn thì không dám vào. Trung quân của Lý Thường Kiệt tiến đến thấy vậy bèn bảo ông rắn rằng:

–          Nay ta vâng mệnh vua đem quân đi dẹp trừ giặc Tống. Bây giờ (tức ngày mùng 10 tháng 7) tiến quân đến đền. Nếu trời đất cho ta mệnh dẹp yên được giặc ấy, quan Xà tướng giữ cửa nên tránh đi cho quân ta vào đến trú ngụ.

Nói xong thì quan Xà lui vào trong đền biến mất. Ông Lý Kiệt đem quân vào đóng trong đền. Hôm đó (ngày 10 tháng 7) nhân dân làm lễ bái mừng. Ông Thường Kiệt hỏi nhân dân rằng:

–       Ở đây dân các người thờ vị thần nào?

Dân thưa rằng:

–       Thờ ba vị Thủy thần, vốn dòng dõi vua Hùng Lạc Quân, từ xưa đến nay dân đều phụng thờ nơi đây là đền chính.

Ông bèn làm lễ khấn:

–          Xin âm phù giúp nước dẹp giặc thành công. Đến ngày sau thanh bình xin tâu vua gia phong mỹ tự Thượng đẳng Phúc thần, hưởng cúng tế vạn đời.

Khấn xong đến khoảng nửa đêm ông Thường Kiệt nằm ở ngoài cung đền, chợt thấy một trận mưa gió từ Tây Bắc thẳng đến trước nơi cửa đền. Ông trông ra ngoài đầm thấy hai chiếc thuyền rồng và hơn trăm người hò reo bơi thuyền thẳng đến trước đền. Ông tưởng rằng quân nhà Tống lại đánh mình. Ông bèn sai đánh chiêng trống dàn quân ra chống cự. Hỏi là thuyền nào, thì nghe trong thuyền có tiếng người nói rằng:

–       Thủy quan đến nơi đền để cùng ông dẫn quân đánh dẹp giặc Tống. Xin đừng ngại.

Nói xong thấy ba tướng đường đường lên bờ đi thẳng vào đền. Quân sĩ đứng chầu hai bên thành hai hàng. Nhân dân đều trông thấy cả. Ông Thường bèn truyền lệnh quân sĩ cùng nhân dân mổ trâu bò, làm rượu ngon, cỗ sòng để dâng lễ mừng Thủy quan.

Lúc ấy ông Lý Thường Kiệt thưa rằng:

–          Nay nhà nước có giặc Tống sang lấn, gây sự binh đao. Tôi vâng mệnh nước nhà đem quân đi dẹp Tống. Hôm nay may gặp thấy được dung nhan ba vị Thủy quan. Xin thần ra sức giúp cho vận nước nhà, âm phù tôi cất quân đánh giặc được thành công, là trông ơn đức ba vị đó.

Ông Lý Kiệt nói xong, vị chính quan không nói gì. Vị hữu quan không nói gì. Chỉ có vị tả quan đọc bài thơ rằng:

Nam thiên dĩ định đế Nam quân
Đại đức giai do đức nhật tân
Thất quận sơn hà đô nhất thống
Tống binh bất miễn tán như vân.

Dịch là:

Trời Nam đã định vua nước Nam
Đức lớn đều do đức mới thêm
Non sông bảy quận cùng thống nhất
Tan sạch như mây ắt Tống quân.

Đọc xong hò reo ba tiếng, xuống thuyền theo dòng nước biến đi. Đến sáng ngày làm lễ tạ. Đến ngày 13 ông Lý Thường Kiệt lại làm lễ mật đảo, tiến quân thẳng về đến sông Như Nguyệt, đón đánh quân Tống. Ngày hôm đó lại gặp đại binh của quân nhà Tống đang theo dòng sông Nguyệt thủy bộ cùng tiến. Ông Lý Thường Kiệt đánh lớn cùng tướng Tống là Quách Quỳ tại cửa sông Như Nguyệt. Bỗng thấy một trận gió cuốn, trời đất tối tăm, dưới sông sóng rợn muôn trùng. Hơn nghìn con rắn nổi chật sông. Thuyền chiến của thủy đạo quân Tống lật đắm hết cả. Quân Tống khiếp sợ, chạy tan tác, chém hơn ngàn người. Quân nhà Tống đều nhảy xuống đầy sông, nước không chảy được.

Ông Thường Kiệt dẹp yên giặc rồi, ngày khải hoàn trở về làm biểu tâu vua. Vua thấy có nhiều linh ứng bèn phong thêm là Thượng đẳng Phúc thần. Xuân thu hai kỳ sai quan đến tế, cho dân làm nơi phụng thờ. Vua Lý Nhân Tôn phong thêm mỹ tự là:

–          Phong Đệ Nhất Long Vương Uyên tĩnh Quảng thánh Bác trạch Đại vương.

–          Phong Đệ Nhị Long Vương Dực vận Linh ứng Phổ đức Đại vương.

–          Phong Đệ Tam Long vương Hải lâm sơn Tế thế Đại vương.

Lại nói, đến thời nhà Trần vua Nghệ Tông ở ngôi, có kẻ gian thần là người Dương Nhật Lễ làm loạn cướp ngôi vua. Ông Cung Định Vương (húy là Ngung) tránh nạn chạy lên phủ Đà Giang. Tháng Chạp mùa đông vua cùng bà hoàng hậu và bà công chúa thứ hai là Phương Dung, mới mười 18 tuổi, nhan sắc dịu dàng tựa người khách cung trăng, hình dung nghiêm cẩn giống người vườn Lãng Uyển, không phải người thường chốn trần gian. Khoảng ấy vua cùng hoàng hậu và công chúa ngự xe dạo xem phong cảnh, nhân dân, ngắm địa thế non sông. Một hôm vua đi đến xã Đào Xá, nhân dân lập hành cung ở đó. Vua dừng xe ngự chơi ở đất đấy (hành cung chính ở đất phía Nam của trang). Ngày ấy (ngày 15 tháng Chạp) nhân dân làm lễ bái mừng. Vua thấy nhân dân thuần hậu, non nước phong cảnh hữu tình, ngày ngày nhà chơi nơi đồng ruộng, vui với phong cảnh. Vua ngự chơi ở đất đấy (tức trang phía Nam của xã Đào Xá) năm, sáu tháng. Đến mùa xuân ngày mồng ba tháng Giêng, dân địa phương có lệ làm lễ sinh thời Tam Công, mở hội làm vui, đánh cờ múa hát. Nhân dân đón vua Nghệ Tôn (tức là Cung Định Vương) cùng hoàng hậu và công chúa ngự xe vào đền xem ca hát.

Lúc ấy khi vua đang ngồi xem. Trời sắp tối, chợt thấy gió mưa kéo đến, trên mặt nước trước đền mây nổi năm sắc. Trong đầm sóng vỗ, giao long, cá giải, rắn hoa đến chầu cả trước nơi đền. Đương lúc vua xem hội, công chúa chầu bên cạnh. Bỗng thấy một gói khăn hồng tự trên không rơi vào trong lòng công chúa. Công chúa hoảng sợ, cầm khăn mở xem, thấy trong khăn có trăm miếng trầu cau vàng và một bức thư. Công chúa sợ hãi, tâu với vua. Vua sai thị thần mở thư ra xem. Trong thư rằng:

Long hầu Thuỷ quốc ký nhất thư vân.
Thục nữ tuy Dương đình vương nữ,
Quân tử giai Thuỷ quốc nam quân,
Nhất tâm thúc ước. Lưỡng quốc tương thân,
Hảo thuật dĩ xứng. Nguyện kết hôn nhân.

Dịch là:

Long hầu Thủy quốc gửi bức thư đây
Thục nữ tuy con gái vua Dương đình,
Quân tử cũng là con trai vua Thủy quốc.
Một lòng kết ước, hai nước cùng thân.
Tốt đôi đã xứng, xin kết hôn nhân.

Vua thấy thị thần đọc xong, cười mà bảo rằng:

–          Ta có ngọc Lam Điền, kén rể tài lương. Nay Thủy đế yêu thương, ta bằng lòng gả. Nhưng tuy Dương đình, Thủy quốc phong thủy không cùng, song lễ nghi cùng giống. Nay chỉ thấy trầu cau, thư đến, lại chưa biết mặt rể hiền. Ta mong được một lần gặp mặt.

Vua nói xong, chợt thấy đám mây trắng ở giữa đầm sâu nổi lên mặt nước, thẳng đến trước mặt vua. Âm u mù mịt một phút rồi tan. Bèn thấy một người con gái tuổi ngoài hai mươi, áo vóc khăn hồng rất là đẹp đẽ, đứng trước sân bên phải. Gái trinh trẻ tuổi hơn mười người, bưng một con trâu bạc ở trước. Bên trái có một tướng con trai, mũ rồng áo giáp rực rỡ, đứng sau hơn mười người trai gái, bưng một trâu vàng đến đặt đôi bên trước sân. Hai người tâu rằng:

–          Một gọi là là Sùng Chu tì tướng. Một gọi là Quế Hoa vu nữ. Nay vâng mệnh Tả Long quan Thủy quốc khiến chúng tôi hiến lễ hai con trâu để cầu hôn con gái vua.

Hai người dập đầu làm lễ trước vua, rồi biến đi. Vua thấy hai con trâu vàng, bạc để trước nơi vua ngự. Lòng vua nghĩ thầm rằng:

–       Duyên trời đã thế. Dương gian Thủy quốc khác gì. Cháu chúa con vua cũng xứng đáng. Là thiên tử không lẽ nói đùa mà không nhận sính lễ. Vua sai các đình thần làm lễ cầu đảo, ngầm chúc rằng:

–       Xin âm phù cho vận nước lại được thanh bình. Gian thần Nhật Lễ cướp ngôi. Vua phải lánh nạn. Nay muốn đem quân về phục quốc, đón vua về kinh đô, dẹp gian thần Nhật Lễ. Xin âm phù cho ngôi vua được vạn toàn. Đến khi giành lại ngôi vua ắt có gia phong, thưởng hậu và gả con gái cho.

Khấn xong vua bèn trở xe về cung (tức Đáo Xá Nam cung). Chợt thấy có sứ của ông Cung Tuyên Vương (tức em vua Nghệ Tông) cùng công chúa Thiên Ninh lại báo tin, xin rước vua về kinh để trừ Nhật Lễ, không nên bỏ nước cho người. Vua bèn xuống thuyền rồng cùng quân sĩ trở về. Vua đến bến sông, chợt thấy dưới nước có tiếng đọc trong trẻo rằng:

Người sang Dương đình
Người xuống dưới nước.
Đấy sang đây quý
Ta rước nhau đi.
Thiên binh Thủy quốc
Nghênh đế hồi quy.
Nhật Lễ tự tán
Đế vị thùy y.

Đọc xong thấy công chúa Phương Dung tự nhiên ngả mình xuống nước mà chìm đi. Bỗng nhiên mưa gió như bay. Thuyền đi vùn vụt. Lòng vua nghĩ thầm, việc đã định trước, không thay đổi được, đành yên lòng vậy.

Vua còn về Ái Châu (tức Thanh Hóa). Công chúa độ bảy tám tháng mà chưa trở về thành. Một hôm vua nằm ngủ bỗng thấy một người tướng mạo đường đường, cưỡi con ngựa trắng, đằng sau là công chúa Phương Dung đi kiệu phượng. Hai bên hầu hạ khoảng hơn nghìn quan lân, cá binh, thẳng đến trước vua, xuống ngựa khấu đầu làm lễ. Vua thấy Công chúa, hỏi rằng:

–       Người ấy là rể hiền ta chăng?

Bà thưa:

–          Vốn là Tả quan Thủy quốc, kết với con gái làm con rể vua. Nay xin vua quay về với việc nước, để chúng con âm phù giúp nước. Xin vua chớ vì lo lắng trong lòng mà bỏ cơ nghiệp to lớn của nước nhà.

Nói chưa xong, vua bèn tỉnh dậy mới biết là mộng, nghĩ thầm rằng là Thủy quan báo đến lúc trở về nước để âm phù giúp, không gặp hoạn nạn gì. Lúc ấy (tức ngày 12 tháng 11) vua bèn đem quân sĩ trở về kinh thành. Quần thần phù giá đón vua. Nhật Lễ nghe tin vua về, tự nhiên lòng hoảng sợ, rời bỏ ngai vị ra hàng chịu tội. Vua bèn phế giết Nhật Lễ, rồi lên ngôi Hoàng đế, cải hiệu đại xá, xưng làm Nghĩa Hoàng Thuần Hiếu Hoàng đế. Quần thần mở tiệc yến lớn. Từ ấy, vua tôi hợp đức, thiên hạ thái bình. Phong thêm mĩ tự cho bách thần.

Khi ấy (ngày 10 tháng 12) vua khiến sứ thần ban sắc chỉ về đền xã Đào Xá, lại truyền Nam trang là nơi vua từng ngự lập đền thờ bà vương nữ. Bèn gia phong là Phương Dung Vương nữ Công chúa. Đào Xá phụng thờ (tức là đền ngoại thôn bây giờ). Phong:

–          Đệ Nhị Long Vương Phụ mã Dực vận Phu quốc Hiển linh Đô thống Phổ đức Hoành vĩ Đại vương.

–          Đệ Nhất Long Vương Uyên tĩnh Quảng thánh Vệ hiển Uy linh Bác trạch Uyên trừng Bác đạt Đại vương.

–          Đệ Tam Long Vương Hải lâm sơn Tế thế Dụ trạch Đàm ân Đôn mẫn Linh uyên Đại vương.

Chính đền ở Đào Xá phụng thờ. Xã Đào Xá là nơi sở tại, xuân thu nhị kỳ ban thêm việc quốc tế. Còn như Thọ Xuyên, Ngọc Tháp đều có đền chính sở tại, còn di tích để bộ sau, cùng với hành cung hai bờ sông phụng thờ. Còn có sự tích riêng. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Tiền Lê, Hậu Lê, Tiền Lý, Hậu Lý nhiều khi linh ứng, hộ quốc cứu dân cho nên các đời đế vương truy phong Thượng đẳng Phúc thần, nghìn năm hương hỏa, hưởng phúc lâu dài, mãi cùng đất nước. Tốt thay, thịnh thay.

Còn như sinh hóa, hiển ứng cùng các ngày lệ, chữ húy, sắc mặc, vâng kê ở sau:

–          Ngày sinh thần ngày mồng 3 tháng Giêng. Lễ chính 5 mâm cỗ chay, bánh lênh lang, bỏng, chín cây hoa bông, một đôi trâu vàng, bạc làm bằng xôi, ngoài bọc giấy vàng, giấy bạc. Từ mồng 1 đến mùng 3 tuyển bà đồng, xin âm dương bên chỗ bà Quế Hoa ứng nhập, được thì dân cử người đến mời vào đền chầu múa bông, cùng hiến lễ xuân ngưu. Trứng 3 quả dùng sống đựng trong mâm rồng. Có nước 3 cỗ sòng. 2 bình rượu ngọt, 2 cần sậy. Mổ trâu, ca hát, đánh cờ các thứ.

–          Ngày 27, 28, 29 tháng Giêng là ngày khánh hạ đức Thánh phụ, Thánh mẫu và Tam vị Đại vương. Chính lệ lễ nghi cá chép con kho chín bày toàn thân, bày làm 3 cỗ, tiến thượng ban, trâu bàn 3 cỗ, bánh lênh lang 3 mâm. Cỗ sòng rượu ngọt, cần trúc. Trứng 3 quả dùng sống để trong mâm rồng tích thủy. Ca múa các thứ.

–          Tháng Bảy từ ngày mùng 10 đến ngày 15 là lệ hiển thần phù giúp vua nhà Lý đánh giặc Tống. Lễ vật như 28 tháng Giêng, duy không có cá chép, lại có bơi chải mở hội trong ba ngày. Xin âm dương được mới thôi.

–          Ngày 10 tháng 2 là chính lệ lập đền thờ thần hiệu bà Quế Hoa. Ba mâm cỗ chay, xôi rượu thịt lợn. Ca hát một đêm.

–          Ngày trùng ngũ mùng 5 tháng 5 là lệ Khánh hạ. Năm mâm cỗ chay. Thịt lợn, rượu, ca hát một đêm.

–          Ngày trùng cửu mùng 9 tháng 9 là ngày lệ Khánh hạ. Ba mâm cỗ chay, thịt trâu, thịt lợn, rượu, trứng gà. Ca hát một đêm.

–          Ngày 10 tháng 12 là lệ mừng vua nhà Trần phong sắc. Năm mâm cỗ chay, thịt gà, thịt lợn, xôi, rượu. Ca hát một đêm.

–          Ngày 15 tháng 12 là lệ đức Thánh mẫu hóa. Năm mâm cỗ chay, thịt lợn, rượu các thứ.

–          Ngày 12 tháng 3 là lệ mừng vua nhà Lý phong sắc và ngày đức Thánh phụ hóa. Cỗ chay, thịt lợn, rượu các thứ.

Chữ húy nhất thiết cấm là 10 chữ Hải, Vân, Hoa, Phương, Dung, Đạt, Mãn, Linh, Uyên, Quế. Sắc phục màu đen và tím nhất định cấm. 

Vào tháng Giêng từ ngày mùng 1 đến mùng 3 chọn bà đồng đến chầu múa, hoa bông, lại chọn những người con trai trong làng mà có còn đầy đủ cha mẹ cùng với bà đồng dâng hiến cỗ trâu vàng, trâu bạc cùng thịt lợn và mâm trứng. Các bánh mâm chay cùng với bánh lênh lang trong các tiết đều đặt ở trên ban trên của nơi chính sở, cùng với hai bên là ba mâm cỗ sòng. Cỗ trâu, thịt lợn, rượu ngọt, rượu cần đặt ở ban dưới hai bên khi làm lễ.

Ngày lệ mùng 10 tháng Bảy bơi thuyền đến ngày 15 thì dừng. Trong lễ tế này không có trâu vàng, trâu bạc cùng hoa bông. Chỉ có cỗ sòng, rượu ngọt, rượu cần, trứng gà như lễ vật trước. Lại có một lễ cơm gà đặt ở ngoài nơi thuyền rồng, cầu đảo Tam vị Đại vương cùng với ông Sùng Thống quản Thủy quân Thị vệ Đốc trấn Long quan Đại tướng quân. Trong lễ này dùng xôi gà cùng với ba đấu gạo sống đặt trên ban bảo hộ, khấn được âm dương thì hạ thuyền xuống để bơi.

Vào ngày lệ mùng 1 tháng Giêng cùng với lệ tháng Bảy trước đó phải dọn dẹp đường thủy từ Thượng Hạ Nông về cho đến đền làm lễ đón thánh vị tắm rửa ở gò đất giữa đầm lớn.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ 2 (1573) ngày 17 tháng 6, thần, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng chép.

Vâng sao bản chính bởi lý trưởng Hà Văn Thành.

Leave a comment