Rồng hiện Nhất Dạ Trạch

Thần tích làng Nhuế Dương ở Khoái Châu, Hưng Yên kể về quá trình khởi nghĩa của Triệu Quang Phục: Ngả Việt ta tại Long Biên có người Thái Bình, họ Lý tên là ông Bôn, theo trời thuận người thừa thời thế mà khởi nghĩa. Nhưng đang khi đó chưa có nam nhi nào có tài thao lược. Ông Bôn tích trữ binh lương, thần phong chưa động. Tin thay! có Thiếu Khang dẹp loạn tất có Thần Mĩ dẹp loạn cùng. Rồng lên ở trên đầm không có ý với mây mà mây tự nhiên bay đến.

Đương khi ấy ở xã Hương Canh, huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một nhà họ Triệu tên Túc. Tổ tiên nhà đó vốn họ Việt, giúp Triệu Võ Đế (tức Triệu Đà) có công nên được ban cho họ Triệu. Ba bốn đời đều làm quan lớn cho triều Triệu Vũ Đế.  Đến ông Túc cũng là bậc nho y có tiếng trên đời, lấy vợ là Trưng Thị Đàm.

Triệu Quang Phục có tổ tiên đã theo Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) có công nên được ban cho họ Triệu. Họ Triệu nhiều đời làm quan lớn, cho đến ông Triệu Túc. Triệu Túc theo như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lại là Thái phó của Lý Bôn, tức là một vị tướng quan trong trong cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế.

Cũng Thần tích Nhuế Dương kể, khi Triệu Việt Vương mất lại thấy Tạp bộ Đại phu ở xã Đại Lan bản huyện cũng tự đến tận nơi cung sở chính, lập làm đền miếu, vâng chép thần hiệu Triệu Việt để phụng thờ.

Đại Lan nay là xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên, nơi có đền thờ Triệu Vũ Đế ở Long Hưng điện. Tập sử ký Xuân Lan (thần tích Xuân Quan) cho biết: Triệu Việt Vương, tên húy là Quang Phục, sinh ở làng Lan Cứu (nay là xã Xuân Lan), là hậu duệ của Cổ Tiên Thánh Đế (tức Triệu Đà).

Như vậy, Triệu Quang Phục là dòng dõi Triệu Vũ Đế, sinh ở Xuân Quan. Cho dù các thần tích khác như thần tích Nhuế Dương cho biết Triệu Quang Phục quê ở xã Hương Canh, huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây, nhưng rất có thể Xuân Quan là một trong những nơi Triệu Quang Phục đã lớn lên thủa ban đầu.

So sánh với Thần tích Hạ Mạo (TT. Phú Thọ) khi mà Hậu Hùng Vương đã cử người con Út đến giúp Triệu Đà chống Tần thì Hậu Hùng Vương sẽ là Triệu Túc, Lý Bôn là Triệu Đà, còn Út Ngọ Lôi Mao là Triệu Quang Phục.

Theo các thần tích việc Lý Bôn được Triệu Quang Phục như rồng gặp mây, như minh chúa gặp tướng tài (vua Hạ Thiếu Khang được bề tôi là Thần Mi giúp diệt loạn Hậu Nghệ, trung hưng nhà Hạ). Triệu Quang Phục là Tả tướng của Lý Bôn, được phong thực ấp ở đạo Sơn Nam.

Thần tích Nhuế Dương chép: Quang Phục vâng mệnh bái tạ, đi đến nhận việc ở Sơn Nam, ngắm xem đất đai có hình thắng hiểm trở để  lập cung doanh mà ở. Một hôm đi đến nơi đất đầu xã Nhuế Dương, xứ Nhất Dạ Trạch, huyện Đông An Khoái Lộ. Bốn bề đất Nhuế Dương, trước có sông lớn, ba mặt đầm nước, núi không cao mà đất bãi như gìn giữ. Nước có sâu mà nguồn giếng êm chảy. Trái phải xung quanh có rồng hổ ôm chầu, thật đúng là nơi đất hiểm yếu. Ngay hôm đó bèn truyền quân xây dựng cung doanh vài mươi gian. Chính cung dựa Càn hướng Tốn. Quang Phục ở đó.

Đến khi giặc Lương quay trở lại, tấn công nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế vào động Khuất Lão, giao quyền quản lý Long Biên lại cho Tả tướng Triệu Quang Phục. Quang Phục tự thấy Long Biên bốn mặt có giặc, bèn rút hết quân về nơi chốn cũ ở Nhuế Dương, trong đầm Nhất Dạ huyện Đông An mà ở, cùng với quân Lương cự chiến, qua một năm mà không phân thắng thua.

Như vậy, Nhuế Dương chính là nơi Triệu Quang Phục đã đóng đồn quân chính trong trận chiến đầm Nhất Dạ. Gần Nhuế Dương, cùng tổng Phù Khê của huyện Khoái Châu xưa có làng Bùi Xá, cũng là nơi thờ Triệu Quang Phục. Thần tích Bùi Xá rất đặc biệt, khi cung cấp nhiều chi tiết mới lạ về cuộc khởi nghĩa đầm Dạ Trạch:

Còn Quang Phục ở huyện Đông An, thấy trong huyện có đầm Nhất Dạ tại đất xã Vĩnh Hưng (tức xã An Vĩnh). Đầm này chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ lác mọc rậm rạp. Bốn bề bùn lầy sình trũng. Bên trong có một chỗ nhỏ có thể ở. Quang Phục bèn lập đồn lớn ở trong đầm.

Thường khi dẫn quân đánh quân Lương thì thấy có một lão ông, râu tóc dài khỏe, thân thể kỳ dị, cao hơn 9 thước, cầm một cái dùi sắt, theo khói sương trong đầm mà lên, tiếng như chuông lớn, hình như sắt trắng, đánh quân Lương thua to.

Sự việc xong ông lão lại cùng với Quang Phục đi dạo, nói cười vui vẻ như anh em cùng một bọc đến chơi vậy. Phàm khi Quang Phục có việc bị quân Lương tập kích thì đều đến báo trước thời gian. Nếu Quang Phục gạn hỏi họ tên, duyên cớ thì đều không báo sự thực.

Một hôm Quang Phục đi đến cung sở ở xã Bùi Xá. Nhân dân đang làm lễ đón mừng thì bỗng thấy lão ông từ bên ngoài đi đến. Quang Phục bèn mời vào trong ngồi. Lão ông nói rằng:

–   Tôi vốn là thanh khí chốn bèo nước, là dòng dõi một bầu trăm trứng họ Hùng trước đây, cũng là phúc thần của Bùi Xá. Tôi là Đông Hải Đại vương, là người con thứ 10 trong số 50 người con về biển, họ Hùng tên Chiểu, ở giữ biển Đông nên gọi là Đông Hải Đại vương. Sau lại kiểm giữ đầm Nhất Dạ ở Sơn Nam, làm thần ở Bùi Xá trong đầm Dạ Trạch.

Trong đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục đã được thần đầm là Đông Hải Đại vương, một vị thủy thần dòng dõi Lạc Long Quân xuống biển giúp và báo tin cho.

Quang Phục theo đó mà chọn ngày trai giới, lập đàn dâng lễ cáo tế trời đất, cầu đảo bách thần. Ba ngày đèn hương không dứt. Bỗng thấy trời đất mù mịt, mây gió nổi lên. Có một vị thần tướng cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống, đứng trên đàn. Ông Phục đại bái ở trước. Thần tướng mới nói rằng:

– Ta là Quý Minh Đương Lai,  cho khanh một vật để làm nỏ thần báu vật trời ban. Cho dù có giặc mạnh cũng không phải lo lắng vậy.

Thì ra người trao móng rồng cho Triệu Quang Phục không phải là Chử Đồng Tử mà là Quý Minh Đại vương, vị Hữu kiên thần Tản Viên Sơn Thánh. Quý Minh Đại vương còn có tên là Lãng Nhạc, là vị thủy thần trong Tam vị Tản Viên.

Thần tích Bùi Xá có bài thơ nói về chuyện này:

Sơn thuỷ tòng lai tương biệt thú
Như hà sơn thuỷ đắc đồng nguyên
Giả lệnh tại đương thì giả
Cảm vấn chư công đắc minh.

Dịch nghĩa:

Sông núi theo đi mà chia biệt
Tại sao sông núi lại cùng nguồn?
Nếu là thủ lĩnh đương thời đó
Dám hỏi các ngài rõ không?

Bài thơ ám chỉ việc 50 người con theo cha xuống biển là Thủy thần, 50 người con theo mẹ làm Sơn thần thời Lạc Long – Âu Cơ. Cùng nhau chia biệt nhưng đều là con cùng một bầu cha mẹ, cùng một nguồn.

So vào việc Triệu Quang Phục nhận được móng rồng từ các vị thủy thần Đông Hải Đại vương và Quý Minh Đại vương thì có thể ở đây ám chỉ Triệu Quang Phục là dòng theo mẹ lên núi. Một dẫn chứng khác là đền thờ Triệu Quang Phục ở xã An Vĩ (Khoái Châu) còn có tên là đền Vua Rừng.

Triệu Quang Phục là dòng Tiên theo mẹ lên núi cũng tương ứng với thần tích Hạ Mạo cho biết vua Triệu là dòng dõi họ Hùng, có biểu tượng là lông chim phượng hoàng (Lôi mao), tức là dòng Tiên (chim phượng).

Dòng dõi Tiên họ Triệu đã được sự giúp đỡ phò trợ của dòng Rồng xuống biển mà có được báu vật đâu mâu làm lẫy nỏ thần, dẹp tan giặc loạn. Ở Bùi Xá còn thường kể câu chuyên là cây gạo trước đình khi nở hoa thì ở làng đối diện thế nào cũng có nhà cháy. Cây gạo chính là hình tượng của Rồng như trong chuyện bảy cây gạo ở Nhật Chiêu bên hồ Tây. Hoa gạo nở cũng là lúc móng rồng phát huy uy lực, hướng vào đâu là tan giặc ở đó.

Câu đối ở đình Phù Sa (Yên Mô, Ninh Bình):

兜鍪聖武興南李
獨木神兵走北梁

Đâu mâu thánh vũ hưng Nam Lý
Độc mộc thần binh tẩu Bắc Lương.

Dịch nghĩa:

Đâu mâu võ thánh dấy Nam Lý
Độc mộc binh thần đuổi Bắc Lương.

Ở đây chiếc móng rồng làm đâu mâu tương đương với việc dùng thuyền độc mộc để đánh quân Lương. Phải chăng khả năng dùng thuyền nhẹ chính là năng lực của “rồng”, của dòng tộc người xuống biển, đã giúp Triệu Quang Phục chiến thắng giặc Lương trên mặt nước đầm Dạ Trạch?

Sau khi có được móng rồng bảo bối, giặc được dẹp tan, Triệu Quang Phục lên ngôi tự xưng vương là Triệu Việt Vương. Vương lại về thành Long Biên ở. Trong sửa văn đức, ngoài phòng biên cương, dốc lòng hưng bình để yên Trung Quốc. Cảnh tượng thái bình ở đời rạng rỡ. Bèn xa giá đi chu du khắp thiên hạ. Núi Nhân dạo bộ, biết sông hỏi bến. Núi sông tụ Thần Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, mây trắng, trăng gió cuốn Hoa Quật, Long Biên. Trên dưới núi xanh nước biếc. Phàm đến nơi nào thấy sơn thủy hữu tình đều lập hành cung, cho miễn binh dao để ngày sau làm nơi hộ nhi (Thần tích Nhuế Dương).

Đoạn này nói đến quá trình cai quản đất nước của vua Triệu. Thiên hạ thái bình cũng nhờ có móng rồng vậy, tức là có được sự giúp đỡ của dòng Rồng Lạc xuống biển. Vua Triệu đi khắp nơi, xây dựng nhiều hành cung, nay là các di tích để lại ở nước ta. Số di tích thờ Triệu Việt Vương còn lại cho đến ngày nay được thống kê lên tới hơn 100 nơi trải từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh tới tận Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Sau đó chính sử thường kể là chuyện Lý Phật Tử, dòng dõi Lý Nam Đế, cùng con trai là Nhã Lang đem quân đến đánh vua Triệu. Triệu Việt Vương nghĩ đến tình xưa với Lý Nam Đế (Triệu Võ Đế) nên đã chia đất nước làm hai, cùng trị với Lý Phật Tử. Nơi cắt giới được gọi là bãi Quân Thần.

Tuy nhiên, Thần tích Bùi Xá lại kể bãi Quân Thần lại là do Lý Phật Tử chia nước với Nhã Lang: Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Nam Đế nghĩ đến chữ nghĩa cha con, quân thần bèn cắt giới từ Thượng Cát, huyện Từ Liêm về phía Tây cho Nhã Lang ở. Từ Thượng Cát về phía Đông Nam Việt ở, gọi là Quân Thần.

Với cách kể như vậy thì Nhã Lang là dòng dõi của Triệu Quang Phục mới đúng. Họ Lý là Quân (Đế), họ Triệu làm Thần (Vương) (Thần tích Bùi Xá). Hậu Lý Nam Đế chiếm được thiên hạ mà xưng đế. Hậu duệ của họ Triệu là Nhã Lang lùi về phía Tây Bắc Việt, chiếm giữ xưng vương. Bãi Quân Thần ở Thượng Cát (Từ Liêm) là ranh giới chia đôi vùng Bắc Việt thành 2 phần. Phần Đông do Hậu Lý Đế nắm giữ. Phần Tây do Nam Triệu Vương nắm giữ. Nam Triệu sau này gọi thành Nam Chiếu, là con cháu Triệu Vũ Đế như Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái, hay Tập sử ký Xuân Lan kể.

Khu vực vùng đầm lầy tả ngạn sông Hồng là nơi khởi đầu cuộc khởi nghĩa của Triệu Việt Vương. Triệu Quang Phục dòng dõi vua Hùng mẹ Tiên lên núi, trước là theo Triệu Vũ Đế Lý Bôn chiếm thành Long Biên, sau rút về đóng quân giữa đầm Dạ Trạch ở Nhuế Dương, rồi gặp các vị thủy thần cưỡi rồng tháo móng, chế thành vũ khí, tạo ra thuyền độc mộc, dẹp được giặc. Triệu Quang Phục xưng Vương, đi khắp nơi xây dựng đất nước. Con cháu họ Lý là Hậu Lý Nam Đế dẫn quân đến đánh. Triệu Việt Vương tử tiết ở cửa biển Đại Nha. Con cháu vua Triệu rút về phía Tây Bắc Việt, cắt giới Quân Thần ở Từ Liêm, xưng là Nam Triệu, sau là Nam Chiếu.

Thần tích về Triệu Việt Vương ở làng Nhuế Dương, tổng Phù Khê, huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Ngọc phả chép về vua Việt ta là Triệu Việt Vương

Chi Càn, thứ nhất, bộ quốc tế

Xưa ngả Việt ta trời Nam mở vận, núi sông phân ngang theo sao Dực Chẩn. Nước Bắc ban đầu phong thẳng hướng phân theo sao Đẩu Ngưu. Từ triều Hùng Kinh Dương Vương thừa mệnh phân phong của vua cha là dòng dõi đế vương nước Việt ta, đời đời cha truyền con nối, đều xưng là Hùng. Ngọc lụa xe sách, núi sông thống nhất, chính là tổ của ngả Việt ta vậy. Đến khi nhà Hùng được 18 đời mới giao lại vận nước cho Thục An Dương Vương. Dương Vương trị nước được 50 năm lại có người Chân Định nước Bắc họ Triệu tên Đà dẫn quân đến đánh nên nhà Thục mất. Triệu Đà được nước truyền 5 đời hơn trăm năm.

Từ đó ngả Việt ta thuộc về Hán, Ngô, Đường, Tống, Tấn, Tề, Lương. Đến thời Lương Võ Đế cho Tiêu Tư làm thái thú ngả Việt ta. Tư là người hình pháp khắc nghiệt, sai dịch nặng nề. Triệu dân tang thương, người người đồ thán. May sao trời có lòng, nước Nam có vua Nam ở. Ngả Việt ta tại Long Biên có người Thái Bình, họ Lý tên là ông Bôn, theo trời thuận người thừa thời thế mà khởi nghĩa. Nhưng đang khi đó chưa có nam nhi nào có tài thao lược. Ông Bôn tích trữ binh lương, thần phong chưa động.

Tin thay! có Thiếu Khang dẹp loạn tất có Thần Mi dẹp loạn cùng. Rồng lên ở trên đầm không có ý với mây mà mây tự nhiên bay đến. Đương khi ấy ở xã Hương Canh, huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một nhà họ Triệu tên Túc. Tổ tiên nhà đó vốn họ Việt, giúp Triệu Võ Đế (tức Triệu Đà) có công nên được ban cho họ Triệu. Ba bốn đời đều làm quan lớn cho triều Triệu Vũ Đế.  Đến ông Túc cũng là bậc nho y có tiếng trên đời, lấy vợ là Trưng Thị Đàm. Gia thế tuy giàu mạnh nhưng vợ chồng đều là những người trung hậu, nửa điểm hại người đều không có ý, một hào tư lợi cũng không có lòng. Địa phương nơi đó đều nói là nhà tích thiện tất có nhiều điều may mắn.

Một tối trời quang đãng, thái bà nằm ở phòng hoa, mơ màng thiếp đi. Bỗng thấy một ông lão dắt lên trên trời, ôm được một con rồng vàng. Đến lúc trở về nhìn trời lại thấy sao Thái dương rơi vào người Thái bà. Bỗng nhiên tỉnh lại. Đem giấc mộng kể với ông Triệu. Ông nói:

  • Ta xem gia phả các đời của nhà ta có tổ tiên tìm được một nơi đất quý, trước là phát 4 đời công khanh, hơn ba trăm năm lại phát đế vương từ nơi đất đó. Nay nàng nằm mộng như vậy tất con rồng đó là điềm đế vương, lại rơi vào thân, tất sẽ sinh được người con đế vương.

Thế là Thái bà có mang. Từ khi mới mang thai cho đến lúc mãn nguyệt ở nơi Thái bà nằm thường trên mình có vầng ánh sáng đỏ chiếu rọi. Đến năm Giáp Dần ngày 10 tháng 3 thì sinh hạ được một người con trai. Đang lúc sinh khí lành bốc lên, hương thơm ngào ngạt. Sinh được trăm ngày, ông Triệu đặt tên là Quang Phục.

Quang Phục khi 15 tuổi đã có khí tiết lớn, thường than rằng:

  • Là con người trên phải như Hán Tổ, Đường Tông, dưới phải như Tống Dương, Đường Tiết mà lập công nêu danh, chiêu tập nhân dân, tạo nên đức lớn, để lưu danh thơm cho hậu thế. Chứ không thể để lại tiếng xấu trăm năm mà làm uổng phí kiếp sinh ra trong trời đất.

Đến tuổi 20 cha mẹ đều mất, ông bèn làm lễ chôn cất. Trong lúc chịu tang đã âm thầm nuôi chí lạ, trữ lương luyện binh, chiêu nạp chúng bạn, dốc lòng đãi sĩ, hết sức cầu hiền, tập hợp chúng nhân được hơn vạn người. Ông thường nói rằng:

  • Người Bắc Tiêu Tư xâm chiếm nước ta, nếu không đuổi được về Bắc thì chết vì hận vậy.

Sau nghe ông Lý Bôn khởi binh ở Long Biên, anh hùng thiên hạ phần nhiều đến quy phục, ông bèn dẫn chúng quân đến theo. Ông Bôn thấy người này có văn võ dồi dào, có tài an dân ngự chúng, bèn vui mừng nói:

  • Chúng ta đều là ngang sức ngang tài, chỉ tiếc là gặp nhau hơi muộn.

Bèn ngay hôm đó bái làm Tả tướng, cùng với người anh cùng họ là Lý Phật Tư truyền hịch đi các hào kiệt ở các chư phủ huyện, cùng các quan phụ đạo, đồng lòng mở nước, vì nghĩa dẹp hung tàn. Nếu sau này yên định được đất nước sẽ cùng hưởng điều tốt lành. Khi ấy người đến ứng mộ ở các chi quân mã cộng được 20 vạn người. Bèn chia thành các đạo tiến thẳng đến cùng với Tiêu Tư giao chiến một trận, thế mạnh như chẻ tre, oai lớn như đốt củi khô nỏ. Tiêu Tư thua to, chạy về nước Lương.

Ông Bôn lên ngôi, tự xưng là Tiền Lý Nam Đế, đóng đô ở Long Biên, quốc hiệu Vạn Xuân, mở tiệc mừng lớn, rồi phong cho các tướng sĩ các cấp. Bèn phong Lý Phật Tử là chủ bộ Sơn Tây, thực ấp ở Sơn Tây. Triệu Quang Phục là chủ bộ Sơn Nam, thực ấp là Sơn Nam.

Quang Phục vâng mệnh bái tạ, đi đến nhận việc ở Sơn Nam, ngắm xem đất đai có hình thắng hiểm trở để  lập cung doanh mà ở. Một hôm đi đến nơi đất đầu xã Nhuế Dương, xứ Nhất Dạ Trạch, huyện Đông An Khoái Lộ. Bốn bề đất Nhuế Dương, trước có sông lớn, ba mặt đầm nước, núi không cao mà đất bãi như gìn giữ. Nước có sâu mà nguồn giếng êm chảy. Trái phải xung quanh có rồng hổ ôm chầu, thật đúng là nơi đất hiểm yếu. Ngay hôm đó bèn truyền quân xây dựng cung doanh vài mươi gian. Chính cung dựa Càn hướng Tốn. Quang Phục ở đó. Ngày sau gọi phụ lão nhân dân Nhuế Dương đến, khuyến khích nông tang, nam học hành, nữ may dệt, thêm điều tiện lợi, trừ bớt điều hại. Nhân dân Nhuế Dương đều yêu mến, hân hoan.

Được vài năm Đế lại triệu hồi về cùng với họ Lý. Khi đó Quang Phục cùng với Đế Bắc đuổi Tiêu Tư, Nam dẹp Lâm Ấp, đặt nên cảnh thái bình như cuốn sách trâu trắng. Trời tự có số mệnh. Lý Đế ở ngôi được khoảng 10 năm, Lương Võ Đế lại sai Bá Tiên, Dương Sàn dẫn 20 vạn quân sang đánh để rửa mối hận trước đây. Khi ấy Lý Đế đóng quân ở hồ Điển Triệt. Quân Lương không dám tiến gần. Một hôm nước hồ dâng cao chảy vào giữa hồ. Bá Tiên đốc quân theo dòng nước mà tiến. Quân của Đế thua, Đế bèn ủy phó cho Tả tướng Triệu Quang Phục giữ nước, còn mình vào động Khuất Liêu, sau đó ít lâu bị bệnh lam chướng mà mất.

Quang Phục tự thấy Long Biên bốn mặt có giặc, bèn rút hết quân về nơi chốn cũ ở Nhuế Dương, trong đầm Nhất Dạ huyện Đông An mà ở, cùng với quân Lương cự chiến, qua một năm mà không phân thắng thua.

Một hôm Quang Phục lập đàn cầu đảo trời đất bách thần. Được một lúc thì thấy có một ông lão, râu tóc xanh tốt, cưỡi rồng từ trên trời hạ xuống, tháo móng rồng giao cho Quang Phục và dặn:

  • Quốc gia hưng vong là ở số trời. Nay ta cho khanh vật này dùng làm đâu mâu, đặt vào trong lẫy nỏ. Cứ hướng vào đâu là giặc tất phải cúi rạp dẹp ra.

Dặn xong, ông Phục bái hỏi họ tên. Người đó cười nói:

  • Ta chính là Chử Đồng Tử đây.

Rồi lại cưỡi rồng bay lên không mà đi. Quang Phục làm lễ bái tạ, rồi lệnh tạo lẫy nỏ đâu mâu, gọi là thần nỏ vuốt rồng. Một trận đánh đã chém được tướng Lương là Dương Sàn. Quân Lương thua to, chạy về nước Bắc. Quang Phục cho đó là điềm trời bèn lên ngôi, tự lập là Triệu Việt Vương.

Ở cung Nhuế Dương mở tiệc mừng lớn khao hưởng tướng sĩ. Cùng với nhân dân Nhuế Dương ăn uống, lại miễn cho Nhuế Dương binh dong, tô thuế để làm dân thang mộc. Lại cho tiền bạc để mua thêm ruộng vườn để ngày sau giữ hương lửa vậy. Sau Vương sai người cùng quận là Nhã Lang đang là Tạp bộ Đại phu giữ đầm Nhất Dạ, Đông An.

Vương lại về thành Long Biên ở. Trong sửa văn đức, ngoài phòng biên cương, dốc lòng hưng bình để yên Trung Quốc. Cảnh tượng thái bình ở đời rạng rỡ. Bèn xa giá đi chu du khắp thiên hạ. Núi Nhân dạo bộ, biết sông hỏi bến. Núi sông tụ Thần Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, mây trắng, trăng gió cuốn Hoa Quật, Long Biên. Trên dưới núi xanh nước biếc. Phàm đến nơi nào thấy sơn thủy hữu tình đều lập hành cung, cho miễn binh dao để ngày sau làm nơi hộ nhi.

Một ngày nọ lại trở về Nhuế Dương thăm xem cung điện. Khi ấy người ở Nhuế Dương tranh nhau mang trâu rượu đón tiếp, làm lễ mừng lớn. Vương ở lại Nhuế Dương mấy chục ngày rồi lại trở về ở thành Long Biên.

Lại nói, khi ấy tướng cùng tộc với Tiền Lý Nam Đế là Lý Phật Tử thấy Triệu Quang Phục xưng vương, bèn vào động Dã Năng ở 15 năm. Đến khi ấy dẫn quân đến đánh Triệu Việt Vương. Mỗi khi ra trận, Việt Vương lại dùng nỏ thần. Quân Phật Tử đều sợ hãi mà chạy. Trong tướng sĩ của Phật Tử có người hiểu biết nói với Phật Tử rằng:

  • Thần xem Triệu Việt Vương tất nỏ thần có lẫy có thuật lạ. Nếu không lo việc này thì quân ta càng đánh càng thua. Chi bằng hãy treo giáp ngừng quân để dùng mưu mà lấy. Thần nghe nói con gái Triệu Việt Vương là Gạo nương cùng với con của minh công là Nhã Lang xấp xỉ cùng tuổi. Nay có kế này Ngài có thể sai sứ cầu hòa và câu hôn sự. Việt Vương mà đồng ý thì tất sẽ cho Nhã Lang vào Triệu ở rể, rồi tùy ý mà hành động, tất thiên hạ có thể dựng lại về nhà họ Lý vậy.

Phật Tử vui mừng bèn viết thư rồi chọn hậu lễ thỉnh hòa và cầu hôn. Triệu Vương nghĩ Phật Tử là dòng tộc Tiền Nam Đế, không nỡ tận tuyệt, bèn đồng ý. Phật Tử lại đưa sinh lễ xin cho Nhã Lang vào làm con tin. Từ đó Việt Vương chia nước làm hai mà cùng trị. Chỗ phân cắt giới là bãi Quân Thần ở Thượng Cát, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây. Từ Thượng Cát về phía Tây Phật Tử trị. Từ Thượng Cát về Nam Việt Vương trị. Vương sau lại yêu mến Nhã Lang, gọi là rể hiền, tin tưởng cho ra vào mà không nghi ngờ gì.

Một hôm Việt Vương nằm ở gác Đông, bỗng mơ màng như mộng, thấy Chử Công Đồng Tử tiến lại. Việt Vương trong mộng chay ra ngoài sân nghênh đón. Thấy Đồng Tử vén tay áo lên lấy ra một bức thư giao cho Việt Vương. Vương bèn mở ra xem, chỉ thấy trong có 6 chữ là:

  • Việc thời Thục An Dương Vương.

Vương định nghênh bái đón tiếp thì bỗng nhiên tỉnh lại, mới biết là nằm mơ. Vương tưởng trong mơ là thấy lại mộng cũ gặp ông Chử Đồng Tử, cho nên không để ý. Đến khi Vương ở ngôi được khoảng 23 năm. Con trai của Phật Tử là Nhã Lang ngầm dụ Gạo nương rằng:

  • Xưa kia hai cha của chúng ta từng là thù địch, nay lại kết giao Tấn Tần, theo đó mà tránh được nỗi khổ của chiến tranh. Ngày ấy  khi cha nàng cùng với cha ta giao chiến, cha nàng có phép thần gì mà có thể thường đẩy lùi được quân của cha ta vậy

Gạo nương bèn lấy nỏ thần vuốt rồng ra cho xem. Nhã Lang bèn tráo đổi lấy cắp đâu mâu vuốt rồng. Nhân đó nói với Gạo nương rằng:

  • Tuy tình vợ chồng không thể mất nhưng nghĩa cha con cũng không thể xa rời. Ta muốn về thăm thân, chưa biến ngày nào cùng nàng gặp lại.

Nàng nói:

  • Vạn nhất mà hai nước thất hỏa, khi đó chồng Bắc vợ Nam làm sao mà gặp lại?

Nhã Lang nói:

  • Nếu có như vậy nàng hãy giấu lông ngỗng trong người, chạy đến đâu thì rắc lông ngỗng ở đường. Ta nhận được dấu đó sẽ đến gặp lại.

Thế rồi Nhã Lang giấu vuốt rồng trở bề báo với Phật Tử. Phật Tử vui mừng, bèn cất quân đến đánh Việt Vương. Vương vẫn chơi cờ vây mà cười rằng:

  • Phật Tử không sợ nở thần của ta sao Không nghĩ đến nghĩa hôn nhân hay sao?

Phật Tử nói:

  • Phật há lại sợ thần hay sao?

Bèn dẫn quân bức đến. Việt Vương mang nỏ ra mới biết là đã mất vuốt rồng, thế cùng lực tận, không biết làm thế nào. Bèn đặt Gạo nương lên ngựa, sau cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha ở xã Lục Bộ, huyện Giao Tủy. Còn Phật Tử cứ theo lông ngỗng mà truy sát đến. Trước là cửa biển, sau là quân truy kích. Việt Vương đang lúc quẫn bách thì thấy Chử Công Đồng Tử cưỡi hạc bay đến trước Việt Vương hô to:

  • Vương không nhớ ta đã ứng trong mộng cho 6 chữ sao? Nữ tử sau ngựa chính là giặc đó.

Việt Vương tự biết, than rằng:

  • Hối không kịp rồi.

Bèn rút gươm chém Gạo nương. Vương tự mình nhảy xuống cửa biển Đại Nha mà mất (khi đó là ngày 12 tháng 8). Vương từ khi mất thường có nhiều linh ứng. Nơi mà Vương hóa xã Lục Bộ lập đền ở trên cửa biển để thờ phụng. Còn xã Nhuế Dương, huyện Đông An từ khi Vương mất nhân dân đều mang bệnh tật không yên, thường mơ thấy một người thân mặc áo xanh tay cầm cờ vàng nói rằng:

  • Ta là thiên sứ xuống báo cho dân các ngươi xây dựng cung miếu để thờ Triệu Việt Vương.

Người dân không biết như thế nào. Lại thấy Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Con trai Nhã Lang đến nơi dân truyền rằng Việt Vương đã hóa. Dân phải lập miếu phụng thờ. Lại thấy Tạp bộ Đại phu ở xã Đại Lan bản huyện cũng tự đến tận nơi cung sở chính, lập làm đền miếu, vâng chép thần hiệu Triệu Việt để phụng thờ. Từ đó bệnh tật đều yên hết. Cảm tất thông, cầu tất ứng. Nên nhân dân phụng thờ nghiêm cẩn.

Lại nói khi Hậu Lý Nam Đế ở ngôi được 20 nằm thì hàng Tùy mà mất. Trải qua Mai Hắc Đế, Phùng Bố Cái, Khúc Tiên Chủ, Khúc Trung Chủ, Khúc Hậu Chủ, Dương Chính Công, Tiền Ngô Vương, Hậu Ngô Vương, Mười hai sứ quân cùng nhau tranh giành, cát cứ các nơi. Sinh dân do đó thật lầm than. Lại có người ở Hoa Lư động, châu Đại Hoàng họ Đinh tên Bộ Lĩnh khởi binh dẹp trừ 12 sứ quân. Khi dẫn quân đánh Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu Đinh Bộ Lĩnh tự đến xã Nhuế Dương  cầu ở nơi đền miếu Việt Vương. Việt Vương cũng có hiển ứng âm phù. Khi dẹp được 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tự lập là Đinh Tiên Hoàng đế, bèn truy phong Việt Vương Hoàng đế, ban cho mĩ tự sắc chỉ về Nhuế Dương, trùng tu miếu điện để thờ phụng. Xuân thu sai quan đến tế. Bốn mùa hương lửa cùng quốc gia hưởng yên. Thịnh sao!

Truy tôn Triệu Việt Vương Khai quốc Dực vận Quảng tế Thần võ Nguyên công Chí  Thánh Triệu Hoàng đế. Cho xã Nhuế Dương phụng thờ.

Lại nói, từ đó về sau trải đời Lý 8 nhánh, Trần 12 vua cùng với Hoàng gia ta khai sáng hồng đồ thường có hộ quốc cứu dân, cầu mưa cầu nắng, đều có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương gia phong mĩ tự để làm vạn năm hương lửa vô cùng. Tốt thay, đẹp thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ cùng với các chữ húy hai chữ Quang Phục, màu áo vàng nhất thiết cấm khi làm lễ không được mặc.

Sinh thần ngày mồng 10 tháng 3 (lễ dùng trên mâm chay, dưới cỗ trâu, xôi, rượu, ca hát ba ngày).

Ngày hóa thần 12 tháng 8 (lễ dùng trên chay bàn bánh chè oản hương hoa. Dưới cỗ trâu xôi rượu, đấu vật ba ngày).

Ngày khánh hạ là mồng 10 tháng Giêng (lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát một ngày).

Xuân thu hai kỳ lệ được ban cho tiền đồng 60 quan, sai quan đến tế, làm lễ tam sinh, ca hát một ngày.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất tháng đầu xuân ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các đại học, thần, Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ nhất tháng giữa thu nguyệt ngày tốt, Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh, thần, Nguyễn Hiền tuân theo chính bản vâng sao.

Bát phẩm thư lại, thần, Hoàng Công Độ vâng chép.

Thần tích làng Bùi Xá, tổng Phù Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

Phả lục công thần thời Tiền Lý Nam Đế họ Triệu tên Phục, sau là Triệu Việt Đại Vương.

Xưa nước Việt ta mở cơ đồ Nam phục, phân giới theo sao Ngưu Đẩu. Triều Hùng mở vận, thánh tổ ứng đồ. Nước biếc một dòng, khởi vận thánh đế minh vương. Núi xanh vạn dặm, dựng nền cung điện thành đô. 18 đời truyền hơn hai ngàn năm thịnh trị. Đời đời cha truyền con nối, đều xưng là Hùng. Ngọc lụa, núi sông vạn dặm thống nhất, chính là tổ của Bách Việt vậy. Truyền đến đời Duệ Vương không có người kế tự, bèn nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Dương Vương có nước trị được 50 năm. Có người Chân Định họ Triệu tên Đà dẫn quân đến xâm chiếm. Nhà Thục mất. Triệu Đà chiếm được nước, cha truyền con nối 5 đời làm vua.

Từ đó nước Việt ta thuộc về Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Khi ấy nước Việt ta có ông Lý Bôn, có tài văn võ của bậc đế vương, có chí dẹp loạn khôi phục non sông, thừa vận theo trời thuận người mà khởi dưỡng chí lớn, chọn tìm tướng tài. Tin thay! đã có vua tất sẽ có bề tôi. Rồng lên ở đầm không có ý với mây mà mây tự đến.

Đương khi đó tại huyện Châu Diên phủ Tam Đới đạo Sơn Tây có một người xử thế theo kinh sách, lo liệu việc nhà bằng hiếu đễ. Người đó họ Triệu tên Túc, cùng với bà Lê Thị Minh kết duyên cầm sắt, xướng hợp uyên ương, ba sinh hương lửa, một mối phong quang êm đềm, dư giả vậy. Gia thế vốn giàu có. Vợ chồng cùng là những người trung hậu, giúp nghèo cứu yếu, tích đức làm việc nhân, nửa điểm hại người cũng không làm, một ý tham lợi nhỏ cũng không theo. Phàm là việc giúp người tạo phúc, đều cố hết sức lực để làm. Nhân dân địa phương ai ai cũng nói là gia đình tích thiện tất sẽ có nhiều may mắn.

Khi ấy vợ chồng ông đều đã ngoài 40 tuổi mà chưa thấy có sinh nở nên cùng nhau đến đền thiêng trên núi Tam Đảo để cầu đảo. Đêm đó ông nằm mơ thấy ánh sáng tràn đầy nhà, chốc lát có rồng vàng trườn tới. Ông bắt được một con rồng vàng. Đến khi tỉnh lại mới biết là một giấc mộng Hoàng Lương bên gối. Rạng ngày ông làm lễ bái tạ, trở về nhà.

Từ đó bà Lê Thị thấy trong người có mang. Mang thai được 12 tháng đến mùa hè năm Mậu Thìn ngày 1 tháng 5 giờ Thân thì sinh hạ một người con trai, thân hình đẹp đẽ chỉnh tề, khí chất khôi ngô kỳ lạ. Trong lúc sinh khí lành tụ thành hình, hương thơm bay ngào ngạt, cuốn bám đầy phòng. Sương mù rạng rỡ ở nơi nằm. Người cha rất vui mừng cho đó là trời ban cho, bèn đặt tên là Quang Phục.

Ngày qua tháng lại, đến khi trưởng thành thì tìm thầy đi học. Học được vài năm thì đã hiểu thấu văn chương, trí tuệ hơn người, tinh thông võ bị, tài năng cái thế, cùng với lục giáp, thần phù không gì là không tinh thông. Đang khi còn đi học, thầy dạy thường nói rằng:

–   Gia đình người này đúng là có được điều phúc lớn, sinh được một người con trai tốt như vậy. Ngày sau sẽ là người trải trời rải đất, bày lập thời đại kinh kỷ, là người quý của nước Nam vậy.

Đến năm Ngài 12 tuổi thì sách vở của trăm nhà không gì là không nắm được. Mỗi khi bàn luận cùng với bạn bè cùng trang lứa, bằng hữu đều sợ phục. Ngài thường than rằng:

–   Làm người phải như các bậc thánh hiền thời cổ, sáng lập công danh, không thì cũng là chốn sa trường da ngựa bọc thây, mới đúng là bậc đại trượng phu. Đâu thể chỉ yên phận với việc nghiên bút được.

Từ đó không quan tâm đến sản nghiệp mà nuôi chí lớn. Thường hận là nước Nam phải phụ thuộc vào người ngoài, không tự quản thủ (khi ấy Lương sai Tiêu Tư là thái thú ở Việt ta). Bèn ngày đêm tích trữ binh lương, âm thầm nuôi chí lạ, chỉ còn tìm thánh quân đợi thời mà phát động. Một hôm ngài Quang Phục nghe có ông Lý Bôn ở đất Quảng Đông Long Biên, có chí lớn lao, anh hùng trí dũng, có khí tượng lớn của bậc đế vương, chiêu tập binh mã khôi phục đất đai. Ngài bèn chọn ngày dẫn quân tìm đến bái yết. Ông Lý thấy người này văn võ toàn tài, bèn nói:

– Ta cùng ngươi khó phân tài cao thấp, nhưng có được tướng tài không khi nào là muộn cả.

Ngày hôm đó bèn bái Quang Phục là Đại tướng quân, chọn ngày lập đàn cầu đảo trời đất, bách thần, đãi hưởng quân sĩ, rồi chia quân thành các đạo cùng tiến thẳng đến quân Lương. Đánh một trận lớn. Quân Lương thua to. Tiêu Tư chạy về nước Lương. Ông Lý lên ngôi, tự lập là Tiền Lý Nam Đế. Phong Triệu Quang Phục làm Đại tướng quân. Quân thần hợp đức, thiên hạ thái bình. Vạn dân no đủ vui ca. Bốn biển thấy cảnh tượng thái hòa. Nhà Lý làm Đế, họ Triệu làm bề tôi.

Được quãng 8-9 năm, nhà Lương lại cử Tiêu Tư làm tiên phong, Bá Tiên làm Đại tướng, dẫn quân 20 vạn đến đánh để rửa mối hận trước đây. Nam Đế bèn cùng với Quang Phục cự chiến, mấy trận không phân thắng thua. Nam Đế bèn cho Quang Phục dẫn một đại quân trở về giữ huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Còn Nam Đế giữ vùng Dã Năng. Quân Lương lại tiến đánh. Nam Đế lại chạy về động Khuất Liêu, bị phát bệnh lam chướng mà mất.

Còn Quang Phục ở huyện Đông An, thấy trong huyện có đầm Nhất Dạ tại đất xã Vĩnh Hưng (tức xã An Vĩnh). Đầm này chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ lác mọc rậm rạp. Bốn bề bùn lầy sình trũng. Bên trong có một chỗ nhỏ có thể ở. Quang Phục bèn lập đồn lớn ở trong đầm.

Ngài lại đi khắp nơi trong huyện (tức huyện Đông An) tìm nơi đất nào có hình thế tiện lợi để lập cung mà ở. Một hôm đi đến xã Bùi Xá tổng Đại Quan, thấy hình rồng rắn bao bọc, núi sông quanh co, bèn lập một ở nơi đó để năm tháng có thể nhàn du thưởng ngoạn.

Việc xong lại đóng đồn quân ở đầm Dạ Trạch, thường cùng tướng Lương là Trần Bá Tiên cự chiến vài chục trận. Quân Lương đều thua. Thường khi dẫn quân đánh quân Lương thì thấy có một lão ông, râu tóc dài khỏe, thân thể kỳ dị, cao hơn 9 thước, cầm một cái dùi sắt, theo khói sương trong đầm mà lên, tiếng như chuông lớn, hình như sắt trắng, đánh quân Lương thua to.

Sự việc xong ông lão lại cùng với Quang Phục đi dạo, nói cười vui vẻ như anh em cùng một bọc đến chơi vậy. Phàm khi Quang Phục có việc bị quân Lương tập kích thì đều đến báo trước thời gian. Nếu Quang Phục gạn hỏi họ tên, duyên cớ thì đều không báo sự thực. Một hôm Quang Phục đi đến cung sở ở xã Bùi Xá. Nhân dân đang làm lễ đón mừng thì bỗng thấy lão ông từ bên ngoài đi đến. Quang Phục bèn mời vào trong ngồi. Lão ông nói rằng:

–   Tôi vốn là thanh khí chốn bèo nước, là dòng dõi một bầu trăm trứng họ Hùng trước đây, cũng là phúc thần của Bùi Xá (xem tích Lạc Long Quân lấy tiên nữ Âu Cơ, sinh hạ một bầu trăm trứng, nở ra điềm trăm trai, đều có tư chất hơn người, anh hùng vượt đời. Đến khi trưởng thành Vua bèn phong hầu lập bình phong, chia nước làm 15 bộ. 50 người con theo cha về biển làm thủy thần. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần). Tôi là Đông Hải Đại vương, là người con thứ 10 trong số 50 người con về biển, họ Hùng tên Chiểu, ở giữ biển Đông nên gọi là Đông Hải Đại vương. Sau lại kiểm giữ đầm Nhất Dạ ở Sơn Nam, làm thần ở Bùi Xá trong đầm Dạ Trạch. Sau này cùng ngài được cùng hưởng trong dân nên mới đến báo tin. Nay là lúc nghiệp làm vương tất sẽ thành. Ngài nên chọn ngày trai giới cầu đảo với Trời. Tất Hoàng thiên sẽ cho Quý Minh Đại vương là Hữu kiên thần của Tản Viên Sơn Thánh, cưỡi rồng đến để cho ngài móng rồng làm đồ quý thiên ban, tất nghiệp vương có thể thành. Còn quân Lương không thể vây được. Nếu được như vậy thì cùng phụng thờ vị Quý Minh Đương Lai, có việc lành dữ như thế nào thì tôi cùng với Quý Minh tất báo cho, lại càng tăng thêm điều tốt. Từ nay, tôi có việc trên thiên đình, không thể cùng nhau gặp mặt như ngày trước.

Nói xong, ông lão bay lên không mà đi. Ngài Quang mới biết đó là thủy thần cùng mình đi dạo, nay đến giảng dạy cho. Bèn gọi nhân dân Bùi Xá đến hỏi. Dân đều nói trước đây quả có phụng thờ Đông Hải Đại vương. Nguyên là vì dân nghèo không thể sửa chữa được đền miếu nên trải qua thời gian đã bị hỏng nặng. Ông Phục nghe lời bèn khấn rằng:

–   Nếu quả đúng như lời, thần xin sửa chữa đền miếu để cùng phụng thờ.

Bèn chọn ngày trai giới, lập đàn dâng lễ cáo tế trời đất, cầu đảo bách thần. Ba ngày đèn hương không dứt. Bỗng thấy trời đất mù mịt, mây gió nổi lên. Có một vị thần tướng cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống, đứng trên đàn. Ông Phục đại bái ở trước. Thần tướng mới nói rằng:

– Ta là Quý Minh Đương Lai (Xét xưa cha của ông Quý họ Nguyễn, mẹ họ Tạ, nằm mộng thấy hai con hổ nhập vào, có thai mà sinh một bọc hai con trai. Người anh tên Sùng công, là Cao Sơn Đại vương. Người em tên Hiển công, là Quý Minh Đại vương. Tản Viên Sơn cùng là ba người anh em, là con chú con bác. Sau gọi là Tả hữu lưỡng kiên thần), cho khanh một vật để làm nỏ thần báu vật trời ban. Cho dù có giặc mạnh cũng không phải lo lắng vậy.

Bèn tháo móng rồng mà trao cho ông Phục. Ông làm lễ bái tạ. Quý Minh cưỡi rồng biến mất. Ông Quang Phục rất mừng, bèn lệnh cho chế tạo nỏ thần vuốt rồng, tự lập là Triệu Việt Đại vương, hướng nỏ vào đâu thì quân Lương đều tự khắc dạt ra, không dám đến gần.

Do cảm đức lớn của đức Đông Hải, Quý Minh và từ lời không thể đổi của đức Đông Hải nên Ngài cho trùng tu miếu điện ở xã Bùi Xá, viết thần hiệu hai vị Đông Hải, Quý Minh để phụng thờ (thời cổ người còn thuần phác, theo sự việc thật mà đến, nên có chữ Đương Lai, có lẽ là theo nghĩa thứ hai là đến), để sau này khi ngài trăm tuổi làm nơi hương lửa hưởng thần. Cho phép Bùi Xá dùng tô thuế, phục dịch, mua thêm ruộng công để làm dân thang mộc, cùng phụng thờ hai vị Đông Hải, Quý Minh. Bốn mùa tám tiết hương lửa theo như nghi thức. Người đời sau có thơ rằng:

Sơn thuỷ tòng lai tương biệt thú

Như hà sơn thuỷ đắc đồng nguyên

Giả lệnh tại đương thì giả

Cảm vấn chư công đắc minh.

Dịch nghĩa:

Sông núi theo đi mà chia biệt

Tại sao sông núi lại cùng nguồn?

Nếu là thủ lĩnh đương thời đó

Dám hỏi các ngài rõ không?

Vua từ đó lấy làm đắc chí, mới đi chu du thiên hạ, xem sông hỏi bến, tản bộ núi rừng. Lúc thì thổi sáo đánh đàn, thơ sách đối với trời đất, phượng hát loan ca, thanh sắc Bồng Lai, chủ trương ba lá vượt bồng, năm hồ trăng gió, dấu tiên tại đình thuyền câu, hai gương cảnh tượng xe mây nếp cũ. Nước xanh, núi đẹp đều tụ lại với đất trời. Thánh ở Tây, thần ở Bắc, ra vào chốn phong cảnh trời Nam. Theo dấu tiên ông mà đi khắp quê nhà nước cũ. Núi sông Thần Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, đám mây trắng, gió trăng cuốn Hoa Quật, Long Biên. Trên dưới non xanh nước biếc. Ở ngôi được khoảng 10 năm, thiên hạ thái bình, xem thấy lũ cướp đều lánh xa, bọn giặc đều yên. Không người nào không thỏa lòng sinh. Không vật nào không yên mà không dưỡng. Công thành, trị định. Việc cơ yếu thành hòa hợp, hưng khởi mà trị. Cũng đều do có nỏ rồng trời ban xếp đặt vậy.

Vua từ khi có được báu vật của trời đâm ra thêm kiêu ngạo, lại đam mê yến tiệc, không lo việc quốc chính. Thiên tai báo nguy cũng là điềm báo trước. Thiên mệnh đến mức trọng thì không thể dùng trí lực mà tranh giành được. Người em của Tiền Lý Nam Đế là Lý Phật Tử với con trai tên Nhã Lang có tấm lòng đế vương, kiêm tài văn võ, tích trữ quân lương để khôi phục họ Lý, trí mưu đều lớn, dũng lược hơn người, dẫn quân đến đánh Triệu Việt Vương, mấy trận đều bị thua.

Nhã Lang trong lòng biết vua Triệu có báu vật trời ban, tuy có trí dũng cũng không thể vây được, bèn nói với cha rằng:

–  Thần xem nước Triệu tất có cơ thần, thuật lạ. Nay nếu hết sức mà công đánh tất sẽ hao tướng mất quân, cũng không thể thành công được. Chi bằng hãy dùng mưu mà lấy. Thần sẽ cầu hôn với con gai vua Triệu là Quả Nương, rồi thần vào ở rể làm con tin, tất sẽ biết được thực hư vậy.

Phật Tử đồng ý, bèn mang lễ cống đến giảng hòa với vua Triệu, nói:

–  Xưa Vương cũng là danh thần của Nam Đế ta. Nay Vương có con gái Quả Nương cùng với Nhã Lang đồng tuổi. Dám xin cầu để kết nghĩa Tấn Tần, mà tăng thêm tình thân vậy.

Triệu Vương đồng ý. Khi ấy có các đình thần ra sức can gián, nhưng cuối cùng Vương không nghe, nói:

–  Ta có nghĩa với Tiền Lý Đế, lại có thần nỏ vuốt rồng, ai làm gì được?

Một hôm Vương nằm ở Bùi Xá miếu sở phụng thờ hai vị Đông Hải, Quý Minh, bỗng mơ thấy hai vị đến ban cho Vương một bài thơ. Vương trong mộng mở ra xem, thấy trong có 4 câu thơ:

Nhị thập niên gian tắc du vương

Thiên hạ dĩ định khả tri tường

Nam bang hồi Lý gia Phật tử

Long trảo hoàn quy tại Nhã Lang.

Dịch nghĩa:

Hai mươi năm đó đã xưng Vương

Thiên hạ định rồi, biết rõ ràng

Nước Nam về tay Lý Phật Tử

Móng rồng quay trả ở Nhã Lang.

Khi ấy Vua ở ngôi đã được 20 năm. Một hôm Nhã Lang tráo đổi, lấy trộm vuốt rồng, rồi quay về báo với Phật Tử. Phật Tử bèn dẫn quân đến đánh. Triệu Vương thua chạy. Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Nam Đế nghĩ đến chữ nghĩa cha con, quân thần bèn cắt giới từ Thượng Cát, huyện Từ Liêm về phía Tây cho Nhã Lang ở. Từ Thượng Cát về phía Đông Nam Việt ở, gọi là Quân Thần.

Sau khi Vương mất ở nơi yên nghỉ cuối cùng thì nhân dân xã Bùi Xá cảm ơn đức bèn viết thần hiệu mà lập miếu thờ phụng, giữ được hương lửa vạn đại vô cùng. Từ đó về sau trải Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ khai sáng cơ đồ, thường có việc hộ quốc bảo dân nên có nhiều đế vương gia phong mỹ tự để muôn năm cùng an hưởng với nước nhà. Tốt thay!

Xã Bùi Xá phụng thờ.

Tiệc lớn cùng với các chữ húy Đông, Hải, Quý, Minh, Quang, Phục cùng màu đỏ và tía là húy kỵ.

Chính lệ sự thần ngày 1 tháng 5.

Ngày 2 tháng 2 là tiệc lớn mở sắc.

Năm Hồng Phúc thứ nhất ngày tốt tháng giữa xuân, niên hiệu vua Lê Anh Tôn.

Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ nhất ngày tốt đầu xuân niên hiệu vua Lê Ý Tông.

Chánh hội Hoàng Văn Tiệp, Thư ký Lê Văn Chấn, Lý Trưởng Lê Văn Trong ký.

Sử thuyết Hùng Việt, chặng đường hơn 16 năm

Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi. Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả Thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay xốc tới.

Văn nhân Nguyễn Quang Nhật.

Năm 2007 tác giả Văn Nhân Nguyễn Quang Nhật, lần đầu tiên hoàn thành bộ Sử thuyết họ Hùng trên blog của mình. Sử thuyết họ Hùng hình thành theo tư tưởng của cố Giáo sư Lương Kim Định về đóng góp của người Việt đối với nền văn hóa lịch sử phương Đông, nhưng Sử thuyết họ Hùng đã tiến một bước dài hơn, nhận định sâu sắc và đột phá hơn. Đặc biệt Sử thuyết họ Hùng đã đặt ra vấn đề về “vụ án” tráo sử tầm cỡ thế giới giữa Hán sử và cổ sử Việt.

Bộ Sử thuyết họ Hùng đưa ra một cách nhìn hoàn toàn khác về quá khứ của người Việt, từ thời hồng hoang cho tới thời Lý thế kỷ 11. Hơn 4000 năm lịch sử của người Việt bị đánh tráo đã dần lộ ra. Lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt sao có thể dùng vải thưa che khuất được.

Cùng với Sử thuyết họ Hùng là tác phẩm Dịch học họ Hùng của cùng tác giả Nguyễn Quang Nhật. Dịch học là nền tảng văn hóa xã hội của trời Đông, là ánh sáng soi đường cho người Việt đi lên trong quá khứ, và nay lại là chìa khóa mở ra những cánh cửa tìm về nguồn cội. Một sử quan bất ngờ và đột phá, một phương pháp nghiên cứu sử độc đáo, sâu sắc, đó là điểm bắt đầu của Sử thuyết Hùng Việt.

Thế nhưng, Sử thuyết họ Hùng ban đầu được công chúng tiếp nhận với một sự ngờ vực đáng kể, có thể do nó quá đột phá, nhưng cũng có thể do nó còn đang cần thêm nhiều chứng thực hơn nữa. Mặt khác, những năm đó là thời kỳ nở rộ của “bách gia chư tử” đối với vấn đề nguồn gốc người Việt. Những trường phái cổ sử khác nhau đã hình thành với không ít những người theo đuổi. Do đó, số người hiểu được Sử thuyết họ Hùng khi đó rất ít. Số người từ hiểu và có thể đi đến hành động lại càng ít hơn. Một trong số những người đó là Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu.

Được sự gợi ý của Sử thuyết họ Hùng, với điều kiện tiếp xúc thực tế ở Việt Nam, tác giả Bách Việt trùng cửu đã thử tìm những minh chứng cho Sử thuyết qua nguồn tư liệu lịch sử ít ai dám dùng. Đó là các hoành phi, câu đối, các truyền thuyết, các thần tích, lễ hội vốn rất đặc sắc, phong phú ở Việt Nam. Những phát hiện bất ngờ nhưng lại chính xác đã được chiêm nghiệm ra. Mỗi cánh cửa hé mở thì sự thật lại càng sáng tỏ hơn.

Những suy nghĩ, khám phá của mình đã được tác giả Bách Việt trùng cửu chia sẻ từng bài trên blog cá nhân. Tới năm 2015, những bài viết tản mạn đã được tập hợp trong 18 chương sách “Bước ra từ huyền thoại, lịch sử nước Nam qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian”. Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử,…

Đồng thời, Bách Việt trùng cửu cũng đã biên tập lại các bài viết trên blog của tác giả Văn Nhân thành 2 tập sách là Sử thuyết Hùng Việt và Dịch học Hùng Việt. Cùng với đó là cuốn Văn minh Hùng Việt, gồm những bài viết của cả 2 tác giả về những vấn đề văn hóa, dân tộc, hiện vật khảo cổ, thư tịch từ góc nhìn của Sử thuyết Hùng Việt. Bộ 4 cuốn sách trên đã trở thành “kinh điển” của Sử thuyết Hùng Việt, cho dù không hề có cuốn nào trong số đó được xuất bản một cách chính thức.

Số bản in “Tứ kinh Hùng Việt” cho tới giờ ước đạt 2000 bộ, đã chuyển đến tay bạn đọc gần xa. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, những hình thức truyền thông khác đã được áp dụng. Năm 2016 trang Hùng Việt sử quán được lập dưới dạng một trang trên Facebook. Trang Hùng Việt sử quán cũng như 2 blog của 2 tác giả Văn nhân và Bách Việt trùng cửu hoạt động theo nguyên tắc không vụ danh, không vụ lợi, sẵn sàng tranh luận khoa học nhưng tôn trọng các ý kiến góp ý, tôn trọng bạn đọc. Trên con đường tìm về nguồn cội, mọi manh mối, dấu vết đều là đáng quý.

Nhờ những hoạt động nghiên cứu và chia sẻ tích cực này mà trang đã nhận được sự ủng hộ của khá đông đảo bạn đọc. Sau hơn 1 năm, lượng người theo dõi trang đã đạt hơn 1 vạn, nhưng con số này hầu như duy trì cho tới nay. Nó cho thấy sự kén chọn bạn đọc đối với nội dung của Sử thuyết Hùng Việt.

Một cây làm chẳng nên non… Sử Việt bao la, sức một người chỉ như giọt nước trong biển lớn. Năm 2017 Nhóm Đền miếu Việt được thành lập trên nền tảng Facebook để làm nơi chia sẻ giữa nhiều người cùng mối quan tâm đến tổ tiên, đến quá khứ, đến tín ngưỡng của người Việt. Đồng sáng lập nhóm đã có thêm tác giả thứ ba là Nguyễn Đức Tố Huân. Trên cơ sở điền dã di tích thực tế ở khắp các vùng miền đất nước, nhóm Đền miếu Việt trở thành một nơi chia sẻ tư liệu hình ảnh và kiến thức rất phong phú về các đình đền miếu mạo, lý giải các sự tích, tín ngưỡng thờ cúng của người Việt.

Sử thuyết Hùng Việt lúc này đã đi vào văn hóa, được kiểm chứng qua các di tích, và cùng đồng thời được làm sâu sắc hơn, chi tiết hơn. Từng mảnh ghép của bức tranh lịch sử dân tộc dần dần được xếp đặt vào đúng chỗ. Quá khứ người đã ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Hoạt động của nhóm Đền miếu Việt đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhiều người. Tới nay nhóm đã có trên 17 ngàn thành viên. Những vấn đề, những mối quan tâm khác nhau cùng được chia sẻ, trao đổi qua nhóm. Đó là tiền đề cho những cuốn sách được xuất bản một cách chính thức.

Cuốn sách đầu tiên của Nhóm Đền miếu Việt là cuốn “Châu trưởng Đặng Thiện Quang và di tích đình làng Lý Đỏ” do nhà xuất bản Dân trí xuất bản năm 2019. Tuy là một cuốn sách nhỏ, về 1 di tích cụ thể nhưng đây là lần đầu tiên luận điểm nhìn nhận cơ bản của Sử thuyết Hùng Việt về một giai đoạn lịch sử cụ thể được xuất bản một cách chính thức.

Những thành viên nòng cốt của nhóm Đền miếu Việt lúc này đã mở rộng, đặc biệt có sự tham gia của sư thầy Thích Tâm Hiệp, một người tu hành chính thức. Qua kinh nghiệm xuất bản đầu tiên, nhóm đã quyết định “đi lại từ đầu”, bắt đầu từ những vị vua Hùng đầu tiên của thời dựng nước.

Với niềm kính ngưỡng tiên tổ, biết ơn công đức của tiền nhân, cuốn “Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo” của 3 tác giả Nguyễn Đức Tố Lưu, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Huân đã ra đời năm 2020. Lần xuất bản đầu được nhà sách Đông Tây ủng hộ phát hành, với số lượng khá khiêm tốn là 500 bản. Tuy nhiên, cuốn sách đã nhanh chóng được tái bản thêm 500 bản nữa, rồi lại được tái biên phát hành vào năm 2022 với số bản in lên tới 5000 bản. Lần in này có lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo” là một công trình khảo cứu giá trị và độc đáo vì bên cạnh việc giới thiệu các tư liệu ngọc phả gốc về Hùng Vương, cuốn sách còn đưa ra phân kỳ toàn bộ thời đại Hùng Vương với 18 triều đại, liên kết với những di tích đền miếu còn tới nay. Sử thuyết Hùng Việt đã được giới thiệu trong cuốn sách này một cách tương đối tổng quát, có cơ sở và được xuất bản chính thức.

Cùng với việc xuất bản, nhóm Nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt đã tổ chức và tham gia một loạt các hoạt động truyền thông về cuốn sách. Đó là buổi ra mắt sách tại nhà sách Đông Tây. Là cuộc nói chuyện với hàng trăm độc giả ở Quảng Trị. Hay chia sẻ với Hội đồng Lưu tộc trong cuộc hội ngộ ở Việt Trì…

Nối tiếp thành công bất ngờ của cuốn “Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo”, Nhóm đã biên soạn và xuất bản cuốn khảo cứu thứ hai là “Kinh triều bảo lục Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn”. Cuốn sách đề cập đến nhân vật nổi tiếng trong cổ sử Việt là Kinh Dương Vương, với đầy đủ những sự tích, di tích và nhận diện thời kỳ đẻ đất đẻ nước này.

Việc xuất bản chính thức các nội dung cụ thể vận dụng Sử thuyết Hùng Việt không chỉ hướng tới đông đảo bạn đọc hơn, mà còn thu hút được sự chú ý của các cơ quan báo chí. Nhóm Đền miếu Việt đã góp hàng chục bài báo có chất lượng về văn hóa và lịch sử cho báo in là báo Lao động cuối tuần và báo số là Tạp chí Công dân & Khuyến học.

Song song với các sách in, Hùng Việt sử quán còn biên soạn lại các nội dung thành từng tập sách nhỏ và cho công bố ở dạng ebook, phát hành miễn phí cho bạn đọc. Đó là các cuốn ebook Hùng Vương truyền sử diễn nghĩaViệt điện tứ linh và gần đây nhất là cuốn Lịch sử Hùng Vương tân biên và vịnh sử. Hình thức ebook giúp việc phát hành và truyền tải nội dung đến bạn đọc được nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Đã qua hơn 16 năm kể từ khi Sử thuyết Hùng Việt ra đời, những gì làm được tới nay đã đủ chứng tỏ sức sống và tính đúng đắn, khoa học của Sử thuyết. Sử thuyết Hùng Việt không còn là những biên khảo lịch sử trên giấy nữa, mà đã đi giải quyết nhiều vấn đề thực tế về văn hóa, khảo cổ, dân tộc học… bởi Sử thuyết vốn sinh ra từ thực tế, vì cái chân thực của lịch sử, của quá khứ tổ tiên người Việt.

Trước mắt còn rất nhiều việc phải làm bởi sử Việt mênh mông, lớp bụi mờ còn dày đặc. Kết quả đạt được tuy có nhưng chưa phải là lúc thành toàn. Sự trợ giúp, ủng hộ, tham gia chung tay góp sức của bất kỳ ai đều là đáng quý, đáng trân trọng. Cái đáng quý nhất là mỗi người Việt sẽ có được nhận thức đúng về quá khứ vẻ vang của tổ tiên mình mà tự tin hướng tới tương lai.

Hồn sông núi nước Nam còn mãi
Để hôm nay ta lại là ta
Xé mây trời sáng bao la
Anh linh tiên tổ, Hùng ca đời đời.

Rằm tháng 6 năm Quý Mão 2023
Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu