Rồng hiện Nhất Dạ Trạch

Thần tích làng Nhuế Dương ở Khoái Châu, Hưng Yên kể về quá trình khởi nghĩa của Triệu Quang Phục: Ngả Việt ta tại Long Biên có người Thái Bình, họ Lý tên là ông Bôn, theo trời thuận người thừa thời thế mà khởi nghĩa. Nhưng đang khi đó chưa có nam nhi nào có tài thao lược. Ông Bôn tích trữ binh lương, thần phong chưa động. Tin thay! có Thiếu Khang dẹp loạn tất có Thần Mĩ dẹp loạn cùng. Rồng lên ở trên đầm không có ý với mây mà mây tự nhiên bay đến.

Đương khi ấy ở xã Hương Canh, huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một nhà họ Triệu tên Túc. Tổ tiên nhà đó vốn họ Việt, giúp Triệu Võ Đế (tức Triệu Đà) có công nên được ban cho họ Triệu. Ba bốn đời đều làm quan lớn cho triều Triệu Vũ Đế.  Đến ông Túc cũng là bậc nho y có tiếng trên đời, lấy vợ là Trưng Thị Đàm.

Triệu Quang Phục có tổ tiên đã theo Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) có công nên được ban cho họ Triệu. Họ Triệu nhiều đời làm quan lớn, cho đến ông Triệu Túc. Triệu Túc theo như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lại là Thái phó của Lý Bôn, tức là một vị tướng quan trong trong cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế.

Cũng Thần tích Nhuế Dương kể, khi Triệu Việt Vương mất lại thấy Tạp bộ Đại phu ở xã Đại Lan bản huyện cũng tự đến tận nơi cung sở chính, lập làm đền miếu, vâng chép thần hiệu Triệu Việt để phụng thờ.

Đại Lan nay là xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên, nơi có đền thờ Triệu Vũ Đế ở Long Hưng điện. Tập sử ký Xuân Lan (thần tích Xuân Quan) cho biết: Triệu Việt Vương, tên húy là Quang Phục, sinh ở làng Lan Cứu (nay là xã Xuân Lan), là hậu duệ của Cổ Tiên Thánh Đế (tức Triệu Đà).

Như vậy, Triệu Quang Phục là dòng dõi Triệu Vũ Đế, sinh ở Xuân Quan. Cho dù các thần tích khác như thần tích Nhuế Dương cho biết Triệu Quang Phục quê ở xã Hương Canh, huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây, nhưng rất có thể Xuân Quan là một trong những nơi Triệu Quang Phục đã lớn lên thủa ban đầu.

So sánh với Thần tích Hạ Mạo (TT. Phú Thọ) khi mà Hậu Hùng Vương đã cử người con Út đến giúp Triệu Đà chống Tần thì Hậu Hùng Vương sẽ là Triệu Túc, Lý Bôn là Triệu Đà, còn Út Ngọ Lôi Mao là Triệu Quang Phục.

Theo các thần tích việc Lý Bôn được Triệu Quang Phục như rồng gặp mây, như minh chúa gặp tướng tài (vua Hạ Thiếu Khang được bề tôi là Thần Mi giúp diệt loạn Hậu Nghệ, trung hưng nhà Hạ). Triệu Quang Phục là Tả tướng của Lý Bôn, được phong thực ấp ở đạo Sơn Nam.

Thần tích Nhuế Dương chép: Quang Phục vâng mệnh bái tạ, đi đến nhận việc ở Sơn Nam, ngắm xem đất đai có hình thắng hiểm trở để  lập cung doanh mà ở. Một hôm đi đến nơi đất đầu xã Nhuế Dương, xứ Nhất Dạ Trạch, huyện Đông An Khoái Lộ. Bốn bề đất Nhuế Dương, trước có sông lớn, ba mặt đầm nước, núi không cao mà đất bãi như gìn giữ. Nước có sâu mà nguồn giếng êm chảy. Trái phải xung quanh có rồng hổ ôm chầu, thật đúng là nơi đất hiểm yếu. Ngay hôm đó bèn truyền quân xây dựng cung doanh vài mươi gian. Chính cung dựa Càn hướng Tốn. Quang Phục ở đó.

Đến khi giặc Lương quay trở lại, tấn công nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế vào động Khuất Lão, giao quyền quản lý Long Biên lại cho Tả tướng Triệu Quang Phục. Quang Phục tự thấy Long Biên bốn mặt có giặc, bèn rút hết quân về nơi chốn cũ ở Nhuế Dương, trong đầm Nhất Dạ huyện Đông An mà ở, cùng với quân Lương cự chiến, qua một năm mà không phân thắng thua.

Như vậy, Nhuế Dương chính là nơi Triệu Quang Phục đã đóng đồn quân chính trong trận chiến đầm Nhất Dạ. Gần Nhuế Dương, cùng tổng Phù Khê của huyện Khoái Châu xưa có làng Bùi Xá, cũng là nơi thờ Triệu Quang Phục. Thần tích Bùi Xá rất đặc biệt, khi cung cấp nhiều chi tiết mới lạ về cuộc khởi nghĩa đầm Dạ Trạch:

Còn Quang Phục ở huyện Đông An, thấy trong huyện có đầm Nhất Dạ tại đất xã Vĩnh Hưng (tức xã An Vĩnh). Đầm này chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ lác mọc rậm rạp. Bốn bề bùn lầy sình trũng. Bên trong có một chỗ nhỏ có thể ở. Quang Phục bèn lập đồn lớn ở trong đầm.

Thường khi dẫn quân đánh quân Lương thì thấy có một lão ông, râu tóc dài khỏe, thân thể kỳ dị, cao hơn 9 thước, cầm một cái dùi sắt, theo khói sương trong đầm mà lên, tiếng như chuông lớn, hình như sắt trắng, đánh quân Lương thua to.

Sự việc xong ông lão lại cùng với Quang Phục đi dạo, nói cười vui vẻ như anh em cùng một bọc đến chơi vậy. Phàm khi Quang Phục có việc bị quân Lương tập kích thì đều đến báo trước thời gian. Nếu Quang Phục gạn hỏi họ tên, duyên cớ thì đều không báo sự thực.

Một hôm Quang Phục đi đến cung sở ở xã Bùi Xá. Nhân dân đang làm lễ đón mừng thì bỗng thấy lão ông từ bên ngoài đi đến. Quang Phục bèn mời vào trong ngồi. Lão ông nói rằng:

–   Tôi vốn là thanh khí chốn bèo nước, là dòng dõi một bầu trăm trứng họ Hùng trước đây, cũng là phúc thần của Bùi Xá. Tôi là Đông Hải Đại vương, là người con thứ 10 trong số 50 người con về biển, họ Hùng tên Chiểu, ở giữ biển Đông nên gọi là Đông Hải Đại vương. Sau lại kiểm giữ đầm Nhất Dạ ở Sơn Nam, làm thần ở Bùi Xá trong đầm Dạ Trạch.

Trong đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục đã được thần đầm là Đông Hải Đại vương, một vị thủy thần dòng dõi Lạc Long Quân xuống biển giúp và báo tin cho.

Quang Phục theo đó mà chọn ngày trai giới, lập đàn dâng lễ cáo tế trời đất, cầu đảo bách thần. Ba ngày đèn hương không dứt. Bỗng thấy trời đất mù mịt, mây gió nổi lên. Có một vị thần tướng cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống, đứng trên đàn. Ông Phục đại bái ở trước. Thần tướng mới nói rằng:

– Ta là Quý Minh Đương Lai,  cho khanh một vật để làm nỏ thần báu vật trời ban. Cho dù có giặc mạnh cũng không phải lo lắng vậy.

Thì ra người trao móng rồng cho Triệu Quang Phục không phải là Chử Đồng Tử mà là Quý Minh Đại vương, vị Hữu kiên thần Tản Viên Sơn Thánh. Quý Minh Đại vương còn có tên là Lãng Nhạc, là vị thủy thần trong Tam vị Tản Viên.

Thần tích Bùi Xá có bài thơ nói về chuyện này:

Sơn thuỷ tòng lai tương biệt thú
Như hà sơn thuỷ đắc đồng nguyên
Giả lệnh tại đương thì giả
Cảm vấn chư công đắc minh.

Dịch nghĩa:

Sông núi theo đi mà chia biệt
Tại sao sông núi lại cùng nguồn?
Nếu là thủ lĩnh đương thời đó
Dám hỏi các ngài rõ không?

Bài thơ ám chỉ việc 50 người con theo cha xuống biển là Thủy thần, 50 người con theo mẹ làm Sơn thần thời Lạc Long – Âu Cơ. Cùng nhau chia biệt nhưng đều là con cùng một bầu cha mẹ, cùng một nguồn.

So vào việc Triệu Quang Phục nhận được móng rồng từ các vị thủy thần Đông Hải Đại vương và Quý Minh Đại vương thì có thể ở đây ám chỉ Triệu Quang Phục là dòng theo mẹ lên núi. Một dẫn chứng khác là đền thờ Triệu Quang Phục ở xã An Vĩ (Khoái Châu) còn có tên là đền Vua Rừng.

Triệu Quang Phục là dòng Tiên theo mẹ lên núi cũng tương ứng với thần tích Hạ Mạo cho biết vua Triệu là dòng dõi họ Hùng, có biểu tượng là lông chim phượng hoàng (Lôi mao), tức là dòng Tiên (chim phượng).

Dòng dõi Tiên họ Triệu đã được sự giúp đỡ phò trợ của dòng Rồng xuống biển mà có được báu vật đâu mâu làm lẫy nỏ thần, dẹp tan giặc loạn. Ở Bùi Xá còn thường kể câu chuyên là cây gạo trước đình khi nở hoa thì ở làng đối diện thế nào cũng có nhà cháy. Cây gạo chính là hình tượng của Rồng như trong chuyện bảy cây gạo ở Nhật Chiêu bên hồ Tây. Hoa gạo nở cũng là lúc móng rồng phát huy uy lực, hướng vào đâu là tan giặc ở đó.

Câu đối ở đình Phù Sa (Yên Mô, Ninh Bình):

兜鍪聖武興南李
獨木神兵走北梁

Đâu mâu thánh vũ hưng Nam Lý
Độc mộc thần binh tẩu Bắc Lương.

Dịch nghĩa:

Đâu mâu võ thánh dấy Nam Lý
Độc mộc binh thần đuổi Bắc Lương.

Ở đây chiếc móng rồng làm đâu mâu tương đương với việc dùng thuyền độc mộc để đánh quân Lương. Phải chăng khả năng dùng thuyền nhẹ chính là năng lực của “rồng”, của dòng tộc người xuống biển, đã giúp Triệu Quang Phục chiến thắng giặc Lương trên mặt nước đầm Dạ Trạch?

Sau khi có được móng rồng bảo bối, giặc được dẹp tan, Triệu Quang Phục lên ngôi tự xưng vương là Triệu Việt Vương. Vương lại về thành Long Biên ở. Trong sửa văn đức, ngoài phòng biên cương, dốc lòng hưng bình để yên Trung Quốc. Cảnh tượng thái bình ở đời rạng rỡ. Bèn xa giá đi chu du khắp thiên hạ. Núi Nhân dạo bộ, biết sông hỏi bến. Núi sông tụ Thần Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, mây trắng, trăng gió cuốn Hoa Quật, Long Biên. Trên dưới núi xanh nước biếc. Phàm đến nơi nào thấy sơn thủy hữu tình đều lập hành cung, cho miễn binh dao để ngày sau làm nơi hộ nhi (Thần tích Nhuế Dương).

Đoạn này nói đến quá trình cai quản đất nước của vua Triệu. Thiên hạ thái bình cũng nhờ có móng rồng vậy, tức là có được sự giúp đỡ của dòng Rồng Lạc xuống biển. Vua Triệu đi khắp nơi, xây dựng nhiều hành cung, nay là các di tích để lại ở nước ta. Số di tích thờ Triệu Việt Vương còn lại cho đến ngày nay được thống kê lên tới hơn 100 nơi trải từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh tới tận Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Sau đó chính sử thường kể là chuyện Lý Phật Tử, dòng dõi Lý Nam Đế, cùng con trai là Nhã Lang đem quân đến đánh vua Triệu. Triệu Việt Vương nghĩ đến tình xưa với Lý Nam Đế (Triệu Võ Đế) nên đã chia đất nước làm hai, cùng trị với Lý Phật Tử. Nơi cắt giới được gọi là bãi Quân Thần.

Tuy nhiên, Thần tích Bùi Xá lại kể bãi Quân Thần lại là do Lý Phật Tử chia nước với Nhã Lang: Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Nam Đế nghĩ đến chữ nghĩa cha con, quân thần bèn cắt giới từ Thượng Cát, huyện Từ Liêm về phía Tây cho Nhã Lang ở. Từ Thượng Cát về phía Đông Nam Việt ở, gọi là Quân Thần.

Với cách kể như vậy thì Nhã Lang là dòng dõi của Triệu Quang Phục mới đúng. Họ Lý là Quân (Đế), họ Triệu làm Thần (Vương) (Thần tích Bùi Xá). Hậu Lý Nam Đế chiếm được thiên hạ mà xưng đế. Hậu duệ của họ Triệu là Nhã Lang lùi về phía Tây Bắc Việt, chiếm giữ xưng vương. Bãi Quân Thần ở Thượng Cát (Từ Liêm) là ranh giới chia đôi vùng Bắc Việt thành 2 phần. Phần Đông do Hậu Lý Đế nắm giữ. Phần Tây do Nam Triệu Vương nắm giữ. Nam Triệu sau này gọi thành Nam Chiếu, là con cháu Triệu Vũ Đế như Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái, hay Tập sử ký Xuân Lan kể.

Khu vực vùng đầm lầy tả ngạn sông Hồng là nơi khởi đầu cuộc khởi nghĩa của Triệu Việt Vương. Triệu Quang Phục dòng dõi vua Hùng mẹ Tiên lên núi, trước là theo Triệu Vũ Đế Lý Bôn chiếm thành Long Biên, sau rút về đóng quân giữa đầm Dạ Trạch ở Nhuế Dương, rồi gặp các vị thủy thần cưỡi rồng tháo móng, chế thành vũ khí, tạo ra thuyền độc mộc, dẹp được giặc. Triệu Quang Phục xưng Vương, đi khắp nơi xây dựng đất nước. Con cháu họ Lý là Hậu Lý Nam Đế dẫn quân đến đánh. Triệu Việt Vương tử tiết ở cửa biển Đại Nha. Con cháu vua Triệu rút về phía Tây Bắc Việt, cắt giới Quân Thần ở Từ Liêm, xưng là Nam Triệu, sau là Nam Chiếu.

Leave a comment