Huyền sử Việt so với Bách Việt triệu tổ cổ lục 

Những ghi chép của tộc phả họ Nguyễn tại tổng Xốm Bình Đà về thời kỳ dựng nước của dân tộc ta khi đọc lên nghe rất kỳ dị, hoàn toàn không giống với những nhân vật trong huyền sử Việt (Truyện Họ Hồng Bàng). Điều này đã dẫn đến không ít những tranh cãi về tính chân thực của dòng sử “độc” truyền này. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Sử thuyết Hùng Việt, những câu chuyện của Bách Việt triệu tổ cổ lục, rồi Cổ Lôi ngọc phả truyền thư, đều có thể được lý giải một cách ăn khớp, chính xác với cổ sử Việt.

Tóm tắt các nhân vật theo Bách Việt triệu tổ cổ lục ở tổng Xốm Bình Đà như sau:

Thời kỳ Cực Lạc chia thành 9 họ gọi là Cửu tộc. Thời này có hai vị thủ lĩnh là ông Tứ Tượng và bà Nữ Oa. Ông Tứ Tượng là người nghĩ ra 4 quẻ đơn (Thiếu âm, Thái âm, Thiếu dương, Thái dương), còn có tên là Phục Hy, Đế Hòa hay hy Hòa, Đế Thiên Đế Thích. Sau ông bỏ lên động Tây Thiên đi tu một thời gian với Phật hiệu là A di đà. Bà Nữ Oa còn được gọi là Địa Mẫu. Thời kỳ này còn gọi là Việt Thường.

Tiếp theo là thời Viêm Bang, từ 9 họ ban đầu chia thành 72 họ. Người đứng đầu là Đế Viêm, sau gọi là Thần Nông. Có Hiên Viên ở phương Bắc đến đánh. Hai vị Hữu Sào Toại Nhân giúp cho vua trẻ đánh giặc. Vị vua trẻ đó lên ngôi là vị Thần Nông cuối cùng tên Đế Khôi. Họ Thần Nông chuyển đến đất Tiên La ở vùng đồng bằng. Người đầu tiên là Đế Tiết đóng đô ở Tiên La. Đế Thừa là em, kế ngôi. Đế Thừa còn gọi là Sở Minh Công, đi chinh phục thêm các vùng đất mới.

Đế Thừa sinh ba người con trai là Nguyễn Minh Khiết, Nguyễn Nghi NhânNguyễn Long Cảnh. Nguyễn Minh Khiết, Nguyễn Nghi Nhân là 2 anh em sinh đôi, thời trẻ đi đánh cá ở hồ Dâm Đàm, cùng đem lòng yêu thương bà Đỗ Thị Ngoan, người ở Nghi Tàm,là con gái của vị chúa hồ họ Đỗ (Long Đỗ).

Ông Nguyễn Minh Khiết vì nghi ngờ bà Đỗ Thị Ngoan có tư tình với em trai nên bỏ vợ, đi lấy một bà khác ở Khương Đình, nên còn gọi là Thái Khương Công. Bà Đỗ Thị Ngoạn mắc oan, vào động Tiên Phi xuống tóc đi tu. Đời sau gọi là Hương Vân cái bồ tát, Sa bà giáo chủ, Đức Phật Thích ca, mở đầu đạo Sa Môn. Người Mường thì suy tôn bà là Sơn trại chúa Mường.

Ông Nguyễn Nghi Nhân bị nghi ngờ nên phẫn chí đi đến vùng hồ Động Đình, lập ra nước Sở. Đời sau gọi là Đế Nghi.

Ông Nguyễn Minh Khiết kế ngôi Đế Thừa gọi là Đế Minh, đóng ở Phong Châu. Ông Nguyễn Long Cảnh là vua nước Đại Lý nên còn gọi là Lý Long Cảnh, cũng gọi là Nguyễn Nỏ.

Nguyễn Quảng là con trai Đế Minh và bà Đỗ Thị Ngoan trưởng thành, ở vùng Tử Di sơn có giặc Ma Mạc nổi dậy. Nguyễn Quảng cùng với người chú thứ ba là Nguyễn Long Cảnh và 8 người cậu họ Đỗ (Đỗ Xương, Đỗ Triệu, Đỗ Hiệu, Đỗ Cường, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng, còn gọi là Bát bộ Kim cương) cầm quân đi đánh giặc. Nguyễn Quảng ở hồ Động Đình gặp gỡ hẹn ước với bà Hồng Đăng Ngàn. Sau khi dẹp giặc xong, Nguyễn Quảng trở về cưới bà Hồng Đăng Ngàn, rồi ở lại cai quản vùng này. Đời sau gọi là Kinh Dương Vương Lộc Tục.

Đến khi Đế Minh qua đời 15 bộ trong nước họp lại, cử người đi đón Kinh Dương Vương trở về kế ngôi, đặt tên nước là Xích Quỷ. Khi về nước bà Hồng Đăng Ngàn cùng chồng mang theo nghề trồng dâu chăn tằm, dệt the lụa sồi đũi, sau được tôn là Bà chúa Lĩnh hay Xích Hậu. Kinh Dương Vương đẩy nhanh việc khai phá đồng bằng, ổn định đời sống nhân dân, đưa các cung cách ứng xử vào nề nếp, quy củ. Sau khi vua hóa được dân chúng suy tôn là Ngọc Hoàng Thượng đế.

Kinh Dương Vương sinh được 5 người con trai, trong đó 1 vị chẳng may lâm bệnh mất sớm. 4 vị còn lại là Nguyễn Nghiêm tự là Pháp Phong, Nguyễn Quyền tự là Pháp Vân, Nguyễn Lãm tự là Pháp Lôi, Nguyễn Huề tự là Pháp Điện (có chỗ ghi là Sùng Nghiêm, Sùng Quyền, Sùng Lãm, Sùng Huề)

Trong đó có người thứ tư là Nguyễn (Hùng) Lãm có nhiều tài trí nhất, sau kế ngôi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, là cháu nội của Đế Nghi, con gái Đế Lai, khi cùng vua cha trở về thăm lại nước cũ. Đế Lai có tên là Nguyễn Như Lai. Bà Âu Cơ sau gọi là Mẫu Thoải.

Từ Lạc Long Quân kế đến thời 100 vua Hùng, 18 đời thống nhất được Bách Việt. Lạc Long Quân đổi tên nước là Văn Lang, chia nước là 15 bộ, chia dân thành trăm họ gọi Bách Việt. Con trưởng Hùng Lãm nối ngôi làm Hùng Quốc Vương. 50 vị được thờ là Thủy thần, lấy tên các con vật sinh sống dưới nước để chỉ, xưng là Vương. 50 vị được thờ là Sơn thần (tức lấy các con vật sinh sống trên cạn để chỉ), xưng là Quân.

Để giải thích được những thông tin trong Bách Việt triệu tổ cổ lục trước hết cần gạt bỏ đi sự “ám ảnh” bởi những cái tên, những danh xưng trong huyền sử. Cần nhìn nhận rằng sử Việt thời lập quốc không phải chỉ có 1 vị Kinh Dương Vương hay 1 vị Lạc Long Quân. Tất cả đây là những danh xưng, tên hiệu, nên hoàn toàn có thể là bố của Kinh Dương Vương cũng tên là Kinh Dương Vương, hay con của Lạc Long Quân cũng được gọi là Lạc Long Quân. Như thế thì cùng một tên gọi trong dòng sử ở tổng Xốm và trong huyền sử Việt không nhất thiết chỉ cùng 1 người, mà có thể chỉ những thế hệ nối tiếp nhau, mang đặc trưng của dòng tộc đó mà thôi.

Điều thứ hai cần phải gạt bỏ là việc gán những địa danh cổ sử vào những địa điểm “di tích” lăng mộ, núi sông, bến bãi… được kể tới, bởi vì những địa danh này thực chất cũng là những tên hiệu tượng trưng, chứ không hẳn là tên riêng. Với 2 cách hiểu như vậy mới có thể thoát khỏi “ma trận” của cổ sử do tiền nhân các đời, các dòng tộc trước đây dựng lên và lưu truyền.

Đầu tiên, hai vị thủ lĩnh thời “Cực Lạc”, tức là thời Thần thoại, được Bách Việt triệu tổ cổ lục nhắc đến là ông Tứ Tượng và bà Nữ Oa. Điều này cũng trùng với huyền sử Việt rằng Phục Hy và Nữ Oa là những người đã sáng tạo ra trời đất, được tôn là ông Đùng bà Đà hay Cha Trời Mẹ Đất.

Tiếp theo, sự kiện Đế Khôi, vị vua cuối của dòng Thần Nông đánh nhau với Hiên Viên, được Hữu Sào và Toại Nhân giúp đỡ, sẽ tương ứng với sự kiện trong huyền sử Việt là Đế Minh được bà Vụ Tiên (Tây Thiên) giúp đỡ đánh giặc lập quốc. Đế Minh là cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông, hay là vị Viêm Đế cuối cùng của họ Thần Nông.

Nối tiếp, Đế Khôi có 2 người con là anh em Đế Tiết và Đế Thừa. Điều này tương ứng trong huyền sử Việt là Đế Minh có 2 người con là Đế Nghi và Lộc Tục. 3 vị thủ lĩnh đầu tiên thời Viêm Bang được thờ tại đền Hùng Nghĩa Lĩnh với tên Đột Ngột Cao Sơn (Đế Minh), Viễn Sơn (Đế Nghi) và Ất Sơn (Lộc Tục). Thời kỳ này đóng đô ở Tiên – La, tức là cặp Nam – Bắc hay Hồng – Lạc, chỉ 2 vùng đất lập quốc thời Tam Sơn Hùng Vương Thánh Tổ.

Đế Thừa có tên là Sở Minh Công. Chữ Sở – sủy – thủy cũng là nước – nác – Lạc, chỉ hướng Nam xưa (Bắc nay), nên tương ứng với Ất Sơn Lộc Tục (Lạc tộc), người làm vua phương Nam.

Đế Thừa có 3 người con là Nghi Nhân, Minh Khiết và Long Cảnh. Ông Minh Khiết lấy bà Đỗ Thị Ngoan, là con của cụ Long Đỗ ở hồ Dâm Đàm. Sau đó do mâu thuẫn với ông Nghi Nhân nên ông Minh Khiết đã phế bà Đỗ Thị Ngoan… 

Thần Long Đỗ thủy phủ hồ Dâm Đàm là vị thần chủ phương Đông, được gọi là Thủy phủ Phù Tang Cam Lâm Đại Đế, hay có chỗ là Phục Hy. Huyền sử Việt gọi vị này là Động Đình Đế Quân. Người con gái của Động Đình Đế Quân là Thần Long, Xích Lân Long Nữ, người đã lấy Kinh Dương Vương.

Như thế chuyện ông Minh Khiết ruồng bỏ bà Đỗ Thị Ngoan trong Bách Việt triệu tổ cổ lục tương ứng với chuyện Liễu Nghị và Xích Lân Long Nữ. Ông Minh Khiết do đó tương ứng với Liễu Nghị – Kinh Dương Vương trong huyền sử Việt. 

Kinh Dương Vương được thờ với tên Tản Viên Sơn Thánh. Do đó bộ ba Minh Khiết, Nghi Nhân và Long Cảnh tương đương với tam vị Tản Viên gồm Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Nguyễn Tuấn là chính dòng từ Đế Minh của huyền sử Việt nên trong Bách Việt triệu tổ cổ lục gọi ông là Minh Khiết. Nghi Nhân (Đế Nghi) sau đó bỏ đi về phía Bắc (nước Sở), tương ứng là dòng lên núi của Đế Nghi – Đế Lai, tức là Cao Sơn. Còn Long Cảnh thì chỉ rõ đây là dòng xuống biển (thủy bộ) với biểu tượng là rồng (Long). Trong tam vị Tản Viên thì Quý Minh tương ứng là dòng xuống biển, được biết với tên Đông Hải Đại vương hay Lãng Nhạc Quý Minh.

Một dẫn chứng thú vị là chuyện ở tổng Xốm cho biết bức giá tượng hiện thờ ở đình Bình Đà là tranh tượng của Kinh Dương Vương. Trong khi đó đình nội Bình Đà được biết là thờ Lạc Long Quân. Đây là dẫn chứng cho thấy “Kinh Dương Vương” của Bách Việt triệu tổ cổ lục là Lạc Long Quân trong Truyện họ Hồng Bàng.

Chuyện ở tổng Xốm kể tiếp, người con của ông Minh Khiết và bà họ Đỗ là Lộc Tục Kinh Dương Vương, có tên Nguyễn Quảng, lấy vợ là Hồng Đăng Ngàn của bộ tộc Lộc Y. Bà Hồng Đăng Ngàn được gọi là Bà chúa Lĩnh. Như vậy bà Hồng Đăng Ngàn này không phải bà Xích Lân Long Nữ của Thủy phủ như trong huyền sử Việt. Ngược lại, người đã “lên núi” (Đăng Ngàn) thì phải là bà Âu Cơ trong huyền sử. Từ đó suy luận một cách hợp lý thì người được gọi là Kinh Dương Vương Nguyễn Quảng, con của ông Minh Khiết, sẽ tương ứng với Lạc Long Quân của huyền sử.

Nguyễn Quảng đã cùng với ông chú Lý Long Cảnh và 8 cậu dòng họ bên mẹ (họ Đỗ) đánh giặc Mạc Ma ở Tử Di Sơn. Đây là câu chuyện Long Quân cùng lục bộ Thủy phủ diệt con cáo chín đuôi ở hồ Tây. Cáo chín đuôi là giặc Hồ Di ở phía Tây nên gọi là Tử Di. 

Sự thật là Kinh Dương Vương khi chết muốn nhường lại ngôi cho dòng trưởng của Đế Nghi là Đế Lai, nhưng con của ông là Lạc Long Quân nhờ sự giúp đỡ của bên mẹ Thần Long Động Đình đã đánh đuổi Đế Lai cùng phe cánh chạy về phía Tây (Tây Di). Lạc Long Quân nhờ đó lên ngôi, làm chủ nước Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương của tổng Xốm là Lạc Long Quân của huyền sử Việt. Lạc Long Quân của tổng Xốm như vậy sẽ là ai trong sử Việt? 

Lạc Long Quân này có tên là Lãm (Sùng Lãm). Vị Sùng Lãm được kể tới này không phải là Lạc Long Quân thời kỳ đầu trong sử Việt, mà là Lạc Long Quân của thời kỳ cuối, khi dòng Kinh triều (Lạc thị) chống lại sự xâm chiếm của giặc Thục từ dòng lên núi của Đế Lai. Trong sử Việt thì đây là sự kiện vua Thục đánh chiếm đất Lạc của họ Sùng dưới thời nhà Ân Thương. Sùng Lãm là Bắc Bá Hầu của nhà Ân, đã chống lại quân Thục (nhà Chu) đến từ Ai Lao (đất Âu).

Chuyện ở tổng Xốm kể Lạc Long Quân Sùng Lãm có 4 người anh em mang họ Hùng (Sùng), ứng với Tứ pháp Vân Vũ Lôi Điện. Chữ Sùng cũng có nghĩa là Cao, nên trong tín ngưỡng Việt gọi đây là Cao Sơn. Đây là vị Cao Sơn hậu duệ của Cao Sơn lên núi thời Tản Viên Sơn Thánh. Cũng là đánh Thục nhưng ở một thời điểm cuối của Kinh triều Lạc thị.

Từ Kinh Dương Vương Việt tộc chia thành 2 nhánh lên rừng, xuống biển. Nhánh lên rừng được gọi là các Sơn thần, theo dòng của Nghi Nhân, Đế Lai, Âu Cơ, Cao Sơn. Nhánh xuống biển được gọi là các Thủy thần, theo dòng của Long Cảnh, Long Đỗ, Lạc Long, Quý Minh. Bách Việt triệu tổ cổ lục có thể coi là sử chép theo dòng xuống biến, lấy Lạc Long Quân làm tổ. Còn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả là sử chép theo dòng lên núi, lấy người con trưởng theo mẹ làm tổ. Hai nhánh sơn thủy này tới thời Hùng Quốc Vương thì thống nhất mà phân thành trăm nơi đầu non góc biển mà trấn trị, cùng nhau tương trợ, lập nên thiên hạ Bách Việt trăm nước, dân có trăm họ, nước có trăm quan, phong cho trăm thần. Hùng Vương là thủy tổ của Bách Việt vậy.

Leave a comment