Họ Vi và họ Đồng

Họ Vi là dòng họ lớn của người Tày ở vùng ven biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng. Họ này từng có những người làm các chức quan tộc nhiều đời ở đây như tổng đốc Vi Văn Định thời trước cách mạng tháng Tám. Nguồn gốc họ Vi theo sách Thất tộc thổ ty của Lã Văn Lô như sau:
Xét gia phả họ Vi, nguyên tổ tiên là họ Hàn tên là Nhân, dòng dõi của Hoài Âm hầu Hàn Tín. Lã Hậu nghi Hàn Tín mật thông với Trần Hy làm phản, nên cùng lập mưu với Tiêu Hà diệt trừ Hàn Tín. (khoảng năm 110 trước CN). Lúc bấy giờ một người thiếp của Hàn Tín có thai, Tiêu Hà mật gửi cho Triệu úy Đà ở Lĩnh Nam nhận nuôi. Đà làm Long châu lệnh (Long châu nguyên là đất Việt ta, thời Tần Vua sai Triệu Đà theo Nhâm Thao sang chia cai trị, đất ấy đến bây giờ thuộc Hán), nuôi nhận (tức là con người thiếp của Hàn Tín) rất chu đáo. Khi Nhân trưởng thành, giúp Đà làm việc, Đà chia đất cho từ Thượng Thạch trở đi, lấy phía Đông làm giới hạn. Đà sai Nhân bỏ nửa chữ Hàn đi trở thành họ Vi từ đó (để tránh chu di Tam tộc). Từ khi Nhân ở đất Long châu, từ Thượng Thạch về phía Đông, Cổ Lân, Tư Lãng về phía Bắc đều giao cho Nhân quản trị. Đến lúc họ Triệu suy, Nhân chiếm ức đất Long châu, sai con thứ chín là Vi Tiết Nghiêm, giúp cai trị. Sau Nghiêm kiêu ngạo làm bậy bị Hồ giết chết (Hồ là cháu Triệu Đà, con Trọng Thủy lấy Mỵ nương nước Việt sinh ra). Họ hàng con cháu lánh nạn về đất Nhật Nam, trở thành một dòng họ quý tộc ở đất này. Như thế đủ thấy phúc trạch họ Vi đầy đặn và lâu dài.
Đoạn tộc phả trên chứa đựng những thông tin khá lạ về giai đoạn Lưu Bang – Triệu Đà trên đất Việt. Hoài Âm Hầu Hán Tín là mưu sĩ đại công thần của Lưu Bang trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng. Khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế đã tìm cách diệt trừ các công thần có quyền thế lớn, trong đó có Hàn Tín. Tiêu Hà, một cận thần của Lưu Bang đã ra tay cứu vớt dòng họ Hàn, gửi gắm vợ con của Hàn Tín cho Triệu Đà ở đất Lĩnh Nam. Họ Hàn (韩) bỏ đi nửa chữ, đổi thành họ Vi (韦) để tránh nạn chu di và được Triệu Đà trọng dụng cho cai quản một vùng đất lớn ở Long Châu…
Chỗ lạ của chuyện này là việc Tiêu Hà gửi gắm dòng máu của Hàn Tín cho nhà Triệu. Triệu Đà và Lưu Bang theo sách sử ngày nay khởi nghĩa thành công cùng một năm ở 2 miền Nam Bắc riêng biệt. Nam Việt và Tây Hán có liên quan gì đến nhau đâu mà Tiêu Hà lại thân thiết với Triệu Đà đến mức có thể giao phó một chuyện lớn như vậy? Họ Vi bắt đầu từ con của Hàn Tín người Hán sao lại cuối cùng thành ra một dòng họ của người Tày?
Đoạn tộc phả trên có thể giải thích theo cách nhìn mới về thời kỳ lịch sử nhà Tây Hán và Nam Việt. Hiếu Cao Tổ Lưu Bang vốn xuất thân là một đình trưởng nhỏ ở đất Bái. Từ lúc thả dân phu đi Lịch Sơn Lưu Bang bỏ vào vùng rừng núi Mang Đường (= Mường) ẩn náu. Khi Tần Thủy Hoàng mất, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Viên huyện lệnh đất Bái theo lời “tư vấn” của Tiêu Hà mời Lưu Bang về trợ giúp, song sau lại đổi ý, dẫn đến kết cục bị nhân dân đất Bái nổi dậy giết chết, tôn Lưu Bang làm Bái Công, cầm đầu khởi nghĩa kháng Tần…
Từ góc nhìn của dòng sử dân gian Việt chuyện này được chép là Triệu Đà người Chân Định (Kiến Xương) ở đất Thái Bình (Thái Bình phiên thiết Bái), thay chức Nhâm Ngao, rồi khởi nghĩa ở huyện Long Xuyên hay Long Biên. Tộc phả họ Vi chép Long Xuyên là Long Châu. Thực ra Long Châu hay Long Xuyên là quận Tam Xuyên thời Tần vì Tam và Long đều là những dịch tượng chỉ hướng Đông. Nhâm Ngao theo như tộc phả trên là người từng cai quản đất Long Châu – Long Xuyên này, không phải Nhâm Ngao là quận thủ của quận Nam Hải như sách sử vẫn chép. Từ quận Tam Xuyên Lưu Bang – Triệu Vũ Đế mới đánh chiếm Quế Lâm, Nam Hải và quận Tượng, làm chủ toàn bộ vùng đất mà nhà Tần thiết lập trên đất Việt trước đó.
Tiêu Hà là cận thần theo Lưu Bang từ khi khởi nghĩa còn đang trứng nước ở đất Bái – Long Xuyên. Vì thế quan hệ Tiêu Hà với vùng Long Châu mới rất gần gũi như trong tộc phả họ Vi đã kể. Triệu Đà lập nước Nam Việt sau khi Lữ Hậu mất là một người cháu của Lưu Bang, nên Lưu Bang được nhà Triệu Nam Việt tôn là Vũ Đế. Con cháu của đại tướng quân Hàn Tín như vậy mới được trọng dụng ở Nam Việt, nhằm đối đầu với triều Hiếu (Tây Hán) ở phía Bắc, được dựng nên bởi các cận thần của Lưu Bang sau khi Lữ Hậu mất.
Tộc phả họ Vi còn cung cấp một chi tiết nữa. Con cháu họ Vi lánh nạn ở đất Nhật Nam. Nhật Nam nếu theo định vị hiện tại nằm ở vùng Nam Trung Bộ Việt Nam, lấy đâu ra dòng họ Vi? Trong khi đó dòng họ Vi tới nay vẫn là một dòng họ lớn, có vai vế ở vùng Lạng Sơn và Quảng Tây. Như vậy vùng đất Nhật Nam được nói tới không phải là ở miền Trung mà là khu vực phía Nam Quảng Tây và một phần giáp ranh Bắc Việt. Vị trí quận Nhật Nam cũng là nơi Khu Liên khởi nghĩa cuối thời Đông Hán, không phải ở miền Trung Việt Nam mà là ở Quảng Tây.
Một dòng họ khác cũng có nguồn gốc bắt đầu từ thời Tây Hán là họ Đồng. Theo các tài liệu do chị Đồng Hồng Hoàn thu thập thì họ Đồng là hậu duệ của sử gia nhà Tây Hán Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên vì bị liên luỵ trong vụ án Lý Lăng nên đã phải chịu cung hình. Để bảo toàn gia tộc, 2 người con của ông buộc phải đổi họ. Người con trưởng là Tư Mã Lâm (司马临) từ họ phức là Tư Mã (司马) đã lấy chữ Mã (马) đồng thời thêm 2 chấm bên trái đổi thành họ Phùng (冯). Người con thứ là Tư Mã Quan (司马观) từ họ phức Tư Mã (司马) lấy chữ Tư (司) đồng thời thêm một nét sổ bên trái chữ Tư đổi thành họ Đồng (同). Hiện nay tại thôn Trại Từ Long Môn thuộc Hàn Thành, Thiểm Tây, quê hương của Tư Mã Thiên tuy không còn họ Tư Mã, nhưng người họ Phùng, họ Đồng rất đông, họ đều là con cháu đời sau của Tư Mã Thiên. Cả ngàn năm nay hai họ Phùng và Đồng vì cùng tế chung một ông tổ nên không bao giờ thông hôn, họ đều là người một nhà.
Còn gia phả họ Đồng ở Cổ Loa, Đông Anh thì cho biết: Tương truyền rằng trước đây tổ tiên là người Trung Quốc – họ Đồng Mã, nhưng không truyền tại duyên cớ gì sang bản quốc cư trú tại xã Nam Gián, tỉnh Hải Dương; Họ là từ chữ Tư (司) rồi thêm một nét sổ thành chữ Đồng (同)…
Vấn đề muốn bàn ở đây là tổ tiên họ Đồng đã sang định cư ở Hải Dương vào thời gian nào, vì duyên cớ gì?
Họ Tư Mã là một trong bách gia tính Trung Hoa, tức là người Bách Việt. Vốn Trình Bá thời Chu làm chức Tư mã rồi lấy đó làm họ. Như vậy Tư Mã Thiên là một sử gia người Hoa Việt, chép sử dưới thời Hiếu Vũ Đế, cũng là một triều đại Việt. Đây hoàn toàn không phải họ của người Hán như việc đánh lẫn họ của vua Tấn (Tư Mã Chiêu) với họ của Tư Mã Thiên. Tấn là chữ phiên thiết của Tây Hán, là người Hán chứ không phải người Hoa, nên không thể chung họ với Tư Mã Thiên được. Vả lại con cháu Tư Mã Thiên đều đã đổi sang họ Phùng và họ Đồng, làm gì còn ai mang họ Tư Mã mà sau này làm vua Tây Hán – Tấn.
Khi xác định họ Đồng VN bắt đầu từ Tư Mã Thiên thì việc có một người họ Đồng Trung Quốc đến Nam Gián, Hải Dương nhiều khả năng sẽ là dưới thời Sĩ Nhiếp, khi “danh sĩ nhà Hán sang nương nhờ có hàng trăm người“. Sĩ Nhiếp này là các thái thú châu mục Đặng Nhượng, Tích Quang của triều Tân chống lại giặc Hán, chứ không phải Sĩ Nhiếp thời Tam quốc.
Cuối thời Tân, đám Lục Lâm thảo khấu (được gọi là Hán quân) nhân cơ hội Trung Hoa suy yếu sau cải cách của Vương Mãng đã cướp được chủ quyền Trung Hoa. Tiền nhân họ Phùng là Phàn Sùng đã tôn một người cháu của Lý Bôn – Lưu Bang là Lưu Bồn Tử (Lý Bôn Tử) lên ngôi và phát động cuộc khởi nghĩa Xích My đánh dẹp quân Lục Lâm. Phàn Sùng chiếm được Trường An (kinh đô thời nhà Hiếu) nhưng sau đó bị thất bại bởi quân của Lưu Tú (Hán Quang Vũ). Trường An là nơi có nhà Tư Mã = Đồng + Phùng. Trong khởi nghĩa của họ Phùng này hẳn con cháu Tư Mã Thiên họ Đồng đã tham gia.
Họ Tư Mã vốn là những danh sĩ của nhà Hiếu, tiếp là triều Tân của Vương Mãng, nên sau khi khởi nghĩa của họ Phùng (Phàn Sùng) thất bại hẳn người họ Đồng đã phải chạy giặc xuống phương Nam, nương nhờ các thái thú châu mục ở đây lúc này là Đặng Nhượng và Tích Quang. Đặng Nhượng là người Việt quê ở Gia Lâm nên việc họ Đồng tới vùng Hải Dương rất liên quan đến thời điểm này.
Qua 2 câu chuyện của họ Vi và họ Đồng có thể thấy triều đại của nhà Hiếu (sử ngày nay gọi là Tây Hán) có liên quan trực tiếp đến vùng đất Giao Chỉ. Đây là nơi các danh sĩ nhà Hiếu, nhà Tân đã tìm về để ẩn náu do những biến động của thời cuộc bởi vì đây là đất gốc tổ của người Hoa Việt, của Hiếu Cao Lưu Bang và là nơi được các vị nhân sĩ trí thức yêu nước kiên cường chống giặc Hán xâm lược ngay cả khi triều đình trung ương đã rơi vào tay giặc (thời Sĩ Nhiếp). Mảnh đất Giao Chỉ do vậy là nơi hội tụ và bảo giữ được những dòng máu, những văn hóa cổ xưa nhất của người Bách Việt.

3 thoughts on “Họ Vi và họ Đồng

  1. Văn Nhân góp ý:
    Tiến sĩ Nguyễn Việt khi nghiên cứu những chữ khắc trên cái thạp đồng tìm thấy ở Việt nam là anh em song sinh với thạp đồng Triệu Đà đã phát hiện: 2 chữ khắc trên đó không phải là ‘Long Xuyên’ của Hán văn mà đọc là ‘Long xoang’, đặc biệt chữ Xoang không có trong từ điển Hán ngữ.
    Theo tôi Xoang là từ Nôm và là biến âm của Choang tiếng Việt nghĩa là sáng (sáng choang), châu cũng là sáng nên Long choang và Long châu là 1. Long cùng với tam – 3 đều là Dịch tượng chỉ phía Đông nên Long Xoang cũng là Tam xoang – Tam Xuyên, tên quận nhà Tần lấy đất nhà Châu lập nên và Long xoang cũng là Long châu – Đông Châu.
    ‘Choang – sáng’ chính là tên gọi dân tộc Choang ngày nay và tên gọi này đã chỉ ra người Choang và người Việt là dân Đông Châu chính gốc …
    Sự liên hệ ngữ nghĩa và được dùng thay thế lẫn nhau của các từ trong hệ ngôn ngữ dựa trên Dịch tượng giúp xác định Giao chỉ xưa và Quảng Tây nay chính là đất trung tâm thời Đông châu, Đông đô – Hà Nội chính là Đông đô nhà Châu xưa.

    Like

  2. Theo sách Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo (tri huyện Vĩnh Lộc dưới thời vua Gia Long):
    “Đền thiêng ở Thiên Vực
    Tương truyền dền này thờ Kỷ Tín, ông sống vào thời Hán, là tướng quân của Cao Tổ. Khi ấy Sở bao vây Hán rất nguy khốn, ông cải trang thành Cao Tổ, nghi vệ hoàng ốc đầy đủ xe kiệu, nhận chết thay cho Hán Vương. Nhờ việc báo đáp công lao trước nên phong là Đô Đại Thành hoàng Đại vương, Quảng tri Thành hoàng các xứ, lập miếu ở Trường An thờ phụng. Bấy giờ Triệu Việt Vương sai quan sứ vào cống nạp nhà Hán, sứ giả liền chép tên hiệu trở về nước phụng thờ làm chủ hội thề qua các đời. Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly dời đô về An Tôn thuộc huyện Vĩnh Ninh, Nhân đó, rước về lập miếu ở xã Thiên Vực phụng thờ.”
    Kỷ Tín còn được thờ ở làng Tạnh Xá (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa).
    Câu chuyện về Kỷ Tín ở Thanh Hóa lạ ở chỗ Triệu Việt Vương (tức là vua Triệu của nước Nam Việt) rước vị trung thần đã chết thay cho Lưu Bang về thờ để làm gì? Quan hệ giữa Nam Việt với Lưu Bang là thế nào?
    Như đã viết trong bài, nhà Triệu Nam Việt là con cháu Lưu Bang, tôn Lưu Bang làm Triệu Vũ Đế. Chính vì vậy mà Kỷ Tín, người đã cùng Lưu Bang từ khi khởi nghĩa kháng Tần và chết thay cho chủ mới được nhà Triệu Nam Việt đánh đường xa xôi sang tận kinh đô Tây Hán ở Trường An rước về thờ phụng.

    Like

  3. Ở Thiên Vực (Thọ Vực, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) còn một địa danh nữa liên quan đến thời Tây Hán là động Hồ Công. Chuyện kể ở đây nói về một vị tiên ngủ trong quả bầu (Hồ Công) và Phí Trường Phòng. Đây là một câu chuyện của đạo Giáo thời Tây Hán, nhưng không hiểu vì sao lại có di tích ở Thanh Hóa. Động Hồ Công ở Vĩnh Lộc đã được nhiều vị vua chúa, tao nhân mặc khách đến thăm và đề thơ như vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Nghiễm rồi Ngô Thì Sĩ. Động này nằm gần di tích thành nhà Hồ.

    Like

Leave a comment