Giả nhời vài câu “học rởm” về quốc tổ Hùng Vương

Trong thời gian gần ngày giỗ tổ Hùng Vương mấy năm nay có khá nhiều học giả, chữ nghĩa đầy mình, viết những bài “phân tích” truyền thuyết và tục giỗ tổ Hùng Vương của người Việt một cách rất hồ đồ và ngạo ngược. Các học giả này phần lớn đều “làu thông kinh sử”… của Tàu, lấy đó làm thước để “đo” truyền thuyết Việt, lấy cách nhìn “lịch sử” hiện đại để soi huyền sử cổ đại… Họ có ngờ đâu rằng đó chỉ là cách nhìn phiến diện và sai lệch. Riêng ở thái độ bất kính với tổ tiên, với quá khứ cũng đủ vứt những bài viết đó vào sọt rác, khỏi cần đọc làm gì.

cong-den-hungCổng lên đền Hùng ở Phú Thọ: Cao Sơn Cảnh Hành.

Bài này điểm qua một số câu hỏi… “hơi ngu” của các học giả này và giải đáp nó dưới ánh sáng của Sử thuyết Hùng Việt.

1. Tại sao 18 đời Hùng Vương lại kéo dài hơn 2000 năm? Có phải mỗi vị vua Hùng như vậy trung bình thọ trên trăm tuổi?
Câu hỏi này tưởng là khó trả lời, nhưng nó lại thể hiện ngay sự hiểu biết lệch lạc cơ bản của người hỏi. 18 đời và 18 vị vua là khác nhau. Các thư tịch, minh văn chép về Hùng Vương nói là “Thập bát thế”, nghĩa 18 triều đại, chứ có phải 18 vị vua đâu. Mỗi một triều đại Hùng Vương có cả hàng chục vị vua nhưng đều mang cùng một danh hiệu của triều đại đó như Hùng Quốc Vương, Hùng Hiền Vương… 18 triều đại kể ra hàng trăm vị vua Hùng, kéo dài 2000 năm có lẽ còn hơi ít. Phải trên 3000 năm mới đúng nếu kể cả những vị vua thời từ tiền lập quốc.

2. Các vua Hùng họ gì?
Có chuyên gia phân tích rằng bố của Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương, cũng từng được coi là thuộc 18 vua Hùng, mà Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục. Suy ra các vua Hùng mang họ của Kinh Dương Vương là họ Lộc… Thật sự là một sự khôi hài.
Các vua Hùng thì chẳng mang họ Hùng thì còn mang họ gì nữa? Nhưng họ Hùng là một họ đặc biệt, là “họ tộc” của cả đại tộc Việt chứ không phải của 1 dòng họ. Vị vua đầu tiên là Hữu Hùng Hoàng Đế, tức Đế Minh, là vua của Hữu Hùng Thị hay tộc họ Hùng. 18 đời Hùng Vương là 18 triều đại nên hiển nhiên không phải chỉ có 1 họ. Mỗi triều đại có thể mang một họ riêng hoặc cũng có thể trùng với một vài triều đại trước đó. Với 3000 năm lịch sử thời đại Hùng Vương thì việc một dòng họ có thể nắm quyền vài triều đại là bình thường.

3. Tại sao tên các vua Hùng lại đều là “tên Tàu”?
Các vị vua Hùng đều có những cái tên Hán Việt như Hùng Vũ Vương, Hùng Huy Vương… Vậy vua Hùng là người Tàu hay là vốn vua Hùng có các “tên Nôm” khác mà nay đã bị thất truyền?
Thực ra tên các vua Hùng được đặt bằng âm Hán Việt chẳng nói lên được là các vua Hùng là người Hán. Ngược lại, điều này nói lên rằng âm Hán Việt vốn là âm tiếng Việt thời cổ. Tại sao không gọi là âm Việt – Hán cho chính xác? Chữ mà được ngày nay gọi là chữ Hán thực ra vốn là chữ Việt, do người Việt sáng tạo ra và dùng nó cả vài ngàn năm nay.

4. Hùng Vương hay Lạc Vương?
Đây là một trong những câu hỏi đầy suy diễn của các học giả từ trước tới giờ. Họ thường viện dẫn các tài liệu nói rằng nước ta có các Lạc hầu, Lạc tướng,… nên phải có Lạc Vương và từ đó suy ra Hùng Vương phải là Lạc Vương chỉ vì do… “lỗi đánh máy”. Họ không thể nghĩ đơn giản hơn được hay sao?
Lạc Vương là Hùng Vương, không sai, nhưng điều ngược lại thì không đúng. Hùng Vương có thể không phải là Lạc Vương vì Lạc Vương chỉ là vua ở một phạm vi tương đối nhỏ ở Bắc Việt – Quảng Tây trong một thời kỳ đầu của lịch sử. Còn Hùng Vương có tới 18 triều đại, phạm vi trên toàn cõi Đông Nam Á và Hoa Nam. Làm sao lại gán ghép Hùng Vương với Lạc Vương được.

bach-viet-13Phạm vi nước Văn Lang thời Hùng Vương.

5. Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương làm sao có thể bao trùm toàn bộ vùng Nam sông Dương Tử?
Đúng là không thể có quốc gia nào có phạm vi mênh mông như vậy ở thời Kinh Dương Vương. Nhưng đây là sự gán ghép tư liệu lịch sử, lấy đất đai của nước Văn Lang của Hùng Vương gán vào nước Xích Quỷ từ thời Kinh Dương Vương. Đồng thời diễn giải lệch lạc phạm vi đã được mô tả rõ của nước Văn Lang: Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn. Với mô tả này nước Văn Lang không chiếm toàn bộ vùng Nam Dương Tử mà là phần Tây Nam Trung Hoa ở Bắc Việt, Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây. Việc tự phóng đại phạm vi nước của Hùng Vương lên và gán cho nó vào thời kỳ đầu của Kinh Dương Vương để bảo thông tin đó là vô lý là một sự ngụy xảo, “gắp điều xằng bậy bỏ mồm người khác”.

6. Chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm trai là vô lý.
Truyền thuyết Trăm trứng chẳng có gì là vô lý từ góc độ truyền thuyết cả. Nó “vô lý” chỉ vì các học giả đang đeo những lăng kính “lịch sử” mà nhìn truyền thuyết. Câu cuối cùng trong truyền thuyết họ Hồng Bàng này đã minh định ngay ý nghĩa của hình ảnh trăm trứng: “Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy”. Lạc Long Quân và Âu Cơ là đại diện của 2 dòng tộc Tiên và Rồng, Âu và Lạc đã kết hợp với nhau mà sinh ra các chi Bách Việt. Đây là cách thể hiện tóm tắt nguồn gốc sự phát triển lịch sử của Bách Việt. Đâu có phải hiểu theo nghĩa đen (đúng thật là “đen”, tối) như mấy học rởm ngày nay diễn giải.Chiếc trống đồng có 4 con cóc trên mặt trống, nhưng lại được trang trí bằng hoa văn Hủy long, dạng hoa văn đặc trưng của văn hóa Thương Chu.

7. Có nhiều vua Hùng vậy thì chẳng nhẽ tất cả các vua Hùng đều là quốc tổ và được thờ, giỗ?
Những vị vua Hùng được thờ ở đền Hùng không phải là con cháu của Lạc Long Quân. Ở đền Hùng Phú Thọ (và các di tích khác trong khu vực này) thờ 3 vị vua Hùng là:
– Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương
– Ất Sơn thánh vương
– Viễn Sơn thánh vương.
Đây hoàn toàn không phải 3 vị “thần núi” như các học giả đang tưởng tượng. Sơn là từ chỉ hướng Bắc (nay) vì là quẻ Cấn trong Bái quái. Từ Sơn ở đây tương đương với từ Lạc, cũng là chỉ hướng Bắc. “Cao Sơn thánh vương” tương đương với tên gọi “Lạc Vương”. Như thế 3 vị quốc tổ được thờ là 3 vị Lạc Vương mà vị đầu tiên là Đột ngột Cao Sơn (“đột ngột” – bất ngờ xuất hiện, trước đó chưa có ai), chính là Đế Minh của truyền thuyết Việt. 2 vị Lạc Vương còn lại là Đế Nghi và Lộc Tục. Đây mới đúng là các quốc tổ đã bắt đầu thời đại Hùng Vương được thờ cúng tại đền Hùng.

8. Tại sao lại lấy ngày 10-3 làm ngày giỗ tổ Hùng Vương?
Tháng 3 trong Âm lịch là tháng Thìn hay tháng của Rồng. Số 10 trong Thập can là Kỷ hay Kỵ. 10-3 nghĩa là ngày “kỵ long”, tức là ngày giỗ vua. Ý nghĩa của việc giỗ tổ là bên cạnh việc tưởng nhớ đến những vị vua đã có công dựng nước, nó còn mang ý nghĩa như ngày Quốc khánh. Theo chế độ phong kiến trước đây, ngày mất của vua cha cũng là ngày thái tử đăng quang, bắt đầu một triều đại mới. Ngày quốc khánh thì cả nước phải ăn mừng và được nghỉ lễ là quá đúng rồi…

Có lẽ còn nhiều câu hỏi “đểu” tương tự như vậy nữa của các học giả… không đến nơi đến chốn, khinh thường văn hóa truyền thống này. Nhưng thôi cứ để cho các vị ấy tự mãn với các sở học của mình. Rồi đến lúc khắc biết thế nào là quả báo khi phạm đến tổ tiên và thần linh Việt.

14 thoughts on “Giả nhời vài câu “học rởm” về quốc tổ Hùng Vương

  1. Thang

    Tác giả liên lạc với tôi, tôi giới thiệu một người biết rõ về lịch sử dân tộc, người từ lâu đã xác định đền thờ các vua Hùng là nơi linh thiêng nhất VN. Ở ngoài bắc thì tốt.

    Like

    1. Vĩnh

      Xin anh cho biết, người “biết rõ về lịch sử dân tộc, người từ lâu đã xác định đền thờ các vua Hùng là nơi linh thiêng nhất Việt Nam” đó là ai ạ? Đọc bài viết trên tôi thấy hoang mang quá. Chả lẽ… những điều đang được xem là thiêng liêng đó là do ai đó đã ngụy tạo, và rồi chúng ta (trong đó có tôi) – kẻ hậu sinh – vì không biết rõ nên tin theo. Và hậu quả… chao ơi, sao mà lường nổi!
      Trân trọng!

      Like

      1. Những điều thiêng liêng vẫn còn đó, vẫn đúng. Bài viết trên không hề nói đó là ngụy tạo. Sự ngụy tạo nằm ở cách chúng ta hiểu những thông điệp của tiền nhân như thế nào. Cách nghĩ, cánh hiểu của các học giả hiện nay đang đi lệch hướng khi phủ nhận các giá trị truyền thống, gạt bỏ mọi thông tin của quá khứ truyền về trong truyền thuyết. Phục nguyên lại lịch sử từ truyền thuyết không có nghĩa là bác bỏ những truyền thuyết đó.

        Like

  2. ThanhThien

    Một vài quan điểm tôi đồng tình với người viết bài trên, nhưng một số thì không.

    Xích Quỷ vốn không phải tên quốc gia gì, đây là từ ghép tiếng Hán, Xích = đỏ, quỷ = kẻ. Người Việt cổ thờ thần mặt trời, thường kẻ những đường đỏ lên cơ thể (như thổ dân chúng ta thấy trong phim), dân phương Bắc thấy vậy liền gọi dân Việt là Xích Quỷ. Như vậy, vùng đất dân Việt ở, hiển nhiên cũng được gọi là vùng đất Xích Quỷ.

    Cách đây 4000 năm, tại cả Việt Nam và Tàu chỉ có hình thức các bộ lạc liên kết với nhau, bầu thủ lĩnh chung theo năng lực và luân phiên, gọi là hình thức “thiện nhượng”. Mãi đến khoảng năm 1700 hoặc 1500 TCN, tức cách đây 3500- 3700 năm thì Trung Quốc mới xuất hiện triều đại đầu tiên là nhà Thương. Mặc dù trước đó được cho là có nhà Hạ, nhưng chỉ là huyền thọai nên chưa được thống nhất công nhận, hơn nữa nhà Hạ thực ra vẫn chưa có tổ chức của một vương triều, theo truyền thuyết là Vũ truyền vị cho Khải, Khải không chịu tiếp tục chế độ thiện nhượng nên từ đó chỉ truyền ngôi cho con, là khởi nguồn của tiền lệ cha truyền con nối.

    Chế độ vương triều của người Việt cổ thì còn đến chậm hơn nhiều so với phía Bắc. Khi chưa có chế độ vương triều, vùng đất dân tộc nào ở đơn giản sẽ được gọi theo tên của dân tộc ấy, nhưng không nên nhầm lẫn đó là tên gọi của một quốc gia. Ví dụ Âu Lạc là vùng đất sinh sống của 02 tộc Âu di và Lạc di, không nên nhầm lẫn đây là quốc gia có tên Âu Lạc. Tương tự, Xích Quỷ được cho là nhà nước sơ khai thành lập năm 2879 TCN, tức cách đây gần 5000 năm… trong khi bên Tàu vẫn ăn lông ở lỗ và thậm chí còn chưa xuất hiện chế độ thiện nhượng thì thật là dốt nát.

    Thời điểm 4000 năm trước phần lớn loài người đều chưa có “họ”, ngay đến ở Anh, chỉ các quý tộc mới tự đặt “họ” cho mình để lấy oai, đến thế kỉ 11 thì dân thường mới được đặt cho “họ” dựa trên nghề nghiệp. Tại Việt Nam và Tàu thì có “họ” sớm hơn, các học giả cho rằng “họ” tại Việt Nam có từ khoảng 4000 năm trước, xin lưu ý đây chỉ là “cho rằng” chứ không phải dựa trên cơ sở khoa học nào, có lẽ họ căn cứ theo truyền thuyết, thấy những cái “tên” như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân gắn với lịch sử cách đây từ 4000 năm rồi cho rằng họ tên có từ thời đó, nhưng tôi khẳng định họ đã sai! Những cái “tên” này là do người đời sau tưởng nhớ đến công ơn mà gọi, đó là một loại danh hiệu. “Dương Vương” = vua mặt trời. “Lạc Long” = con rồng của tộc Lạc thị, “Quân” = người đứng đầu (khi đó người Việt cổ chưa có khái niệm vua, sau này chép lại sử theo tiếng Hán, họ nghĩ người đứng đầu thì phải là vua nên dùng chữ “Quân”). Ông Kinh Dương Vương tên thật rất có thể là “Kinh” hoặc thậm chí chẳng có chữ nào trong 03 chữ ấy là tên của ông cả. Ngoài ra, danh hiệu dân Việt đặt cho họ có thể cũng khác, sau này du nhập tiếng Hán, dựa vào nghĩa mà ghi chép lại bằng tiếng Hán. Ví dụ, một người Việt được gọi là “Nước”, ghi chép trong tiếng Hán sẽ là “Thủy”, người đời sau nghiên cứu lịch sử, lại cho rằng 4000 năm trước nước Việt có người tên “Thủy” thì thật nực cười.

    “Họ” bắt nguồn như thế nào? Chính là dựa trên tên của thị tộc, mà tên thị tộc đa số dựa trên đặc điểm vùng đất nơi họ sinh sống, một số thì do thị tộc ấy tự chọn một từ có nghĩa đẹp hoặc cách phát âm dễ nghe để tự đặt ra. Trong cùng một thị tộc, mỗi người sinh ra đều chỉ có tên mà thực chất cũng không phải tên, chỉ là cách gọi ngẫu nhiên cho dễ phân biệt. Chẳng hạn như ông thủ lĩnh của thị tộc, khi còn trẻ có thể được gọi là “tóc vàng”, nhưng khi lên làm thủ lĩnh sẽ được mọi người gọi là “dẫn đầu”… đại loại như thế. Sau này khi đời sống con người ngày càng phát triển, mở rộng, hình thành các thể chế xã hội phức tạp hơn thì nhu cầu về họ và tên mới tăng lên, khi ấy tại một số nơi, tên của thị tộc sẽ được dùng làm “họ”, kết hợp với danh từ dùng để phân biệt một người gọi là “tên”, ghép lại với nhau.

    Nhưng họ và tên thời kì mới hình thành cũng chỉ được sử dụng bởi giới quý tộc. Hãy nhìn lại ngay lịch sử của Việt Nam, chỉ hơn 100 năm trước cái tên của người dân thường có mấy khi được để ý? Làng quê nào cũng có mấy cô gái Mít, Na, Cam, Xoài… mấy cậu thanh niên lớn tướng rồi vẫn cùng nhau tên Tèo, Út, Tí… rồi Hĩm, Cứt, Dái… cũng có.v.v. Thì tôi thử hỏi 4000 năm trước còn như thế nào?

    Hãy lưu ý, người Việt cổ thờ thần mặt trời, cũng vì thế họ tự gọi mình theo tiếng Việt cổ là “Hồng” hoặc “Hừng” (hừng sáng). Đây là nguyên nhân người phương Bắc gọi người Việt cổ là “Hồng thị tộc”, nơi người Việt cổ sinh sống cũng được gọi theo tên thị tộc, đó là núi Hồng (sau này chép lại sử theo tiếng Hán thì ghi là “Hồng Lĩnh”, “Lĩnh” là từ tiếng Hán để chỉ đỉnh núi, “Hồng Lĩnh” = đỉnh núi Hồng).

    Đó là nguyên nhân ra đời danh hiệu “Hùng Vương”, “Hùng” là đọc chệch từ “Hồng” và “Hừng”. Có học giả cho rằng bởi dân không được phép gọi thẳng tên họ vua chúa nên mới đọc lệch, cũng như “hát xuân” ở Phú Thọ vì tránh tên hoàng hậu “Xuân” mà phải đổi thành “hát xoan”. Nhưng tôi nghĩ thời điểm ấy thậm chí còn chưa có nhà nước, cuối thời đại Hùng Vương mới hình thành nhà nước sơ khai thì ít có khả năng người dân vì sợ mà đọc tránh đi, có thể người dân vẫn đọc đúng, nhưng sau này ghi sử theo tiếng Hán thì dùng chữ “Hùng” để chép theo phiên âm của chữ “Hồng”. Cũng như ông Buddha, dân Việt mình không có từ nào đồng nghĩa nên gọi theo phiên âm là “Bụt”. Khi chép lại sử Việt theo tiếng Hán, từ nào trong tiếng Hán có nghĩa tương tự thì sẽ được dùng, chẳng hạn dân Việt gọi là mặt trời thì tiếng Hán sẽ chép là “dương”, còn nếu không sẽ chọn từ có phiên âm tương tự.

    18 đời Hùng Vương, thực chất là 18 đời thờ thần mặt trời, 18 đời dân Bách Việt với rất nhiều thị tộc khác nhau nhưng vẫn cùng chung một tôn giáo, vẫn cùng là “Hồng dân”, hay nói theo một câu vẫn được lưu truyền “con Lạc, cháu Hồng”. Tại sao lại là “cháu Hồng” mà không phải “cháu Hùng”? Bởi nguyên nhân như đã phân tích bên trên, “Hùng Vương” chính là “Hồng Vương”. Trong 18 đời này, dĩ nhiên sẽ có nhiều thị tộc thay nhau nắm quyền, lúc thì tộc Âu, lúc tộc Lạc, lúc lại tộc khác. Thực chất nói người của tộc Âu mang họ Âu, người tộc Lạc mang họ Lạc không hoàn toàn đúng. Một số thị tộc sau này dùng tên thị tộc làm họ cho người trong tộc, nhưng một số thì không, còn chưa kể ngoại cảnh tác động… nhất là khi giặc phương Bắc sang xâm chiếm, khiến nhiều thị tộc lớn bị chia nhỏ, lưu lạc khắp nơi, rồi hình thành nên các thị tộc nhỏ với tên gọi khác nhau, sau này khi vấn đề họ tên được đặt ra, mỗi thị tộc sẽ tự chọn cho mình một họ, cũng có gia tộc phải đổi họ vì sự an toàn. Chẳng hạn vùng đất người Mông sinh sống, giả sử gọi là “Mông Lĩnh”, nhưng trong “Mông Lĩnh” có phải ai cũng họ “Mông” đâu? Thậm chí tôi gặp người Mông nhiều nhưng ngoài các họ như Sùng, Vàng, Hờ, Chảo, Cháng.v.v. ra thì chưa thấy ai mang họ “Mông”. Một lần nữa cần nhắc lại, không nên nhầm lẫn giữa tên thị tộc và “họ” của người dân. Đó là lý do tại sao ở Việt Nam bây giờ không tìm ra người họ Âu hoặc họ Lạc.

    Cái gọi là 18 đời vua Hồng (vua Hùng), cũng ít có khả năng là “vua” theo nghĩa đen, mà có thể chỉ là thủ lĩnh của tập hợp các bộ lạc cùng chung tôn giáo, hoặc ít nhất khởi điểm là vậy, về cuối thời kì này khi hình thành thể chế quốc gia và người đứng đầu được gọi là “vua” thì các đời sau này, trong suy nghĩ của người dân mới hình thành suy nghĩ cho rằng đã có 18 đời vua.

    Trở lại vấn đề “vua Hồng” bị gọi chệch thành “vua Hùng” (rồi lại chép theo tiếng Hán là “Hùng Vương”) thì không phải do người dân thời đó gọi sai, người dân đương nhiên phải biết mình là “Hồng dân”, không thể gọi sai được. Nhưng tại một thời điểm nào đó khi thời đại “vua Hồng” kết thúc đã lâu, mà lúc ấy chỉ 100 năm thôi cũng đã có vô số thứ bị tam sao thất bản rồi chứ đừng nói vài trăm năm, thì khi một thông tin được chép vào sử là sai, thì đời sau của dân Việt cứ thế mà gọi sai theo.

    Tại đây tôi dùng cách gọi “18 đời” chứ không phải “18 triều đại”, bởi “thập bát thế” là sử do học giả Tàu chép lại, chữ “thế” trong tiếng Hán có nhiều nghĩa, gồm: triều đại, thời cha đến thời con, thời đại, nối đời… Cho nên hiểu “thập bát thế” thành 18 triều đại là cưỡng ép. Bởi vì “thập bát thế” có thể hiểu là “18 đời”, mà theo đúng từ gốc Việt vẫn được dân Việt truyền miệng với nhau là “18 đời vua Hùng” nên tôi đã dùng cách gọi như trên.

    Giải thích 18 đời vua thành 18 triều đại cũng rất gượng ép, lý do gượng ép như vậy là để… nhồi nhét cho vừa 2000 năm được cho là của 18 đời vua Hùng, bởi điều gì khẳng định chính xác 18 đời vua Hùng kéo dài 2000 năm? Dựa vào thần thoại mà bàn chuyện khoa học là không thể nào! Thứ nhất, 18 có thể chỉ là con số biểu tượng. Thứ hai, đó có thể là 18 thời đại với những dấu ấn khác nhau dần đi đến hoàn thiện thể chế nhà nước, hoặc ít nhất cũng để lại dấu ấn do liên quan đến chi nhánh/ngành hoặc do các thị tộc khác nhau nắm quyền lực.

    Hiện nay các bạn có thể tìm danh sách 18 đời vua Hùng trên google, với những cái tên như “Hùng Hiền”… thật sự nhảm nhí. Đó đều là danh hiệu người đời đặt cho chứ không phải tên họ của các ngài ấy. Chẳng hạn với “Hùng Hiền”, thực ra là một người tên “Hiền” hoặc chữ “Hiền” để ca ngợi đức tính của ngài ấy, ghép với “Hồng” là tên gọi chung của các bộ lạc. Thậm chí ở thời ngài “Hồng Hiền” còn sống, chưa chắc dân chúng đã gọi ngài như vậy, mà chỉ do người đời sau học theo cách chép sử của Tàu, không biết ngài họ gì (vì như đã phân tích, ở thời đó có thể chưa có “họ”), lại nghe sự tích “Hùng vương”, sau đó dùng cách hiểu ở thời đại mình rồi suy đoán ông này họ Hùng!

    Tiếp tục với một cái tên tôi đang nghĩ đến lúc này, “Âu Cơ”. Đây không phải tên thật của bà, mà do sử Tàu chép lại. “Cơ” là mĩ từ để chỉ người con gái trong tiếng Hán, “Âu Cơ” thực chất là để nói người con gái của thị tộc Âu hoặc vùng đất Âu. Nếu nói như vậy, bất cứ người con gái nào của thị tộc Âu cũng có thể gọi là “Âu Cơ”? Ngày nay hiểu là thế, nhưng ở thời xưa, “cơ” là mĩ từ, nên “Âu Cơ” là để nói đến người con gái có thân phận cao trong tộc Âu (tộc trưởng hoặc con gái tộc trưởng). Theo một số thông tin tôi biết, người Việt cổ gọi bà là “nữ thần mặt trời”, sau này chép theo tiếng Hán là “Thái dương thần nữ”. Điều này không phải không có lý, bởi người Việt cổ thờ thần mặt trời nên các danh hiệu cao quý liên quan đến mặt trời, ánh sáng, lửa… sẽ được đặt cho những người đứng đầu.

    Định viết thêm nhưng… thôi phải đi nấu cơm rồi.

    Like

    1. Chào bạn,
      Xin trao đổi vài chuyện:
      Câu “Chế độ vương triều của người Việt cổ thì còn đến chậm hơn nhiều so với phía Bắc” chẳng có căn cứ gì, đó chỉ là cảm nhận. Nhớ chế độ đó của người Việt nhanh hơn nhiều thì sao? Hoặc bằng chính phía Bắc?
      Đoạn:” Xích Quỷ được cho là nhà nước sơ khai thành lập năm 2879 TCN, tức cách đây gần 5000 năm… trong khi bên Tàu vẫn ăn lông ở lỗ và thậm chí còn chưa xuất hiện chế độ thiện nhượng thì thật là dốt nát.”
      Bạn có lẽ hơi nhầm niên đại. Sử Việt lấy năm 2879 TCN tức là tương đương với đời Đế Nghiêu của Hoa sử. Đế Nghiêu nhận ngôi của Hoàng Đế, đích thực theo lối thiện nhượng, rồi lại truyền ngôi cho Thuấn cũng theo lối thiện nhượng. Vậy sao bảo bên Tàu chưa xuất hiện chế độ đó vào những năm này?

      Like

      1. Về chuyện “họ” của người Việt. Họ Hùng hoàn toàn không phải là “họ” theo kiểu dòng họ cha đặt cho con. Vì thế nó chẳng liên quan gì đến cách xác định niên đại cho thời điểm xuất hiện “họ” của bạn cả. Họ Hùng được hiểu là cả bộ tộc, thậm chí là vài tộc người đã thống nhất với nhau như trong truyện Hoàng Đế (họ Hữu Hùng) thống nhất các tộc của Viêm Đế (Viêm tộc), Xi Vưu (Cửu lê tộc) và Tây Lăng thị.
        Cũng vì họ Hùng này được gọi rộng như vậy nên 18 thế Hùng Vương không phải là 18 đời của 1 dòng họ cha truyền con nối mà là 18 triều đại luân chuyển giữa các dòng tộc khác nhau của cùng một họ Hùng. Những ý kiến phản bác của bạn đưa ra cũng rất gượng ép, chỉ là suy luận chưa có căn cứ để có thể bác đi được việc 18 triều Hùng.

        Like

      2. Về câu”Hiện nay các bạn có thể tìm danh sách 18 đời vua Hùng trên google, với những cái tên như “Hùng Hiền”… thật sự nhảm nhí. Đó đều là danh hiệu người đời đặt cho chứ không phải tên họ của các ngài ấy. Chẳng hạn với “Hùng Hiền”, thực ra là một người tên “Hiền” hoặc chữ “Hiền” để ca ngợi đức tính của ngài ấy, ghép với “Hồng” là tên gọi chung của các bộ lạc. Thậm chí ở thời ngài “Hồng Hiền” còn sống, chưa chắc dân chúng đã gọi ngài như vậy, mà chỉ do người đời sau học theo cách chép sử của Tàu, không biết ngài họ gì (vì như đã phân tích, ở thời đó có thể chưa có “họ”), lại nghe sự tích “Hùng vương”, sau đó dùng cách hiểu ở thời đại mình rồi suy đoán ông này họ Hùng!
        Tư liệu dân gian, cha ông để lại chẳng có gì là nhảm nhí cả. Cho dù ông Hùng Hiền lúc sống người ta gọi ông là Đế Minh hay Hoàng Đế thì không có nghĩa là sau này trong sách vở không thể gọi ông ta là Hùng Hiền được. Vua chết còn có thụy hiệu. Và người ta vẫn dùng thụy hiệu để ghi chép sử sách hoặc để kể về vị vua đó, cho dù cái tên đó chưa hề có khi ông ta còn sống. Vì thế những cái tên của dân gian và truyền thuyết để lại hoàn toàn có nghĩa và chỉ những vị vua, những triều đại xác định, vì “dân không nói chơi”. Chẳng ai đem việc tổ tiên thờ cúng ra đùa cả. Người dân đã đặt tên tất nhiên nó phải liên quan tới người được gọi tên đó.

        Like

      3. Về đoạn: “Âu Cơ”. Đây không phải tên thật của bà, mà do sử Tàu chép lại. “Cơ” là mĩ từ để chỉ người con gái trong tiếng Hán, “Âu Cơ” thực chất là để nói người con gái của thị tộc Âu hoặc vùng đất Âu. Nếu nói như vậy, bất cứ người con gái nào của thị tộc Âu cũng có thể gọi là “Âu Cơ”? Ngày nay hiểu là thế, nhưng ở thời xưa, “cơ” là mĩ từ, nên “Âu Cơ” là để nói đến người con gái có thân phận cao trong tộc Âu (tộc trưởng hoặc con gái tộc trưởng)”
        Bạn nói đúng, Âu Cơ nghĩa là con gái của tộc Âu, tộc trưởng hoặc con gái tộc trưởng… Điều này tôi hoàn toàn đồng ý. Nói cách khác Âu Cơ là biểu tượng của tộc Âu, hoặc là biểu tượng vương quyền (người quản lý) tộc Âu… Như thế Âu Cơ chính là một trong 18 triều đại họ Hùng rồi, khi tộc Âu làm chủ quốc gia…
        Vài lời xin phản hồi vậy. Bạn có rảnh xin mời tiếp chuyện.

        Like

  3. ThanhThien

    Bạn bachviet18 thân mến,
    Bài viết của tôi mục đích chính không phải để phản bác bài viết của bạn, tôi chỉ nói một số quan điểm tôi không đồng tình, và sau đó tôi đưa ra những quan điểm mà tôi hiểu khác. Nói cách khác, bạn đưa ra giả thuyết của bạn, tôi đưa ra giả thuyết của tôi… chứ mục tiêu để tranh luận thì gần như không có.

    Nay đọc phản hồi của bạn tôi rất vui, tôi xin phép trả lời vài câu hỏi bạn đưa ra.

    Thời nhà Hạ, mặc dù là một triều đại, nhưng đã được cho là trong thần thoại, không có căn cứ… thì trước đó thời Nghiêu, Thuấn cũng vậy. Không thể dựa theo thần thoại để bàn. Ngay cả nếu dựa theo thần thoại, tạm cho có ông Nghiêu, Thuấn, Vũ, Khải… thì mấy ông này với tuổi đời của người bình thường sống được bao nhiêu năm? Cho nên ông Nghiêu nếu có thật cũng chỉ hơn ông Khải vài chục cho đến tầm 100 tuổi. Nhà Hạ được phỏng đoán thành lập vào khoảng năm 2200 TCN, vậy ta cứ cho ông Nghiêu sống vào năm 2300 TCN, tức 4300 năm trước? Trước ông Nghiêu thì có Phục Hi, Nữ Oa… rồi Bàn Cổ… tóm lại, thời gian càng xa thì càng bị thần thoại hóa. Cho nên chế độ thiện nhượng tại TQ và trên thế giới (ta cũng cần xét chung lịch sử thế giới) mới chỉ có khoảng hơn 4000 năm trước, xa hơn nữa đến gần 5000 năm thì thậm chí còn chưa có khái niệm thị tộc mà đang sinh sống bầy đàn ấy chứ. Dĩ nhiên tôi không khẳng định chắc chắn, nhưng độ khả tín là cao. Ngay cả khi tôi sai trong một ví dụ thì cũng không có nghĩa mọi lập luận và ví dụ khác đều sai, quan trọng kết quả lập luận của tôi đúng: Không thể tồn tại một quốc gia Xích Quỷ cách đây gần 5000 năm.

    Cách đây 4000 năm phần lớn con người còn chưa có “họ”, bạn có thể kiểm tra lịch sử các quốc gia khác để kiểm chứng. Ở Anh đến thế kỉ 11 mới có họ, còn Nhật thì phải đến thế kỉ 19 (dân thường). Mặc dù theo truyền thuyết Tàu, Phục Hi sống cách đây 4800 năm đã lệnh cho dân phải có họ tên gọi là “gia tính” hay “tộc tính”, nghĩa là họ tên của dân Tàu có sớm nhất cũng cách đây từ 4800 năm đổ lại. Nhưng cần nhắc lại, đây chỉ là thần thoại, dân Tàu cái gì cũng muốn mình nhất thế giới, có đầu tiên trên thế giới… còn thực tế họ tên của dân Tàu có thể xuất hiện muộn hơn rất nhiều.

    Theo huyền sử, Phục Hi ở ngôi vị hơn 100 năm, truyền được 15-16 đời với tổng cộng hơn 1200 năm, nếu trừ lùi từ năm 4800 thì họ Phục Hi làm “vua” cho đến 3600 năm trước. Tất nhiên, ta có thể hiểu đây là 15- 16 triều đại theo giả thuyết của bạn, nhưng mấu chốt không phải ở chỗ đấy, mấu chốt ở chỗ cũng huyền sử Tàu lại chép nhà Hạ có từ cách đây 4200 năm.

    Cho nên một lần nữa tôi cần nhắc lại, không thể dựa theo thần thoại, phải dựa theo khoa học. Chưa có khoa học nào chứng minh được cách đây hơn 4000 năm con người đã có “họ”, đồng thời cũng không thể đem thời đại Nghiêu- Thuấn ra để bàn, ngoại trừ chi tiết trước 4000 năm thì đã có một thời gian các bộ lạc có huyết thống/tôn giáo gần gũi đã tập hợp với nhau bầu ra thủ lĩnh chung và truyền chức vị theo hình thức thiện nhượng.

    Cái gọi là “nhà nước” Xích Quỷ ra đời cách đây hơn 4700 năm, tức Kinh Dương Vương phải cùng… trà tuổi với Phục Hi, chung quy cũng chỉ là thần thoại. 4700 năm trước còn ăn lông ở lỗ, còn du canh du cư, chưa có khái niệm chiếm hữu đất đai, chỉ là các bộ lạc thì làm gì có chuyện lập quốc gia?

    “Hùng” dĩ nhiên không phải họ, “Hồng” cũng không. Tập hợp “Hồng dân” thực chất là nhiều bộ lạc có chung một tôn giáo thờ thần mặt trời. Khi nhìn vào các bằng chứng dân gian, sẽ thấy gọi đúng phải là “vua Hồng” chứ không phải “vua Hùng”, còn nguyên nhân tại sao bị đọc chệch thì có rất nhiều, những gì tôi đưa ra chỉ là giả thuyết, và tôi còn có thể đưa thêm nhiều giả thuyết khác… nhưng chung quy, nguyên nhân là gì không quá quan trọng, quan trọng ta phải biết người Việt là “con Lạc, cháu Hồng”. “Hồng” chứ không phải “Hùng”.

    Một số người học chưa thông, dựa vào mấy cái “tên” từ thời con người còn chưa có… tên rồi bàn loạn lên xem các vua Hùng họ Lạc hay họ Hùng… thật là việc thừa thãi. Cũng chính vì dựa theo sử Tàu chép cho ta (cuốn sử Việt đầu tiên được người Tàu chép khi sang đô hộ nước ta lần đầu tiên, chứ không phải ta chép) nên mấy người này lại ngộ nhận chữ Hán có nguồn gốc từ Việt Nam, trong khi đó chữ Việt cổ đã được chứng minh là có thật (tìm đọc những tài liệu về chữ Việt “nòng nọc”). Có thể ở thời đại Hồng, người dân nói “người kia là dẫn đầu dân Hồng chúng ta”; sau thời đại Hồng, khi đã hình thành nhà nước, người dân kể lại với nhau “trước kia có vua Hồng”, bởi người dân quan niệm dẫn đầu một quốc gia phải là vua, thế rồi sử tàu chép lại thành: Hùng vương.

    “Hùng Hiền” là tư liệu dân gian nhưng cũng không hoàn toàn là tư liệu dân gian, bởi nó được ghi chép lại theo ý chí chủ quan của thời đại sau. Thời đại trước có thể nói “tiếp theo, đến ông Hiền dẫn đầu dân Hồng”, thời đại sau lại chép thành “ông vua Hùng Hiền” chẳng hạn. Chỉ một số tư liệu dân gian có tính đặc thù, không thể bị hiểu sai hoặc nhầm lẫn như “con Lạc, cháu Hồng” thì mới có độ tin cậy cao. Còn cái tên, danh hiệu.v.v. tiếng Việt nói một đằng, tiếng Hán chép một nẻo. Hơn 1000 năm đô hộ, dân Việt vốn đã bị Tàu xóa gần như sạch lịch sử, chỉ còn truyền miệng nhau câu nói “con Lạc, cháu Hồng”… mãi sau này khi giành được độc lập mới đặt lại vấn đề về lịch sử, khi ấy sổ sách, tư liệu có thể tham khảo lại… là từ tiếng Hán. Cho nên, tôi nói cái “tên” như “Hùng Hiền” không hoàn toàn là tư liệu dân gian, bởi nó không được truyền miệng từ đời này sang đời khác, mà được ghi chép trong sách sử cũ. Tôi cũng chỉ nói nếu ai cho rằng “Hùng Hiền” là một cái TÊN thì mới là nhảm nhí (chứ tôi không nói bản thân hai chữ “Hùng Hiền” nhảm nhí), phải nói chính xác rằng đây là “danh hiệu” của một vị (cứ cho là vua) từng dẫn dắt Hồng dân theo truyền thuyết.

    Tôi cho rằng nói 18 “triều đại” là không chính xác trong cách dùng từ, mặc dù về ý thì đúng. Bởi “triều đại” là để nói đến thể chế của một quốc gia, có vương vị, có cha truyền con nối… Chỉ khi một thị tộc khác nhờ vào chiến tranh, cướp lấy ngôi vị của thị tộc cũ rồi xưng vương thì mới được coi là đã thay đổi triều đại, mà đã thay đổi triều đại thì không thể nào lại đi dùng tên của triều đại cũ- cái tên gắn với gia tộc kẻ địch. Nghĩa là, ở đây nảy sinh vấn đề liên quan đến bản chất của từ ngữ. Cho nên “thế” trong “thập bát thế” là để nói đến “thời đại” chứ không phải “triều đại”.

    Nhưng điều này mới quan trọng, cho dù qua 18 triều đại hay 18 thời đại, thì có thể trải qua khoảng 2000 năm mà danh hiệu của các vị “vua” không thay đổi, vẫn là “Hồng” thì điều đó chắn chắn khẳng định được người Việt tự xưng “cháu Hồng” chính là vì tổ tiên đều theo tôn giáo (hoặc có thể là tín ngưỡng) thờ thần mặt trời. Tôi nghĩ khi Tàu xâm chiếm nước ta, họ coi đây là dị giáo, đồng thời để xóa lịch sử của dân Việt nên đã bằng nhiều thủ đoạn để người Việt không giữ tín ngưỡng này nữa.

    Ở đây, tôi chỉ đang dùng lý thuyết để chứng minh về tín ngưỡng thờ thần mặt trời ở nước ta, liệu tôi có sai? Không hề, các nhà khảo cổ học từ lâu đã chứng minh được người Việt cổ thờ thần mặt trời rồi. Vốn dĩ các nhà khoa học đã chứng minh trên thực tế rồi thì tôi không cần phải nói gì thêm, nhưng tôi đưa ra những phân tích trên còn vì muốn chứng minh một điều nữa, đó là cho dù không có các di chỉ, di tích lịch sử… ta vẫn có thể chứng minh được người Việt từng là “Hồng dân” nhờ vào dữ kiện dân gian, mà chìa khóa lớn nhất chính là câu nói được lưu truyền hàng ngàn năm nay: Con Lạc, cháu Hồng.

    Không biết ai đã nghĩ ra câu nói này, nhưng hẳn phải là người có vị trí rất cao trong “Hồng dân”, nhìn thấy trước nguy cơ sẽ xảy đến, biết con cháu sẽ loạn lạc nên dặn trước, để con cháu đời sau dù không có sử sách, dù không được học hành nhưng miễn còn lưu truyền được câu “con Lạc, cháu Hồng” thì một ngày nào đó vẫn tìm về được cội nguồn của dân tộc.

    Vài lời chia sẻ, một lần nữa tôi không muốn bạn hiểu nhầm rằng tôi có ý tranh luận, tôi chỉ là đưa ra suy nghĩ của mình thôi, chúng ta còn rất xa mới đến được với sự thật, cũng chỉ là trao đổi một chút để thể hiện tình yêu đối với dân tộc.

    Like

    1. Bạn cứ trao đổi thoải mái.
      Tư duy duy lý của Tây học áp vào phương Đông không phải lúc nào cũng hữu dụng. Bạn gạt hết cả thần thoại, truyền thuyết dân gian, thì lấy cái gì mà nói về thời cổ, khi chữ viết chưa có?
      Nhà Hạ đâu phải thần thoại, không có chứng cớ gì… Trung Quốc không tìm thấy chứng cớ của nhà Hạ bởi vì nhà Hạ vốn không nằm ở Trung Quốc. Vì thế nó mới bị biến thành “thần thoại” hết. Trong khi nhà Hạ lại nằm chính ở Việt Nam, với nền văn hóa Hạ Long (long là vua, Hạ Long là vua Hạ) bắt đầu quãng 4000 năm lịch sử.
      4000 năm thì không còn là thiện nhượng nữa rồi. Nhà Hạ từ hạ Khải bước vào thời kỳ cha truyền con nối, chính thức vào thời kỳ mà ta gọi là lịch sử 4000 năm.
      Từ 5000 năm khi vua Hùng lập nước tới thời Hạ Khải – Lạc Long Quân là thời thiện nhượng của Nghiêu Thuấn Vũ, truyền thuyết Việt gọi là Đế Nghi – Lộc Tục – Sơn Tinh. Chưa phải “lịch sử” nhưng đã có thủ lĩnh, có nhà nước rồi.
      Hùng Hiền Vương là tiếng tam sao thất bản của Hiên Viên Hữu Hùng Hoàng Đế mà truyền thuyết Việt gọi là Đế Minh (Minh là sáng là hiển = hiền = hiên). Đây là vị vua Hùng đầu tiên, lập ra “họ Hùng”. Họ ở đây chỉ cả một quốc gia, quốc và gia đi với nhau. Họ không phải chỉ là “gia” tộc như cách hiểu của phương Tây. Bạn lấy dẫn chứng ở Tây làm gì, vì văn minh phương Tây thời này đi sau phương Đông vài nghìn năm. Phương Đông có họ trước phương Tây nhiều.

      Like

      1. ThanhThien

        Bạn nói tôi gạt hết tất cả thần thoại, dân gian… thì không đúng rồi. Tôi bám rất sát vào bằng chứng dân gian “con Lạc, cháu Hồng” và nhiều bằng chứng dân gian khác. Cái tôi dùng trong lập luận vấn đề là logic học, là phương pháp tư duy biện chứng… không liên quan đến Tây hay ta. Còn cái bạn dùng là gì? Nếu là suy diễn từ những câu chuyện thần thoại mà không có bất cứ bằng chứng nào… ok, tôi vẫn tôn trọng điều đó, bởi chúng ta đều đang đưa ra giả thuyết, dùng giả thuyết để phản biện nhau là việc làm không cần thiết.

        Có lẽ bạn biết trước chúng ta còn có những nền văn minh khác? Và bọc trăm trứng của Âu Cơ có thể đơn giản là cái đĩa bay, có nhiều người bước ra và dạy dỗ dân chúng còn đang ở thời kì ăn lông ở lỗ? Những câu chuyện về cỗ xe mặt trời, con chim phun lửa… trong thần thoại cả phương Đông và Tây có thể đều đang mô tả về máy móc của một nền văn minh khác. Đó cũng là một giả thuyết. Dĩ nhiên, cũng không cần bằng chứng hoặc lập luận nào cho nó.

        Bạn khẳng định nhà Hạ nằm ở… Hạ Long thì tôi không đồng tình, bởi nếu hiểu về vị trí địa lý của nhà Thương, lịch sử di dân của đông Á (dựa trên dữ liệu khảo cổ) xuất phát từ dãy Himalaya sau kỉ băng hà… bạn sẽ không đưa ra kết luận như vậy. Đồng ý rằng không phải vấn đề nào khoa học cũng chứng minh được, nhưng điều gì đã chứng minh được thì phải tin chứ?

        Dẫu sao, mọi việc đều có lý do của nó, đôi khi cách tiếp cận bất ngờ có thể cho ra những phát kiến bất ngờ. Tôi hy vọng điều đó từ bạn trong tương lai.

        Like

      2. Lịch sử không nhất thiết phải di dân, nhất là thời kỳ đầu khi đất đai còn rộng.
        Bạn có thể nói rõ hơn chuyện di dân từ Hymalaya mà bạn nhắc đến? Vào thời kỳ nào? Theo hướng nào?
        Khi có thông tin cụ thể thì sẽ thấy, không có gì vô lý nếu Hạ ở Hạ Long, Thương ở Giang Tây, Ân mới lên tới Hà Nam. Từ Hạ Khải đến Ân Trụ Vương có cả ngàn năm để vật đổi sao dời đó. Chỉ riêng đời Bàn Canh đã 5 lần 7 lượt thiên đô đủ thấy trung tâm của Trung Hoa không nằm một chỗ qua thời Tam Đại.

        Like

  4. ThanhThien

    À, một số đoạn tôi chê bai “dốt nát”… này nọ trong bài viết đầu tiên không phải là chê bạn đâu nhé, vì mấy thông tin ấy thực ra bạn không trực tiếp đề cập đến. Khi viết những dòng đó là tôi đang nghĩ đến một số người khác, xin lỗi nếu gây hiểu nhầm đến bạn ^^

    Like

    1. Commenter

      Chê dốt mà chê đúng người biết mình dốt nhận mình dốt nghĩa là chê giỏi, chả ai dốt. Đồng ý người Việt xưa thờ mặt trời, chúng ta là con cháu của mặt trời. 😀

      Like

Leave a comment