Thần Cao Sơn Cao Các ở Nghệ An

Den Xuan HoaĐền Xuân Hòa, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An, thờ Cao Sơn Cao Các.

Cao Sơn Cao Các là một trong những vị thần lâu đời và phổ biến nhất của đất Nghệ An. Theo sách Địa chí văn hóa Hưng Nguyên thì chỉ riêng ở huyện Hưng Nguyên trong 109 xã, thôn ở đây có trên dưới 40 xã thôn thờ Cao Sơn Cao Các. Tác giả Ninh Viết Giao đã trích dẫn bản khai thần tích của xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lộc (nay thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương  – thị xã Cửa Lò và xã Nghi Thạch – huyện Nghi Lộc) của cử nhân Hoàng Thúc Lang vào đời Minh Mệnh như sau: “Nay phụng sát những nơi thờ Cao Sơn Cao Các là 335 nơi, trong đó đã phong thần là 322 nơi, chưa phong là 113 nơi.”
Là một vị thần được thờ phổ biến như vậy ở Nghệ An nhưng Cao Sơn Cao Các là ai, là 2 hay 1 nhân vật thì còn chưa rõ.

Sac phong Ngoc Dien

Bản dịch sắc phong Cao Sơn Cao Các ở đền Ngọc Điền.

Theo tài liệu Tục thờ thần và thần tích Nghệ An của giáo sư Ninh Viết Giao thì thần tích vị thần này ở đền Ngọc Điền tại thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An như sau:
Thần Cao Sơn, tên thật là Cao Hiển, tự là Vân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng, hiểu sâu, tài kiêm văn võ. Năm 29 tuổi đậu Tiến sỹ dưới triều vua Hy Tông nhà Tống và làm quan đến chức Thượng thư. Khi vùng biên giới nhà Tống có loạn quấy phá, Cao Hiển nhanh chóng dẹp loạn, giúp dân yên ổn làm ăn, được nhân dân tín phục. Nhờ công lao to lớn đó, Cao Hiển được vua Tống phong làm Đại Thừa Tướng.
Để thực hiện ý đồ bành trướng, nhằm uy hiếp và khuất phục nước ta, Vua nhà Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó sứ An Nam. Đời sống của nhân dân nước ta còn nhiều khó khăn, nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát. Cao Hiển hiểu rõ và thông cảm với khó khăn của cư dân Đại Việt. Một mặt xin vua Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân An Nam tìm cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, tìm cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó cuộc sống của nhân dân được ổn định.
Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn là vị quan có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân bản xứ. Xây dựng mối bang giao hòa bình tốt đẹp giữa hai nước An Nam. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Khi ông mất vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ.
Cuốn sách chữ Hán Bách thần sự tích, tài liệu chép tay, không rõ tác giả, hiện lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An, chép như sau: “Cao Sơn Cao Các Đại vương, Thượng đẳng thần, có 30 miếu thờ. Miếu thờ chính ở xã Đông Tháp, huyện Đông Thành. Nguyên là người nước Bắc, họ Cao tên Hiển, tiến sỹ Triều Minh, sang nước ta làm Án sát sứ… Sau khi mất hiển hiện linh ứng, dân xã lập đền thờ…“.

Den Cao Son Dien Chau

Đền Cao Sơn ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Cố PGS. Ninh Viết Giao cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã tra cứu thư tịch Trung Quốc, thấy rằng không có tiến sỹ Cao Hiển nào sang nước ta làm chức Án sát sứ. Những thông tin về thần Cao Sơn ở các nơi này không khớp nhau, nhiều dị bản như PGS Ninh Viết Giao đã nhận xét. Lúc thì là vị Án sát sứ thời Minh, lúc lại là thời Tống. Thời Minh chẳng có vị quan đứng đầu khu vực nước ta nào mang họ Cao cả. Còn thời Tống thì càng không, vì lúc đó nước Đại Việt đã độc lập, làm gì còn có “An Nam quốc vương” nào của nhà Tống ở đây nữa.
Những thông tin thần Cao Sơn có tên Cao Hiển, người ở Bảo Sơn Trung Quốc, đỗ cao rồi sang nước ta làm quan phụ chính, rất trùng khớp với sự tích của Cao Sơn đại vương ở khu vực Hà Hồi (Thường Tìn, Hà Nội). Vị Cao Sơn này như đã nhận định, không phải thời Minh hay thời Tống, mà chính là tướng Cao Biền thời Đường. Cao Biền người phương Bắc, từng đỗ đạt và làm quan to dưới thời Đường. Cao Biền được cử sang nước ta trấn thủ An Nam để dẹp loạn Nam Chiếu. Sau khi đánh Nam Chiếu thắng lợi, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và Cao Biền nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ đầu tiên.
Về thần Cao Các ở nhiều nơi chép cùng là một vị với thần Cao Sơn. Theo Ngọc phả đại vương tôn vị trung thần triều đình của đền Ngọc Điền: Tại làng Châu Ái, Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Anh Đô, có ông đồ Cao Trạch, người hiền lành, phúc hậu, lấy bà Lê Thị Điểm… sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Cao Các. Lớn lên Cao Các thông minh hơn người thường. Khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, ông rời làng đi tìm minh chúa. Khi gặp được Đinh Bộ Lĩnh, thấy ông tư chất thông minh hơn người. Hỏi về học vấn đều đáp trôi chảy nên đã phong ông làm Giám Nghị Đại Phu, giao cho 5 vạn binh lính phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Với tài trí và mưu lược của mình, Cao Các đã cùng các tướng sỹ lần lượt dẹp loạn, thu phục các sứ quân.
Sau khi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại thắng Đinh Hoàng Đế. Ông ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Thấy đây là vùng non nước hữu tình ông bèn cho quân sỹ lập quân cư.
Ba năm sau, chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp nước Đại Việt. Vua Đinh triệu Cao Các về triều giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược của mình, Cao Các cầm quân xông pha trận mạc, khiến vua Chiêm đại bại, phải trốn về nước. Sau trận đại thắng quân Chiêm, vua Đinh muốn giữ ông lại triều đình nhưng Cao Các xin được ở lại An Ninh. Ông lâm bệnh và mất đột ngột tại quê nhà. Vua Đinh thương tiếc cho lập miếu thờ ông.
Đoạn thần tích trên cũng là cách kể khác của chuyện Cao Biền mà thôi. Đinh Bộ Lĩnh không hề có lúc nào đánh nhau với quân Chiêm Thành hay Xạ Đẩu cả. Chỉ cần thay nhà Đinh ở đây bằng nhà Đường thì chuyện của Cao Các sẽ hoàn toàn khớp với công nghiệp của Cao Biền. Cao Biền dẹp quân Nam Chiếu chính là dẹp quân Chiêm Thành vì Nam Chiếu lúc này là khu vực Trung Bộ nước ta.

Binh phong Cao Son

Bình phong ở đền thờ Cao Sơn tại Công Thành, Yên Thành.

Sự tôn thờ Cao Biền ở Nghệ An là do ông ta đã có công khai thông đường thủy ở khu vực Diễn Châu khi làm kênh Thiên Uy hay Kênh Sắt (Thiết Cảng) tại đây. Ở đây vẫn còn lưu được bia Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Cao Biền soạn.
Thần tích đền Ngọc Điền còn cho một thông tin: Vào thời Cảnh Hưng có nạn Hồng Thủy, đất nước lụt lội, đồng ruộng ngập sâu, nạn sâu keo phá hoại mùa màng khắp nơi, nhân dân làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn Cao Các phù hộ. Quả nhiên linh ứng, diệt được sâu keo. Từ đó nhân dân rước bài vị Cao Sơn Cao Các về lập đền miếu ở nhiều nơi để thờ phụng và hương hỏa quanh năm.
Cảnh Hưng cũng là niên hiệu dựng tấm bia Cao Sơn đại vương tại đền Kim Liên, Hà Nội. Có thể thấy tục thờ Cao Sơn (Cao Biền) một cách rộng rãi bắt đầu từ thời gian này. Tới nay những khu vực thờ Cao Sơn (Cao Biền) có thể tóm tắt như sau:

  • Kinh thành Thăng Long: Cao Sơn đại vương được tôn làm thần Trấn Nam kinh thành, đền chính là đền Kim Liên vì Cao Biền là người đã khởi dựng thành Đại La.
  • Khu vực Thường Tín: với hội 7 làng của tổng Hà Hồi thờ Cao Sơn đại vương, đến chính ở Phương Quế, là nơi Cao Biền lập trang ấp, công đức cho nhân dân.
  • Ninh Bình: Cao Sơn đại vương cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn. Đây là nơi ông lập gia đình (lấy vợ) ở Phụng Hóa (Nho Quan).
  • Nghệ An: với thành tích khai thông kênh Sắt và đánh quân Nam Chiếu (Chiêm Thành) Cao Biền được tôn thờ rộng rãi dưới tên Cao Sơn Cao Các.
  • Những nơi khác ở miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Bình đều có các nơi thờ Cao Sơn – Cao Biền.

Câu đối ở đình Kim Lan (GIa Lâm, Hà Nội) đã khái quát công nghiệp của Cao Sơn – Cao Biền như sau:
討南詔築大羅城開天威浜留玉几
勸農丧傳甄陶藝安民濟世祐金閶
Thảo Nam Chiếu trúc Đại La thành, khai Thiên Uy banh lưu ngọc kỷ
Khuyến nông tang truyền chân đào nghệ, an dân tế thế hữu kim xương.
Dịch:
Dẹp Nam Chiếu đắp Đại La thành, khơi kênh Thiên Uy, công nghiệp còn lưu ghế ngọc
Khuyến nông tang truyền nghề làm gốm, yên dân giúp thế, ân đức mãi ghi hộp vàng.

Cao Son o Xuan Hoa

Tượng Cao Sơn Cao Các ở đền Xuân Hòa, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An.

Hiện có một số tác giả cho rằng nước ta khởi đầu độc lập bắt đầu từ khi Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ ở Long thành. Nhưng nếu vậy, so ra người làm Tiết độ sứ đầu tiên ở nước ta là Cao Vương Biền, cũng là người đầu tiên xây thành Đại La (Thăng Long, Hà Nội), đồng thời có hàng loạt công nghiệp lập quốc khác như đánh giặc Nam Chiếu, khuyến khích nghề tằm tang, canh nông, nghề gốm sứ, khai thông kênh Thiên Uy… Cao Biền mới thực sự là người gây dựng nền độc lập đầu tiên của nước Nam trên đất Tĩnh Hải.

Cao Sơn đại vương ở khu vực Thường Tín là ai? (tiếp)

Cùng là Cao Sơn đại vương, cùng ở một khu vực của tổng Hà Hồi – Thường Tìn, cùng chung lễ hội rước thần hàng năm nhưng ở làng Hà Hồi lại có ý kiến khác về thân thế của vị thành hoàng Cao Sơn đại vương ở đây. Theo lời thủ từ đình Hà Hồi thì người làng Hà Hồi đã bỏ công tìm hiểu và nhận thấy rằng các ngày giỗ nhật của thành hoàng Hà Hồi hoàn toàn trùng khớp với những ngày tương ứng của Cao Sơn đại vương – vị thần trấn Nam của kinh thành Thăng Long có đền thờ ở đình Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Ngày rước chính của thần Cao Sơn ở khu vực Kim Liên và khu vực Thường Tín đều là ngày 16 tháng 3 Âm lịch.
Sự tích của thần Cao Sơn ở Kim Liên được biết thông qua tấm bia cổ thời. Nội dung bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh tịnh tự” cho biết: Khi vua Lê Tương Dực dấy binh ở Tây Đô đánh Lê Uy Mục có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng mang quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp, có vùng sâu tên là Lầm, bên trên gò núi có ngôi đền cổ, bên trong dựng một tảng đá ghi bốn chữ “Cao Sơn đại vương”. Rất lấy làm lạ, các quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, năm Hồng Thuận thứ ba (1510) vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa và lập bia.

Bia Kim Lien

Cao Sơn thần từ bi minh ở đền Kim Liên.

Tấm bia này được ghi làm năm Hồng Thuận thứ ba (1510) cho đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa nhưng bia lại rất kỳ ảo khi xuất hiện sau đó ở thành Thăng Long. Sách Hà Nội danh thắng và di tích cho biết: “Bia vốn ở huyện Phụng Hóa, đến đời Hoằng Định (1600-1619) lại nổi lên bến Bồ Đề và được dân phường Kim Liên kéo đưa rước về đặt ở di tích như ngày nay”. Còn theo thông tin của đền Kim Liên thì “Bia dựng ngày 1 tháng trọng thu năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772)”. Một vị thần ở Ninh Bình trở thành trấn Nam của kinh thành Thăng Long không rõ lý do.
Quay lại thần Cao Sơn ở đình Hà Hồi. Bổ sung vào sự trùng khớp ngày lễ thần ở Hà Hồi và Kim Liên, trên ngũ môn quan của đình Hà Hồi có đôi câu đối ghi rõ các niên hiệu:
大顺前扶襄翼敏集大勲奉化岑崗著跡當初?傳此地
弘定後至景興稔彰靈應昇龍廟貌明禋?終古及群方
Đại Thuận tiền phù Tương Dực mẫn tập đại huân, Phụng Hóa sầm cương trứ tích đương sơ truyền thử địa
Hoằng Định hậu chí Cảnh Hưng nhẫm chương linh ứng, Thăng Long miếu mạo minh yên chung cổ cập quần phương.
Dịch:
Đại Thuận trước phò Tương Dực nhanh lập công to, Phụng Hóa núi cao, nổi tích cổ truyền nơi đất đó
Hoằng Định sau tới Cảnh Hưng linh thiêng sáng tỏ, Thăng Long đền miếu, kính tế nay cùng với mọi nơi.

Ngu monNgũ môn quan đình Hà Hồi.

Rõ ràng câu đối này nói tới các sự kiện của thần Cao Sơn trấn Nam Thăng Long, từ việc năm Hồng Thuận (bị nhầm thành Đại Thuận trong câu đối vì chữ Hồng 洪 cũng có nghĩa là to lớn như chữ Đại 大) đã phù giúp Lê Tương Dực nhanh chóng đánh Lê Uy Mục và lên ngôi vua, rồi di tích của thần ở Phụng Hóa nằm trên một gò núi. Hoàn toàn đúng khớp với thông tin trên tấm bia ở đền Kim Liên. Vế đối sau nhắc tới sự linh ứng của thần ở các niên hiệu Hoằng Định và Cảnh Hưng và thần đã trở thành một vị thần được cúng tế tại Thăng Long (một trong tứ trấn đất kinh thành).
Cao Sơn đại vương cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn của Ninh Bình mà di tích ở đây ngoài đền Phụng Hóa ở Nho Quan còn là khu vực Bái Đính. Như vậy vùng Hà Hồi – Thường Tín là điểm nối giữa 2 khu vực thờ Cao Sơn ở Thăng Long và ở Hoa Lư.
Kết hợp thần tích của đình Khê Hồi và thông tin của đình Hà Hồi cho một kết luận “đáng giật mình”: Cao Sơn đại vương, vị thần trong Thăng Long và Hoa Lư tứ trấn chính là Cao Biền thời Đường. Vị này đã hiển ứng dưới thời Lê ở Ninh Bình và Thăng Long.
Việc dân gian lựa chọn Cao vương Biền làm thần bảo hộ kinh thành cũng hoàn toàn hợp lý. Người khởi dựng xây thành Đại La – Thăng Long chính là Cao Biền. Còn người xây dựng Hoa Lư cũng là Cao Biền. Những viên gạch Giang Tây quân của thời Đường chỉ đích danh Tĩnh Hải tiết độ sứ, tức là chức danh của Cao Biền sau khi dẹp loạn Nam Chiếu và cai quản đất Tĩnh Hải. Giang Tây cùng nghĩa với Tĩnh Hải vì Tĩnh là tính chất của phía Tây trong Dịch học. Giang hay Dương, đại dương là biển, Hải.
Gạch Giang Tây quân là lớp gạch sớm nhất được tìm thấy cả ở thành Hoa Lư và hoàng thành Thăng Long. Điều này cho thấy chính Cao Biền là người đã khởi dựng những tòa thành này. Truyền tích về Cao Biền ở khu vực Hoa Lư cũng không ít. Ví dụ như chuyện Cao Biền cưỡi diều giấy qua đây bị một đạo sĩ bắn gãy cảnh, rơi xuống thành núi Cánh Diều (nay ở thành phố Ninh Bình). Hay chuyện Cao Biền đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch. Điềm giang hay Đàm giang là sông Hoàng Long ở Ninh Bình. Còn Phù Chẩn đọc thiết âm là Phấn, tức là sách Bông, quê của Đinh Bộ Lĩnh ở Gia Viễn (Ninh Bình).
Vì thành tích chính của Cao Biền là đánh quân Nam Chiếu (thần tích Khê Hồi ghi thành đánh nhà Hồ) nên vị này được chọn làm trấn Nam của kinh thành Thăng Long. Và ở Hoa Lư cũng vậy. Cao Sơn đại vương phải là thần trấn Nam, không phải trấn Tây, của cố đô Hoa Lư.

Cong Ha Hoi

Cổng làng Hà Hồi với dòng chữ Hồi hương quan (quay về quê hương).

Một vấn đề tồn tại là theo sự tích ở Ninh Bình thì Cao Sơn đại vương ở đây lại là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân. Cũng ở nghi môn đình Hà Hồi còn có câu đối:
德大安民同心千古盛
雄朝護國德化萬年恩
Đức đại an dân đồng tâm thiên cổ thịnh
Hùng triều hộ quốc đức hóa vạn niên ân.
Dịch:
Đức lớn yên dân, cùng lòng ngàn xưa thịnh
Triều Hùng giúp nước, cảm đức vạn năm ơn.
Lạc tướng Vũ Lâm thời Hùng Vương thì là vị chúa họ Sùng thời Ân Thương vì Sùng = Cao, chỉ vùng đất Lạc thời đó. Vị chúa họ Sùng này được truyền thuyết Việt gọi là Sùng Lãm trong Truyện họ Hồng Bàng (Lạc Long Quân húy Sùng Lãm). Sùng Lãm là Bắc Bá Hầu Sùng Hầu Hổ của nhà Ân, cai quản vùng đất Lạc (đất Sùng) ở phía Nam (phương vị Nam Bắc nay đã bị đảo lộn).
Tuy nhiên, không rõ đây là sự lầm lẫn hay sự ghép nối của tín ngưỡng dân gian giữa Sùng Hầu Hổ và Cao Vương Biền. Cần chú ý là Cao Biền cũng có danh là Lạc tướng, còn lưu trong chuyện về ông ta bắn một phát tên trúng 2 con chim điêu và được phong là Lạc điêu ngự sử. Đại Nam quốc sử diễn ca kể:

Cao Biền là tướng Lạc điêu,
Tài danh sớm đã dự vào giản tri.

Thực ra tên Lạc Điêu của Cao Biền chính xác phải là Lạc Giao, tức là vị tướng cai quản vùng Lạc Việt – Giao Chỉ. Địa danh Vũ Lâm có nghĩa là “vua Nam”. Điều này như đã nói, Cao Sơn đại vương là thần trấn Nam.
Như vậy, so sánh các thông tin của Cao Sơn đại vương ở 2 làng Khê Hồi và Hà Hồi thì nhiều khả năng vị thần trấn Nam của Thăng Long và Hoa Lư là Cao vương Biền thời Đường, người đã làm “quốc chúa” ở phương Nam và khởi dựng 2 tòa thành Hoa Lư và Đại La.

Cao Sơn đại vương ở khu vực Thường Tín là ai?

Trong thần điện Việt Cao Sơn là tên thần có nhiều sự tích rất khác nhau tùy từng nơi. Nhưng ở đầu thì Cao Sơn cũng được tôn sùng, xếp vào hạng thượng đẳng thần. Tín ngưỡng thờ Cao Sơn không phải là thờ thần núi vì nói chung người Việt không thờ núi mà luôn thờ những nhân vật có công lao, có sự nghiệp với dân với nước thật sự.
Ở phía Nam Hà Nội có hội rước thần thành hoàng Cao Sơn đại vương trong lễ hội đình của 7 làng thuộc tổng Hà Hồi xưa, nay thuộc 3 xã của huyện Thường Tín (Hà Nội). Trong đó các làng Hà Hồi, Phú Cốc, Hoà Lương, Khê Hồi thuộc xã Hà Hồi; làng Đức Trạch thuộc xã Quất Động; các làng Bạch Liên và Phương Quế thuộc xã Liên Phương, vì 7 ngôi đình của 7 làng này đều thờ Thành hoàng Cao Sơn đại vương. Ngày đản (sinh) của thần vào 16 tháng 3 âm lịch, đã trở thành ngày hội làng của cả tổng Hà Hồi. Đám rước thành hoàng Cao Sơn đại vương của dân 7 làng trong tổng Hà Hồi xưa kia, đã trở thành một hội rước lớn khá nổi tiếng của cả vùng Thường Tín ở phía nam Kinh thành Thăng Long thời phong kiến.

IMG_4774Mô tả đồ rước trong lễ hội Khê Hồi.

Một vị thượng đẳng tối linh thần quan trọng như vậy nhưng khi xem về gốc tích của Cao Sơn đại vương ở Thường Tín có nhiều vấn đề chưa rõ ràng và thống nhất. Theo bản thần tích thành hoàng làng Khê Hồi viết ngày mùng 1 đầu xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) do quan Lễ bộ Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn thì:
Cao Sơn đại vương là con của ông Cao Khánh ở núi Bảo Thái, quận Quảng Nam bên Bắc quốc. Tới cuối đời nhà Nguyên gia đình ông sang nước Nam buôn bán. Khi đến trại Mái Nhà (sau đổi là Phú Ốc) huyện Yên Mô phủ Trường Yên Ái Châu thì ở lại đấy. Ông lấy bà Trần Thị Tố người xã Quang Liệt thuộc bản huyện. Hai ông bà hiếm muộn mới sinh được một con trai đặt tên là Hiển, tự là Trường Cửu. Sau khi vợ mất cha con ông trở về Bắc quốc. Cao Hiển theo học Chu Đường tiên sinh. Năm Khánh Lịch thứ 6 triều Minh ông Cao Hiển ứng thí đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, được ban cho chức Mục thủ Ích Châu, tặng hàm Quang lộc đại phu. Ông làm quan triều hay giữ thú mục, đánh Đông dẹp Bắc, lập được nhiều kỳ công, nên được vua phong làm Thái phó, sau lại được phong chức Thừa tướng.
Bấy giờ ở nước ta Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Vua Minh cho ông Hiển sang An Nam phò giúp đánh nhà Hồ, lại cho tìm kiếm con cháu nhà Trần về lập làm vua. Ông bắt được hai vua Hồ là Quý Ly và Hán Thương rồi trở thành chúa tể nước ta…
Một lần ông đến xã Trùy Khê huyện Giao Thủy phủ Thiên Trường đạo Sơn Nam, lập hành cung ở đó, mở yến tiệc mời dân gian đến cùng dự yến, ban cho nhân dân 5 hốt vàng làm vốn chung mua ruộng. Nhân dân nhận vàng vái lạy xin làm dân thần tử, đội ơn công đức của ngài như cha mẹ vậy…
Ông là chúa tể một phương được hơn mười năm. Năm 78 tuổi ông xin trở về quê nhà ở núi Bảo Đài. Nhà vua phong ông làm Sinh thần đại vương, hiệu là Cao Sơn quốc chủ đại vương. Ông mất năm 103 tuổi. Nhà vua tặng cho sắc chỉ: Cao Sơn quốc chủ đại vương. Truyền cho nhân dân Bảo Đài lập miếu thờ phụng. Lai ban chiếu truyền bảo các xã trong nước Nam trước đây có lập cung điện đều phải viết thần hiệu là Cao Sơn quốc chủ đại vương để thờ phụng, tất cả gồm 172 nơi…
Hoành phi trong đình Khê Hồi ghi: Bảo Sơn dục linh 寶山毓靈 chỉ núi Bảo Đài, quê của Cao Sơn đại vương.

IMG_4702Chính điện đình Khê Hồi có hoành phi Bảo Sơn dục linh.

Bản thần tích của đình Khê Hồi xem ra chẳng ăn khớp gì với lịch sử cả. Trung Quốc không có quận nào mang tên Quảng Nam, nơi có Bảo Đài. Nhà Minh của Trung Quốc không có niên hiệu Khánh Lịch, chỉ có Vạn Lịch của Minh Thần Tông. Thời Minh Thần Tông (1572 – 1620) thì nhà Hồ ở Việt Nam đã bị diệt từ lâu rồi. Lịch sử cũng không hề kể có vị tướng nào họ Cao của nhà Minh diệt nhà Hồ rồi làm chủ nước Nam. Và càng vô lý hơn khi người Việt lại thờ một vị tướng của giặc Minh làm Quốc chủ đại vương như thế. Rõ ràng đây là một sự lầm lẫn. Cao Sơn đại vương ở đây không hề sống và lập công tích ở thời kỳ Trần Hồ hay Minh.
Câu đối ở nghi môn đình Khê Hồi chép:
偉烈播人寰大曆甲榜弘定御碑特其遺蹟
崇祀遍天下芳桂公祠溪洄别廟同仰洪庥
Vĩ liệt bá nhân hoàn, Đại Lịch giáp bảng, Hoằng Định ngự bi, đặc kỳ di tích
Sùng tự biến thiên hạ, Phương Quế công từ, Khê Hồi biệt miếu, đồng ngưỡng hồng hưu.
Dịch:
Công lớn tỏa nhân gian, giáp bảng đời Đại Lịch, bia ngự năm Hoàng Định, di tích đặc biệt
Tôn tế khắp thiên hạ, đền chung Phương Quế, miếu riêng Khê Hồi, cùng đội ơn sâu.
Đền Phương Quế là miếu hàng tổng của Hà Hồi, nơi 7 làng ở đây chung rước thần Cao Sơn trong lễ hội. Làng Phương Quế nay nằm ở xã Liên Phương của huyện Thường Tín.
Câu đối trên nêu ra một niên hiệu khác cho thời Cao Sơn đại vương: năm Đại Lịch. Đại Lịch là niên hiệu của Đường Đại Tông (766 – 780). Đây là thời gian của khởi nghĩa Phùng Hưng tại nước ta. Với thông tin này thì có thể thấy Cao Sơn đại vương mà thần tích Khê Hồi kể đến chính là Cao Vương Biền. Cao Biền đúng là người đỗ đạt dưới thời Đường, được cử sang nước ta để dẹp loạn Nam Chiếu. Nam Chiếu tức là người Hồ ở phía Nam, bị thần tích Khê Hồi chép thành họ Hồ của Hồ Quý Ly. Cao Biền sau khi dẹp xong loạn Nam Chiếu đã được nhà Đường phong làm Tiết độ sứ và ở lại phụ trách vùng Tĩnh Hải (Bắc Việt). Ông cho xây thành Đại La và một loạt những công trình khác, có ân đối với người dân ở nhiều nơi. Ông được tôn làm Cao Vương như Lý Thái Tổ từng nói đến trong Chiếu dời đô.
Danh hiệu Cao Sơn quốc chủ như vậy rất khớp với công tích của Cao Biền tại nước Nam. Cao Biền sau thời gian phụ trách ở đất Tĩnh Hải cũng về Bắc quốc và mất ở phương Bắc như thần tích kể. Ở nước Nam do đó có nhiều nơi thờ Cao Biền nhưng dưới tên Cao Sơn đại vương. Đặc biệt là các khu vực miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,… Cao Hiển, Cao Các, Cao Sơn đều là những tên gọi của vị Tiết độ sứ đầu tiên này trên vùng Tĩnh Hải. Về tục thờ Cao Sơn – Cao Các – Cao Biền ở miền Trung xin được bàn dẫn ở một bài khác…
Ngay bên kia sông Hồng ở làng Kim Lan (Gia Lâm) là nơi Cao Biền đã đóng quân, dạy dân làm nghề gốm, đúc những viên gạch có chữ Giang Tây quân để xây thành Đại La mà tới nay còn lưu trong di chỉ khảo cổ tại Kim Lan. Cùng phía bên này sông có làng Mỹ Ả (Thanh Trì) cũng là nơi thờ Cao Biền.

IMG_4815Cổng đình Khê Hồi.

Như thế, đã xác định được vị Cao Sơn đại vương theo thần tích ở làng Khê Hồi là Tiết độ sứ Cao Biền, người đã đánh dẹp người Hồ (Nam Chiếu) ở phía Nam và xây dựng vùng đất Tĩnh Hải quân. Tuy nhiên, chuyện về Cao Sơn đại vương ở Thường Tín chưa dừng ở đây… vì ở làng Hà Hồi, trung tâm của tổng Hà Hồi xưa lại cho những thông tin khác về Cao Sơn đại vương…