Khổng Tử – ông đồ Xứ Nghệ

Ở Nghệ An tín ngưỡng thờ Khổng Tử, rất đặc biệt, khác hẳn những nơi khác, khi mà vị thánh tổ của Nho giáo được thờ là thành hoàng làng ngay trong các ngôi đình làng ở nhiều nơi. Các văn chỉ ở Nghệ An được gọi là các “nhà thánh” là nơi được xây dựng khép kín, dành riêng cho thờ Khổng Tử và Nho đạo. Nhiều ngôi đình và nhà thánh lớn ở Nghệ An đều từng là nơi thờ Khổng Tử như đình Võ Liệt ở Thanh Chương, nhà thánh Hoành Sơn, đình Trung Cần ở Nam Đàn, đình Hậu ở Yên Thành…

Đình Võ Liệt, Thanh Chương.
Nhà thánh Hoành Sơn, Nam Đàn.

Khu vực tập trung nhất tín ngưỡng thờ Khổng Tử là thành hoàng làng là ở Thanh Chương và Nam Đàn. Thực ra trước đây 2 khu vực bên hữu ngạn sông Lam này đều thuộc về huyện Thanh Chương. Điển hình là đình Võ Liệt nay thuộc huyện Thanh Chương. Đình Võ Liệt được xây từ những năm 1850, với quy mô bề thế, công phu. Đình từng là nơi các nhà Nho xứ Nghệ dạy học, trong đó có cả cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ Phan Bội Châu. Đình Võ Liệt cũng nổi tiếng bởi những tấm bia đề danh các nhà khoa bảng của huyện, vẫn còn lưu ở 2 nhà bia ở 2 bên trước sân đình.

Hậu cung đình Võ Liệt có 5 gian 2 chái, có kết cấu mái chồng diêm 8 mái. Hậu cung đình như một đền thờ, là nơi thờ Khổng Tử và các vị thành hoàng làng. Theo luận án của tiến sĩ Phạm Xuân Thanh cho biết, xưa kia đình có nhiều hiện vật quý: 2 cờ đại, 6 cờ vuông, mâm cổ bồng, bàn linh tọa thờ Khổng Tử. Hàng năm lễ cúng Khổng Tử vào ngày rằm tháng 8, do Hội văn tổng Võ Liệt chủ trì. Lễ cúng Khổng Tử: Buổi sáng rước kiệu trong làng về đình Võ Liệt. Lễ cúng Khổng Tử diễn ra lúc nửa đêm, thui 2 con bò, làm 6 thúng xôi… Tục thờ và tế lễ ở đình Võ Liệt như vậy đã có từ lâu đời với một quan niệm sâu sắc về tính bản địa của thành hoàng làng là Khổng Tử.

Đình Trung Cần ở xã Nam Trung huyện Nam Đàn là một di tích cấp quốc gia khác rất nổi tiếng ở Nghệ An. Đình được khởi dựng từ năm 1781-1782. Trong đình nổi bật là những mảng chạm khắc các tích truyện của Nho giáo như chuyện Nghiêu – Thuấn, Thành Thang – Y Doãn, Trúc lâm thất hiền… Đặc biệt bên phải đình có bức chạm cảnh một vị phu tử già râu dài, áo thũng, đội mũ đang dạy 4 học sinh đọc sách trong nhà. Đây rõ ràng là mô tả cảnh Khổng Tử dạy học.

Bên ngoài nhà trong bức chạm là cảnh vị phu tử đó cầm quạt như đang đón gió, ngắm cảnh 3 ngọn núi và cây lá, mây gió. 3 ngọn núi ở vùng này được Thanh Chương huyện chí mô tả là núi Tam Thai gồm 3 ngọn ở giữa dãy núi Thiên Nhẫn và Hương Sơn. Cạnh đó còn 2 ngọn núi nhỏ hơn ở 2 bên, tạo thành 5 ngọn núi, được gọi là “Ngũ tinh bình giảng” – năm vì tinh tú đang bình giảng sự học. Như thế hình ảnh Tam Thai Võ Liệt với Ngũ tinh bình giảng tương ứng với bức chạm 1 thầy giáo và 4 học sinh đang đọc sách. So với chuyện của Khổng Tử thì 5 vị đây phải là Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử). Đình Trung Cần như thế đã chạm khắc lại cảnh Khổng Tử và Tứ phối bình giảng dưới chân núi Tam Thai tại huyện Thanh Chương. Hình ảnh “ông đồ xứ Nghệ” không ngờ lại chính là cảnh dạy học của Khổng Tử.

Chính giữa điện thờ hậu cung của đình Trung Cần còn có bức chạm rồng, khắc 3 chữ Đại Thành miếu. Dòng chữ này khẳng định đây là miếu thờ Khổng Tử vì Khổng Tử từng được phong là Đại Thành Chí Thánh. Bức chạm Ngũ tinh bình giảng và dòng chữ Đại Thành miếu ở đình làng Trung Cần là minh chứng trực tiếp cho quan niệm Khổng Tử là người dạy học ở đất Thanh Chương, Nghệ An.

Khổng Tử và Tứ phối dưới chân núi Tam Thai Võ Liệt.
“Đại Thành miếu” ở đình Trung Cần.

Các “nhà thánh” ở Nghệ An khác với các văn chỉ ở miền Bắc. Nếu các văn chỉ ở miền Bắc là chỗ thờ lộ thiên thì các nhà thánh ở Nghệ An được xây dựng có mái che, không chỉ là nơi thờ cúng Khổng Tử mà còn từng được sử dụng như trường học tại làng, xã. Mô hình “văn miếu” đi cùng với “quốc tử giám” này ở Nghệ An gặp ở rất nhiều nơi, từ nhà thánh hàng xã, hàng tổng hay hàng huyện. Một nhà thánh lớn như thế còn tồn tại tới nay là di tích cấp quốc gia nhà thánh Hoành Sơn ở xã Khánh Sơn, Nam Đàn.

Nghệ An liệu có thể là quê hương, nơi Khổng Tử từng mở trường dạy học và mở đầu Nho giáo không? Điều này hoàn toàn có thể bởi Khổng Tử quê ở nước Lỗ, mà nước Lỗ không đâu xa là vùng phía Tây Nam nước Văn Lang thời Hùng Vương. Dấu vết của tên gọi nước Lỗ còn bảo lưu trong tên gọi Lão Qua hay Lào, chỉ khu vực Tây Nam này.

Thủ phủ của nước Lỗ rất có thể là ở vùng Nghĩa Đàn của Nghệ An, nơi đã phát lộ có di chỉ Làng Vạc của nền văn hóa Đông Sơn với hàng chục mộ táng, hàng trăm hiện vật, minh chứng cho sự tồn tại của một trung tâm cư trú lớn vào thời kỳ trước Công nguyên trên đất Nghệ An.

Theo thông báo khảo cổ học Nghệ An, tại vùng đất Nho Lâm cũ (Diễn Châu), các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một di chỉ và khu mộ thuộc văn hóa Đông Sơn, đó là Đồng Mỏm (Diễn Thọ, Diễn Châu). Ở đây, trong nơi cư trú đã tìm được thuổng sắt, dao sắt, đinh sắt … Còn trong các ngôi mộ thì có những thanh kiếm sắt đặt bên mình hay trên đùi người chết.

Nho Lâm – Diễn Thọ cũng là nơi có nhà thờ họ Cao, thờ viễn tổ Cao Lỗ. Cao Lỗ là vị thủ lĩnh nước Lỗ thời Chu Văn Lang, tức là Chu Công Đán. Cũng tại nhà thờ họ Cao ở Nho Lâm thờ vị tổ Cao Đại Tôn là Cao Thiện Trí. Vị tổ họ Cao ở Diễn Châu này lấy vợ là bà Khổng Thị Tám, người nước Lỗ. Đây là dẫn chứng cụ thể khác về nguồn gốc họ Khổng nước Lỗ trên đất Nghệ An.

Nước Lỗ cũng là quê hương của vị Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp. Cha của Sĩ Nhiếp là Sĩ Tứ làm Thái thú quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam thời Hán là vùng Tây Nam Việt, tức chính là bao gồm cả vùng Thanh Nghệ. Những hiện vật đồ đồng Đông Sơn muộn thế kỷ II-III khai quật ở Làng Vạc có thể chính là thuộc về thời kỳ cha con Sĩ Nhiếp làm chủ quận Nhật Nam và Giao Châu.

Một cách gián tiếp hơn, trong Trà kinh của Lục Vũ cho biết: Trà làm thức uống, khởi từ Thần Nông thị, truyền bởi Lỗ Chu Công, Tề có Án Anh… Trong khi đó món trà xanh hay chè tươi là đặc sản nổi tiếng của vùng xứ Nghệ, nhất là ở quanh vùng chân núi Thanh Chương. Cây chè là đặc sản vùng cận nhiệt đới, chắc chắn không thể mọc ở tận vùng bán đảo Sơn Đông ôn đới, nơi hiện được các sử gia Tàu cho là địa bàn nước Tề nước Lỗ thời Xuân Thu. Vùng Sơn Đông không có cây chè thì Chu Công, Án Anh, Khổng Tử lấy gì mà thưởng trà?

Cuộc đời của Khổng Tử được đánh dấu bởi sự xuất hiện của loài Kỳ lân. Tương truyền khi bà mẹ sinh Khổng Tử có kỳ lân đến chầu. Đến năm Lỗ Ai Công thứ 14 lại xuất hiện kỳ lân què, nên Khổng Tử đã dừng bút viết kinh Xuân Thu, nên cuốn kinh này còn gọi là Lân kinh. Không lâu sau đó thì Khổng Tử qua đời. Thời điểm này được lấy làm mốc chấm dứt thời Xuân Thu mà chuyển sang thời kỳ Chiến Quốc.
Tương truyền, Kỳ lân là loài vật có hình dáng giống như con nai, mình vằn, đuôi trâu, vú ngựa, có một sừng trên đầu, rất hiền lành, không ăn sinh vật, nên được gọi là Nhân thú. Loài vật theo như mô tả này rất giống con Tê giác. Gần đây ở vùng núi Bắc Trường Sơn phát hiện được loài Sao la và được mệnh danh là Kỳ lân châu Á. Loài Sao la đầu tiên được phát hiện ở khu bảo tồn Vũ Quang, thuộc Hà Tĩnh. Cái tên Sao la cũng chính là tên gọi địa phương của Nghệ An, nghĩa là “xe sợi”. Quê hương của Khổng Tử cũng là nơi có loài Kỳ lân thì rõ là ở vùng Bắc Trung Bộ nước ta. Kỳ lân cho dù là Sao la hay Tê giác thì cũng không thể xuất hiện ở vùng Sơn Đông lạnh giá bên Tàu.

Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử đã ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ Khoa Đẩu cổ văn do ông cha chúng tôi cất giấu. Vương lại lên nhà thờ đức Khổng Tử, nghe được tiếng vàng, đá, tơ, trúc, bèn không cho phá nhà nữa, đem toàn bộ sách trả cho họ Khổng”.
Thì ra Khổng Tử chép Ngũ kinh bằng chữ Khoa đẩu. Chữ Khoa đẩu được biết là chữ của người Việt cổ. Khổng Tử soạn kinh bằng chữ Việt, hỏi Khổng Tử là người Việt hay người Tàu?

Tục thờ Khổng Tử là thành hoàng bảo trợ cho các làng ở Nghệ An không chỉ đơn giản là sự tôn sùng Nho giáo, mà ẩn chứa trong đó một sự thật lịch sử khó tin: Khổng Tử là người Nghệ An, đã tạo ra Nho đạo chính trên mảnh đất này. Truyền thống văn học khoa bảng của xứ Nghệ không phải chỉ bắt đầu từ những tên tuổi như Nguyễn Du hay Hồ Chủ Tịch, mà xa hơn, rất lâu hơn, là từ nước Lỗ, quê hương của vị Vạn thế sư biểu bên dòng sông Lam núi Hồng.

Hiện vật đồ đồng Làng Vạc, Nghĩa Đàn.
Hình trên thân trống đồng Làng Vạc.

Leave a comment